(Điệp khúc)
Cái
tên Nguyễn Thị Ngọc Tú của những thập kỷ 60, 70, 80 của thế kỷ trước luôn được
nhắc đến trên văn đàn Việt Nam đầy kiêu hãnh. Ra đi ở tuổi 72 vào lúc 17h ngày
20/5 tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú để lại bao tiếc thương cho
những người ở lại.
Lễ
viếng nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú được tổ chức từ 10h đến 12h ngày 23/5, tại nhà
tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú.
Ảnh NĐT
Thương loài chim lang thang trên phố
Nhiều
lần Hội Nhà văn VN tổ chức tổng kết và liên hoan cuối năm, nhưng không thấy nhà
văn Nguyễn Thị Ngọc Tú xuất hiện. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hỏi chuyện Nguyễn
Thị Thu Huệ, con gái nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú mới biết "U con hồi này
hơi bị lẫn, cứ chiều đến là có bao nhiêu tiền trong túi phát hết cho ô-sin, trẻ
con trong nhà và trẻ con hàng xóm. Thế là chiều nào nhà cũng đầy người!". Phan
Thị Thanh Nhàn hóm hỉnh "Mấy giờ thì u Tú phát tiền để u Nhàn còn đến nhận
chút!".
Thi
thoảng đến thăm Ngọc Tú, nhưng bấm chuông cửa chẳng ai mở hoặc có cháu giúp
việc ra báo là bà đang ngủ, vậy là nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đành ra về. Mẹ
ốm đã lâu, nhà thơ Thu Huệ thuê hai người giúp việc cho mẹ, một chuyên đấm bóp,
dẫn bà di chơi, một thì cơm nước, giặt giũ, lau nhà.
Hồi
những năm 70-80 của thế kỷ trước, Xuân Quỳnh và Ngọc Tú là hai nữ nhà văn xinh
đẹp và nổi tiếng vào loại nhất nhì ở Hà Nội. Dạo đó các nhà văn nghịch ngợm
truyền tai nhau câu để đặc tả vẻ đẹp của hai nữ nhà văn… “Có tuổi cả rồi, ở gần
nhau mà ít khi được gặp gỡ, cuộc đời thật ngắn ngủi và đầy bất trắc” - nhà thơ
Phan Thị Thanh Nhàn chia sẻ.
Bàng
hoàng khi bạn bè gọi điện thoại báo tin nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đã mất, một
trong những người bạn gái văn chương rất đỗi thân thiết của mình, nhà thơ Phan
Thị Thanh Nhàn nhớ lại những kỷ niệm khó quên khi cùng Ngọc Tú, Xuân Quỳnh cùng
đi Nga năm 1987 để học ngắn hạn ở Học viện Gorky.
Có
lần đi qua quảng trường Puskin, thấy hàng đàn chim bồ câu lang thang trên
tuyết, Ngọc Tú thương cảm: “Nhàn ơi, khổ thân lũ chim, ở đây chẳng có ai cho
ăn, chân thì dẫm lên tuyết trắng, chúng nó lạnh và đói chết mất thôi”. Khi vào
cửa hàng mua gạo về nấu ăn, Ngọc Tú đã tranh phần cầm 5kg gạo và cứ thế thỉnh
thoảng lại bốc một nắm vãi ra cho bồ câu ăn.
Nhà
thơ Phan Thị Thanh Nhàn chia sẻ trên trang mạng cá nhân của mình: “Thật hiền
hậu và đáng yêu, vì ngay đối với loài chim mà Tú cứ băn khoăn: Trời lạnh thế
này sao chúng nó cứ đi chân trần trên tuyết? Ai cho chúng nó ăn? Sao chẳng có
ai chăm sóc chúng? Vĩnh biệt Nguyễn Thị Ngọc Tú, một nhà văn nữ đã có nhiều
tiểu thuyết và truyện ngắn nổi tiếng thời bao cấp và chiến tranh, một bạn gái
có tấm lòng nhân hậu với cả loài chim lang thang trên phố”.
Từ trái sang phải, các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Thị Ngọc Tú,
Nguyễn Thị Như Trang, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh. Ảnh tư liệu
Nguyễn Thị Như Trang, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh. Ảnh tư liệu
Tiểu thuyết nông nghiệp
Một
chuyện khá vui là khi nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú viết xong tiểu thuyết Đất
làng khoảng 200 trang đã gửi bản thảo cho nhà văn Hoàng Quốc Hải đọc và ông
chỉ nói “cần phải đi thực tế để viết về nông nghiệp”.
