.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, May 29, 2013

THƯ NGỎ CON GÁI NHÀ VĂN NGÔ TẤT TỐ: “ĐỨC THẬT THÀ VÀ TẤM LÒNG THÀNH KÍNH VỚI CÁC NHÀ VĂN TIỀN BỐI”


Trong dòng chảy lịch sử kháng chiến chống Pháp (1946-1954), việc gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (tên Đảng Cộng sản Việt Nam trước năm 1951) ghi nhận một sự kiện quan trọng trong hoạt động đương thời của nhiều văn nghệ sĩ ở nước ta trước đây.
Trang bìa lót cuối sách “Ngô Tất Tố Nghiệp văn nghề báo”
ghi rõ “Chịu trách nhiệm bản thảo: Nguyễn Huy Thắng”
Riêng đối với các nhà văn, khá nhiều tư liệu của bản thân các nhà văn tiền bối, các giáo trình dạy văn học ở bậc đại học, cao đẳng, các văn bản của các cơ quan chức năng đã đề cập và giới thiệu ngày càng đầy đủ về sự việc có ý nghĩa này.
Nhân dịp “một trăm ngày” ngày mất của Cha tôi, Bác Nguyên Hồng, người láng giềng gần gũi của gia đình chúng tôi, bạn văn thân  thiết của Cha tôi ở xóm văn nghệ Ấp Cầu Đen Bắc Giang, trên Tạp chí Văn nghệ, số 54, 8 - 1954, đã viết rõ: “Trong cuộc học tập của một số anh em văn nghệ sĩ ở một địa điểm Việt Bắc, ngày mồng 1 tháng 5 năm 1948, Ngô Tất Tố đã gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương”.
Tiếp theo sau đó, trong các sách của ngành giáo dục do các nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đức Đàn, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đăng Mạnh… biên soạn, các sách của nhiều nhà xuất bản như Giáo dục, Văn học…, sách của Hội Nhà văn Việt Nam, đều ghi nhận cha tôi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Gần đây nhất, trong phần niên biểu của sách “Ngô Tất Tố - nghiệp văn nghề báo” - Nxb Kim Đồng in năm 2009 viết rõ ràng là nhà văn Ngô Tất Tố vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1948.
Ông Phạm Thế Cường, Chủ nhiệm câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng đã viết: Ông Thắng có tìm hiểu thêm về chuyện vào Đảng của các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp, thì chỉ thấy có nói nhà văn Nguyễn Tuân, khi ấy là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, vào Đảng ngày 18-4-1950.
Thật đáng ngạc nhiên!  Bởi lẽ về năm vào Đảng Cộng sản Đông Dương của các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp không phải mất công tìm hiểu ở đâu xa. Ông Cường và bản thân ông Thắng hãy đọc kỹ lại phần niên biểu của loạt ấn phẩm từ bộ sách “nhà văn của em” do chính ông Thắng là “người chịu trách nhiệm bản thảo”, được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản trong thời gian gần đây, bạn đọc sẽ thấy ngay thời gian vào Đảng của các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp như sau: Hoài Thanh (1947), Nam Cao (1948), Ngô Tất Tố (1948)…, (riêng niên biểu trong sách viết về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng do Nguyễn Huy Thắng biên soạn không thấy ghi năm và việc vào Đảng của nhà văn). Tôi còn có tư liệu thêm: Văn Cao (1948), Nguyễn Hữu Đang (1947)…
Chẳng có lẽ những mốc thời gian nêu trên trong sách của “Nhà xuất bản Kim Đồng công bố”, ghi rõ “giữ bản quyền” của nhà xuất bản, lại do “chính ông Thắng chịu trách nhiệm bản thảo” đều không “có sức thuyết phục” ư !?  
Ông Cường lại nói hộ “Ông Thắng rất mong gia đình nhà văn Ngô Tất Tố sớm chính thức cho công bố thông tin này”, theo dẫn chứng trên chính nhà xuất bản Kim Đồng và chính ông Thắng – tôi nhắc lại – là một lãnh đạo và “chịu trách nhiệm bản thảo” thì chính nhà xuất bản của ông Thắng đã công bố rồi còn gì nữa!
