.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, August 18, 2012

BÀI ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ VĂN SÀI GÒN 1969: THƠ ĐẸP LÀ MỘT VẬN CHUYỂN TOÀN BỘ


Bài đã đăng trên Tạp chí Văn 142, Sài Gòn 1969, số chủ đề “Đường Bay Của Nghệ Thuật”.
Ghi chú thêm khi coi lại vào tháng 11 năm 2010 tại Walnut, California: Nhớ khi viết bài này, tác giả chỉ cốt ý nhắc nhở kỷ niệm mà nhờ chúng đã hình thành những câu thơ trong vài bài thơ đã đăng rải rác trong các báo khá lâu ở Sài Gòn, trước năm 1964. Bây giờ gửi đóng góp bài này vào chuyên đề “Tạp chí Văn Sài Gòn trước 1975”, người viết tự thấy thật ra chỉ có một ít câu thơ gọi là “thơ đẹp”: xin ghi đậm nét vài câu thơ ấy).

Đây là một bài khảo sát về sự cảm thức cái đẹp của thi ca. Theo thiển nghĩ, cảm thức thôi chưa đủ, ta còn phải tìm cho ra điều kiện nào cho ta sự cảm thức.  Không còn gì đúng hơn là phải lấy kinh nghiệm làm thơ của ta để khám phá những nguồn gốc của sự cảm thức cái đẹp ấy, vì xuất xứ của những sáng tác tạm gọi là đẹp chỉ có tác giả là biết rõ mà thôi. Vì vậy trong bài này, người viết chỉ lấy thơ của chính mình sáng tác để làm một cuộc hành hương trở về nguồn của các câu thơ mà ta tạm gọi là Thơ Đẹp; cũng như một khi đi đâu xa có đôi lúc chúng ta muốn trở về quê hương cũ:

VƯỜN XƯA
Võng trưa cột dưới hàng cau
Gió từ ngõ trước ra sau cánh đồng
Võng đưa bóng lá phiêu bồng
Tiếng cà cưỡng cắn trái hồng chao nôi
Một khi giấc ngủ qua rồi
Người đi có nhớ cái hồi ấu thơ.

I. Xuất phát từ kinh nghiệm làm thơ.
Kinh nghiệm làm thơ đã cho ta biết, có nhiều bài thơ làm xong chỉ thưởng thức được lúc ban đầu với những ý tưởng chứa đựng như cao xa lắm, với những từ ngữ tân kỳ, với những thi ảnh kỳ lạ độc đáo, nhưng chỉ ít lâu sau bài thơ ấy trở nên nhạt nhẽo như một xác không hồn, thiếu sinh khí. Trái lại có những câu thơ không cần gọt giũa, viết tự nhiên như một đột nhập từ đâu lại, mới đọc qua thấy tầm thường nhưng lại phảng phất một dư âm, một tiếng vọng xa xôi từ không gian xa mù hay từ thời gian xa xăm đưa lại và kéo dài. Kinh nghiệm thưởng thức thơ của các thi sĩ cũng cho chúng ta thấy tương tự.  Chúng ta thử đan cử bốn câu thơ sau đây của Đinh Hùng, hai câu đầu có vẻ đẹp quý phái lãng đãng những hình dáng liêu trai, chứng tỏ tác giả đã công phu gọt giũa nên cái đẹp ấy thiếu tự nhiên và không có những dư vang còn sót lại một khi đã đọc qua:

Chiêm bao động gót giày mê hoặc
Trang giấy bay mùi tóc ái phi

Hẳn chúng ta có nghe gót giày lê đi trong đêm khuya khoắt, nhưng chỉ khua âm thầm trong một giây lát của giấc chiêm bao để rồi chấm dứt khi người đã ngủ dậy, khi người đã đọc xong bài thơ. Bây giờ ta đọc hai câu thơ sau đây cũng của Đinh Hùng, ta sẽ thấy vẻ đẹp rất tự nhiên như sự hoạt động nhẹ nhàng của đất trời, tự nhiên đến nỗi ta không chú ý tới vì tất cả xảy ra thông thường trước mắt ta. Đẹp xa xăm chớ không phải xa lạ, cũng như sự luân lưu tuần hoàn trong vũ trụ bao giờ cũng thế cả:

Gió từ sông lại, mưa từ biển
Không biết người yêu nay ở đâu?

