.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Wednesday, May 29, 2013

HỒI ỨC SÔNG LUỒNG: “CHÓ GẦY SỦA LẠ GIỌNG KHAO KHAO”


HỒI ỨC SÔNG LUỒNG

Chưa được làm thuyền đua nước chảy
Thì theo người trẩy ngược bờ cao
Sông Luồng bọt nước sôi đầu sóng
Chẳng phải lênh đênh cũng bọt bèo
Ngước nhìn lên dốc cao cao nữa
Mái tranh xám mốc ẩn trong lau
Mây trắng mây trắng vướng trên nóc
Chó gầy sủa lạ giọng khao khao
Đã hườm vườn mía dâng hơi ngọt
Gầy guộc tay em cuốc sỏi đồi
Màu chàm chầm chậm xoay theo đất
Chẳng khác đời sông sóng quặn trôi
Chập cả dáng em trong dáng mế
Không anh cả trong mắt em nhìn
Mang mang tia mắt như giọt bể
Trôi cả buồm xa lẫn cánh chim…
                 
(Sông Luồng, Miền Tây Thanh Hóa 2011)
Lời bình của Nguyễn Minh Thắng:
Cuối năm 2012, Đinh Ngọc Diệp ra mắt tập thơ “Hành trình” –NXB Văn học, đầu năm 2013 đã có ngay bản thảo tập thơ “Hành trình 2”  trên bàn biên tập. Thơ Đinh Ngọc Diệp- một chặng hành trình từ ngọn sóng đến chân mây. Đinh Ngọc Diệp hẳn là người biết “chiêm tinh” luận thế. Anh ngồi trên ba ngọn núi ngược, tạo thành một cái kiềng của đất trời, mà tắm mình ở những dòng sông ngược thủy, cái dòng sông mang nước lên trời ấy, xuất thân từ ba ngọn núi ngược. “Tam Đảo” để cái thần chảy trên ngọn bút anh dài như dòng sông sương mà anh là người, là hạt giống lạ mảnh đất giành cho , mảnh đất đợi chờ. Từ ấy Đinh Ngọc Diệp đã thổi hồn vào cỏ cây hoa lá vào núi non hùng vĩ: “Trong lãng đãng ngàn mây Tam Đảo/ Chốn lắng lòng của tạo hóa đa đoan/ Mặt trời nhóm vàng ngày, thương ai đợi nắng/ Màu xám bên đường chống cuốc ngóng  mây loang…”
Tam Đảo- chốn bồng lai tiên cảnh dường như chỉ dành đãi khách phương xa. Nhưng có người khách thơ vẫn  nặng lòng với những lo âu, trăn trở của con người nơi đây đang chìm trong cuộc mưu sinh; hay chính anh trong lòng sẵn có nỗi niềm. Tác giả đồng cảm cùng người mẹ  có con học ở thành phố, chị đang lăn lóc với đá, với sương “…tìm su su ngắt ngọn/Nhặt từng đồng gom góp gửi theo con”. Sự lao động ở cái “chốn Thiên Thai” mà ta cảm thấy thật như trong huyền thoại. Tác giả Đinh Ngọc Diệp đã khắc họa một bức tranh một câu thơ tài hoa đến độ: “Người cuốc vào mây, mây xóa mặt người”- câu thơ ẩn hiện đan xen nhau nối thành một sợi dây giao hòa âm dương.
Nhìn vào thơ Đinh Ngọc Diệp, anh luôn chiếm lĩnh một thế cao, từ ở những thế cao này mà thơ anh có được cái chất lãng mạn từ không gian bắt nguồn chảy xuống. “Lưỡi cuốc vung lên chạm trời huyền thoại” đối lập với khổ dưới : “Giọt mồ hôi cay, củ khoai nướng năm ngàn” - dù có cao đến mấy cũng không rời khỏi mặt đất, nhưng chính nó mới là sự sống còn của muôn vật.
Tam Đảo có một thứ men của tạo hóa,một loại men không uống mà say.Câu thơ hiển thị lên cái ảo “lấy không cả men trời Tam Đảo” song nó lại kết nối hiển thị luôn cái thực: “nợ tay người ngọn lửa nướng khoai thơm”. Ta cảm nhận ra từ “lấy không” có nghĩa là “chiếm đoạt” mà chiếm đoạt của tạo hóa cũng là người có gan trời. Đinh Ngọc Diệp dám chiếm đoạt của tạo hóa. Nhưng với thảo dân thì không mà còn trân trọng ghi nợ dù chỉ là chút vật chất cỏn con. Câu thơ thật chí khí, anh hùng, mà rất mực quân tử, nó đẩy câu thơ lên tới đỉnh của sự nhân văn.
Ở khổ tám trong bài “Tam Đảo”, ta thấy sự tương phản của hai màu sắc đập vào trực giác đó là màu đỏ màu của áo sinh viên, màu trắng màu của thác nước. Vào lúc du khách tưởng sắp chìm vào khói sương, sắp hóa thành Từ Thức lên tiên, chính tiếng cười và màu áo đỏ của em ấm nóng như mặt trời đã níu kéo con người ở lại với trần thế: “Áo đỏ sinh viên gặp bên Thác Bạc/ Ta níu mặt trời, sao nỡ em quên/ Mây xóa nẻo về, chợt ta hóa khói/ Em- tiếng cười dưới dốc vừa lên…”
