Thứ hai, sau thành công vang dội của Cánh đồng bất tận, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư giới thiệu đến bạn đọc tiểu thuyết đầu tay mang tên Sông. Ngoài hai “sự kiện nổi đình nổi đám” đó, trong năm 2012 còn có những hoạt động văn học mặc dầu không có sự hỗ trợ của truyền thông song lại có ý nghĩa nhất định đối với bản thân tác giả và những người nghiên cứu, phê bình văn học. Ở đây tôi muốn nói đến một trong số những trường hợp ấy: sự xuất hiện tiểu thuyết đầu tay Vọng – cột mốc đánh dấu một bước tiến mới về văn nghiệp của nhà văn quân đội thế hệ thứ tư Nguyễn Mạnh Hùng - điều mà người làm phê bình văn học đương đại như tôi luôn trông đợi ở anh suốt mấy năm trời nay.
Với tác phẩm này, sau
Phùng Văn Khai, Nguyễn Mạnh Hùng là người thứ hai tạo cho tôi nỗi ngạc nhiên vì
viết tiểu thuyết hay hơn… truyện ngắn. Quan trọng hơn, ngay ở lần đầu tiên “bén
duyên” với thể loại này, anh đã tỏ rõ “bản lĩnh nghề nghiệp” mà “bằng chứng”
đầu tiên nằm ở nhan đề: Vọng. Nếu chưa đọc tác phẩm, hẳn nhiều người sẽ nghĩ
Nguyễn Mạnh Hùng chạy theo “mốt” khi chọn cho đứa con tinh thần cái tên ngắn gồm
một - hai âm tiết vốn đang nở rộ hiện nay. Nhưng không, hãy tin rằng đây là ý
đồ nghệ thuật nghiêm túc của nhà văn hiện là biên tập viên văn xuôi của tạp chí
Văn nghệ Quân đội này. Trong mối tương quan với nội dung tác phẩm, Vọng là nhan
đề huyền hoặc và biểu cảm nhất. Chữ vọng vừa gợi cảm giác về hình ảnh, thời
gian như chữ vèo (Vèo trong lá rụng đầy sân/Công danh phù thế có ngần ấy
thôi – thơ Tản Đà) vừa gợi cảm giác về nỗi mơ hồ âm thanh như chữ vẳng
(Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò – thơ Tú
Xương). Một chữ gói gọn cả không - thời gian hiện thực và huyền ảo, quá khứ và
thực tại rất phù hợp với cấu trúc hai mạch câu chuyện vừa gắn kết vừa có sự độc
lập tương đối với nhau mà Nguyễn Mạnh Hùng muốn “kể” với bạn đọc. Mạch câu chuyện
thứ nhất phản ánh “cuộc chiến” nhằm mưu sinh của những “con người nhỏ bé” trước
đe nẹt của quyền lực, hung hãn của bạo lực, cám dỗ của tiền bạc và quyến rũ của
tình ái. Mạch chuyện thứ hai là những vẫy vùng dữ dội của người lính để bảo đảm
sinh tồn trong tàn khốc do chiến tranh mang lại. Hai mạch truyện này quấn quýt
lấy nhau như những chuỗi vòng xoắn bất tận của phân tử ADN với điểm kết nối là
nhân vật mang cái tên đầy hàm nghĩa: Tụ. Cuộc đời Tụ trải qua nhiều biến động
thăng trầm theo nhịp dòng đời lên xuống. Cứ mỗi lần ở lằn ranh giới sinh tử
(khi trẫm mình xuống nước, lúc gục ngã lạc trong rừng thẳm, hay khi bị kẹt cứng
trong thân cây…), ở trạng thái nửa tỉnh nửa mê do não bộ không hoàn toàn tỉnh
táo, trong Tụ lại tái hiện được từng dòng, từng trang hồi ký viết về cuộc chiến
kinh hoàng vốn bị “ố vàng và chữ thì bị nhòe gần hết” của người lính (cha Tụ).
