.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, May 29, 2013

DƯƠNG THUẤN – SỨ GIẢ TRUYỀN BÁ VĂN HÓA TÀY

(Toquoc)- Dương Thuấn là nhà thơ dân tộc Tày. Ông sinh năm 1959 tại bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn - mảnh đất màu mỡ truyền thống văn hóa Tày đã nuôi dưỡng hồn thơ ông: “Bắc Kạn có suối đãi vàng/ Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh”. Là nhà thơ xuất hiện từ thời kỳ đất nước đổi mới, Dương Thuấn đã khẳng định ngay một phong cách độc đáo tài hoa. Ông tốt nghiệp thủ khoa Trường viết văn Nguyễn Du năm 1992.


Từ tập thơ đầu tay Cưỡi ngựa đi săn (1991) viết cho thiếu nhi được Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải A đến nay, ông đã lần lượt cho ra đời gần 20 tập thơ. Dương Thuấn được nhận nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật. Trong đó, nhiều bài thơ đã được phổ nhạc như “Đi tìm bóng núi”, “Lá trầu”, “Tình ca bên suối”, “Khúc hát cao nguyên”, “Trăng mã Pì Lèng”…
Tuyển tập thơ Dương Thuấn đã xác lập hai kỷ lục Guinness là sáng tác song ngữ Tày - Kinh (Việt) đầu tiên và là bộ tuyển tập thơ dày nhất Việt Nam. Tuyển tập xuất bản tháng 10 năm 2010 do NXB Hội Nhà văn ấn hành vào dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Tuyển tập gồm 3 quyển: Tập I viết về quê hương ông - Bản Hon và những vùng đất khác, Tập II dành riêng cho mảng thơ tình, Tập III là những bài thơ thiếu nhi. Tất cả các sáng tác của ông đều được viết bằng hai ngôn ngữ Tày - Kinh, được sắp xếp đăng đối, dễ theo dõi. Nhà thơ cho biết, các sáng tác trong tuyển tập không phải các tác phẩm dịch mà được viết bằng hai ngôn ngữ độc lập hay còn gọi là hai “tác bản” - chữ của dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Phạm Vĩnh Cư. Mỗi ngôn ngữ đều có vẻ đẹp riêng, khả năng biểu cảm khác nhau, việc viết song ngữ không chỉ mở rộng đối tượng độc giả mà còn khai thác thế mạnh của từng ngôn ngữ, tôn vinh giá trị ngôn ngữ của các dân tộc. Thật hiếm có một tuyển tập thơ lại công phu và sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số, dành riêng cho một dân tộc thiểu số người Tày như “Tuyển tập thơ Dương Thuấn”. Nhà nghiên cứu văn học, dịch giả Phạm Vĩnh Cư nhận xét: “Đây là một hiện tượng, một hành động văn hóa rất đáng biểu dương.”
Tập thơ là kết quả của chặng đường dài 24 năm sáng tác của nhà thơ Dương Thuấn. Trong quãng thời gian đó, ông đã từng bước đưa tiếng Tày và văn hóa Tày đến gần hơn với các dân tộc khác và ra thế giới. Đó là thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, trong sáng. Đó là lối tư duy cụ tượng, hồn nhiên của người miền núi. Những vần thơ ông luôn mang đậm hơi thở cuộc sống vùng cao từ khung cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt đến tâm hồn, nếp suy nghĩ của con người qua giọng thơ bình dị, đầy sức lôi cuốn, đặc biệt ở cách sử dụng ngôn từ ví von, so sánh giàu biểu tượng - nét đặc trưng trong tư duy người dân miền núi.
Tuyển tập đã xác lập hai kỷ lục Guinness Việt Nam là một hiện tượng hiếm có trong nền văn học Việt Nam. Đây không chỉ là sự tôn vinh, ghi nhận thành quả lao động âm thầm, miệt mài của nhà thơ Dương Thuấn mà hơn hết, ông cho rằng đây thực sự là cơ hội tốt để quảng bá, mang văn hóa Tày và văn hóa Việt Nam vào đời sống đương đại. Bởi thế, tuyển tập không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân nhà thơ mà có giá trị to lớn đối với dân tộc Tày và với những người yêu thích tìm hiểu văn hóa mọi dân tộc. Bên cạnh sáng tác thơ bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, Dương Thuấn còn nghiên cứu văn hóa Tày, viết báo kêu gọi bảo vệ, gìn giữ sinh thái hồ Ba Bể - Ông là Tổng thư ký Hội những người yêu Ba Bể. Ông cho ra đời cuốn sách “Văn hóa Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới” (NXB Tri Thức - 2012) dày 600 trang.
Các tác phẩm của Dương Thuấn được người Tày, đặc biệt là sinh viên, trí thức dân tộc Tày và người Tày sống ở nước ngoài hào hứng đón nhận. Sự lao động tâm huyết của ông đã mang đến cho họ sự hiểu biết sâu sắc hơn về các phong tục tập quán của dân tộc mình, tình yêu và niềm tự hào dân tộc. Đối với những nhà nghiên cứu và những người yêu thích tìm hiểu văn hóa trong nước và thế giới, đây thực sự là một tư liệu quý giá không chỉ mang tính khoa học cao mà còn giàu sự trải nghiệm của chính bản thân tác giả. Hội Tày - Nùng thành phố Hồ Chí Minh trong bản tin ngày 10-1-2013 trên Diễn đàn trí thức dân tộc thiểu số Việt Nam (trithucdantocthieusovietnam.net) đã viết: “Tuyển tập thơ Dương Thuấn” và cuốn “Văn hóa Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới” là những quyển sách gối đầu giường của sinh viên, giới trẻ Tày - Nùng hiện nay cũng như các sinh viên nghiên cứu ngành xã hội.
“Dương Thuấn là Bản Hon! Dương Thuấn là sông Năng! Dương Thuấn là Bắc Kạn! Dương Thuấn là miền núi! Và tôi cho rằng Dương Thuấn chính là người Tày của người Tày! Là miền núi của miền núi!” - Nhà thơ Phạm Đông Hưng đã thốt lên như thế khi nói về Dương Thuấn. Hay trong một lá thư của kĩ sư Nông Thế Giới gửi cho tác giả từ Praha thủ đô Cộng hòa Séc ngày 2 -1 - 2013, đã viết Dân tộc, đất nước đã biết và đánh giá đúng những cống hiến và đóng góp của Dương Thuấn. Có lẽ đến lúc này gọi Dương Thuấn là người Tày hay người Kinh hay người Việt Nam e vẫn còn thiếu, mà đúng nhất theo tôi gọi Dương Thuấn là một nhà thơ đồ sộ.”
Dương Thuấn không chỉ là một nhà thơ người Tày mà còn là sứ giả truyền bá văn hóa Tày, góp phần gìn giữ, bảo vệ ngôn ngữ Tày, phát triển văn hóa Tày. Trong nhịp sống hiện đại xô bồ hiện nay, khi mọi giá trị tinh thần đang bị nguy cơ thói quen tôn thờ vật chất làm xói mòn thì Dương Thuấn đã làm sống dậy, phục hưng văn hóa của dân tộc ông. Ông đã đưa dân tộc ông vào cuộc hội nhập quốc tế, đã làm cho dân tộc Tày tự hào về ông. Những đóng góp to lớn của ông thật sự đáng tự hào và đáng trân trọng.
Phan Diệu Hương

No comments:

Post a Comment