Nhà
văn Hoàng Quốc Hải đã giới thiệu Ngọc Tú về hợp tác xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành
(Hải Dương), đấy là hợp tác xã tiên tiến thời bấy giờ. Khi đó cô con gái Thu
Huệ mới hai tuổi. Ban ngày Nguyễn Thị Ngọc Tú đi lấy tư liệu và tối thì ngủ với
mẹ và chị gái nhà văn Hoàng Quốc Hải. Kết quả là tiểu thuyết Đất làng
(500 trang) ra đời khác hoàn toàn với bản thảo ban đầu của Đất làng (200
trang).
Là
một trong những người viết tiểu thuyết nông nghiệp đầu tiên có bề dày, cả về số
lượng chữ lẫn nội dung, tư tưởng tác phẩm. Đất làng là tiểu thuyết dài
đầu tiên của Nguyễn Thị Ngọc Tú, hình như tiểu thuyết đó còn được đọc trong câu
chuyện đêm khuya trên Đài Tiếng nói Việt Nam “hồi đó là ghê lắm, bậc đãi bút
mới viết được”. “Thế nhưng cái ám ảnh nhất, ấn tượng nhất lại là tiểu thuyết
Ảo ảnh trắng viết về một cái bệnh viện, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực từ
thời bao cấp” - nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét khi nói về đời văn Nguyễn Thị
Ngọc Tú.
Nhà
văn Nguyễn Thị Ngọc Tú rất thân với Dương Thị Xuân Quý, Xuân Quỳnh và Phan Thị
Thanh Nhàn. Khi ở vùng mỏ (Hòn Gai, Quảng Ninh) hàng tuần Ngọc Tú thường nhận
được ít nhất hai lá thư của nhà thơ Xuân Quỳnh thăm hỏi về đời sống, về chuyện
văn, chuyện nghề. Nhà thơ Dương Thị Xuân Quý khi ra mặt trận thì liên tục gửi
thư về cho Ngọc Tú, có những thư viết rất dài đến 12 tờ pơ-luya, “tôi đều được
đọc những lá thư đó” nhà văn Hoàng Quốc Hải cho biết, đó là một kỷ niệm đẹp,
tình cảm sẻ chia của văn nhân mà chỉ có thời kỳ đó mới có được.
Lăn đi như tia sáng mặt trời
Trong
cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đã chia sẻ về
văn chương: “Tôi không coi viết là nghề. Bởi là nghề thì dù không muốn cũng
phải làm. Tôi chỉ viết khi thích, khi có những điều thôi thúc trong đầu, cho dù
lúc đó đang bận hay đang họp, tôi cũng nghĩ và cố viết lấy vài dòng. Tôi thích
những chuyến đi và ham ghi chép. Ghi chép những cái mình thấy, cái mình nghĩ.
Mỗi chuyến đi tôi thu lượm được nhiều điều hữu ích. Những điều đó giúp cho việc
viết”.
Non
hai chục đầu sách, vừa tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, ít người biết nhà văn
Nguyễn Thị Ngọc Tú còn có một tập thơ Phút thoáng qua đầy những thi ảnh
lạ lùng. Trăm năm đã bày - cuộc chữ còn mãi, nỗi nhớ thương vẫn xuyên thấm
những lời dung dị của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú khi trò chuyện: “Tôi thích thơ
và có làm thơ, chỉ là cảm xúc bất chợt. Thơ là tinh túy và chứa đựng cái riêng
sâu sắc nhất. Tôi nghĩ cùng thời gian, mọi cái sẽ qua đi, kể cả những tác phẩm
có tiếng vang một thời. Chỉ còn lại những giá trị nhân văn cao cả mà thôi”.
Lòng
chợt nhớ đến những câu thơ Nguyễn Thị Ngọc Tú viết tại Hà Nội vào tháng 5 năm
1985 đầy những da diết và ám ảnh vô cùng: “Chỉ còn nỗi nhớ thương/ là vẫn
thức/ Những tiếng đập ngày đêm trong lồng ngực/ Lăn đi như tia sáng mặt trời”
(Điệp khúc).
“Tác
phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú nghiêm trang, bức thiết và giàu lòng chia
sẻ, hoàn toàn xa lạ với cách tập trung khai thác những hủ lậu, nhỏ nhen, ki
bo của những người nhà quê và biến chúng thành đối tượng của sự châm biếm,
hài hước. Chính vì thế, tên tuổi và tác phẩm của Nguyễn Thị Ngọc Tú để lại ấn
tượng tốt đẹp và sâu nặng cho tất cả những ai quan tâm đến vùng quê văn hóa
và vùng quê tinh thần của chúng ta”. - (Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội
Nhà văn Việt Nam)
|
Đoàn Diệp Anh
Thể thao & Văn hóa
No comments:
Post a Comment