Bằng cấu trúc đặt cuộc chiến trong lòng một cuộc chiến, đặt cái chết bên cạnh
đường biên sinh tử, Nguyễn Mạnh Hùng đã “rút cạn ôxi” trong bầu không khí xung
quanh nhân vật của mình, buộc họ luôn sống trong trạng thái “ngộp thở” để từ đó
bộc lộ hai điểm nhấn cơ bản:
1. Nỗi ám ảnh quá khứ và hạnh phúc không bền vững
Bao trùm trong Vọng là
những ám ảnh quá khứ. Sau khi trở về từ chiến trận, cha Tụ luôn bị ám ảnh bởi
những gì đã xảy ra với mình. Tinh thần cha Tụ luôn ở trong trạng thái “càng
giãy càng rối, càng rối lại càng giãy tợn và sợi dây ngày càng thít chặt” và
trông ông “giống như có tấm kính biến hình che lấy mắt, tất cả hiện ra hoặc
xiêu vẹo, xoắn vặn, như đổ sụp xuống hoặc tởm lợm, kinh hoàng”. Lão cung văn bị
ám ảnh bởi những người phụ nữ và câu chuyện về tướng cướp Hắc Sơn huyền ảo. Tụ
và Nha Thảo cùng chịu những ám ảnh tình yêu ấu thơ. Trở lại với hai câu thơ của
“người nối liền nền thơ ca hai thế kỷ” như lời Hoài Thanh - thi sĩ Tản Đà:
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có
ngần ấy thôi
(Cảm thu, tiễn thu)
Chữ vèo lột tả kỳ diệu
khoảnh khắc một sát na thời gian ngắn ngủi nhưng bao trọn cả một đời người.
Nhanh và chậm đến chỗ vô thường. Sau gần cả cuộc đời chìm đắm trong “bả” công
danh sự nghiệp, con người trữ tình trong bài thơ bỗng chốc bừng tỉnh sau một
khoảnh khắc “đốn ngộ” để nhận ra rằng mọi thứ trên đời cũng chỉ “có ngần ấy
thôi”. Đó thật sự là khoảnh khắc của đời người. Trong Vọng, Tụ và Nha
Thảo cũng có những khoảnh khắc thời gian như thế. Song sau những khoảnh khắc
ấy, ám ảnh - chứ không phải trạng thái đốn ngộ như trong thơ Tản Đà – mới là
thứ đeo đẳng họ cả đời. Chỉ một lần nhìn thấy khoảng trăng đọng trên ngực người
bạn gái tên Thi mà Tụ đã bỏ lại sau tất cả từ tiền bạc, danh tiếng đến người
tình, dấn thân vào hành trình vô vọng để đi tìm lại người con gái cho mình
những xúc cảm tình yêu tinh khôi ban đầu ấy. Chỉ bằng một câu thề đưa mình “đến
một nơi đèn xanh đỏ nhấp nháy như hoa, vô khối những tòa nhà cao ngất, trẻ con,
người lớn ăn mặc rất đẹp, đi lại như mắc cửi”, hình ảnh của Thái đã chiếm trọn
trái tim Nha Thảo, khiến cô sẵn sàng chấp nhận kiếp sống vất vưởng của loài
bướm đêm ngõ hầu cứu sống được người yêu. Kể cả khi Thái đã chết, khi đã nảy
sinh tình cảm với Tụ, không vì thế mà hình ảnh người tình đầu tiên phai nhạt
trong cô.
Ám ảnh tình yêu tuổi
thơ ấy được Nguyễn Mạnh Hùng lý giải thuyết phục bằng những ám ảnh khác. Tụ có
tuổi thơ ám ảnh bởi hành vi kỳ lạ của cha và sự chì chiết, ghẻ lạnh của người
mẹ. Nha Thảo bị cái nghèo, cái đói của dãy thung chỉ toàn đá với đá ám ảnh. Khi
luôn phải ở trong nghèo khó và tủi nhục thì những giây phút hạnh phúc càng ghi
dấu ấn sâu đậm trong tâm trí con người, và đến một mức độ nào đó nó sẽ thành ám
ảnh. Và nhằm rũ bỏ quá khứ “màu bầm”, giải thoát khỏi nỗi ám ảnh ngày ngày đeo
đẳng, cha Tụ và lão cung văn đã tìm đến phương thức thứ 10 trong lý thuyết về
sự “tự vệ” của con người trước những sự việc gây cho bản thân nỗi bất an, hồi
hộp và lo âu do nhà phân tâm học thành Viên đề xuất: thăng hoa vào nghệ thuật.
