.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, January 15, 2012

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN RẤT CÔNG TÂM, KHÁCH QUAN TRONG CHỌN LỰA TÁC PHẨM TRAO GIẢI


Các văn sỹ trong Tự lực Văn đoàn rất công tâm, khách quan trong chọn lựa tác phẩm trao giải. Tám yếu nhân của Tự lực Văn đoàn: Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Xuân Diệu, Thạch Lam, Trần Tiêu không được tham dự giải để tăng thêm tính khách quan.


Năm 1939, nữ sĩ Mộng Tuyết được nhận “Lời khen tặng”
Yêu cầu:
- Các tác phẩm được dư luận công chúng khen ngợi
- Đại chúng, nâng cao vẻ đẹp và làm trong sáng tiếng Việt. Không khuyến khích những tác phẩm dùng nhiều Hán Việt...
- Thể hiện tâm hồn Việt
- Tôn vinh và giữ gìn nền nếp đạo đức dân tộc...
Nhân Nhã Nam thư quán (15 lô B, chung cư 43 Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM) đang trưng bày các sưu tập về Tự lực văn đoàn, người xem mới nhìn thấy lại một trong những “bảo vật” hiếm hoi của hội nhóm này, đó là bản sao giấy chứng nhận Giải thưởng Văn chương Tự Lực văn đoàn trao cho nữ sĩ Mộng Tuyết (1914-2007).
Trong tiểu sử của Mộng Tuyết thường thấy một câu đại ý: Năm 1939, bà được nhận “Lời khen tặng” (chưa phải giải thưởng chính thức) của Tự lực văn đoàn cho thi phẩm Phấn hương rừng, nên từ đó nổi tiếng.
Giải thưởng Văn chương Tự lực văn đoàn được lập ra khi hội nhóm này đi vào hoạt động một thời gian ngắn, xét trao giải hai năm một lần, vào các năm lẻ 1935, 1937, 1939. Theo tư liệu để lại thì năm 1935, giải này trao 4 giải khuyến khích cho tập truyện Ba của Đỗ Đức Thu, tiểu thuyết Diễm Dương trang của Phan Văn Dật, tiểu thuyết Bóng mây chiều của Hàn Thế Du. Còn một giải chưa biết trao cho ai và tác phẩm gì. Tổng số tiền thưởng là 100 đồng. Chưa rõ năm này có trao “Lời khen tặng” hay chưa?
Có một không hai
Năm 1937, vở kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc được trao giải thưởng chính thức, kèm 50 đồng; song song đó là “phóng sự tiểu thuyết” Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, kèm 30 đồng. Giải khuyến khích được trao cho tác phẩm Nỗi lòng, tiểu thuyết đầu tay của nhà giáo Nguyễn Khắc Mẫn, kèm 30 đồng.
Năm 1939, giải đồng hạng được trao cho tiểu thuyết Làm lẽ của Mạnh Phú Tư và tiểu thuyết Cái nhà gạch (sau đó in đổi tên thành Tiếng còi nhà máy) của Kim Hà. Mỗi giải kèm 100 đồng. Năm này giải còn trao “Ban Giám khảo đặc biệt ưu ái” cho hai tập thơ Bức tranh quê của Anh Thơ và Nghẹn ngào của Tế Hanh. Nữ sĩ Anh Thơ được tặng riêng 30 đồng.
“Lời khen tặng” của Tự lực văn đoàn dành cho nữ sĩ Mộng Tuyết
Giấy chứng nhận giải thưởng được in trên giấy rất đẹp, thường có chữ ký “nóng” của 6 văn thi sĩ là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ và Tú Mỡ. Thế nhưng, qua năm tháng, với các biến cố khách quan, hiện nay giới nghiên cứu và sưu tập cho rằng các giấy chứng nhận này gần như biến mất, chưa thấy ở đâu, dù hình tư liệu. Chỉ mỗi nhà lưu niệm Mộng Tuyết ở Hà Tiên là còn “Lời khen tặng” (xem hình) chính thức, nó được xem là chứng cứ hiếm hoi để nhớ về một giải thưởng khách quan, danh giá một thời.
Tuy nhiên, về diện mạo và mỹ thuật, giữa “Lời khen tặng” và các giải thưởng chính thức, giải khuyến khích, giải đặc biệt... khác và giống nhau thế nào, thì thật khó nói, vì chưa có hình để so sánh. Hình trưng bày tại Nhã Nam thư quán được nhà sưu tập Hoàng Minh chụp lại, nhằm giới thiệu với giới thưởng ngoạn một “di chỉ” hiếm thấy hiện nay. Giới sưu tập và nghiên cứu đang rất khát khao được mục kích hình dạng của giải thưởng chính thức, nhưng có vẻ như khá vô vọng.

Tìm “tung tích” văn sĩ Kim Hà
Tất cả những tác giả đoạt giải Tự lực văn đoàn đều thành danh, sau này có nhiều thay đổi về đời sống, công việc, chỗ ở. Bên cạnh đó, một thời gian dài tên tuổi của Tự lực văn đoàn cũng chưa được hiểu đúng, nên khiến nhiều người ngại liên quan. Có lẽ đây chính là những lý do dẫn đến việc thất lạc nhiều thứ, trong đó có giấy chứng nhận của giải thưởng.
Nhìn qua nhìn lại, có lẽ độc giả chỉ ít biết đến Đỗ Đức Thu và gần như không biết đến Kim Hà. Đỗ Đức Thu (1909-1979) quê ở Thanh Trì, Hà Nội. Từng làm việc tại Sở Khí tượng Hà Nội. Truyện ngắn của ông thường in trên báo Ngày nay; ông cũng nổi tiếng với tập truyện Đứa con (1943).
Riêng Kim Hà thì gần như không có tiểu sử đây đó, dù tác phẩm Tiếng còi nhà máy được in lại vài lần, trên mạng cũng khá phổ biến. Riêng các câu hỏi: Sau này Kim Hà thế nào? Có còn viết văn không? Nếu có, chắc đã thay đổi bút danh, thì bút danh đó là gì? Đến nay, vẫn chưa thể trả lời chính xác được.
Thế nhưng, chính sự lặng lẽ này làm cho giới sưu tập và nghiên cứu vừa tò mò, vừa hy vọng. Bởi trong các biến cố khách quan, vì gần như vô danh, có thể Kim Hà hoặc gia đình tác giả vẫn giữ lại được những kỷ vật. Ai cũng muốn một ngày, từ tư gia của con cháu Kim Hà, hoặc một nơi nào đó, người ta có thể chiêm ngưỡng lại “dung nhan” thực sự của một giải thưởng có nhiều thăng trầm.
Không cần phải nói, giới sưu tập nhiều người muốn sở hữu giấy chứng nhận giải thưởng này, nên sẵn sàng trả giá cao để mua. Riêng giới nghiên cứu thì chỉ cần hình chụp để so sánh với “Lời khen tặng” dành cho Mộng Tuyết cũng thỏa mong ước. Bởi đây cũng là chứng cứ để hiểu thêm về một chặng đường của lịch sử văn học hiện đại nước nhà.
 VĂN BẢY


1 comment: