.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, May 25, 2013

VĂN HỌC DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐANG CHỊU SỐ PHẬN BÊN LỀ

Vấn đề văn học viết các dân tộc thiểu số nói chung và lý luận phê bình văn học dân tộc thiểu số nói riêng luôn là vấn đề nóng bỏng từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây. Có thể là người ta vô tình hay hữu ý không biết đến điều đó. Nhưng trong đội ngũ các nhà văn  và nhà lý luận phê bình là người dân tộc thiểu số họ rất bức xúc, day dứt về vấn đề này.

Cho tới nay: "Văn học viết các dân tộc thiểu số vẫn còn nằm bên lề của việc giảng dạy văn học, nằm bên lề của các sách giáo khoa, giáo trình và trong các diễn đàn văn học có nghĩa là nó vẫn nằm bên lề của cuộc sống văn học Việt Nam hiện đại". Câu nói đó viết cách đây đã 11 năm trong cuốn "Văn học dân tộc và miền núi" (Nxb Văn hóa dân tộc 2002, tr.41) vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó.
Gần đây nhất, năm 2011, trong cuốn "Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - Một số đặc điểm" do PGS.TS Trần Thị Việt Trung và Tiến sĩ Cao Thị Hảo (đồng chủ biên) do Nxb Đại học Thái Nguyên ấn hành có hẳn một chương (chương 5) viết về vấn dề đó với tiêu đề "Thực trạng bất cập văn học dân tộc thiểu số trong các cấp học hiện nay và những kiến nghị đề xuất đưa văn học dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong nhà trường các cấp". Đọc chương này, người đọc phải giật mình, không ngờ văn học dân tộc thiểu số lại bị coi thường đến như vậy: "Ở suốt cả các học phần cơ sở (bắt buộc hay tự chọn) dành cho văn học hiện đại Việt Nam thì vị trí của văn học dân tộc thiểu số đều không được khẳng định, các nhà biên soạn chương trình, giáo trình văn học Việt Nam đã vô tình hay hữu ý gạt bộ phận văn học quan trọng và đặc sắc này ra ngoài chương trình chính thức giảng dạy ở đại học" (sđd, tr.423).
Thực trạng đó dẫn tới chỗ "hầu hết tất cả học sinh, sinh viên sẽ có chung một quan niệm: "Văn học Việt Nam chỉ là văn học của người dân tộc Kinh mà thôi, còn văn học dân tộc thiểu số vẫn chỉ tồn tại như một bộ phận phụ, nằm ngoài tiến trình văn học Việt - Điều đó sẽ làm tăng thêm sự bất bình đẳng (vốn đã có) trong việc ứng xử với các cộng đồng dân tộc thiểu số, ít nhất là trong lĩnh vực văn học" (sđd, tr.435).
Những ý kiến trên đây, không phải là của các nhà văn, các nhà lý luận phê bình văn học dân tộc thiểu số nữa, mà do một phó giáo sư, tiến sĩ người Kinh có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình văn học dân tộc thiểu số đề cập tới. Đó là nhà lý luận phê bình Trần Thị Việt Trung, giám đốc Nxb Đại học Thái Nguyên, coi như đó là vấn đề bức xúc, cấp bách.
Tại sao lại có tình trạng như vậy. Điều đó chắc chắn không thuộc về sự lãnh đạo của Đảng. Trong nghị quyết 23 NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/06/2008 về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới" nêu rõ: "Có chính sách đặc biệt hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, chữ viết văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số". Thiếu sót, sai lầm đó là thuộc về những cơ quan tổ chức, quản lý, những cơ quan thực hiện vấn đề này như Bô giáo dục và đào tạo, Viện văn học, các trường cao đẳng, đại học dạy bộ môn này. Trong đó có những giáo sư, phó giáo sư, những tiến sĩ, những nhà lý luận phê bình viết về văn hoc Việt Nam hiện đại. Trong nhiều bài viết, thậm chí trong bài tổng kết cả một giai đoạn văn học Việt Nam, người đọc không thấy họ đụng chạm tới mảng văn học này, cũng như thấy họ liệt kê một lô các tác giả, tác phẩm người Kinh mà không có một tác giả, tác phẩm nào là của người dân tộc thiểu số. Họ coi như văn học các dân tộc thiểu số (trong đó có lý luận phê bình) không có gì để nói/đáng nói.
