CHUYỂN ĐỘNG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI – ĐƯƠNG ĐẠI
ANH CHI
LTS. Theo dõi sát
những chuyển động của văn học Việt Nam nói chung, thi ca nói riêng, nhà thơ Anh
Chi vừa hoàn thành vệt bài “Chuyển động thơ Việt Nam hiện đại- đương đại”. Báo
Nhân Dân cuối tuần trân trọng giới thiệu loạt bài viết này của ông và hy vọng
nhận được sự quan tâm trao đổi của bạn đọc, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và
những người quan tâm.
1. Một số nhà thơ hiện
đại giũa và cuối thế kỷ 20
Tập thơ Lá của của Văn Cao gồm những bài
viết từ 1942 đến 1987, xuất bản năm 1988, là một đóng góp đáng trân trọng cho
việc làm mới ngôn ngữ thơ Việt Nam hiện đại. Có thể nói, ông đã tạo nên một
dòng thơ mới lạ, đa cảm, gọn mà ôm chứa nhiều ý nghĩa đời sống: “Có lúc/ một
mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ/ Có lúc/ ban ngày nghe lá rụng sao thảng
thốt/ Có lúc/ nước mắt không thể chảy ra ngoài được”. Thơ tình của Văn Cao
cũng chứa đựng thật lắm lẽ đời: “Những ngày đau khổ ấy/ Khuôn mặt em/ Như
mảnh trăng những đêm rừng cháy”. Bài thơ viết “những ngày đau khổ ấy” thật
đẹp, và cũng cô đơn, nghẹn ngào: “Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng/ Tôi
được đầu tiên và còn lại cuối cùng”. Thơ rất giàu hình ảnh, và có thể nói,
ông trình bày đời sống tinh thần của mình bằng bố cục tạo hình: “Tất cả tình
yêu khát khao hy vọng/ Bốc lên trong lòng/ Rơi xuống những giọt nước mắt”.
Và Văn Cao vẽ bằng thơ: “Trời xanh/ rơi/ vài giọt Tháp Chàm. Qua rất ít
ngôn từ, người đọc cảm nhận ở thơ ông rất nhiều. Phẩm chất hàm súc trí tuệ thơ
thật đặc biệt, mà hồn thơ ông là hồn Việt Nam truyền thống: “Dĩ vãng giữ
trong tôi như một mùi cỏ/ Thơm ủ trong tóc người yêu”.
Năm 1990 và 1991,
Nguyễn Lương Ngọc đã xuất bản hai tập thơ Từ nước và Ngày sinh lại,
cũng đem đến cho đời sống thơ ca một lối nói mới. Dường như coi cái mới là mục
đích, nên thơ Nguyễn Lương Ngọc ít sự đời, nhiều khi cầu kỳ, tối nghĩa. Nhưng
đôi khi, hồn thơ anh thật da diết: “Trong mơ đau thắt ngực/ Hình xưa lững
thững về/ Tôi xanh da trời/ Em tôi thì trắng/… Hai anh em hiện hình của nắng/
Và mây lành trời ơi/ Như hồn trong mộng/ Hai anh em trôi/ Móc bay lất phất…”.
Ý thơ mang mang, vô định, tình thơ lại phảng phất hồn đồng dao: “Con cắt
trắng/ xếp cánh khi gặp con khướu vàng/ Con khướu vàng/ khép mỏ/ khi gặp con
hạc đỏ/ Con hạc đỏ/ nức nở/ nhìn/ con hạc trắng/ Hạc trắng! Hạc trắng! Những
con đã sinh ra thì đã chết/ Những con chưa chết thì chưa sinh ra”. Đọc
Nguyễn Lương Ngọc, chúng tôi thấy anh có gì rất gần với thơ Cố Thành, một nhà
thơ trẻ Trung Quốc sống ở Châu Âu cuối thế kỷ 20, được người đời coi là đã tạo
nên lối thơ mông lung. Rất tiếc, Nguyễn Lương ngọc qua đời sớm, chưa
viết được bao nhiêu.
Năm 1992, Nguyễn Quang
Thiều xuất bản Sự mất ngủ của lửa, rồi được Giải thưởng Hội Nhà văn năm
1993. Ngôn ngữ thơ trong Sự mất ngủ của lửa khác hẳn thơ ca đương thời,
thí dụ, những câu trong bài Câu hỏi cuối ngày: “Trong cơn mơ
đói và buồn/ Các cô gái đẹp cưỡi xe máy phóng qua/ Như dao sắc phất vào tôi tứa
máu/ Tôi nấc lên một câu hỏi như người sặc khói/ Rằng nếu tôi lấy họ/ Tôi sẽ
ngủ với họ thế nào”. Song, chúng tôi nghĩ, Nguyễn Quang Thiều viết Sự
mất ngủ của lửa, nhiều khi chỉ để làm ra một thứ thơ khác lạ. (Chúng tôi sẽ
đề cập tới vấn đề này trong bài sau).
Kế tiếp, năm 1993,
Đặng Đình Hưng xuất bản tập Ô mai, và rồi, tập thơ Người đi tìm mặt
của Hoàng Hưng in năm 1994, càng khác lạ hơn. Những câu của Đặng Đình Hưng: “…thể
nghiệm cô đơn, thể nghiệm đâu đâu, cơn thể nghiệm ân hận, thể nghiệm trong hầm
và bùn, thể nghiệm cuối cùng, thể nghiệm thèm…”; và những câu của Hoàng
Hưng: “Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Tiện nghi lạc-xon. Chất
chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần, chửi
thề. Con gà quay con gà quay”… Với kinh nghiệm văn học của mình, chúng tôi
nghĩ, những câu ấy không có họ hàng, dây mơ rễ má gì với thơ ca Việt Nam ta.