Câu hỏi người yêu của mình nay ở đâu thì thật quá thông thường, gần như một câu nói tưởng như không phải là câu thơ nữa, cũng như gió thì từ sông lại và mưa thì từ biển về có gì là lạ lùng đâu, thế mà hai câu thơ để lại trong lòng độc giả một nỗi u buồn man mác, gợi nhớ nhung những sự ra đi dời đổi cứ mãi mãi xảy ra trong cõi đời này.  Ông Đặng Tiến có những nhận xét rất hay, cho rằng thơ Đinh Hùng là một hư cấu, một thế giới vô danh của tưởng tượng đi song song với thế giới thực tại; trong khi thơ Huy Cận không phải là một vũ trụ biệt lập mà chỉ làm thơ mộng cho thế giới thực tại mà thôi. Chính vì thế mà thơ Đinh Hùng chỉ hay đối với ai thích mộng mị, thích huyền ảo, thích chiêm bao, còn thơ Huy Cận chỉ hay đối với ai thích viễn mơ, thích mơ màng, nghĩa là chỉ mới phơn phớt la đà mặt đất trần gian chớ chưa phải bay bổng lên cõi thần tiên, nghĩa là phảng phất giông giống với thế giới hữu hình chớ không phải hoàn toàn khác hẳn như thế giới siêu hình của các nhà thơ kiêm đạo sĩ, của các nhà thần học, của những người có ước vọng xé rách hữu hình để đạt tới hữu thể mầu nhiệm nhưng xa cách loài người. Còn gì đẹp tự nhiên và gần gũi hơn tiếng gió ru qua ngàn cây muôn đời còn mãi trong kỷ niệm của người lớn, trong hiện tại của đứa trẻ thơ, ở một nơi nào đó trên địa cầu mà nhà thơ Huy Cận đã ghi lại:

Ngủ đi em mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ.

Phải rồi, mộng bình thường chớ đâu có gì lạ lùng lắm đâu. Sở dĩ ta cảm thấy thơ đẹp là bởi mình đã trải qua những giây phút gần gũi thiên nhiên đó, mình đã có kinh nghiệm ở đời như tác giả. Đọc thơ là một lần hồi tưởng, không phải hồi tưởng “thế giới ý niệm” của Platon cho rằng thế giới ta đang ở chỉ là bóng dáng của thế giới kia, mà là hồi tưởng thế giới thực tại xa mờ trong quá khứ của mỗi người. Bởi vậy thơ đẹp là một vận chuyển toàn bộ, vận chuyển kéo kinh nghiệm quá khứ về giây phút thưởng thức thi ca, vận chuyển tái tạo do ảnh hưởng những bài thơ đã đọc, vận chuyển nối kết các từ ngữ thẩm mỹ lại với nhau.