Do đó, ở Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh, hai trung tâm đào tạo lớn nhất cả nước, trong rất nhiều năm nay không có cuốn sách nào chuyên viết về mảng văn học này. Gần đây nhất, năm 2007 Viện văn học có công trình nghiên cứu "Thơ dân tộc ít người giai đoạn 10 năm cuối thế kỷ XX - truyền thống va hiện đại" (rất tiếc là sau khi nghiệm thu, công trình này vẫn chưa được công bố). Phần đóng góp của công trình này là ở chô bước đầu khảo sát hệ thống biểu tượng giữa thơ ca dân gian và thơ ca hiện đại của ba dân tộc: Tày, Mường, Giáy để thấy được ảnh hưởng của các biểu tượng đó tới thơ hiện đại các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, phần khái quát của công trình còn sơ lược, không có gì mới, so với những công trình, những bài viết trước đó, thậm chí còn có những dẫn chứng sai, những nhầm lẫn, dễ dãi đáng tiếc trong việc thống kê, xếp loại các nhà thơ dân tộc thiểu số. Sai lầm lớn nhất của công trình này là dựng chân dung Vi Thùy Linh như một nhà thơ tiêu biểu của dân tộc Tày nói riêng và thơ các dân tộc thiểu số nói chung. Với việc làm này, người viết đã hòa thơ dân tộc thiểu số và thơ dân tộc Kinh làm một.
Công trình nữa được nhiều người quan tâm đó là luận án tiến sĩ về "Văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và miền núi" năm 2009, đã được các giáo sư, tiến sĩ thông qua, đồng quan điểm và đánh giá cao. Sau này in thành sách lại được giải khuyến khích của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương. Đọc công trình này, ai cũng thấy tác giả viết rất công phu và làm việc rất nghiêm túc theo đúng thao tác của một người làm khoa học. Việc chiếm lĩnh tư liệu liên quan tới đề tài này thật phong phú, đa dạng từ tác giả, tác phẩm tới những bài viết, những công trình về văn xuôi dân tộc và miền núi hầu như đều được tác giả trích dẫn, đề cập tới trong công trình này. Với cách viết vừa khoa học, vừa nghệ thuật, với những hiểu biết khá sâu sắc về lý luận văn học, công trình có sức hấp dẫn, đóng góp riêng. Đó là điều không thể phủ nhận. Còn mặt hạn chế của công trình này, đó là phương pháp tiếp cận với hai mảng văn xuôi dân tộc và miền núi. Một mảng do người dân tộc thiểu số viết, một mảng do người Kinh viết, để từ đó rút ra sự giống nhau và khác nhau giữa hai mảng văn học này, khẳng định mảng văn xuôi do người dân tộc thiểu số viết có bản sắc riêng, mà các nhà văn người Kinh viết về dân tộc và miền núi không thể nào có được, và cái đó tạo nên bản sắc dân tộc (thiểu số) trong văn học các dân tộc thiểu số. Nhưng tác giả đã không làm như vậy mà gộp hai mảng đó làm một và có chung một truyền thống, một bản sắc dân tộc (thiểu số). Ngay từ tên đề tài: "Văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và miền núi" với các đề mục như "Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại", "Giữ gìn và phát triển bản sắc dân tộc"... trong văn xuôi dân tộc và miền núi đã nói lên điều đó. Với tư tưởng này, tác giả đã đưa ra những lý lẽ và dẫn chứng để bảo vệ cho quan điểm của mình, coi như các tác giả người Kinh cũng kết hợp được giữa truyền thống và hiện đại (của dân tộc thiểu số) cũng thể hiện rõ bản sắc dân tộc (thiểu số) trong tác phẩm của họ, thậm chí còn "nói được nhiều hơn và sâu hơn". Với phương pháp nghiên cứu như vậy, nhiều lúc tác giả đã tỏ ra lúng túng, gượng ép và mâu thuẫn khi luận giải về vấn đề này.