Tuy nhiên, chúng tôi rất trân trọng cách nhìn nhận của tài năng lớn Văn Cao: “Người
đời yêu những con người cố mở đường mà thất bại, yêu những con người thất bại
mà dám mở đường. Bởi vì những người đó đã nghĩ đến sự tiến bộ của nghệ thuật!”
Mãi đến năm 1994, Lê
Đạt mới đem in tập Bóng chữ, gồm những bài thơ viết suốt gần 40 năm. Có
thể thấy, Lê Đạt là thi sĩ rất kiên gan, gần bốn chục năm trời cứ dấn bước trên
con đường săn tìm một thi pháp mới. Và, phương pháp săn tìm của ông là muốn
loại nghĩa ra khỏi chữ. Do vậy, thơ nhiều chữ quá, tiêu biểu là bài thơ dài Ông
phó cả ngựa, những chữ rất tối nghĩa và như cái xác không hồn: “Lũ vật
lớn bốc/ Một đàn lốc nhốc/ Guốc khua lốc cốc/ Sớm bốn chân thò mộc/ Lộc ngộc/
Ngựa quần cộc”. Ấy là thi sĩ muốn dùng tiếng vó ngựa diễn tả ngựa gỗ do bác
phó mộc làm nên, để làm mới lạ thơ. Nhưng, câu chữ thi sĩ tạo nên quá kỳ khu.
Có khi kỳ khu đến kỳ cục, khi thi sĩ muốn thơ mình “mới lạ” nên đã viết những
bài thơ với những câu đọc xuôi cũng thành thơ Lê Đạt, đọc ngược cũng thành thơ
Lê Đạt, đơn cử: “Nó anh em gì chó đăm chiêu Kim Tự Tháp”, và đọc ngược,
có vẻ còn xuôi hơn: “Kim Tự Tháp đăm chiêu chó gì anh em nó”… Rất tôn
sùng G. A-pô-li-ne (Guillaume Apollinaire), bậc thầy lối thơ siêu thực Pháp,
song Lê Đạt nghĩ về chữ là chủ yếu, nên ít cảm. Nhưng, thơ ông trở nên đáng
trân trọng khi được xúc cảm dẫn dắt: “Mẹ già anh ngơ ngác/ Lưng còng đau gậy
tre”, (bài Gốc khế); “Chiều ngậm mãi một nỗi chim rời tổ”
(bài Anh ở lại). Cuối đời, thi sĩ viết bài thơ mới lạ, và dễ vào lòng
người đọc: “Anh đến mùa thu nhà em/ Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ…/ Nông nỗi heo
may từ đó/ Mưa đêm tuổi nổi ao đầy/ Đồi cốm đường thon ngõ nhỏ…/ Tóc hong mùi
ca dao/ Thu rất em/ Và xanh rất cao”. Thơ ấy, do xúc cảm đưa lối cho thi sĩ
sáng tạo nên.
Về Kinh Bắc xuất bản năm 1994, Hoàng Cầm viết trong hai
năm, 1959 và 1960. Nếu nhìn giai đoạn từ năm 1955 trở đi, các nhà thơ ta hầu
như thiên hẳn về thứ thơ đơn sơ, hợp với đề tài công nông binh, mà nhà Thơ mới
tiêu biểu Xuân Diệu luôn luôn cổ võ “chân chân chân, thật thật thật”, thì mới
thấy ngôn ngữ thơ trong Về Kinh Bắc là hết sức mới: “Chuông chiều cởi
yếm/ Chuông sớm đội khăn/ Câu kinh tê tê mười ngón tay măng…/ Gió vào trăm cửa/
Gió ra hồng da trinh nữ” (bài Đêm thủy); Em cười như lá mỏng/
Khép cửa vào chiêm bao…/ Năm năm bay ngang đầu” (bài Anh đứng đây là đâu).
Bài Lá diêu bông danh tiếng, rất khó bình giải về cậu bé mười hai tuổi
có mối tình với Chị tuổi đôi mươi, nhưng nhiều thế hệ người đọc đã yêu thích
bài thơ, bởi khi đọc nó họ bị cuốn theo xúc cảm của tác giả mà nhập vào thiên
tình sử lạ lùng ấy: “Từ thuở ấy/ Em cầm chiếc lá/ đi đầu non cuối bể/ Gió
quê vi vút gọi/ Diêu bông hời…/ ới Diêu bông!” Phải là một thi tài thực sự
mới viết được thơ siêu thực hay như vậy!… Có thể nói, chính do đòi hỏi nội tại
trong hồn vía một thi sĩ là phải viết mới hơn những thơ đã có, nên Hoàng Cầm đã
sáng tạo nên Về Kinh Bắc suốt thời gian sống trong nhiều éo le lận đận!
