.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, January 16, 2012

NGƯỜI HÀ NỘI NĂM NAY SẼ “ĂN TẾT THƠ” LỚN CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ VĂN CHƯƠNG NƯỚC VIỆT


Trong Lễ kết nạp hội viên mới và tổ chức ăn tết cho các nhà văn ngày 15/1, tại Bảo tàng Văn học Việt Nam 275 Âu Cơ – Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: Liên hoan thơ Châu Á  sẽ diễn ra trong 5 ngày, có hơn 80 nhà thơ từ 27 quốc gia và các vùng lãnh thổ tham dự. Hội Nhà văn sẽ phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh để tổ chức 3 đêm 2 ngày tại Hạ Long. Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh cũng không hề giấu diếm khi thông báo rằng kinh phí để tổ chức riêng ở Hạ Long là hơn 3 tỷ đồng (đều do tỉnh Quảng Ninh chi trả), thế nhưng kinh phí để tổ chức Ngày thơ VN lần thứ X là bao nhiêu thì chưa thấy Chủ tịch Hội Nhà văn VN nói đến.
Trước đó, trong một cuộc họp báo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết đã có người ủng hộ gần 50 nghìn đô với tư cách cá nhân cho Ngày thơ lần thứ X được tổ chức tại Văn Miếu. Hy vọng với số tiền lớn như vậy, người Hà Nội năm nay sẽ ăn một cái Tết Thơ lớn chưa từng có trong lịch sử văn chương nước nhà. Trân trọng giới thiệu bài viết của Dương Tử Thành với quý vị, bài viết đã đăng trên E văn. (Văn chương +)
.