Tác giả viết: "Thể hiện bản sắc dân tộc điều cốt yếu đối với người viết là thể hiện được bản sắc của dân tộc đó, có thể thấy các tác phẩm ưu tú của người Kinh thường nói được nhiều và sâu hơn về bản sắc dân tộc so với tac phẩm chính của dân tộc ấy". Từ đó dẫn tới chỗ: "Khu vực sáng tác của các dân tộc thiểu số, với sự tham gia của các cây bút Tày, Thái, Mường, Ê đê... bằng lối thể hiện mang bản sắc riêng đã tô điểm (tác giả nhấn mạnh. LT) cho bức tranh chung của văn xuôi thêm phong phú, đa dạng". Đây thật là một thứ lý luận ngược đời. Chẳng lẽ chủ thể sáng tạo của khu vực văn xuôi dân tộc và miền núi lại là của dân tộc Kinh là Tô Hoài, là Nguyên Ngọc, là Ma Văn Kháng, là Trung Trung Đỉnh... chứ không phải là Cao Suy Sơn, Mã A Lềnh, Vi Hồng, H'Linh Niê, Triều Ân, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Vương Trung, Sa Phong Ba, La Quán Miên, Hữu Tiến, Ma Trường Nguyên, Bùi Thị Như Lan, Đoàn Ngọc Minh, Đoàn Lư, Kim Nhất, Y Điêng... Với quan điểm này thì các tác phẩm văn xuôi dân tộc chỉ là mảng tô điểm (theo "Từ điển tiếng Việt" của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên - Nxb Đà Nẵng 2006 thì tô điểm là làm cho có thêm màu sắc, cho đẹp hơn) thêm cho bức tranh do người Kinh dựng lên. Nó là mảng văn học phụ, nên không có tác giả, tác phẩm văn xuôi dân tộc thiểu số, văn xuôi dân tộc và miền núi do người Kinh viết vẫn tồn tại, phát triển và vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó trong công trình này dựng lên bốn chân dung văn học "những gương mặt lớn" thì trong đó có ba chân dung người Kinh, chỉ có một chân dung là người dân tộc thiểu số, đó là nhà văn Vi Hồng. Theo tác giả thì cách viết của Vi Hồng có mặt được và chưa được của nó, đó là còn dân gian hóa miền núi. Trong khi đó Cao Duy Sơn là nhà văn tiêu biểu, là "gương mặt lớn" nhất về văn xuôi các dân tộc thiểu số hiện nay lại không có mặt ở những chân dung này. Chính Cao Duy Sơn mới là nhà văn có quan điểm tư tưởng đúng về bản sắc dân tộc trong văn học và thể hiện rõ điều đó trong những sáng tác ưu tú đạt giải thưởng cao. Nên Cao Duy Sơn mới là gương mặt tiêu biểu, để các tác giả dân tộc thiểu số "phấn đấu cho đúng hướng trên hành trình hiện đại hóa sáng tác" chứ không phải là nhà văn Vi Hồng. 
Sai lầm của công trình này là ở chỗ, cho bản sắc dân tộc là ở đối tượng sáng tạo, chứ không phải ở chủ thể sáng tạo. Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến khẳng định: "Có thể nói rằng bản sắc của nghệ thuật dân tộc do chính những nghệ sĩ dân tộc tạo ra" ("Tinh dân tộc và tính hiện đại trong văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay" Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội 2010, tr. 164). Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc cũng cho câu nói: "Bản sắc dân tộc trong văn học là do chính nhà văn dân tộc sáng tạo ra..." là những ý kiến đúng. (Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb Đại học Thái Nguyên 2010, tr.41 - 42). Với phương pháp tiếp cận bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam như vậy, Nguyễn Duy Bắc đã làm rõ bản sắc dân tộc thể hiện trong thơ dân tộc thiêu số Việt Nam hiện đại và nhấn mạnh: "Bản sắc dân tộc trong thơ dân tộc là bản sắc dân tộc - dân tộc của chính nhà thơ sáng tạo ra nó" (sđd, tr.41)
Như vậy là không thể nào có một bản sắc dân tộc chung chung cho văn xuôi dân tộc và miền núi, nó chỉ có thể là thuộc về dân tộc Kinh hoặc dân tộc thiểu số. Cho nên phong cách của Tô Hoài và Ma Văn Kháng viết về miền xuôi hay vùng các dân tộc thiểu số không có gì khác nhau lắm (chính tác giả của công trình đã khẳng định như vậy trong phần viết về chân dung của hai nhà văn này).
Tô Hoài viết: "Bây giờ tôi viết cuốn "Miền Tây", trong ngôn ngữ cụ thể từng câu, anh em ở trên đấy đọc nói rằng tôi không bắt chước tiếng nói, lối nói của người H'Mông, nhưng lại có vẻ H'Mông" (Tô Hoài - Về tác giả và tác phẩm - Nxb Giáo dục - Hà Nội, tr.2009). Từ "có vẻ" của Tô Hoài dùng ở đây rất đắt. Dường như các tác phẩm người Kinh viết về dân tộc và miền núi đều có vẻ bản sắc dân tộc như vậy chứ không phải là bản sắc dân tộc (thiểu số) đích thực. Sự khác biệt này chính là xuất phát từ chiều sâu văn hóa, tư duy và ngô ngữ dân tộc và đó cũng là yếu tố chính tạo nên bản sắc dân tộc trong văn học các dân tộc thiểu số.