Qủa là non nớt khi ông Cường đề nghị: “Về ngày vào Đảng của cụ Tố, muốn phản bác bà cần phải đưa ra chứng cứ xác thực như Lý lịch Đảng viên, quyết định kết nạp Đảng… để mọi người hâm mộ cùng thưởng lãm để sau này không ai còn nghi ngờ ”… Trong hoàn cảnh đầy khó khăn của kháng chiến chống Pháp, Đảng lại lui vào hoạt động bí mật, cứ theo đề nghị “ngây ngô, ấu trĩ” này của ông Cường, khi viết về việc vào Đảng của những nhà văn tiền bối khác trong kháng chiến chống Pháp - có thể hoặc chắc chắn hồi đó ông Cường chưa ra đời - thân nhân của các cụ đều phải đưa ra “lý lịch đảng viên, quyết định kết nạp đảng” như thời nay, theo “kiểu đề nghị” của ông Chủ nhiệm Câu lạc bộ NYSNHT thì mới có sức thuyết phục ư!?
Lịch sử Đảng ghi rõ, trước đây tên là Đảng Cộng sản Đông Dương, đến tháng 11 năm 1945 Đảng lui vào hoạt động bí mật, đến tháng 2 năm 1951 Đảng ra công khai, đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam, từ năm 1976 mới có tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, tôi cần nói ngay trang mạng Wikipedia viết: “Ngô Tất Tố là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Namlà không đúng vì hồi đó Đảng vẫn mang tên là Đảng Cộng sản Đông Dương, còn về ý “nhưng chưa rõ ông gia nhập đảng năm nào” chúng tôi đã cung cấp tư liệu và chính thức có ý kiến là năm 1948 với Bộ biên tập của Wikipedia.
Nhân đây tôi nhấn mạnh, Ông Cường tỏ ra trân trọng dẫn tư liệu của Wikipedia về việc trên, nhưng chính ông chủ nhiệm CLBNY SNHT đã không chịu khó đọc kỹ hay cố tình không đọc dòng chữ thứ hai viết về xuất thân của Ngô Tất Tố: “Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em, ba trai, bốn gái”. Nếu thật tâm coi trọng tư liệu của Wikipedia thì ông chủ nhiệm CLB sẽ tỉnh táo, bác bỏ ngay và không để “nhân vật tiến sĩ, nhà sử học” nói sai trong cuộc họp của Câu lạc bộ là nhà văn có người anh ruột!?      
Di bút của Bác Nguyên Hồng và những dẫn liệu tôi trình bày trên đã hoàn toàn phủ định nội dung của ông Thắng viết về thân mẫu là vợ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng “chứng kiến lễ kết nạp Đảng của nhà văn Ngô Tất Tố” như ghi lại dưới đây là không có và hoàn toàn sai sự thật.  
 “Một hình ảnh mẹ tôi nhớ mãi về cụ là hôm cụ được kết nạp Đảng. Mẹ tôi và nhiều người khác ở cơ quan cũng được mời chứng kiến. Khác với ngày thường áo bông áo cánh, hôm ấy cụ Tố mặc áo dài the, lúc cụ trịnh trọng giơ tay nói "Xin thề" trông cụ cổ kính lắm. Với tất cả sự cách biệt về tuổi tác (mẹ tôi kém cụ tới gần ba chục tuổi), sự khác nhau về thế hệ, mẹ tôi luôn nhớ về cụ như một người anh lớn của cha tôi và cả của bà với những tình cảm vừa kính trọng vừa thân thiết...”.
Trong hoàn cảnh Đảng Cộng sản Đông Dương còn đang  hoạt động bí mật, Bác Nguyên Hồng viết Trong cuộc học tập của một số anh em văn nghệ sĩ ở một địa điểm Việt Bắc, năm 1948, trong khi đó vợ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn bị kẹt (chữ dùng của ông Thắng) mãi tới năm 1951 mới ra Việt Bắc được, ông Thắng lại “hư cấu” là “Mẹ tôi và nhiều người khác ở cơ quan cũng được mời chứng kiến” theo kiểu lễ kết nạp đảng viên công khai như sau này thời ông Thắng mới được thấy (!?)
