“Màu tím hoa sim” là một trong những bài thơ tình thuộc loại hay
nhưng có âm hưởng buồn nhất trong nền thi ca nước nhà, đến mức nhà văn Vũ Bằng
đã phải thốt lên: “Cơn sầu của nhà thơ Hữu Loan được coi là tha thiết không kém
cái sầu của Đường Minh Hoàng sau cái chết của Dương Quý Phi, một cái sầu “mang
mang vô tuyệt kỳ”. Theo nhà thơ Hữu Loan thì đây là bài thơ ông khóc người vợ
xấu số của mình là Lê Đỗ Thị Ninh. Vậy Lê Đỗ Thị Ninh là ai?
Nhà thơ Hữu Loan
“Nhà nàng có ba người
anh đi bộ đội...”
Nhà thơ Hữu Loan kể: “Vào
khoảng năm 1932-1933 gì đó, tôi được gia đình cho lên thành phố Thanh Hoá để
theo học trung học. Đấy là một cố gắng phi thường của cha mẹ tôi. Nhà tôi nghèo
lắm, cho tôi theo học, bố mẹ tôi đã phải làm thuê cuốc mướn quần quật suốt
ngày”. Được cái Hữu Loan rất thông minh. Ông học giỏi tới mức 60- 70 năm đã
trôi qua rồi mà người làng Văn Hoàn (Nga Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hoá) quê ông vẫn
lấy tấm gương ông ra để răn dạy con cháu mình. “Ở Thanh Hoá thời bấy giờ có hai
hiệu sách rất nổi tiếng. Một hiệu sách có tên là Hà Thành. Đây là hiệu sách của
ông Trương Khâm, khi ấy là huynh trưởng hướng đạo sinh Hà Thành. Còn hiệu sách
thứ hai là hiệu Hoà Yên của bà Tham Kỳ (tức bà Đái Thị Ngọc Chất) ở 48 phố Lớn
(Trần Phú hiện nay). Bà Chất là vợ ông Lê Đỗ Kỳ, kỹ sư canh nông, có lúc làm
Thanh tra canh nông Đông Dương; sau này từng làm Chủ tịch huyện Đông Sơn, rồi
huyện Nông Cống, Thanh Hoá, là đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt
Nam DCCH. Sau này ông Kỳ đưa cả gia đình ra Hà Nội sinh sống. Lũ học sinh chúng
tôi thường ra hiệu sách của bà Tham Kỳ để mượn đọc”. Bà Đái Thị Ngọc Chất là
người rất yêu văn chương, thấy Hữu Loan nhà nghèo nhưng lại ham học nên rất
quý. Bà thường “đàm đạo” thơ văn với Hữu Loan. Phần vì trọng tài, phần vì nể
phục tư chất thông minh và khảng khái của chàng trai nên bà Chất bàn với chồng
mời Hữu Loan về làm gia sư cho 3 người con trai của mình.
Trong bài thơ “Màu tím hoa
sim” Hữu Loan viết rất thật: “Nhà nàng có ba người anh đi bộ đôi...”. Người con
trai cả của ông bà Tham Kỳ là Lê Hữu Khôi, tham gia kháng chiến chống Pháp, hy
sinh (năm 1954) chỉ vài giờ trước khi đơn vị của ông bắt sống tướng De Castri,
hoàn thành thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Người con thứ hai là Lê
Đỗ Nguyên, chính là Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục
Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Người con trai thứ ba mà Hữu Loan làm gia
sư là Lê Đỗ An, sau này lấy tên là Nguyễn Tiên Phong, nguyên Bí thư Trung ương
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (nay đã mất). “Chúng tôi tham gia hoạt động cách mạng nên
mỗi người chọn cho mình một bí danh. Tôi lấy tên là Phạm Hồng Cư bởi tôi thuộc
tiểu đội Phạm Hồng Thái. Còn cậu em Lê Đỗ An được Cán bộ phụ trách thiếu niên
xứ đặt cho tên là Nguyễn Tiên Phong”- Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại. Lê Đỗ
Thị Ninh là cô con gái kế tiếp của vợ chồng ông Tham Kỳ. “Các em nàng có em
chưa biết nói...”. “Người em chưa biết nói mà nhà thơ Hữu Loan nói tới trong
bài thơ chính là em Lê Thị Như Ý, sau này là giáo viên, hiện đã nghỉ hưu tại Hà
Nội”- Trung tướng Phạm Hồng Cư nói.