Những bức họa vẽ “…bông hoa đỏ tứa máu, ở chính giữa bông hoa, búi lươn trơn
nhẫy đang chúi đầu ngoe nguẩy”#, những điệu hát, những câu chuyện nỉ non, ai oán
là cách cha Tụ và lão cung văn xua tan những ký ức đáng quên trong mình. Còn Tụ
và Nha Thảo, để lưu giữ quá khứ họ đã chọn cho mình phương thức thứ 7: dịch
chuyển ham muốn sang đối tượng khác. Trong tiềm thức của Nha Thảo, Tụ mang hình
bóng của Thái. Còn với Tụ, mọi người con gái anh gặp trong quãng đời sau này
như người đàn bà trong rừng, Nha Thảo hay thậm chí là em bé gái ôm con mèo đi
ngang đường chỉ là “ảnh ảo” của Thi. Khi hai sự dịch chuyển hòa quyện vào nhau,
chúng tạo nên một thứ hạnh phúc-không-bền-vững. Sở dĩ không bền vững vì đó chỉ
là hình ảnh phóng chiếu chứ không phải nguyên bản. Hình ảnh Tụ và Nha Thảo quấn
lấy nhau trong hầm mộ vuông vức giữa nghĩa trang phản ánh sự thật chua chát
rằng con người hiện đại khó khăn đến mức nào trong việc kiếm tìm hạnh phúc đích
thực (sự hòa hợp giữa tình yêu và tình dục). Hạnh phúc dường như chỉ tồn tại ở
không gian không mang tính biểu tượng cho xã hội loài người (ngôi mộ tượng
trưng cho cõi âm), trong “ảnh ảo” và vô cùng ngắn ngủi. Một hệ quả phái sinh
tất yếu từ nỗi cô đơn của con người hiện đại. Sở dĩ, con người hiện đại luôn
mang trong mình nỗi cô đơn và khát khao hạnh phúc dẫu là không trọn vẹn ấy bởi
vì họ sống trong:
2. Hiện thực tan biến và tiếng vọng sau cùng
Hiện thực trong Vọng
nằm rải rác, xen kẽ bầu không khí mơ hồ đặc quánh bao trùm lấy tất cả. Không
gian mơ hồ: một khu rừng N, bến ga N, thành phố X. Con người mơ hồ. Người đàn
bà trong khu rừng phải chăng là Thi. Nha và Nha Thảo có phải là một người hay
không đôi khi Tụ cũng không rõ. Người đàn bà đeo chiếc khăn vuông đen che mặt
phải chăng là người tình năm nào của tướng cướp Hắc Sơn? Lão cung văn phải
chăng là người quân sự năm nọ dám cả gan “vuốt râu hùm”. Mục đích mơ hồ. Bản
thân Tụ cũng không rõ hành trình đến hướng nam rừng N của mình là đi tìm cha,
tìm Thi hay tìm chính bản thân mình. Nhưng sự xen kẽ này không hề làm giảm đi
cái đáng buồn của hiện thực được Nguyễn Mạnh Hùng tái hiện qua 5 cấp độ.
- Thứ nhất, con người
nghèo khổ. Đó là mảnh đời buồn của những người con gái hoặc bị “tạo hóa ăn cướp”
vì xấu xí, dị tật hoặc bị “cuộc đời ăn cướp” vì lỡ dấn thân vào nghề bán phấn
buôn hương nay đã ở thời “cuối mùa nhan sắc”. Câu nói “Không ác lấy cứt mà ăn”
lột tả bằng hết nỗi niềm đắng đót của những người như mẹ Tụ, như Thái khi buộc
phải làm những nghề bất lương như bán thuốc phiện hay đào mả người hủi hòng
kiếm sống.