Xem đêm của Phùng Cung, xuất bản năm 1995, là tập thơ
200 bài ông viết từ ngày còn trẻ, đến 1995, khi đã 65 tuổi mới đem xuất bản,
được dư luận chú ý nhiều về ngôn ngữ và hình ảnh thơ rất mới, (bài Đò khuya):
“Trăng ngả màu hoa lý/ Tiếng gọi đò/ Căng chỉ qua sông”; (bài Bèo):
“Lênh đênh muôn dặm/ nước non/ Lạc vào ao cạn/ Vẫn còn lênh đênh; (bài Mồ
hôi xương): “Em vất vả/ tối ngày tất tả /Lưng áo em/ ngoang vôi trắng
xóa/ Cái trắng này/ vắt tận trong xương”; (bài Nghe đêm): “Trong
gối vọng tiếng ru/ Lắng tai mới rõ/ Tiếng tóc mình chuyển bạc”… Nhà thơ
Quang Huy nhận xét rất sâu: “Phùng Cung xứng đáng là một trong những bậc thầy
về nghệ thuật ngôn từ”. Về màu nắng, Phùng Cung viết: nắng phơi rơm,
nắng bổ cau, lại cả nắng- Âu- Cơ…; về màu trời, ông thấy: xanh
rau khúc, xanh cánh chấu, và còn Khát muốn chết một mảnh trời da
bát; thi sĩ này nghe được tiếng tù và đầy hồn vía rúc lên đâu đó: Tiếng
tù và bết gió…Có thể nói, Phùng Cung đã tạo nên một ngôn ngữ thơ mới, tinh
lọc và đẹp bằng ngót cả đời người chìm nổi cùng nỗi lòng thật nhiều quặn thắt!
Những năm từ 1988 đến
1995 rất cởi mở trong việc xuất bản sách, ai có vài chục bài thơ đều dễ dàng in
thành một tập thơ. Những năm tiếp theo còn xuất hiện thêm không ít các nhà thơ
dấn bước vào con đường săn tìm cái mới cho thơ. Có người được dư luận chú ý ít
nhiều, có người còn chưa được nhiều người đọc văn học biết đến mấy. Trước thực
tế sáng tác và xuất bản thơ như vậy, một số nhà thơ và người quan tâm dường như
đã cho rằng, thập kỷ cuối của thế kỷ 20, các nhà thơ đang làm cho thơ Việt Nam
mới hẳn lên. Nhận xét trên có thỏa đáng không? Xin được đề cập vấn đề này trong
những bài viết sau.
2. Quan trọng nhất là
xúc cảm và tâm hồn nhà thơ
Trước thực tế sáng tác
và xuất bản thơ như đã trình bày ở trên, một số nhà thơ và người quan tâm dường
như đã cho rằng, cuối thế kỷ 20, có những nhà thơ đang làm cho thơ Việt Nam mới
hẳn lên, thậm chí có người còn nghĩ, đã xuất hiện một hiện tượng “đổi mới thơ
đương đại”! Nhận định đó có thỏa đáng?
Phải chăng, sau khi thấy Hội Nhà văn Việt Nam
trao Giải thưởng thơ cho tập Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều
như là tôn vinh sự thành công “đổi mới thơ đương đại”, một số người đã vội vàng
nhận định như vậy?
Tiếp nữa, Nhà xuất bản
Hội Nhà văn xuất bản tập thơ Ô mai của Đặng Đình Hưng với lời tựa: “Gọi
đây là một tác phẩm thơ thì nó là thứ thơ không chút bận tâm đến những quy ước
có sẵn về thơ. Và quả thật nó là thơ đến tận cùng, ở một ngôn ngữ đầy nhạc tính
bên trong, nén chặt và âm vang, gợi cảm và gợi tưởng, ở chất trữ tình trí tuệ,
bông đùa rớm máu. Nó là thơ của công phu “làm tiếng Việt” thứ tiếng Việt – Đặng
Đình Hưng, quanh co và nhảy vọt, chắc nịch và lan man”. Đánh giá của Nhà
xuất bản Hội Nhà văn như thế, chúng tôi nghĩ, Ô mai phải là một tác phẩm
của một thiên tài “không chút bận tâm đến những quy ước có sẵn về thơ”. Và rồi,
thực tế cho thấy, cuộc sống không chấp nhận được thứ thơ kiểu Ô mai, đó
chỉ là những đoạn văn độc thoại của một người bế tắc đến mụ mẫm: “hỏi: thể
nghiệm cô đơn làm gì? Chắc ông buồn lắm? đáp: cô đơn mà là buồn? Thú vị đấy. Cô
đơn, tôi về tôi, ông về ông. Tiện! Cô đơn mức độ nào thì tốt? – Cô đơn cứ phải
toàn phần mới sinh năng lượng. Năng lượng 1! Từ 1 mà đi. Hỏi: thể nghiệm đậm
nhạt là thế nào? Nhạt có việc gì không? – đáp: ba loại nhạt: nhạt 1, nhạt 2,
nhạt 3. Nhạt 3 thì cực độc- đây ông xem fích đánh số – nhạt 3 jả - thông
dụng gọi là fô…”.