Ông Cường lại “viết hộ” rằng “Theo ông Thắng, nếu có phản hồi của gia đình, chắc chắn ông đã xem lại bài viết và trao đổi lại ngay”.
Thật hết sức mâu thuẫn, nhà xuất bản Kim Đồng đã “công bố minh bạch một đằng” về việc nhà văn Ngô Tất Tố gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1948 thì bản thân ông Thắng lại hư cấu “viết ra một nẻo khác”. Tư liệu do nhà xuất bản Kim Đồng công bố và tự nhận “giữ bản quyền” trong bộ sách “Nhà văn của em” chính là phản biện đanh thép đủ để ông Thắng xem lại bài viết. Ông Cường khỏi cần phải “biện hộ” vì ông Thắng có thừa căn cứ trong tay để kiểm chứng và có dư thời gian để suy xét, mà sao chỉ là “trao đổi lại”, phải thật cầu thị, phải xin lỗi và cải chính nội dung đã viết sai trước bạn đọc chứ.
Có điều tôi cần nói rõ nữa, là năm 1947, do thiếu thốn về vải vóc của ngày đầu đi kháng chiến, Cha tôi đã cắt hai vạt áo the đen ra làm vỏ áo trấn thủ cho hai em trai tôi. Thời gian Bác Nguyễn Huy Tưởng về ở tại Ấp Cầu Đen, thường xuyên sang ngồi làm việc ở nhà tôi, trông thấy em tôi mặc áo trấn thủ đen lại hay quệt nước mũi vào áo, Bác Tưởng còn nói vui: “áo cháu mặc bằng vải gì mà đen bóng thế”. Thế thì đến năm 1951 làm gì còn tấm áo the để Cha tôi mặc, để ông Thắng kể rằng mẹ mình là vợ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng “trông cụ cổ kính lắm”! Tôi nhấn mạnh, cái chính là hoàn toàn không có “buổi lễ” như ông Thắng lấy danh nghĩa thân mẫu đã viết, còn chuyện “về chiếc áo the” càng chứng minh ông Thắng đã viết sai lại còn sai hơn nữa.
                                                       *
Trong số Tết năm 2002, nhà văn Nguyễn Đình Thi, trong bài viết “Tết, nhớ mấy ông cả” đăng trên báo Văn nghệ số Tết Nhâm Ngọ năm 2002 đã viết rất cụ thể cảm nghĩ về “mấy ông cả” là Ngô Tất Tố, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát.
Đem đối chiếu đoạn văn Bác Thi kể chuyến về thăm “xóm văn nghệ” Ấp Cầu Đen hồi Tết năm 1948 của hai nhà văn Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Tưởng so với nội dung cũng về việc này mà ông Thắng viết trong bài “Cha tôi với cụ Tố cụ Phan” được diễn đàn Câu Lạc Bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (Tháng 4/2013) đăng tải lại thấy một lần nữa ông Thắng bất chấp sự thật, quá liều lĩnh viết trái ngược hẳn ý kiến của Bác Thi đã viết lúc sinh thời.
