Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú (đứng ngoài cùng bên trái)
và các bạn văn tại hội nghị nhà văn trẻ các nước XHCN ở Matxcơva 1977.
và các bạn văn tại hội nghị nhà văn trẻ các nước XHCN ở Matxcơva 1977.
Lễ
tiễn đưa nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú ngày 23/5, cộng tác viên thân thiết của Báo
CAND đã có mặt rất đông đủ các nhà văn, nhà thơ Việt Nam thuộc nhiều thế hệ. Ai
cũng đến đây với niềm ngậm ngùi thương tiếc một cây bút từng có nhiều đóng góp
cho nền văn học Việt Nam.
Nhà
văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đã từ giã cõi trần vào hồi 1h ngày 20/5/2013 tại Bệnh
viện Quân y 108, Hà Nội, hưởng thọ 71 tuổi.
|
Nửa
thế kỷ trước, Nguyễn Thị Ngọc Tú đã là một cây bút được bạn đọc yêu mến và đồng
nghiệp đánh giá cao. Từ tác phẩm đầu tay “Huệ”, bà đã gây được sự chú ý của độc
giả và nhanh chóng trở thành hội viên hội Nhà văn Việt Nam năm 1967. Từ đó, bà
đã khẳng định tài năng cá nhân bằng những dấu ấn trên văn đàn: Gần 20 đầu sách,
trong đó, đa phần là tiểu thuyết, đã cho thấy sức lao động miệt mài của bà trên
cánh đồng chữ nghĩa: “Đất làng”, “Buổi sáng”, “Ngõ cây bàng”, “Hạt mùa sau”,
“Chỉ còn anh và em”, cùng nhiều tập truyện ngắn: “Câu chuyện dưới tán lá rợp”,
“Những dấu chân phía chân trời”, “Khoảng trời phía sau nhà”, “Cỏ ấm” v.v…
Với
những tác phẩm có chất lượng, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đã giành hàng loạt
giải thưởng văn học các loại, cho thấy sự đóng góp không nhỏ của bà cho văn
đàn: truyện ngắn “Một đứa trẻ” đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ,
Giải thưởng cuộc thi bút ký của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; “Hạt mùa sau” giành
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Tiểu thuyết “Hai người và những con sóng”
được trao Giải thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bà vinh dự được
nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I, năm 2001.
Nhà
văn Nguyễn Thị Ngọc Tú sinh ngày 25/12/1942, tại Hà Nội. Tình yêu với văn
chương nhen nhóm nơi bà từ nhỏ. Những cuốn sách với những câu chuyện ăm ắp tính
nhân văn, hướng thiện, đã luôn là niềm hấp dẫn mãnh liệt với bà. Để rồi, khi
trở thành giáo viên cấp 2, bà đã biến tình yêu đó thành những trang viết đau
đáu hiện thực cuộc sống.
Mong
muốn thỏa mãn tình yêu với văn chương, Nguyễn Thị Ngọc Tú đã tham gia lớp viết
văn Nguyễn Du khóa đầu tiên do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Những kiến thức,
kinh nghiệm được các nhà văn đi trước truyền lại, càng thổi bùng ngọn lửa văn
chương ở bà. Những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn liên tục ra đời, cho thấy sức
viết tràn trề nơi bà. Năm tháng chiến tranh, như mọi gia đình, dù cuộc sống của
bà cũng không tránh khỏi khó khăn, nhưng bà vẫn cố gắng sắp xếp ổn định, hài
hòa việc chăm sóc con cái, việc cơ quan, để dành thời gian cho sáng tác.
Bà
từng đảm đương nhiều công việc: Những năm Mỹ đánh phá miền Bắc, Nguyễn Thị Ngọc
Tú là phóng viên Báo Vùng Mỏ (Quảng Ninh), sau đó, với kinh nghiệm và khả năng
viết văn, thẩm định tác phẩm văn chương, bà trở thành phóng viên, biên tập viên
của Tuần báo Văn Nghệ. Bà cũng được bầu làm Ủy viên Ban thư ký, BCH Hội Nhà văn
(khoá 3), Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam (khoá 4), Tổng biên tập Tạp chí Tác
phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam, cũng từng là đại biểu duy nhất của giới văn
học nghệ thuật cả nước tham dự Đại hội toàn quốc Đảng CSVN lần thứ 8 v.v…
Ở
mỗi cương vị, đều có những bộn bề công việc, nhưng bà chưa bao giờ xao lãng
việc viết văn. Bởi thế, dường như đều đặn, các sáng tác của bà ra đời và được
ghi nhận. Tên tuổi của bà từng xuất hiện dày đặc trên văn đàn, bên cạnh các cây
bút nữ cùng thời: Vũ Thị Thường, Xuân Quỳnh, Thúy Bắc, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ,
Phan Thị Thanh Nhàn...