Còn tập Người đi
tìm mặt của Hoàng Hưng nữa, cũng không thể vào người đọc với kiểu thơ “mới”
đến tắc tị thế này: “Bão loạn. Mùa vàng. Te tua. Nhừ giấc/ Bão loạn. Rùng
rùng. Sặc nước. Giạt tóc. Liên lục địa sầm. Tìm, chết, đi/ Bão loạn. Dứt tung
tay. Óc lói. Lơ láo tù về lạc thế kỷ. Sương đầm đẫm vóc miên mai”…
Tập thơ Sự mất ngủ
của lửa, đã qua 20 năm vẫn chưa vào được người đọc, dù được Hội Nhà văn
trao giải thưởng. Những tập thơ sau này của anh, cùng một cách viết, cũng chưa
được bạn đọc ưa chuộng. Và gần đây, 28- 6- 2012, Viện Văn học tổ chức hội thảo
“Thơ Nguyễn Quang Thiều trong sự đổi mới thơ Việt Nam đương đại”, với
khá nhiều bài tham luận cổ võ, ca ngợi. Nhà thơ Mai Văn Phấn viết: “Hiện
thực trong thơ Nguyễn Quang Thiều thường được tái hiện như giấc mơ của người
mệt mỏi, kiệt sức vì quá tải trong những cơn dư chấn; là giấc mơ của người bệnh
vừa thoát khỏi cơn tai biến hiểm nghèo, hoặc như người vừa chợp mắt đã nhìn
thấy những trải nghiệm trong đời thực nhưng được phóng chiếu theo những cách
thức khác lạ, có thể cảm nhận được cả hơi thở nóng bỏng, sự khắc nghiệt đến
kinh hoàng của đời sống trên da thịt”. Nguyễn Quang Thiều bị quá tải trong
những cơn dư chấn (những chấn động sau động đất?), là người bệnh vừa thoát khỏi
cơn tai biến (tim mạch?) hiểm nghèo, rồi khi làm thơ thì phóng chiếu theo những
cách thức khác lạ… Cổ võ Nguyễn Quang Thiều qua một câu văn dài dằng dặc, rắc
rối và khó hiểu thế, liệu có làm cho người đọc thấy từ thơ Nguyễn Quang Thiều
một bài học nhân sinh sâu sắc và khiến người đọc rung cảm được không?
Thưa nhà thơ Mai Văn
Phấn, những câu “Nơi bầu vú ăn vào đá sỏi/ Cứ nâu dần sau mỗi tiếng u u”
là hiện thực tái hiện từ giấc mơ của người mệt mỏi, kiệt sức vì quá tải trong
cơn dư chấn nào? Còn khổ thơ “Và ta chạm lời nguyền vĩ đại/ Man rợ ngân lên
từ phía tối mặt trời” (Châu thổ, trang 52), là giấc mơ của người
bệnh vừa thoát khỏi cơn tai biến hiểm nghèo nào?..
Một bản tham luận nữa,
viết rất công phu với rất nhiều từ, lý luận có vẻ cao sang, của nhà văn Hồ Thế
Hà, sau vài nghìn từ cổ võ Nguyễn Quang Thiều, đi đến kết luận: “…sẽ có
những tiểu luận, những công trình dài hơi khác đề cập mới mong giải mã hết giá
trị những ẩn ngữ, ẩn hình và ẩn tứ của thơ anh”. Vậy thưa nhà văn Hồ Thế
Hà, khổ thơ sau đây giải mã thế nào cho người đọc hiểu ý nghĩa của nó: “Mưa
vẫn xối như máu không sao cầm được. Nước đã dâng lên ngập đôi giầy của cô. Cô
vẫn đứng lặng im như không có ai đứng đó. Hơi nước từ người cô bốc lên ngùn
ngụt. Cô là một đám cháy trong mưa. Cô đứng đó, cây khô đứng đó. Một sự sống
lặng câm dưới những đám mây mang theo cái chết, bên cạnh một cái chết thét gào
đòi được phục sinh”? (Châu thổ, trang 244). Ở xứ sở nào mà mưa xối
như máu? Người đàn bà dân tộc nào mà là một đám cháy trong mưa, vừa là đám cháy
vừa như cây khô đứng đó, lại là một sự sống lặng câm dưới những đám mây mang
theo cái chết? Chẳng nhẽ đó là làng Chùa, người đàn bà làng Chùa, “mẫu gốc” của
thơ Nguyễn Quang Thiều như Hồ Thế Hà nhìn nhận? Riêng chúng tôi thấy, đoạn thơ
trên của Nguyễn Quang Thiều dường như là một đoạn dịch từ một tác phẩm văn xuôi
thuộc dòng hiện thực huyền ảo Mỹ la tinh… Nhưng, nếu Hồ Thế Hà và các nhà
nghiên cứu đồng chí hướng với anh giải mã được thơ Nguyễn Quang Thiều để người
đọc hiểu và cảm động, thì, mỗi lần Nguyễn Quang Thiều in thơ sẽ in bộ giải mã
ấy kèm theo, để người đọc khỏi phải căng đầu căng óc tìm kiếm những ẩn ngữ, ẩn
hình, ẩn tứ, xem nó ở đâu? nó như thế nào?…
Chúng tôi đã nghĩ
rằng, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ tiêu biểu của thế hệ sau 1975 được người
đời yêu (theo cách nhìn nhận của Văn Cao). Nhưng ở đây, chúng tôi hy vọng ở
anh nhiều hơn thế, nên bày tỏ ý kiến thiết thực của mình rằng: Chân lý giản dị
lắm, thơ vào được với đời sống, là thơ hay, mà theo chúng tôi thơ Nguyễn Quang
Thiều chưa hay. Có câu hỏi treo lơ lửng 20 năm nay rồi, bao giờ thơ anh hay?
Khi thơ chưa hay, nếu nhà thơ được cổ võ, đề cao nhiều, hãy tỉnh táo. Minh mẫn
nhất là nhìn lại thơ mình, và cố tìm hiểu vì sao nó chưa hay. Được như vậy thì
thật đáng mừng!
