Trên facebook văn
chương có gì
So với website thì
facebook không có vẻ ngoài chỉn chu, sang trọng và mang màu sắc cá nhân. Thế
mạnh của facebook là sự gần gũi, giản dị, tính tương tác cao.
Thử ghé thăm một vài
địa chỉ facebook của một số nhà văn, nhà thơ thì thấy một điều khá rõ là thơ
đang lấn át. Đó là tác phẩm mới, hay đơn giản là một bài thơ hay được chủ nhân
sưu tầm đưa lên. Trong số những bài thơ đó, phần nhiều thuộc thể loại thơ tình
với đủ màu sắc nhân tình thế thái như facebook của Hồng Thanh Quang, Phan Thị
Thanh Nhàn, Bình Nguyên Trang, Văn Công Hùng… và “hiện tượng” cây bút trẻ Phong
Việt.
Một thể loại thơ khác
được chú ý, như một đặc điểm không thể thiếu của internet là sự “khác thường”.
Như trường hợp cách đây chưa lâu khi xuất hiện bài thơ thay cho đơn xin nghỉ
học của một học sinh. Bài thơ được cộng đồng mạng thích thú, thực sự không có
giá trị gì về mặt nghệ thuật văn chương, dù nó được làm bằng thể loại thơ
truyền thống là lục bát. Sau bài thơ xin nghỉ học, cũng tác giả này lại cho
xuất hiện bài lục bát Tóm tắt truyện Kiều bằng thơ khá sinh động.
Với chưa đầy 40 câu thơ, tác phẩm Truyện Kiều dài 3.254 câu đã được tóm
tắt tương đối đầy đủ cuộc đời của nàng Kiều. Sự “lạ”, cộng với yếu tố hóm hỉnh,
nhẹ nhàng đã đánh đúng tâm lý của những người thích lướt facebook hiện nay. Sự
kiện này đã khiến không ít báo chí chính thống đồng loạt đưa tin.
Văn xuôi - nhất là thể
loại truyện ngắn và tiểu thuyết ít có cơ hội được xuất hiện trên facebook. Một
phần vì dung lượng chữ nhiều hơn so với thơ, phần nữa - lý do muôn thuở của văn
chương trên internet là độc giả chưa sẵn sàng tâm thế đọc cái gì dài hơi,
nghiền ngẫm. Đặc biệt là tiểu thuyết, thường phải là không gian chữ trên giấy.
Một phần nhỏ truỵện ngắn có mặt trên facebook, còn đa phần là tản văn. Tản văn
về các mùa, các loài hoa, mùi hương, gánh hàng rong, quê hương, một nơi đã đi
qua… Các bài tản văn chứa nhiều cảm xúc của người viết và sự đồng cảm của độc
giả.
Nếu một số nhà lý luận
phê bình hiện nay cho rằng, phê bình chưa theo kịp sáng tác thì có vẻ phần nào
ngược lại với văn chương trên facebook. Khi một bài thơ, một bài tản văn hay
một truyện ngắn xuất hiện trên facebook, thì rất nhanh sau đó có rất nhiều ý
kiến bàn luận được đưa ra. Bất kỳ một bài viết nào cũng nhận được phản hồi. Ý
kiến đó có thể đơn giản, kiệm lời chỉ là một like bằng biểu tượng ngón tay trỏ.
Còn lại là bình luận. Khen, chê, không thích, tiếc nuối… đủ cả. Nhưng tựu chung
lại thì bình luận văn chương trên facebook là vui vẻ, dĩ hoà vi quý chứ không
nặng nề. Vì thế mang nhiều cảm tính, thiếu bài bản và khó nói hay hi vọng to
tát hơn là nó vì nghệ thuật hay thúc đẩy văn chương tiến xa hơn. Chỉ trừ khi
tác giả dẫn những đường link từ nguồn báo chí hay một địa chỉ tin cậy.
Rộn ràng thời sự văn
chương là một trong những thế mạnh không thể phủ nhận mà facebook mang lại với
tiện ích nhanh về thời gian, rộng về lan truyền. Một cuốn sách mới của nhà văn
sắp ra mắt bạn đọc, các cuộc toạ đàm, hội thảo, giao lưu… chưa diễn ra, sắp
diễn ra rồi đang diễn ra và đã diễn ra đều được cập nhật. Rồi đến cả việc kêu
gọi ủng hộ từ thiện cho tác giả bệnh tật, khó khăn. Cả người làm thơ đi bán cao
hà thủ ô khuyến mại bằng thơ. Rôm rả cuộc thi thơ trên mạng… Nếu biết lựa chọn
thông tin thì có thể nhìn được bao quát nhiều sự kiện liên quan đến văn học và
người cầm bút đương thời.
Hé lộ chân dung nhà
văn trên facebook
Trước đây, muốn biết
một nhà văn nào đó thì phải tìm đọc tác phẩm của họ cùng với một ít thông tin
“lý lịch trích ngang”. Với quan niệm “văn là người” nên nhiều trường hợp khi
độc giả đọc xong cứ nhất định cho rằng, nhân vật này, tính cách này không ai
khác chính là nhà văn. Suy luận này không phải không có lý khi thực tế nhân vật
có bóng dáng nhà văn như trường hợp Lê Lựu, Nam Cao…
Tuy nhiên, văn chương
là nghệ thuật có tính hư cấu, nên cái khoảng thật và ảo giữa nhà văn và nhân
vật khó xác định rạch ròi. Vì thế, chân dung nhà văn sau trang giấy vẫn là ẩn
số, thậm chí là điều bí ẩn, thiêng liêng.
Còn bây giờ, muốn biết
nhà văn nào, nếu quan hệ rộng thì hỏi những nhà văn khác là bạn bè hoặc có mối
quan hệ với nhà văn đang cần biết. Còn không thì chỉ cần vào mạng internet tìm
hiểu là chân dung nhà văn hiện ra khá đầy đủ. Và facebook là một trong những
điạ chỉ hữu hiệu cho việc tìm kiếm ấy. Hơn thế, còn có thể trò chuyện, đặt
những câu hỏi trực tiếp cho nhà văn.
Như trường hợp dịch
giả Lê Bá Thự, tuổi cũng không còn quá trẻ nhưng phần bình luận gần như toàn
bằng thơ lục bát rất hóm hỉnh, bất ngờ. Hoá ra tâm hồn dịch giả rất trẻ trung,
dí dỏm. Không nhờ facebook thì ít ai biết được điều này nếu không thân
quen với dịch giả. Nhà văn quân đội Đỗ Bích Thuý, lại kiêm phó tổng biên tập
một tạp chí văn học, nếu không vào facebook dễ bị mặc định nhà văn này rất…
nghiêm nghị! Thế nhưng qua facebook thì thấy không phải vậy. Chị tươi vui, dễ
hoà đồng… Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ra nhiều đầu sách, ẵm giải thưởng từ to đến bé
thế mà “để lộ” những câu văn chi chít chính tả trong lúc tràn trề hứng và cảm
xúc nên viết không kịp chỉnh sửa…
Facebook là dạng nhật
ký mở, các nhà văn, nhà thơ cũng như mọi người muốn có nhu cầu được chia sẻ
trong cuộc sống. Qua facebook, chân dung nhà văn đã hé lộ nhiều hơn. Đó là một
chân dung đời thường, dung dị, với chuyện con cái, nhà cửa, công việc, bạn bè,
chợ búa, thời trang, cơm áo gạo tiền… với những đắn đo, vui vẻ, lo âu, khích
lệ, yêu mến… Có lẽ, nên gọi đó là chân dung sau trang viết. Bởi nó khác hẳn so
với tưởng tượng của độc giả khi họ chỉ đối diện với tác phẩm còn người cầm bút
thì vẫn lặng lẽ ẩn mình sau trang viết.
Đặt câu hỏi liên quan
đến khái niệm “chân dung sau trang viết” đã và đang tồn tại trên facebook,
rằng: “Nhà văn có phải là người của công chúng? Nhà văn có ảnh hưởng gì đến độc
giả? Và nhà văn có nên “giữ lại” hay cân nhắc những gì riêng tư khi công bố
trên facebook không?”. Câu trả lời nhận được khá bất ngờ. Người cho rằng, nhà
văn dù gì cũng ít nhiều ảnh hưởng đến độc giả nên cần lựa chọn thông tin khi
công bố. Cái gì đi quá giới hạn cũng không hay. Nhưng cũng có nhà văn cho rằng,
đã là nhật ký thì không cần thiết phải cân nhắc. Nhà văn trước tiên cũng là con
người với những buồn vui, đau khổ dằn vặt, sao phải che lấp hay phủ nhận điều
đó. Nếu phải cân nhắc thì tốt nhất đừng dùng facebook.
Cái gì cũng có hai mặt
của nó. Và lựa chọn như thế nào trong cộng đồng mạng xã hội xin dành quyền
quyết định cho mỗi nhà văn - những người tỉnh táo và đủ bản lĩnh khi tham gia.
Hiền Nguyễn
No comments:
Post a Comment