Ở bài “Mây Riêng” lại là một bài thơ tình lãng mạn. “ Phải người chao chát chi đây/ Mâycafé để suốt ngày dọa mưa?”Mới nghe đến từ “mây café” sự liên tưởng rộng ra ngoài bầu trời, ở ngũ sắc mây, thì chưa có người nào gặp mây có màu cà phê. Sau lúc phân vân và đọc xuống dưới, cho đến lúc ngộ ra cụm từ trên để chỉ tên quán cà phê với tên chủ quán là “Mây” ,tác giả đã quán từ bằng cái chớp rạch trời và mây vẫn ùn ùn kéo về bằng câu thơ: “Ông trời rạch chớp – mây chưa hao mòn”.Một câu thơ có thể nói là “đắc địa” khi mà trời mưa sấm chớp, ta ngồi bên tách cà phê tí tách nhỏ giọt ;mây mưa bốn bề sầm sập. Cảnh ấy người này làm sao mà vui được, ngồi uống ly cà phê là để giết thời gian, chờ cho đến lúc “ngán mưa”. Khi mà trời vào quán ngồi-mưa tạnh thì hẳn khách cà phê cũng phải rời quán. Song “Mây em mang khát lên trời” lại là sự bất ngờ,mới lạ, mạnh mẽ đến độc đáo! Đó chính là - một giá trị ở đời mà tác giả đã dựng lên sừng sững giữa không gian trời đất vần vũ cho mọi người  chiêm ngưỡng!Mây lên trời, không phải mây-nước quen thuộc, đây là mây “mang khát”, cả một đời “thu giông,tích bão” để “tụ mây”; trời đổ mưa sầm sập mà cơn khát vẫn chưa hạ hỏa!
Sang khổ hai, để nói một tình cảm đơn phương nhưng tác giả có cách nói riêng: “Tự tôi ngập lụt…em thành phao bơi”. Mải cuốn theo cơn lũ của tình cảm, người đọc bỗng giật mình khi đột ngột bị trả về cái thực cuả quán café mà từ đầu ta đã dụng công đi tìm nó. Vì lẽ đó nên tác giả mới lấy tên bài thơ là “Mây riêng”.Tuy thế, đọc trọn câu thơ cuối “Tôi là kiếp khách …thương người cõi mây” lại thấy “khách” vẫn nhất quyết không từ bỏ cái tình đơn phương, vô vọng, ta thấy cảm  thương một tâm hồn đa cảm, hơi có vẻ tội nghiệp…
Qua hai bài “Tam Đảo ngày tôi đến” và “Mây Riêng” ta cảm nhận được cái hay, tinh tế ở mỗi bài. Hồi cốt của bài “Tam Đảo” được nhà thơ khắc họa cái cảnh cái tình của một nơi tiên cảnh, gắn với nỗi niềm nhân sinh, nó vượt lên nhiều bài viết về Tam Đảo. Nhưng đến bài “ Mây Riêng” tác giả lại nặng về nhân tình. Song bài “Hồi ức sông Luồng” thì cái vị ngọt vị mặn không còn trong sở hữu, cái đầu đòn gánh đã nghiêng về tâm lý vít cong những số phận cuộc đời nó lơ lửng treo những vị cay quả đắng cho từng nỗi đời, từng thân phận lênh đênh bèo bọt. Đau nỗi đau cái nghèo bám đuổi, câu thơ như kim châm vào từng thớ thịt, cảnh đấy, tình đây khiến người đọc cùng cảm lòng dằn vặt. Con người, sự sống, và cuộc đời họ như cái bóng đen đè nặng vào số kiếp, rồi cái đau cho cả sự mất mà đến con chó cũng mất đi về nguồn cội về ngôn ngữ mẹ đẻ…: “Chó gầy sủa lạ giọng khao khao”.Phải chăng sự lai căng nó đang và đã xâm nhập vào cả thiên hạ này, đưa chúng ta quay về một thời “ lộn kiếp”. Bài thơ “ Hồi ức sông Luồng” như được rót nỗi niềm của đời người vào trong cái chai nút lại. Cái nỗi đau cũng gầy guộc theo nỗi đời, sự xoay vần trong cuộc sống môi sinh từ cảnh vật đến con người cũng ngắc ngoải: “Ngước nhìn lên dốc cao cao nữa/ Mái tranh xám mốc ẩn trong lau/ Mây trắng, mây trắng vướng trên nóc/ Chó gầy sủa lạ giọng khao khao/ Đã hườm vườn mía dâng hơi ngọt/ Gầy guộc tay em cuốc sỏi đồi/ Màu chàm chầm chậm xoay theo đất/ Chẳng khác đời sông sóng quặn trôi…”
Ba bài thơ, ba mảng màu khác nhau đã được giới thiệu trên một số trang web như phongdiep.net, trannhuong.com, nguyennguyenbay.blogspot.com… và in  trên tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số tháng 4/2013(bài Tam Đảo ngày tôi đến, Hồi ức sông Luồng).  Đinh Ngọc Diệp với “Hành trình” những chặng đường đời, những chặng đường ngàn vạn thiên lý còn gặp nhiều những kỳ bí trong chuyến hành trình của anh.
24 /4 /2013 ( 15/3/Quý Tỵ)

Nguyễn Minh Thắng
(Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội)
ĐT: 0168.920.2927

No comments:

Post a Comment