3. Vai trò và trách
nhiệm của nhà lý luận phê bình
Chúng tôi lấy làm lạ,
những nhà lý luận phê bình văn học, khi khen ngợi các tác giả đổi mới thơ theo
hướng hiện đại chủ nghĩa cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, thường viết lý luận
“mới” một cách khó hiểu.
Chẳng hạn, ngót 20 năm trước, Nguyễn Đỗ viết về
Hoàng Hưng, ngay cái tựa đề cũng khó hiểu đến buồn cười: “Nỗi ngứa ngáy tiền
kiếp trong một cuộc chuyển giao tài sản hư vô và cuộc truy tìm gương mặt Hoàng
Hưng”; và tuyên dương Hoàng Hưng: “Quậy ngôn từ chưa từng có: hà hát,
bàng hoàng, khao khao, quậy hình tượng chưa từng thấy: bạn ơi giao hợp nơi đâu…”.
Tháng 6 – 2012, Hồ Thế Hà viết về thơ Nguyễn Quang Thiều, ngôn từ mang tính lý
luận, nhưng cũng rất khó hiểu, xin trích gọn một câu: “Về thi giới Nguyễn
Quang Thiều, đó là sự tích hợp theo kiểu tư duy tương hợp (correspondant) –
tương hợp những âm thanh, màu sắc và hình tượng, thông qua thế giới ngôn từ
cũng đầy nội lực, biến ảo, lại được thể hiện qua kiểu tư duy phức hợp vừa hiện
thực vừa lãng mạn; vừa tượng trưng, siêu thực, vừa hiện đại, một phần hậu hiện
đại, duy cảm kết hợp duy lý, càng về sau tăng cường yếu tố tâm linh, tính dục,
ảo giác…tạo thành chỉnh thể nghệ thuật đa phân, lạ hóa, khó nắm bắt ý nghĩa
ngay lập tức”. Chỉ một câu, thật nhiều chữ, mà chúng tôi không biết Hồ Thế
Hà tuyên dương Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ tư duy các kiểu (tương hợp, phức
hợp), nhưng xếp nhà thơ này thuộc thi phái nào, khi viết: “vừa hiện thực,
lãng mạn; vừa tượng trưng, siêu thực, vừa hiện đại, một phần hậu hiện đại”?
Qua văn bản mà nhà văn Hồ Thế Hà viết, thì Nguyễn Quang Thiều vừa hiện thực,
lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, hiện đại, vừa một phần hậu hiện đại. Có lẽ
trên thế giới, chưa từng có một thiên tài thi ca nào lại thuộc về nhiều thi
phái đến vậy!
Hãy nhìn xa ra ngoài
biên giới nước Việt ta một chút, để tìm hiểu những bài học thi ca. Nếu theo
giõi tiến trình thơ ca Pháp từ đầu thế kỷ 20 trở đi, sẽ thấy nền thi ca vô cùng
phong phú này, cứ mỗi lần gặp một biến cố trong đời sống xã hội, lại xuất hiện
một thi phái mới. Sau thi ca Lãng mạn, xuất hiện từ cuối thế kỷ 18; gần một thế
kỷ sau lại có chủ nghĩa Tượng trưng; trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914
– 1918), thì xuất hiện chủ nghĩa Siêu thực. Thi sĩ danh tiếng của nước Pháp và
thế giới, Pôn Ê-luy-a (Paul Eluard) giữ vai trò rất quan trọng trong thơ Siêu
thực Pháp. Ông khai thác mộng và tiềm thức để khơi dậy những xúc
động độc đáo có sức truyền cảm rất mạnh vào trực giác người đọc. Tập thơ Thủ
đô đau khổ của ông xuất bản năm 1926 đã trở thành hiện tượng quan trọng
trong đời sống thi ca, không chỉ của riêng nước Pháp, mà cả châu Âu! Bài thơ Những
người giống nhau, Pôn Ê-luy-a viết năm 1932, mang một vẻ đẹp long lanh của
nước mắt (nhà thơ Bằng Việt dịch): “Anh đổi thay ý định anh rồi/ khi ấy em
đi qua phố/ trong cơn lốc của mặt trời/ anh gặp em và anh dừng lại/ Anh trẻ lắm
– chắc em còn nhớ mãi”. Mặc dầu ôm những khổ đau, tuyệt vọng, Pôn Ê-luy-a
khiến thơ Siêu thực thấm sâu vào lòng người đọc những ngọt ngào kỳ diệu: “Anh
đổi thay ý định anh rồi/ miệng em đã thành xa vắng/ Em đang ngủ và anh đành im
lặng/ những ngọn lửa kinh hoàng trong đêm của riêng em/ Giấc mộng của riêng em/
cánh đồng sáng trong nước mắt/ đôi ta không cùng buồn khổ như nhau/ Anh quên em
từ đấy”. Những xúc cảm dồn nén từ lâu trong tâm khảm, đã bùng nổ, khiến
người đọc choáng ngợp. Là Siêu thực, nhưng thơ ấy có một lôgic đẹp lạ lùng: “Anh
đổi thay ý định anh rồi/ em không thể ngủ được/ trên những nấc thang biếng
lười/ Những nấc thang của hoa và trái/ kéo dài vô tận mãi/ Em lại đi tìm giấc
ngủ cho em/ sắc trắng mênh mông, hơi giá đầu tiên/ Em quên anh từ đấy”.