Bác Thi viết: 


Ảnh sao chụp đoạn văn kể về Nhà văn Nguyễn Đình Thi và
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng về thăm xóm văn nghệ Ấp Cầu Đen
… “Tôi nhớ lại căn nhà mái tranh, vách đất của bác Ngô Tất Tố Tố... Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp Khu ủy 12 và Tỉnh ủy Bắc Giang đã giúp đỡ một số văn nghệ sĩ từ Bắc Ninh lên ở nơi xóm nhỏ ấy. Nơi ấy, cùng với gia đình bác Tố, đã có gia đình các nhà văn   Nguyên Hồng, Kim Lân và các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, mấy ngôi nhà cũng mái tranh vách đất... Những ngày gần Tết năm ấy, anh Nguyễn Huy Tưởng, anh Văn Cao, anh Tố Hữu và tôi ở Phú Thọ, ráo riết chuẩn bị ra tạp chí Văn nghệ do anh Tố Hữu làm thư ký tòa soạn. Và một hôm, anh Nguyễn Huy Tưởng cùng tôi lên đường về cái xóm văn nghệ Ấp Cầu Đen. Sau mấy ngày đường, tới nơi, chúng tôi gặp các bạn cùng mừng rỡ quá. Buổi chiều anh Nguyên Hồng đưa anh Tưởng với tôi sang chào bác Ngô Tất Tố. Bác tiếp chúng tôi giản dị, nơi bàn nước. Anh Tưởng nói về công việc chuẩn bị ra tạp chí. Bác Tố vui mừng nhận sẽ cộng tác. Anh Tưởng giở chiếc túi vải nhỏ lấy ra một trăm đồng, nói là món quà Tết của đoàn thể, mong bác vui lòng nhận. Anh con trai lớn bác Tố vẫn đứng phía sau, lúc ấy lên tiếng “Con xin phép thày, thật là quý hóa nhưng có lẽ…” Bác Tố quay lại nghiêm nghị: “Anh không được phép nói vào chuyện của thày với các bác”. Rồi bác vui vẻ nói: “Cảm ơn hai bác, tôi xin nhận và xin cảm ơn đoàn thể”. Buổi tối hôm ấy, mấy bạn ở cái xóm văn nghệ nhỏ, chúng tôi quây quần quanh một mâm cơm rượu, tôi không nhớ rõ là ở nhà anh Trần Văn Cẩn hay anh Tạ Thúc Bình”.
Nhân ngày “Tết Nhâm Ngọ, Nhớ Những Ông Cả”, Bác Thi đã kể về việc Bác Tưởng cùng Bác Thi  đến thăm nhà văn Ngô Tất Tố do Bác Hồng đưa sang đã diễn ra chân thực như vậy, còn hậu sinh là ông Thắng lại viết: : “Đấy là một buổi họp giữa những người có trách nhiệm bàn định nhiều vấn đề của văn nghệ mà kết thúc là một bữa rượu uống vui với nhau. Tan cuộc thì trời đã tối lắm rồi. Cha tôi hôm ấy say lắm. Nhưng ông nhất quyết đến ngay nhà cụ Tố để trao số tiền của đoàn thể. Trời tối, đường trơn, người thì chếnh choáng, cha tôi cứ vừa mò mẫm đi vừa lo cho bọc tiền trước bụng. Mỗi lần vấp ngã, ông lại loay hoay gượng dậy xác định lại phương hướng, không quên kiểm tra xem bọc tiền có còn không. May sao cuối cùng ông cũng vượt được con dốc cao dẫn đến nhà cụ Tố bình yên vô sự trước sự ngạc nhiên của cả nhà...”
Ông Thắng viết: “Câu chuyện này tôi được nghe nhà văn Nguyễn Đình Thi kể lại trong buổi nói chuyện về đề tài văn nghệ trong kháng chiến tại trụ sở Đảng Xã hội. Đảng xã hội nay đã giải thể. Nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng đã thành người thiên cổ. Nhưng câu chuyện ông kể vẫn luôn sống động trong tôi mỗi khi nghĩ đến”.
Thực tế mục đích chuyến về thăm xóm văn nghệ Ấp Cầu Đen theo ý Bác Thi là để “trao đổi về việc chuẩn bị ra đời của Tạp chí Văn nghệ” đâu có phải như ông Thắng viết, tỏ ra quan trọng là “buổi họp giữa những người có trách nhiệm bàn định nhiều vấn đề của văn nghệ”.     
Chẳng có lẽ Bác Tưởng lại say rượu đến mức đã quên rằng mình đã cùng với Bác Thi được Bác Hồng đưa sang thăm và đưa tiền quà Tết tới nhà văn Ngô Tất Tố vào buổi chiều, lúc trời còn “thanh thiên bạch nhật”, ngược lại ông Thắng lại vẽ ra, thay bằng cảnh: “đêm hôm trời đã tối lắm rồi” cha ông Thắng phải riêng một thân một mình mò mẫm, tìm lối sang nhà nhà văn Ngô Tất Tố.
