.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, May 28, 2013

ĐÔ ĐỐC LONG QUÊ Ở ĐÂU?


Trong trận Đống Đa Quang Trung đại phá quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789), có một danh tướng cho đến nay còn nhiều tranh cãi. Tại Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn, có bản kê 17 danh tướng thời Tây Sơn, trong đó có "Đô Đốc Long (hay Mưu)", không ghi họ và quê quán như nhiều danh tướng khác.

Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC), trong lệnh xuất quân của vua Quang Trung ngày 30 tháng chạp Mậu Thân, ghi rõ: "Các viên tướng ở trung quân thuộc về doanh vua sai phái là đại tư mã Sở, nội hầu Lân đốc xuất tiền quân; Hám hổ hầu đốc xuất hậu quân làm đốc chiến; đại đô đốc Lộc, đô đốc Tuyết đốc xuất tả quân; đại đô đốc Bảo, đô đốc Long đốc xuất hữu quân" (1).

Đó là lệnh vua truyền, còn khi xung trận, sách HLNTC viết rõ: "Vua Quang Trung chỉ huy đánh Hạ Hồi, Ngọc Hồi, đô đốc Long đốc xuất hữu quân, đã đem quân đến đóng ở làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì. Lúc vua Quang Trung đánh với quân Thanh ở Ngọc Hồi thì sáng hôm ấy Long đã đánh tên thái thú Điền Châu ở trại Khương Thượng thuộc huyện Quảng Đức (tức làng Khương Thượng, nay thuộc Hà Nội). Quân Thanh tan vỡ bỏ chạy, Long liền tiến trước vào thành" (2).

Còn sách Lịch sử Việt Nam, tập I, có bản đồ ghi rõ mũi tiến công của 5 đạo quân Tây Sơn vào Thăng Long. Hai đạo tả quân do đô đốc Long, đô đốc Bảo chỉ huy. Đạo trung quân do Quang Trung - Nguyễn Huệ chỉ huy. Hai đạo hữu quân do đô đốc Tuyết, đô đốc Lộc chỉ huy. (3)

"Đạo quân chủ lực do Quang Trung trực tiếp chỉ huy đánh thẳng vào hệ thống phòng ngự chủ yếu của địch ở phía nam Thăng Long. Đạo quân thứ hai do đô đốc Bảo chỉ huy, tiến ra làng Đại Áng (Thường Tín - Hà Tây) làm nhiệm vụ yểm hộ và phối hợp với đạo quân chủ lực. Đạo quân thứ ba do đô đốc Long chỉ huy, bất ngờ tiêu diệt đồn Khương Thượng rồi thọc sâu vào Thăng Long. Đạo quân thứ tư do đô đốc Tuyết chỉ huy, vượt biển đánh vào Hải Dương. Đạo quân thứ năm do đô đốc Lộc chỉ huy, vượt biển tiến lên chặng đường rút lui của quân Thanh." (4)

Đó là bày binh bố trận. Khi mô tả những trận chiến quyết định, sách Lịch sử Việt Nam, tập I, viết "vào mờ sáng 30-1-1789 (tức mồng 5 Tết Kỷ Dậu) đạo quân của đô đốc Long bất ngờ bao vây tiêu diệt đồn Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) ở phía tây nam thành Thăng Long… Sầm Nghi Đống khiếp sợ phải thắt cổ tự tử. Tôn sĩ Nghị hoảng hốt chưa kịp đối phó thì đạo quân của đô đốc Long đã tràn vào thành Thăng Long và như một mũi dao nhọn, đang lao thẳng về phía đại bản doanh của hắn… sáng 30-1-1789, đạo quân của đô đốc Long tiến vào giải phóng thành Thăng Long." (5)

Như vậy, trong xung trận đại phá quân Thanh, sách HLNTC và sách Lịch sử Việt Nam - tập I, đều nhắc đến đô đốc Long ba lần; tuyệt nhiên không thấy nhắc đến đại đô đốc Đặng Tiến Đông ở đâu cả.

Nhưng đô đốc Long họ gì? Quê ở đâu? Thì nhiều tài liệu và sách sử viết không thống nhất.

Sách "Tây Sơn Nguyễn Huệ", trong mục "Tây Sơn lương tướng ngoại truyện" của Nguyễn Trọng Trì ghi: "Đô đốc Đặng Văn Long, tự Tử Vân, quê huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn" (6).

Sách "Nhà Tây Sơn" của Quách Tấn, Quách Giao, ghi "Đặng Văn Long, tự Tử Vân, người huyện Tuy Viễn (Tuy Phước), phủ Quy Nhơn" … "Đại đô đốc Đặng Văn Long tham gia đại phá quân Thanh 1789… có viên phó tướng là Đặng Tiến Đông quê ở Lương Xá, gần Thăng Long, làm quan thời chúa Trịnh, sau quy thuận nhà Tây Sơn, am hiểu tình hình vùng Thăng Long, nên làm nhiệm vụ dẫn quân đi đường tắt" (7).

Sách "Quang Trung Nguyễn Huệ - con người và sự nghiệp" của giáo sư sử học Phan Huy Lê, viết: "Mũi tiến công vu hồi bất ngờ do đô đốc Long (Đặng Tiến Đông?) chỉ huy đánh vào đồn Đống Đa, rồi thọc sâu vào bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Lương" (8). Ở đây giáo sư Phan Huy Lê đặt một dấu hỏi chấm về Đặng Tiến Đông, tức vẫn tồn nghi.

Nhà sử học Bùi Thiết viết: "Theo sách HLNTC và Tây Sơn lương tướng ngoại truyện thì đô đốc Long chính là Đặng Văn Long, người tham gia đánh quân Thanh tại trận Đống Đa. Không thể có cách nhầm lẫn dù trong tên gọi và trong tự dạng ông Long thành ông Đông… Việc tìm hiểu nhân vật đô đốc Long chỉ mới bắt đầu. Là một kết luận khoa học, còn phải thảo luận thêm." (9)

Đến đây căn cứ vào các sách và tài liệu đã dẫn thì đô đốc Long tức Đặng Văn Long, quê ở Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là Tuy Phước, Bình Định). Vậy tại sao trong bản kê danh tướng thời Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung chỉ ghi "Long (hay Mưu)", không ghi rõ họ và quê quán?
Trong sách "Tư liệu về Tây Sơn Nguyễn Huệ trên đất Nghĩa Bình, tập 1", trang 275 ghi: "Có người cho biết đô đốc Đặng Văn Long, quê ở thôn Cảnh Vân, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước. Tháng 4-1987 chúng tôi đã đến Cảnh Vân để điều tra. Nhưng kết quả cho thấy các họ lâu đời ở đây là họ Trần, họ Nguyễn, họ Lê, họ Phạm, chứ không có họ Đặng và cũng không một ai biết đô đốc Đặng Văn Long thời Tây Sơn" (10).

Thế thì đô đốc Long đánh đồn Khương Thượng mùa xuân 1789 có thể nào là Đặng Văn Long?

Trong khi sách sử về đô đốc Long khác nhau như vậy thì một số nhà nho cao tuổi Quảng Ngãi phát hiện ra đô đốc Nguyễn Tăng Long, người làng Đông Thành, nay thuộc xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, là người có công xây dựng căn cứ Tây Sơn tả đạo, góp phần thiết lập triều đại Tây Sơn, là một trong các đô đốc có công đánh đuổi quân Thanh giải phóng Thăng Long năm 1789. (11)

Cụ Nguyễn Thạnh, một trong những du kích Ba Tơ, đến năm 2001 thọ 94 tuổi, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, đã dành hàng chục năm đi tìm tổ tông dòng họ Nguyễn ở Đông Thành, phát hiện được nhiều hiện vật (thương, lọng, trống chiến tại nhà thờ tổ, ruộng vua ban cho Nguyễn Tăng Long…); nhiều câu chuyện kể về ông tổ Nguyễn Tăng Long. Từ đây cụ Nguyễn Thạnh tin rằng: Cụ Nguyễn Tăng Long là một trong những đô đốc nhà Tây Sơn có công trong chiến thắng Đống Đa mùa xuân 1789.

Theo một số cụ già ở xã Tịnh Thọ thì cụ Nguyễn Tăng Long có sắc phong của vua Cảnh Thịnh (nhà Tây Sơn) ban chức đô đốc, ở quê thường gọi là "Đô Miên". Nhà thờ, gia phả họ Nguyễn, cùng với dàn đồ thờ, sắc phong đã bị bom đạn Mỹ đốt cháy năm 1967. Giữa "Đô Miên" ở làng và "Đô đốc Long (hay Mưu)" ở Bảo tàng Quang Trung có sự nhầm lẫn gì đây chăng ?

Anh Nguyễn Trí Sơn, người Hà Tĩnh, cử nhân sử học, nguyên cán bộ Bảo tàng Quảng Ngãi (nay là Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh) có bài viết "Đô đốc Long thời Tây Sơn quê ở đâu?"; sau khi đưa một số tư liệu hiện vật, chuyện kể để chứng minh, anh kết luận "Đô đốc Long mà sử sách đã ghi chép về chiến công là ông Nguyễn Tăng Long, quê thôn Đông Thành, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi" (12).

Tóm lại, theo chính sử, có đô đốc Long (hay Mưu) tham gia đại phá quân Thanh năm 1789; theo "Tây Sơn lương tướng ngoại truyện" thì đó là Đặng Văn Long, người ở Tuy Viễn, Quy Nhơn. Nhưng các giáo sư sử học ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội đã bác bỏ điều này. Còn theo những tư liệu, sự kiện sưu tầm được ở Quảng Ngãi (xưa là phủ Quảng Nghĩa, căn cứ Tây Sơn tả đạo, đã có nhiều võ tướng, văn thần thời Tây Sơn) thì ông Nguyễn Tăng Long, người làng Đông Thành, nay thuộc xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi rất có thể là đô đốc Long, người đã góp công lớn trong đại phá quân Thanh vào mùa xuân 1789.
___________________

(1), (2) - Hoàng Lê Nhất Thống Chí - Ngô gia văn phái - NXB Văn học, Hà Nội, 1984, tập II, trang 182, 184, 185.
(3), (4), (5) - Lịch sử Việt Nam, tập I, NXB KHXH Hà Nội, 1971, trang 354 đến 356.
(6) - Ty Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình, 1978, trang 410.
(7) - Sở VHTT Nghĩa Bình, 1988, trang 152-159.
(8) - Sở VHTT Nghĩa Bình, 1988, trang 37.
(9) - Tài liệu lưu trữ tại Thư viện tỉnh Quảng Ngãi.
(10) - Sở VHTT Nghĩa Bình, 1988, trang 275.
(11) - Tạp chí Cẩm Thành số 1, Sở VHTT Quảng Ngãi, tháng 8-1994, trang 39, 40; số 10, 1997, trang 52-54.
(12) - Tập san Văn hóa và đời sống, Sở VHTT Quảng Ngãi, số Xuân Quý Dậu, 1993, trang 14-17.

Hồng Nhân
(Nguồn: Báo Quảng Ngãi)

No comments:

Post a Comment