Bài thơ của Ê-luy-a,
qua bản dịch xuất thần của Bằng Việt, theo chúng tôi, là một minh chứng lớn
rằng, hồn thơ mới là điều quan trọng nhất. Đừng nghĩ về chủ nghĩa Siêu thực
theo lý thuyết sáng tác cứng nhắc rằng, “Siêu thực gạt bỏ mọi quy tắc trong ngữ
pháp và thi pháp, mọi nguyên tắc logic trong tư duy…” (trích một chút Từ
điển văn học- tập 1, Nhà xuất bản Khoa học xã hội). Nghĩ thế, dễ dẫn đến
gạt bỏ hồn thơ ra khỏi bài thơ, nên đã có việc Nhà xuất bản Hội nhà văn viết
lời tựa ca ngợi thơ Đặng Đình Hưng (như chúng tôi đã dẫn). Từ bài học về thi ca
Pháp, chúng tôi thấy, xét về hình thức, các nhà “Thơ mới” như Chế Lan Viên, Hàn
Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu… đã rất hiểu và trân trọng các thi sĩ Lãng mạn,
Tượng trưng, Siêu thực Pháp, và có chịu ảnh hưởng của họ. Nhưng, điều cốt yếu
nhất là hồn thơ của các nhà “Thơ mới”. Họ luôn viết với một tâm hồn Việt Nam,
cùng với sự hoàn thiện chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ, như một phương tiện vô cùng
quan trọng, khiến họ đã sáng tạo nên “Thơ mới”, làm vinh hạnh cho văn hóa Việt
Nam đầu thế kỷ 20! Tư duy về văn minh, khoa học mang tầm vóc nhân loại, nhưng
ngôn ngữ là của mỗi dân tộc. Nhất là trong lãnh địa thi ca, ngôn ngữ thơ không
chứa đựng hồn, vía của đời sống nước Việt, thì có núp bóng bất cứ chủ nghĩa,
trường phái nào, nó cũng không cần thiết gì cho đời sống dân tộc ta cả. Sau
Tượng trưng, Siêu thực lại xuất hiện nhiều thi phái khác: chủ nghĩa Vị lai, chủ
nghĩa Hiện sinh, chủ nghĩa Hiện đại, rồi lại đến Hậu hiện đại nữa. Chúng tôi
nghĩ, nếu người viết lý luận, phê bình cứ nêu tên các trường phái thơ thế giới
lên, người nghe sẽ rất lạ và thấy có vẻ sang trọng, các nhà thơ yếu hồn vía sẽ
dễ bị choáng ngợp, không khéo lại mất hết chút hồn vía ấy, rồi sẽ chỉ làm nên
một thứ thơ không vào được đời sống đâu! Vẫn nêu lại bài học từ Pôn Ê-luy-a,
trong hai thập kỷ, ông đi qua Tượng trưng, trở thành Siêu thực. Rồi vào ngày
26- 6- 1936, trong cuộc triển lãm Siêu thực tại Luân Đôn, Pôn Ê-luy-a tuyên bố:
“Đã đến lúc tất cả các nhà thơ có trách nhiệm khẳng định rằng, cuộc đời mình
bắt rễ vào đời sống loài người…”. Nhà thơ vĩ đại này thật hiểu và vô cùng trân
trọng cuộc sống với hồn người! Thơ ta, có thêm một bài học nữa khi cuối trào
lưu “Thơ mới”, năm 1940, lại xuất hiện nhóm Xuân Thu nhã tập. Tầm mức tư tưởng
mỹ học của các thành viên Xuân Thu nhã tập còn hạn chế và điểm tựa xã hội còn
chưa có cơ sở nền móng, nên những bài luận, là triết thuyết của họ, vừa có phần
rối rắm khó hiểu, vừa có vẻ viển vông. Nhưng, những bài thơ của họ với xu thế
tìm tòi hình thức mới cho ngôn ngữ thơ (dù về sau có nhiều người cho là bế tắc,
là theo chủ nghĩa Đa đa), cũng có sức cuốn hút lạ lùng, nhất là trường hợp bài
thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ. Đã có hơn 70 năm để nhìn nhận lại,
những yếu tố mới lạ về hình thức của Xuân Thu nhã tập đã phôi pha cả, vẫn còn Màu
thời gian, một bài thơ Việt Nam hiện đại bất hủ, bởi trong nó chất chứa cảm
xúc của một thi nhân Việt Nam đích thực!