Có
thể nói rằng, Nguyễn Thị Ngọc Tú là nhà văn thành công sớm trong cả văn nghiệp
lẫn cuộc đời. Những tác phẩm của bà được đánh giá cao ở sự nhạy cảm trong việc
nắm bắt các vấn đề của hiện thực cuộc sống, ở khả năng phản ánh, thể hiện các
vấn đề đó vào tác phẩm một cách nhuần nhuyễn, đáp ứng được yêu cầu cuộc sống.
“Hạt
mùa sau” là một trong các tác phẩm như thế của bà, khi đã từng tạo nên hiệu ứng
tốt với bạn đọc. Cuốn sách mang đề tài về nông thôn này phản ánh câu chuyện
xung quanh việc lai tạo giống lúa ở một viện nghiên cứu cây lương thực, nhằm
tạo ra giống lúa có những đặc tính tốt hơn như năng suất cao, ngắn ngày, chịu
được điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên v.v...
Tác
phẩm cho thấy nhà văn không chỉ hiểu biết sâu sắc về nông thôn - mặc dù bà là
người Hà Nội - mà còn nắm bắt những vấn đề mà xã hội quan tâm giai đoạn đó, để
đưa vào tác phẩm.
Văn
chương của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú giản dị, dễ gần và chân thành như cuộc
sống của bà ngoài đời, nhưng không kém phần sinh động và dí dỏm bất ngờ. Chính
điều đó tạo nên sự hấp dẫn trong mỗi tác phẩm của bà. Dù viết về điều gì, mục
đích của nhà văn vẫn phải là “hướng con người tới điều thiện, tránh bỏ tà ác,
mà điều thiện bao giờ cũng là vĩnh hằng”, như bà quan niệm.
Trong
sáng tác, Nguyễn Thị Ngọc Tú chắt chiu từng con chữ, từng hình ảnh, từng vấn đề
bức bối hay quan thiết của xã hội, để khái quát lên, phản ánh trong các tác
phẩm của mình, bằng cái nhìn, góc phân tích của một trái tim đôn hậu, trẻ trung
và sâu sắc. Đương nhiên, tính nhân văn, hướng thiện vẫn luôn là điều chủ đích
của bà với mong muốn xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Nói
về nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, nhà phê bình Nguyễn Hòa tâm sự: Khi ra đi, nhà
văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đã làm tròn sứ mệnh người cầm bút của mình. Trong hành
trình sáng tác gần nửa thế kỷ qua, chị đã để lại một khối lượng tác phẩm không
nhỏ, đáng để cho chúng ta trân trọng thành quả lao động nghiêm túc và bền bỉ
của chị với văn chương. Đó cũng là điều mà những người viết trẻ cần học hỏi và
kế tục.
Sinh
thời, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú tâm sự: “Tôi không coi viết là một nghề. Bởi
là nghề thì dù không muốn cũng phải làm. Tôi chỉ viết khi thích, khi có những
điều thôi thúc trong đầu, cho dù lúc đó đang bận, tôi cũng nghĩ và cố viết
lấy vài dòng.
Tôi
thích những chuyến đi và ham ghi chép. Mỗi chuyến đi thu lượm được nhiều điều
hữu ích. Những điều đó giúp cho việc viết. Tôi say viết tiểu thuyết về tình
yêu và gia đình… Tôi nghĩ cùng thời gian, mọi cái sẽ qua đi, kể cả những tác
phẩm có tiếng vang một thời. Chỉ còn lại những giá trị nhân văn cao cả mà
thôi!”.
|
THANH HẰNG
CAND
No comments:
Post a Comment