“Yêu nàng như tình
yêu em gái…”
Khi Hữu Loan đến làm gia sư
trong nhà ông bà Tham Kỳ thì ông đã 18 tuổi (Hữu Loan sinh năm 1916) còn Lê Đỗ
Thị Ninh còn là một cô bé vài ba tuổi. Ông đã viết rất thực: “Yêu nàng như tình
yêu em gái”. Ông coi Lê Đỗ Thị Ninh như em gái thật. “Hữu Loan làm gia sư cho
ba anh em chúng tôi. Ông là người cương trực, đầy dũng khí và có lòng yêu nước.
Cả gia đình tôi ai cũng quý trọng ông. Chính Hữu Loan là người gieo vào tôi
tình yêu văn chương và nó theo tôi suốt cả cuộc đời”- Trung tướng Phạm Hồng Cư
kể. “Nhưng hình như ngay từ lúc tôi bước chân tới nhà bà Tham Kỳ thì bà cụ đã
có ý gán Ninh cho tôi. Bà rất quý tôi, dành cho tôi nhiều ưu ái. Tôi ở trong
nhà một thời gian thì dọn đi vì bà không chịu lấy tiền nhà, nhưng khi tôi ngã
ốm thì bà lại đưa về nhà nuôi. Lê Đỗ Thị Ninh khi ấy còn nhỏ nhưng đã rất có cá
tính.
Nàng không thích lụa là mà
chỉ thích mặc áo vải. Như duyên tiền định, mặc dù trong nhà không ít người làm,
nhưng nàng vẫn thường tự rút quần áo của tôi phơi ngoài sân”- Hữu Loan nhớ lại.
Khi Lê Đỗ Thị Ninh lớn lên đi học thì Hữu Loan đã trở thành thầy dạy Pháp văn
tại một trường tư thục ở Thành phố Thanh Hoá. Hàng ngày bà Tham Kỳ cho xe kéo
tay đưa cô Ninh đi học, sau đó đưa Hữu Loan đến trường. Lê Đỗ Thị Ninh học đến
lớp năm thì Nhật ném bom nên đành phải thôi học. “Em Ninh là một cô bé hiền
thục và chăm làm lắm. Bố tôi chuyển ra Hà Nội làm ở Bộ Canh nông, ba anh em chúng
tôi ra Hà Nội học rồi tham gia cách mạng. Mẹ và em Ninh phải về ấp Thị Long
(Nông Cống, Thanh Hoá), nơi gia đình chúng tôi có mấy mẫu ruộng, đồng thời cũng
là để nuôi bà ngoại tôi bị ốm nặng nằm liệt (tai biến mạch máu não). Mẹ tôi
phải túc trực bên bà nên mọi chuyện như làm ruộng, nuôi gà, chăn vịt... đều dồn
hết lên vai em Ninh”- ông Cư kể. Tuy nhiên chuyện chỉ mới dừng ở đấy, bởi vì
đối với Hữu Loan khoảng cách tuổi tác giữa hai người quá lớn (16 tuổi) và ông
vẫn coi Ninh như em gái.
“Nàng cười xinh xinh,
bên anh chồng độc đáo...”
Sau cách mạng Tháng Tám Hữu
Loan trở thành Uỷ viên văn hoá trong Uỷ ban hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hóa,
phụ trách 4 ty: giáo dục, thông tin, công chính và thương chính. Khi khai mạc
“Tuần lễ vàng” ông viết và đọc một bài diễn văn hùng hồn khiến nhiều người dân,
trong đó có cô Lê Đỗ Thị Ninh lúc ấy đã 15 tuổi, vô cùng xúc động, đã bỏ tất cả
vòng tay, hoa tai vàng ra để hiến cho cách mạng.
Khoảng năm 1947 Hữu Loan
làm chủ bút báo “Chiến sỹ” đóng ở miền Trung, dưới quyền có Vũ Cao, tác giả bài
thơ “Núi đôi” nổi tiếng và Nguyễn Đình Tiên, tác giả cuốn “Chân dung tướng nguỵ
Sài Gòn”. Nguyễn Đình Tiên là cậu họ của Lê Đỗ Thị Ninh. Một lần trên đường từ
Thanh Hoá vào đơn vị Nguyễn Đình Tiên đã nói với Hữu Loan: “Tao thấy con bé Ninh
đem va ly quần áo của mày ra phơi và chải đấy”. Hữu Loan ngồi im lặng. Nguyễn
Đình Tiên nói thêm: “Hình như chị Kỳ muốn gả nó cho mày”. Hữu Loan gạt đi: “Nó
còn nhỏ quá, tao coi nó như em gái mình, lấy làm sao được mà lấy”. Nguyễn Đình
Tiên mắng át đi: “Mày lạc hậu lắm. Chi Kỳ dành cho mày mà mày lại không nhận là
mày bạc lắm”. Hữu Loan vẫn phân vân. Nguyễn Đình Tiên bồi thêm: “Thôi được rồi
để tao thu xếp cho”. Sau đó Hữu Loan nhận được thư của bà Tham Kỳ gửi vào. Ngày
mùng 6 tháng hai (âm lịch) năm 1948, đám cưới của Hữu Loan và Lê Đỗ Thị Ninh
được tổ chức tại ấp Thị Long. Đám cưới đúng như Hữu Loan tả trong thơ: “Tôi mặc
đồ quân nhân/ đôi giày đinh/ bết bụi đất hành quân/ nàng cười xinh xinh/ bên
anh chồng độc đáo”.
Hữu Loan nghỉ phép ở bên
người vợ trẻ được một thời gian, trong đó có ít ngày hai vợ chồng về thăm quê
ông ở Nga Lĩnh, Nga Sơn. Hữu Loan kể rằng có lần hai vợ chồng đi chơi với nhau
ở phố Thanh Hóa, Hữu Loan 33 tuổi, để râu ria rậm rạp tự thấy mình già, đi bên
cạnh người vợ mới 17 tuổi thì ngượng nên cứ cố ý tụt lại sau. Người vợ trẻ kéo
ông đi cạnh mình rồi bảo: “Em thích có người chồng già như anh”. “Tôi về không
gặp nàng…” Sau “Tuần trăng mật” Hữu Loan từ biệt người vợ trẻ trở lại đơn vị
lúc ấy đang đóng quân ở Thọ Xuân (Thanh Hóa), cách nhà chừng 100 cây số. Thỉnh
thoảng chủ nhật Hữu Loan tranh thủ về thăm vợ. Hạnh phúc của họ thật ngắn ngủi,
gần 4 tháng sau ngày cưới, ngày 29 tháng 5 (âm lịch) năm 1948, Lê Đỗ Thị Ninh
bị chết đuối tại ấp Thị Long khi đang giặt ở sông Chuồng. “Gió sớm thu về/ rờn
rợn nước sông…”. Con sông dữ, mùa nước lũ ở vùng núi Nưa nước cuồn cuộn đổ về,
nàng ra sông giặt, trượt chân ngã và bị nước cuốn đi. “Tôi về/ không gặp nàng.
/ Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối/ chiếc bình hoa ngày cưới/ thành bình
hương/ tàn lạnh vây quanh”. Khó hình dung nổi nỗi đau của Hữu Loan khi nghe tin
vợ mất, nàng còn quá trẻ: “Tóc nàng xanh xanh/ ngắn chưa đầy búi. /Em ơi giây
phút cuối/ không được nghe nhau nói/ không được nhìn nhau một lần”. Nhà thơ Vũ
Cao sau này kể lại: “Hôm ấy ngồi trong một quán nhỏ ở Thanh Hóa, anh báo cho
tôi biết cái tin đột ngột: Lê Đỗ Thị Ninh vừa mất. Bàn tay anh cầm cốc nước run
lên bần bật, nước bắn tung tóe xuống bàn, mặt anh tái xanh…”.
Và rồi ba người anh của
nàng cũng bàng hoàng. Trung tướng Phạm Hồng Cư kể: “Vào thời gian em Ninh mất
tôi và anh Khôi đang ở mặt trận, còn chú Lê Đỗ An (tức Nguyễn Tiên Phong) thì
đang công tác ở Trung ương đoàn. Năm 1949 tôi được điều về làm ở phòng chính
trị Cục quân huấn của Cục Chính trị Bộ quốc phòng (nay là Tổng Cục chính trị),
trong một lần đi họp có gặp anh Võ Trí Sơn, bạn thân của anh Hữu Loan, đồng
thời cũng là người bạn của gia đình chúng tôi. Anh Sơn bảo: “Em Ninh chết rồi,
em chết đuối”. Tôi choáng váng. Anh Sơn bảo tiếp: “Nó lấy Hữu Loan đấy”. Lúc
bấy giờ tôi mới biết em Ninh đã lấy nhà thơ Hữu Loan”. Đúng như Hữu Loan viết
trong bài thơ: “Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc/ biết tin em gái mất/
trước khi em lấy chồng”.
Hữu Loan viết “Màu tím hoa
sim” năm 1949, khi đang dự chỉnh huấn ở Nghệ An. Ông viết liền một mạch, xong
trong vòng hai tiếng đồng hồ, gần như hoàn chỉnh luôn, sau này ông chỉ sửa thêm
rất ít. Nó là một phần của cuộc đời Hữu Loan, mà có thể lại là phần đẹp và buồn
nhất, nên cho dù ông viết rất thật, rất mộc mạc, nói như Vũ Bằng là “không có
gọt rũa, không có văn chương gì cả”, hay như Vũ Cao “không có chữ nghĩa gì cả”,
nhưng lại có sức lay động tột cùng và có sức sống mãnh liệt ngay cả trong những
giai đoạn mà tác giả và tác phẩm không được thừa nhận.
LÊ THỌ BÌNH
Tranh minh họa
của họa sĩ NGÔ XUÂN KHÔI
Màu tím hoa sim
Nàng có ba người anh
Ði bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh
Ði bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh
Tôi người vệ quốc quân
Xa gia đình
Yêu nàng
Như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Ðôi giầy đinh
Bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Xa gia đình
Yêu nàng
Như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Ðôi giầy đinh
Bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên ông chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu ba
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê ...
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê ...
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em gái nhỏ hậu phương ...
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con
Ðầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh ...
Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em ơi !
Giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông thấy nhau một lần
Ngày xưa...
Nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
môt mình
đêm khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa.
Mà chết người em gái nhỏ hậu phương ...
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con
Ðầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh ...
Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em ơi !
Giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông thấy nhau một lần
Ngày xưa...
Nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
môt mình
đêm khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa.
Môt chiều rừng mưa
Ba người anh
Từ chiến trường Ðông Bắc
Ðược tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng
Ba người anh
Từ chiến trường Ðông Bắc
Ðược tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về
Rờn rợn nước sông
Ðứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng trông ảnh chị
Khi gió sớm thu về
Cỏ vàng chân mộ chí
Rờn rợn nước sông
Ðứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng trông ảnh chị
Khi gió sớm thu về
Cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biêt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
"Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm mẹ già chưa khâu"
Qua những đồi hoa sim
Những đồi sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biêt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
"Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm mẹ già chưa khâu"
HỮU LOAN
Nguồn:
VNQĐ
No comments:
Post a Comment