Trên Tạp chí Thơ số 5-
2012 , trang 23 và 24, bài Một nền thơ đang chuyển, có nhận định: “Thơ
mới phủ nhận triệt để thơ cũ, tạo ra một sự đứt gãy hoàn toàn với thơ truyền
thống, làm xuất hiện một nền thơ tinh khôi, chưa từng có”. Chúng tôi muốn nêu ý
kiến rằng, “Thơ mới phủ nhận triệt để thơ cũ”, phủ nhận cả ca dao nữa chứ? Ca
dao ta, như siêu thực đấy mà hay như hát: “Anh về mua lụa bọc trời/ mua
thuyền chở núi em thời theo ngay”; cả ca dao Vân Kiều, đến thế kỷ 21 rồi mà
vẫn hay, vẫn hiện đại: “Nếu em hóa ra đá, tôi đập đá mang về/ Nếu em hóa ra
đất, tôi quyết mang về một nắm”, cũng phủ nhận?; và phủ nhận thơ dân gian
H’Mông không, khi nó siêu đến thế này mà vẫn không làm mất thực đời: “Và đêm
nay hồn anh về ngủ ở thắt lưng em”? Thơ mới triệt để phủ nhận Phạm Đình Hổ
ư? Lòng đầy tâm sự nhân tình, đầu thế kỷ 19 danh sĩ Phạm Đình Hổ ôm gối nghe
mưa lạnh ngoài thềm, viết “Ngoài thềm mưa tí tách/ Tàn mộng dạ bâng khuâng/
Soi gương tóc đã bạc” (Mai Hải dịch thơ). Hơn trăm năm sau thi sĩ Huy Cận
viết Buồn đêm mưa: “Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nằng nặng,
nghe ta buồn buồn” để phủ nhân tiền nhân ư, mà phủ nhận được không? Phủ
nhận cả thơ Cao Bá Quát (mà Xuân Diệu dịch): “Kìa bao kẻ xương đồng da sắt/
Tóc đang xanh tơ thoắt như tuyết/ Bụi xe vó ngựa hao mòn đời/ Rút hết ruột gan,
còn máu huyết”? Thơ mới triệt để phủ nhận Tản Đà nữa ư, vì Tản Đà sinh năm
1889 và viết từ năm 1912, trước Thơ mới hai mươi năm mà? – Câu hỏi này chúng
tôi xin nêu nhận định của thi sĩ Thơ mới Xuân Diệu luôn: “Tản Đà là người
thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại”… Nhân bàn về chuyển động
thơ Việt Nam hiện đại- đương đại, đọc nhận định của Tạp chí Thơ số 5, chúng tôi
thấy ngạc nhiên, sao cứ nghĩ thơ thời sau triệt để phủ nhận thơ thời trước thế?
Có phủ nhận được hồn Nguyễn Du quặn thắt khi mô tả Kiều đánh đàn “Bốn dây
nhỏ máu năm đầu ngón tay”? Thơ nào hay mà chả mang hồn dân tộc. Vậy hồn dân
tộc ta thời đại sau phủ nhận hồn dân tộc ta thời xưa, được không?!
4. Vận động của thơ
kháng chiến chống Pháp
Có thể khẳng định
rằng, thơ kháng chiến chống Pháp đã đạt được thành tựu chủ đạo ngay những năm
đầu dân tộc ta bước vào cuộc chiến tranh giữ nước thần thánh. Đạt tới thành tựu
cỡ như vậy, vì trào lưu thơ này có những điều kiện tiên quyết.
Trước hết, chúng tôi thấy không tán thành được
với nhận định tiếp nữa của Tạp chí Thơ số 5 – 2012: “Đến lượt nó, Thơ kháng
chiến chống Pháp lại phủ nhận quyết liệt Thơ mới…”. Thứ nhất, Thơ mới là thành
tựu chứa đựng hồn vía dân tộc Việt ta, mà Thơ kháng chiến chống Pháp chắc chắn
cũng mang nặng tấm lòng người Việt Nam. Cho rằng, hồn dân tộc những năm sau phủ
nhận quyết liệt hồn dân tộc đời trước, là một nhận định cực đoan, không khoa
học. Thứ nữa, Chế Lan Viên, Yến Lan, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Anh Thơ có đi
vào kháng chiến chứ? Họ có phủ nhận Điêu tàn, Bến My Lăng, Lửa thiêng, Thơ
thơ, Hoa niên, Bức tranh quê…không? Và nữa, Trần Mai Ninh thực chất là viết
từ thời Thơ mới, Tự lực văn đoàn năm 1939 có trao giải thưởng cho tác phẩm Rạng
đông của ông (báo Ngày nay số 208 đăng tin). Còn bài thơ Từ biệt,
ông viết năm 1939, tặng các chiến sĩ trong đội quân quốc tế, thật dữ dội, thật
lay động: “Chỉ một mình mạnh vươn trên bể máu…/ Quân quốc tế hát bài ca với
lệ/ Đã ngoảnh nhìn lần cuối Tây Ban Nha”, sau này, vào cuộc kháng chiến
khốc liệt, sáng tạo thơ đầy đặn hơn, nhưng Trần Mai Ninh có phủ nhận quyết liệt
những gì mình đã viết không? Cả trường hợp Quang Dũng nữa, đăng thơ từ năm
1937, sau này vào kháng chiến chống Pháp, tác giả hai bài thơ nổi tiếng Tây
tiến và Mắt người Sơn Tây, có phủ nhận quyết liệt bài Chiêu Quân
viết hơn mười năm trước với câu chữ đa cảm thế này: “Tỳ bà lanh lảnh buốt
cung thương…/ Lã chã trời Phiên mưa tuyết xuống/ Chiêu Quân sang Hồ, xừ hồ xang?
Chúng tôi nghĩ, những câu hay để đời của Quang Dũng trong bài Mắt người Sơn
Tây: “Đôi mắt người Sơn Tây/ U ẩn chiều lưu lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây”,
cũng vẫn là sự tiếp tiến của tâm hồn ông khi viết Chiêu Quân thôi… Sao
lại thích quyết liệt phủ nhận thế nhỉ! Xin nêu một gợi ý rất đáng lưu tâm: Lê
Tràng Kiều, nhà lý luận phê bình hàng đầu thời Thơ mới, ngay từ tháng 4 – 1936,
đã viết trên Hà Nội báo: “Thời gian đã định đoạt cái giá trị của Thơ
mới…Từ bây giờ lịch sử chỉ còn ghi lại những áng thơ hay mà thôi, không còn
chia ra mới, cũ nữa”. Chúng tôi nghĩ, Lê Tràng Kiều đã thật sâu xa khi nhìn
nhận thơ dân tộc toàn vẹn trong một khối thống nhất, phát triển cũng để đi tới
một chỉnh thể luôn đẹp đẽ hơn, của văn hóa Việt, của tâm hồn Việt Nam ta.