Như vậy, những tác giả người Kinh viết về dân tộc và miền núi chỉ thể hiện bản sắc dân tộc (Kinh) trong tác phẩm ấy. Trừ một số nhà thơ sống ở miền núi lâu năm, họ đã dân tộc hóa, họ hiểu sâu sắc và thông thạo về văn hóa, tư duy và ngôn ngữ của dân tộc, có được tâm hồn đồng điệu với dân tộc đó như Ngoc Anh viết "Bóng cây Kơ nia"; Cầm Vĩnh Ui, Bạc Văn Ùi viết "Nhớ vợ" va "Em tắm"; Đỗ Thị Tấc viết "Khèn tình"... Còn về mảng văn xuôi cho tới nay, chưa có tác phẩm nào của người Kinh viết được như vậy.
Có lẽ, các nhà văn dân tộc thiểu số là người nhậy cảm và thấy rõ vấn đề này hơn ai hết. Inrasara nói: "Không ai có thể hát thay chúng ta"; Vi Hồng viết: "Người dân tộc thiểu số bấy nay vẫn nói với nhau là các nhà văn miền xuôi viết về miền núi chủ yếu là để người xuôi đọc" (Tạp chí văn học số 4 - 1991, tr.65)... Không hiểu sao một số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà văn viết về văn học dân tộc thiểu số lại không quan tâm tới những ý kiến, những quan niệm của những chủ thể sáng tạo ra nền văn học đó. Xu hướng này cũng thể hiện rõ trong nghiên cứu, lý luận phê bình văn học dân tộc thiểu số trong nhiều năm gần đây. Từ khâu tổ chức quản lý tới khâu thực hiện, hướng dẫn, đánh giá đề tài về mảng văn học này từ trung ương tới địa phương đều do người Kinh thực hiện. Không có một người dân tộc thiểu số nào đươc tham gia vào cái "tổ chức" này. Với việc làm chủ quan như vậy, thì lấy gì để đảm bảo tính khách quan, tính chính xác khoa học và đúng đắn của những công trình này. Những thiếu sót không đáng có trong những luận văn, luận án, những công trình nghiên cứu về mảng văn học này trong những năm vừa qua thể hiện rất rõ điều đó. Nó rất khác với trước đây, những công trình viết về văn học dân tộc và miền núi thường có sự tham gia của nhà thơ Nông Quốc Chấn.
Như vậy là hoạt động nghiên cứu, lý luận phê bình văn học dân tộc thiểu số trong tình hình hiện nay có nhiều vấn đề cần phải bàn. Trước đây gần ba mươi năm trong cuốn "40 năm văn hóa nghệ thuật các dân tộc Việt Nam 1945 - 1985". Nxb Văn hóa 1985, tr.135, đã có vị giáo sư viết: "Chỉ riêng nhân tố "tác giả", xét riêng về mặt nguồn gốc dân tộc, thì không có ý nghĩa gì tất yếu lắm" và "Nếu đòi hỏi tác giả phải là người dân tộc thì tác phẩm mới là dân tộc, điều đó không hẳn là vậy".
Lúc đó, người ta cho đấy chỉ là ý kiến của một cá nhân. Nhưng lần này qua công trình "Văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và miền núi" được nhiều giáo sư, tiến sĩ đồng tình và đánh giá cao lại được giải thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, khiến người ta không thể không nghĩ tới lời phát biểu của một thi sĩ người Kinh nào đó về ngôn ngữ dân tộc ít người: "Theo tôi ai mạnh là sống, yếu là tự đào thải, đó là sự chọn lọc tự nhiên, không nên mất thời gian bảo vệ giữ gìn nó..." (Văn nghệ số 10, (9-3-2013), tr.16). Thì đây không phải là quan điểm, tư tưởng của một người nữa, mà của nhiều giáo sư, tiến sĩ có tên tuổi và các nhà trí thức khác.
Và có phải vì quan điểm, tư tưởng như vậy mà người ta ít quan tâm tới mảng văn học này, vẫn đặt nó "bên lề" của văn học Việt Nam hiện đại, như những lý lẽ và dẫn chứng trong các công trình nghiên cứu về văn học các dân tộc thiểu số do Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đưa ra. Hay đó chỉ là "vô tình", cho tới nay vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng. Do đó, những kiến nghị trong cuốn "Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại" và trong cuốn "Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - một số đặc điểm" do Nxb Đại học Thái Nguyên ấn hành năm 2010 và 2011 liệu có trở thành hiện thực, để văn học dân tộc thiểu số có được vai trò, vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đáp ứng được tư tưởng, tình cảm, yêu cầu và nguyện vọng nóng bỏng của các dân tộc thiểu số vẫn đang đặt ở phía trước.
LÂM TIẾN
Nguồn: PĐ/VNT

No comments:

Post a Comment