Sinh ra muộn mãi sau này, lại không sống ở đó, làm sao mà ông Thắng hình dung ra được “không gian xóm văn nghệ” Ấp Cầu Đen. Đúng như Bác Thi đã viết, có năm gia đình các văn nghệ sĩ quay quần sống trên đỉnh đồi gồm: một phía là gian nhà của Cha tôi, tiếp đến là nhà Bác Trần Văn Cẩn, Bác Tạ Thúc Bình rồi tới nhà Bác Nguyên Hồng, phía cuối bên kia là nhà Bác Kim Lân. Các nhà ở gần nhau, cách nhau một cái sân, không có hàng rào, từ nhà phía đầu tới nhà phía cuối chỉ mấy chục mét, làm gì có “cái dốc cao” giữa các nhà để ông Thắng “bắt thân phụ ông” phải khổ sổ vượt qua như ông Thắng viết.    
Cha tôi tiếp các bác có mặt anh cả tôi, Bác Thi còn kể cảnh cha tôi nghiêm nghị nhắc nhở tôi về khuôn phép trong gia đình, thế mà ông Thắng lại “ly kỳ” viết: “May sao cuối cùng ông cũng vượt được con dốc cao dẫn đến nhà cụ Tố bình yên vô sự trước sự ngạc nhiên của cả nhà...”.
                                                    *
Trong bức “Thư ngỏ”, có chỗ Chủ nhiệm CLBNYSNHT là ông Cường có đặt câu hỏi “Tôi có ý đồ gì”? Trong bài viết này, tôi thẳng thắn và công khai nhấn mạnh là tôi có ý định nói lên sự thật. 
                                                       *
        Kính thưa Quý vị độc giả,
Nhiệt huyết mấy chục năm cầm bút một lòng yêu nước thương dân đã thôi thúc Cha tôi không phân vân đắn đo mà chủ động và tự nguyện sớm đưa trọn vẹn cả gia đình lên đường đi kháng chiến. Tôi khẳng định không một tổ chức, một cá nhân nào đứng ra vận động, tổ chức cho Cha tôi “lên chiến khu tham gia cuộc trường chinh của dân tộc”. Trong muôn vàn khó khăn của kháng chiến, gia đình chúng tôi đã ra sức và đã đủ sức tự lực nuôi nhau để cùng Cha tôi theo đuổi kháng chiến tới cùng. Dù là bao nhiêu nhưng chỉ sau khi Cha tôi bằng lòng nhận, thì chúng tôi hết sức trân trọng sự quan tâm giúp đỡ từ tập thể của đoàn thể, nhưng tôi kiên quyết không chấp nhận những “thêu dệt”, “đặt điều” của ông Thắng, dưới “bóng dáng” thân phụ đã viết những điều sai lệch không đúng, khác hẳn với ý kiến của Bác Nguyễn Đình Thi đã trực tiếp kể lại lúc sinh thời về chuyến đến thăm Cha tôi ở Ấp Cầu Đen, cũng như việc ông Thắng lại dưới “danh nghĩa” thân mẫu, đã viết quá sai về thời gian, địa điểm Cha tôi gia nhập Đảng, xúc phạm lớn đến ý kiến về việc này của Bác Nguyên Hồng. 
Tôi luôn luôn đinh ninh, cuộc đời và sự nghiệp của cha tôi cũng như của các thế hệ nhà văn cùng thời, không còn là chuyên riêng của gia đình, của quê hương mà đã thuộc về đất nước, thuộc về dân tộc. Đối mặt với những điều viết không đúng về các bậc tiền nhân, sai lệch với sự thật di bút của các cụ để lại, có liên quan đến hoạt động của Cha tôi, tôi xin giãi bày, đồng thời kiên quyết công khai nói lại cho rõ, viết lại cho đúng và đối thoại tới cùng.        
Kính thưa Bác Nguyên Hồng, Bác Nguyễn Đình Thi, trong bài viết này cháu thành kính xin phép Hai Bác cho cháu được sao dẫn ý kiến của Hai Bác.
Kính thưa Quý vị độc giả,
Tôi kính mong nhận được sự khuyên bảo và chia xẻ của Quý vị.
Kính thư!
                                                              Ngày 25.5.2013
NGÔ THỊ THANH LỊCH
Nguồn: Phong Điệp


No comments:

Post a Comment