Lúc viết Đèo Cả,
Hữu Loan chưa biết bài thơ đầu tay đó của ông lại là bài thơ mở đầu cho Thơ
kháng chiến chống Pháp. Ngôn ngữ thơ ông tự do, leo thang thoải mái, nói tới sự
gian lao, nói tới máu lửa, rất thực và hào hùng, cao cả: “Rau khe/ cơm vắt/
áo phai màu sa trường…/ Gian nguy/ lòng không nhạt/ căm thù trăm năm xa/ máu
thiêng sôi dào dạt/ tự nguồn thiêng ông cha”. Rồi ít lâu sau, Trần Mai Ninh
viết Nhớ máu với giọng thơ ngùn ngụt máu lửa, và bài Tình sông
núi, xúc cảm thơ to rộng, kỳ vĩ, nhưng rất giàu mỹ cảm. Nói chính xác thì,
khi Hữu Loan viết Đèo Cả, Trần Mai Ninh viết Nhớ máu và Tình
sông núi, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn chưa phát lệnh kêu
gọi Toàn quốc kháng chiến. Trên thực tế, hai nhà thơ này đã bước vào cuộc kháng
chiến với một tâm hồn hùng tráng, và ba bài thơ của hai ông là những bài thơ
chiến đấu sớm nhất của nước Việt Nam dân chủ, độc lập. Có thể nói, đó là lịch
sử tạo nên nhà thơ và thơ ca của mình! Lúc này, Nguyễn Đình Thi còn chưa in
những bài thơ tự do không vần; còn thêm một thời gian nữa mới có Nhớ của
Hồng Nguyên, Tây tiến và Mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, rồi Bên
kia sông Đuống của Hoàng Cầm…
Điểm lại như thế, thấy
ngay rằng, Thơ kháng chiến chống Pháp đã đạt được thành tựu chủ đạo ngay những
năm đầu dân tộc ta bước vào cuộc chiến tranh giữ nước thần thánh. Đạt tới thành
tựu cỡ như vậy, trào lưu thơ này phải có hai điều kiện tiên quyết. Một là, hồn
thiêng dân tộc bùng phát cao ngất trong tâm hồn thi sĩ. Điều kiện này, chính
cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 rung trời chuyển đất cùng sứ mệnh phải giữ
lấy đất nước độc lập mà dân tộc mới giành được, đã đem đến cho toàn dân trong đó
có các nhà thơ chiến sĩ. Hai là, phương pháp nghệ thuật mới nhất của thơ Việt.
Điều kiện này, họ được Thơ mới tạo tiền đề cho.
Như đã nói ở trên,
Trần Mai Ninh và Quang Dũng là hai tác giả xuất hiện từ thời kỳ Thơ mới, chắc
chắn đã thấm vào họ ngôn ngữ Thơ mới. Nếu Siêu thực được các thi sĩ Chế Lan
Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê tiếp thu một cách tài giỏi, sau tạo nên thơ kinh
dị, thơ điên, thơ huyền diệu, thì nó cũng được Trần Mai Ninh tiếp nhận rất
chọn lọc về văn hóa để viết: “Ơ, những người/ Đen như mực, đặc thành keo/
Tròn một củ/ Hay những người gầy sắt lại/ Mặt rẹt một đường gươm…”. Còn Hữu
Loan, trước năm 1940, dù chưa đăng bài thơ nào, nhưng là một nhà giáo dạy văn,
chắc không thể không là người yêu Thơ mới. Hoàng Cầm bắt đầu sáng tác từ 1941,
sau này ông vẫn thường tâm sự: “Thời ấy, ai viết lách một chút đều yêu Thơ mới
cả”. Năm 1941 Nguyễn Đình Thi đã viết một số bài giới thiệu về triết học phương
Tây đương thời, và thực sự quan tâm đến văn chương, nên đã thấm vào ông những
cái đẹp văn hóa của chủ nghĩa Tượng trưng, Siêu thực cùng Thơ mới. Và cả Tố
Hữu, đại biểu quan trọng nhất của Thơ cách mạng và kháng chiên chống Pháp, cũng
là một thi sĩ sáng tác từ trước năm 1939, chả nhẽ ngôn ngữ Thơ mới đẹp đẽ không
được ông tiếp thu, một cách có chọn lọc?…
Hiện tượng Tố Hữu, đặc
sắc nhất khi sáng tác thơ theo các chủ đề, đề tài. Về phương diện đó, không nhà
thơ cách mạng và kháng chiến nào sánh được với ông. Thành công đỉnh cao của Tố
Hữu thể hiện qua các bài thơ đề tài, chủ đề lớn của đất nước, như Sáng tháng
Năm, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Việt Bắc…Sau Hội thảo lớn về
thơ tại Việt Bắc, nhất là sau năm 1954, Tố Hữu là ngọn cờ đầu của thơ Việt Nam.
Các nhà thơ đi theo hướng của ông, thành dòng chảy chính thống. Thi sĩ lãng mạn
Xuân Diệu tự coi mình là một kép xẩm, say mê cổ võ cho thơ “chân chân chân,
thật thật thật”. (Còn nữa).
No comments:
Post a Comment