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN


Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương sẽ đậm bản sắc VN
Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất do Hội Nhà văn VN tổ chức khai mạc vào ngày 2/2 tại Hạ Long, Quảng Ninh. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN - trò chuyện với eVan về sự kiện này.
- Từ ý tưởng nào Hội nhà văn Việt Nam tổ chức Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất?
- Đây là sáng kiến của BCH Hội Nhà văn Việt Nam với mong muốn giới thiệu một nền thi ca Việt Nam với bạn bè khu vực và quốc tế. Tôi từng tham dự một số liên hoan thơ quốc tế do các nước khác tổ chức. Đó thực sự là dịp lễ hội. Mọi người đổ ngập ra đường phố để hòa mình vào không chỉ có thơ ca và âm nhạc, vũ hội, sắc màu và những dòng sông bia chảy ngập tràn. Họ có chủ tịch liên hoan thơ và tổ chức định kỳ hàng năm. Mọi chi phí chính phủ đứng ra lo toàn bộ. Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức một liên hoan thơ quốc tế. Chúng tôi hy vọng sẽ có những liên hoan lần sau.
- Liên hoan thơ còn mới mẻ với công chúng yêu thơ trong nước. Xin ông phác thảo những hoạt động chính của sự kiện này?
- Chủ đề của Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất là "Vì một châu Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển". Liên hoan sẽ diễn ra trong 5 ngày, có hơn 80 nhà thơ từ 27 quốc gia và các vùng lãnh thổ tham dự. Các nhà thơ đến đây để cất tiếng nói về cái đẹp, cái nhân văn trong đời sống con người. Hội Nhà văn sẽ phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh để tổ chức tốt nhất có thể.
Nội dung liên hoan diễn ra chủ yếu tại Hạ Long với 3 đêm 2 ngày. Sau khi từ Quảng Ninh trở về, tối 13 tháng Giêng các nhà thơ tham dự đêm thơ Nguyên tiêu tại Văn Miếu. Đêm thơ tại Văn Miếu sẽ là một lễ hội của thi ca, âm nhạc và ánh sáng. Sáng 14, các đại biểu sẽ dự khai mạc ngày thơ Việt Nam lần thứ 10, sớm hơn một ngày so với mọi năm. Chúng tôi chọn khai mạc vào ngày chủ nhật vì muốn mọi công chức và những người yêu thơ sẽ có một ngày nghỉ để đến với thơ.
- Vì sao Hội Nhà văn chọn Hạ Long để tổ chức liên hoan?
- Chúng tôi quyết định tổ chức sự kiện này tại Hạ Long không hẳn vì Vịnh Hạ Long mới lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, mà còn bởi Quảng Ninh là mảnh đất có truyền thống về thi ca, nơi mà ngày thơ diễn ra hàng năm đã thành hoạt động quen thuộc, thậm chí được tổ chức trước cả ngày thơ Việt Nam. Đây cũng là nơi có thiên nhiên kỳ vĩ, lộng lẫy mà chúng ta có thể tự hào vì nó. Tại Hạ Long, chúng tôi tin thi ca sẽ hiện lên với vẻ đẹp vốn có, được tôn vinh bởi các nhà thơ quốc tế và các nhà thơ Việt Nam.
- Dựa trên tiêu chí nào Hội Nhà văn mời đại biểu các nước đến tham dự chương trình?
- Chúng tôi lựa chọn và mời đại biểu thông qua 3 nguồn chính. Thứ nhất là những nhà thơ từng đến Việt Nam, từng biết đến nền thi ca Việt Nam do Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam nắm. Thứ hai là thông qua các tổ chức thi ca thế giới và khu vực, nơi có thông tin về các gương mặt thơ tiêu biểu của các quốc gia, vùng lãnh thổ. Thứ ba là thông qua các đại sứ văn hóa của các nước tại Việt Nam để tìm hiểu về các nhà thơ của họ. Chúng tôi không nói sẽ mời các nhà thơ lớn nhất, danh giá nhất. Bởi chẳng có liên hoan thơ quốc tế nào dám khẳng định làm được điều đó. Nhưng chúng tôi sẽ mời các nhà thơ đại diện cho nền thi ca của họ, trong đó cũng có những người có uy tín và sức lan tỏa, ví dụ: nhà thơ Ko Un của Hàn Quốc là người ứng cử giải Nobel
- Còn đại biểu Việt Nam được mời dựa trên những tiêu chí nào?
- Phía Việt Nam sẽ có khoảng 40 đại biểu tham dự. Vì điều kiện có hạn nên chúng tôi chỉ có thể mời các nhà thơ đoạt giải thưởng Nhà nước, các nhà thơ trong Hội đồng thơ của Hội Nhà văn là những người có liên quan trực tiếp đến công việc, đến hoạt động của Liên hoan chắc chắn cũng sẽ phải có mặt.
- Những vấn đề thơ ca nào được đưa ra thảo luận tại liên hoan?
- Đây là một lễ hội, một liên hoan chứ không phải hội thảo cho nên chủ yếu sẽ là đọc thơ, giao lưu với công chúng. Các nhà thơ sẽ đọc tham luận của mình về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người châu Á trong thơ ca và thơ ca có sứ mệnh gìn giữ, làm lan tỏa vẻ đẹp đó. Các nhà thơ cùng cất lên tiếng nói vì một nền hòa bình mãi mãi cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cho thế giới. Đấy cũng là ý nghĩa, mục đích của sự kiện này.
- Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất kết hợp với Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10. Việc lồng ghép này ảnh hưởng thế nào đến kịch bản của Ngày thơ?
- Về cơ bản vẫn là như vậy. Sự tham dự của các nhà thơ đến từ các nước chỉ làm cho hoạt động của Ngày thơ thêm phong phú mà thôi.
Tuy nhiên cũng sẽ có một số điều chỉnh. Mọi năm, chúng ta có 3 sân thơ. Nhưng năm nay sẽ chỉ còn 2 sân thơ: sân thơ truyền thống và sân thơ quốc tế. Buổi khai mạc sẽ mở màn bằng một dàn cồng chiêng của các chàng trai cô gái Mường cất lên giai điệu Đẻ đất đẻ nước và kết thúc bằng bài hát Trái đất này là của chúng mình do 100 em thiếu nhi thể hiện.
Tiết mục mở đầu và kết thúc gửi thông điệp: tất cả chúng ta đều sinh ra từ đất và nước, đấy là dân tộc, đấy là Tổ quốc. Kết thúc cũng là mở ra, là hướng về thế giới rộng lớn, tương lai của đất nước là những cô bé cậu bé.
Chúng tôi muốn Ngày thơ hàng năm thực sự là một lễ hội và giữ đúng bản chất của lễ hội khiến công chúng yêu thơ có một cái gì để nhớ. Những bạn đọc, thậm chí là những bạn đọc vô tình lướt qua Văn Miếu có thể kiếm tìm một vẻ đẹp của thi ca trong đời sống vốn nhiều bất trắc… Chúng tôi muốn trong ngày hôm ấy, thi ca không phải là một thể loại văn học mà là tinh thần của đời sống, một sự kiện của đời sống được lan tỏa trong cộng đồng, trong xã hội của chúng ta, khiến chúng ta bớt đi những phiền muộn, âu lo, bớt đi những sợ hãi, làm cho chúng ta tin hơn đời sống này.
DƯƠNG TỬ THÀNH

1 comment:

  1. Mấy ông dở hơi không biết bơi,hãy bớt bớt phiêu đi một chút.
    THƠ ĐỂ LÀM GÌ KHI TRẺ CON CHẾT ĐÓI
    ÁO XÔNG PHONG PHANH CHÂN ĐẤT ĐẾN TRƯỜNG...

    ReplyDelete