.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, May 25, 2013

NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ NGỌC TÚ: NGƯỜI GIEO “HẠT MÙA SAU”

Tôi biết nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú vào đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, hồi đó chị còn trẻ và bao giờ cũng nói năng rất nhẹ nhàng. Bình thường chị thường sống nội tâm nhiều hơn, khi vào cuộc họp chị chỉ hay ngồi nghe rồi ghi chép.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú
Tôi cũng có mười năm ở Ngọc Khánh, Hà Nội gần nhà chị, thỉnh thoảng vào sáng sớm vẫn hay gặp chị đi bộ vòng quanh hồ. Biết chị sức khỏe yếu đã lâu nhưng khi nghe tin chị từ biệt thế gian, tôi vẫn không khỏi cảm thấy đột ngột. Kiếp người thật ngắn ngủi và sự sống quá mong manh... Chị từng một thời được nhắc đến rất nhiều trên văn đàn cùng với các cây bút nữ Vũ Thị Thường, Xuân Quỳnh, Thúy Bắc, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn...
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú sinh ngày 25 tháng 12 năm 1942. Chị có các tác phẩm: Huệ (Tiểu thuyết, 1964); Người hậu phương (truyện ngắn, 1966); Đất làng (Tiểu thuyết, 1974); Buổi sáng (Tiểu thuyết, 1976); Ngõ cây bàng (Tiểu thuyết, 1980); Câu chuyện dưới tán lá rợp (truyện ngắn, 1982); Những dấu chân phía chân trời (truyện ngắn, 1983)...
Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng cuộc sống gắn bó với nông thôn, sau này đi dạy học và làm báo chị lại càng có điều kiện để tìm hiểu sâu hơn và gắn bó với nông thôn hơn nữa.
Những tác phẩm thành công nhất của chị là những tác phẩm viết về đề tài nông thôn, nông dân của thời kỳ đó. Chị được kết nạp vào Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1968. Thời kỳ ngòi bút của chị sung sức nhất là thời kỳ đất nước đang đi lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, còn miền Nam tiến hành công cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Nguyễn Thị Ngọc Tú và những người cùng thế hệ với chị lúc đó đã miêu tả và phản ánh cuộc sống của nhân dân với một khí thế hào hứng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Độc giả thời kỳ đó đã đọc say mê đọc các tác phẩm của chị. Chị đã từng được Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Tuần báo Văn Nghệ năm 1962 với truyện ngắn Một đứa trẻ; Giải thưởng cuộc thi bút ký của tạp chí Văn Nghệ Quân đội 1966; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1985 với tiểu thuyết Hạt mùa sau, Giải B Văn học công nhân 1998 với tiểu thuyết Hai người và những con sóng... Nhắc tới các tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tú, nhiều độc giả hẳn còn nhớ cuốn tiểu thuyết Hạt mùa sau được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1985.
Hạt mùa sau là đề tài về nông thôn với một kỳ vọng gây xôn xao trong thời điểm đó, nội dung của tiểu thuyết xung quanh việc lai tạo giống lúa ở một viện nghiên cứu cây lương thực. Với những nỗ lực, cố gắng của con người ở đây để tạo ra giống lúa cho đời sau có những đặc tính tốt hơn như năng suất cao, ngắn ngày, chịu được điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Có thể nói nhà văn Nguyễn Ngọc Tú đã rất thành công với Hạt mùa sau. Hơn thế, chị còn để lại Hạt mùa sau là nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, tiếp nối nghề văn của mẹ, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ được độc giả biết đến với một phong cách viết sắc sảo, ám ảnh, gần nhất với đời sống.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đã từ giã cõi trần gian vào hồi 17 giờ ngày 20-5-2013 tại bệnh viện Quân y 108, Hà Nội. Sáng nay, 23 - 5, gia quyến và bạn bè đồng nghiệp đã đến viếng và vĩnh biệt chị lần cuối tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
THUẤN DƯƠNG
Nguồn: Đaidoanket

No comments:

Post a Comment