- Thứ hai, con người
lừa gạt con người. Lão Sinh hói tuy học hành dốt nát (chỉ biết tính diện tích
hình vuông), nhưng có thừa thủ đoạn trục lợi cho bản thân. Sau một thời gian
nắm quyền, đất làng và ngay cả mả tổ nơi có “miếu mạo, đền chùa và mồ mả của
khởi thủy tổ tiên làng” dần nằm trọn trong tay lão để xây dựng “nông thôn mới”.
- Thứ ba, con người
bóc lột, bạo hành con người. Người đàn bà là nô lệ lao động đảm nhiệm công việc
cơm nước giặt giũ ban ngày và nô lệ tình dục để thỏa mãn dục vọng thú tính cho
lũ thợ xẻ gỗ lậu vào ban đêm. Trong suy nghĩ của chúng, phụ nữ chỉ là công cụ
thỏa mãn dục vọng, cái gì tiền bạc không mua được thì đã có sức mạnh của cú
đấm.
- Thứ tư, con người
giết hại con người. Tay lái xe thản nhiên cán chết đứa bé ôm con mèo như thể
vừa cán qua một miếng giẻ rách giữa đường. Và nếu Tụ không cảnh giác và phản
ứng kịp thì chính anh cũng là nạn nhân của hắn.
- Thứ năm, con người
ăn thịt con người. Chi tiết đám thợ xẻ gỗ lậu định ăn thịt đứa bé mới sinh (con
của người phụ nữ với Tụ hay với một trong bảy thợ sơn tràng) gợi nhớ đến tiểu
thuyết Tửu quốc của nhà văn vừa đoạt giải Nobel Mạc Ngôn. Nếu như hành động ăn
thịt trẻ con trong Tửu quốc phản ánh sự thông minh, xảo quyệt đến mức vi diệu
của những bộ não ác độc thì trong Vọng, hành động ấy lại phản ánh sự tăm tối,
hung dữ của bản năng trong con người. Nhưng dẫu là “sản phẩm” của trí óc hay
thói hung dữ của bản năng, đó vẫn là “cái tát” vào mặt con người vẫn tự hào rằng
đã thoát khỏi thời kỳ nguyên thủy hằng nghìn năm.
Miêu tả xã hội
với tất cả những mặt trái ghê gớm, nhưng tôi tin đây không phải cái đích cuối
cùng Nguyễn Mạnh Hùng nhằm đến. Vì nếu chỉ dừng lại ở đấy, anh sẽ bước lại trên
con đường các bậc tiền bối đã đi. Điều anh gửi gắm nằm ở cái kết truyện. Tụ lao
vào cứu đứa bé vừa lọt lòng mẹ khi đám thợ định ăn thịt nó. Khi cuộc chiến lên
đến đỉnh điểm, tất cả vụt tan biến từ Tụ, người đàn bà, đứa trẻ cho đến đám
thợ. Cái còn lại chỉ là trắng và rỗng. Hình ảnh này cất lên tiếng vọng cuối
cùng về sự tan biến của hiện thực. Mọi thứ rồi sẽ đến lúc biến mất như vũ trụ
khi chưa có vụ nổ Big Bag và hạt Giggs chưa tồn tại. Do đó, mọi thứ trên đời,
như lời lão cung văn nói với Tụ: đừng sống để hiểu, hãy sống để cảm nhận.
Một mệnh đề mang đậm
dấu ấn của vật lý lượng tử!
Có lẽ đây cũng là lời
Nguyễn Mạnh Hùng nhắn nhủ bạn đọc về tác phẩm của mình: đừng tìm hiểu hãy cảm
nhận. Hiểu chỉ thấy vài phần còn cảm nhận sẽ được tất cả.
Không biết tôi cảm
nhận như thế có đúng không?
ĐOÀN MINH TÂM
Nguồn:
VNQĐ
No comments:
Post a Comment