II. Một vận chuyển từ cuộc đời và nghệ thuật.
Tại sao các tác giả làm thơ đẹp?  Ta có câu trả lời: Tác giả là người có tài, và tài đó chỉ phát triển trên một quá khứ của tác giả. Triết gia Gaston Bachelard làm một cuộc khảo sát gọi là phân tâm học về vật chất như “Psychanalyse du Feu, de l'eau et de la terre”, trong đó ông phát giác tính tình con người phát sinh từ những cuộc tiếp xúc trong ấu thời với lửa, nước và đất v.v… Ở đây cũng vậy, thơ hay phát sinh từ một quá khứ cộng với thi tài của các nhà thơ, nhưng làm sao ta biết quá khứ đó mà thưởng thức được thơ của tác giả, nói rõ hơn vũ trụ đó là của riêng cho người làm thơ, ta có đường nào đi đến? Đường đó là con đường liên tưởng đến những tương tự với kinh nghiệm của tác giả. Thì nơi nào lại chẳng có sông có biển, có mây bay, có ngàn cây nội cỏ…, nên khi đọc thơ ta nhớ lại những gì ta đã gặp, đọc thơ là một dịp để ta đem không gian và thời gian về giây phút hiện tại, đọc thơ là một lần tái tạo quá khứ tương tự với quá khứ của nhà thơ. Tương tự nghĩa là không hoàn toàn giống với tác giả, bởi vì cũng là sông nhưng có dòng nước chảy từ núi non xuống đồng bằng, có dòng nước chảy từ ao hồ ra biển, nghĩa là ta không biết rõ một cách giống như vũ trụ của nhà thơ, vì vậy đọc thơ là một lần làm thơ trong tâm hồn.  Vậy nếu ta đã làm thơ thật sự, và khi đọc lại  thấy còn hay, thì tốt hơn hết  nên lấy thơ của mình để tìm về nguồn sinh khí của các câu thơ ấy. Ấy là kinh nghiệm bản thân nên nguồn gốc kia là cái gì ta có thể phơi bày một cách xác thực. Vì thế trong bài này, nhất là trong phần này, xin chỉ lấy thơ mình sáng tác làm một cuộc hồi hương tìm về quá khứ.

Có những kỷ niệm đơn sơ lắng sâu trong tiềm thức, một lúc nào đó nó nổi dậy đột nhập vào giây phút làm thơ, như có một lần tôi đi xe lửa từ Nha Trang vào Sài Gòn khoảng năm 1959 thì những rẫy bắp nằm thoai thoải trên các sườn đồi ở hai bên đường sắt đã in vào trí tôi, cùng với những chòi lá của những người coi rẫy dùng để đánh đuổi thú rừng đêm đêm kéo xuống phá hại. Chỉ có thế mà nó cũng thoảng đến với tôi khi sáng tác.

Hoặc đôi khi là một vài câu thơ của các thi sĩ nổi danh.  Nó cũng giản dị quá, ấy thế mà cũng gợi cho tôi viết một cách vô tình, không ngờ là mình đã chịu ảnh hưởng hai câu thơ của Đinh Hùng trong tập Mê Hồn Ca: "Làm đôi người cô độc thuở sơ khai; Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài; Tôi từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc…".  Những câu thơ ấy gợi cho tôi viết về một sơn nhân, hay đúng hơn một chiến sĩ độc hành dưới thung lũng.

Những câu thơ sau đây cũng chịu ảnh hưởng của một nhà thơ khác, mà khi viết ra tôi không nhớ rõ ràng cho đến bây giờ ngỗi nghĩ lại. Ấy là bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng. Đọc bài thơ này tôi đã nghe tiếng hát lênh lênh của đoàn quân qua rừng, vượt qua núi xanh trùng trùng điệp điệp rồi đi xuống miền đồng bằng của một nước khác, tiếng hát quân hành ấy văng vẳng trong tâm hồn để vang vọng trong câu thơ của tôi:

- Người đi sâu giữa rừng bên ấy
Còn hát bài ca nhớ thị thành?

Lúc 16, 17 tuổi, tôi rất ham chuyện đường rừng do ảnh hưởng của những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu, do những bài thơ kháng chiến thời chống Pháp, nhưng có lẽ do một kỷ niệm trong những ngày chạy giặc trong dãy Trường Sơn là sâu đậm nhất.  Khoảng năm 1946- 1947, tôi theo mẹ từ vùng Mỹ Tho, Bến Tre đến vùng núi đồi của tỉnh Khánh Hòa cách Nha Trang độ 30 cây số về phía Bắc.  Làng ấy tên là Phong Thạnh, có đường xe lửa Xuyên Việt chạy ngang qua, có quốc lộ chạy song song, có dãy Trường Sơn xanh ngát kéo dài.  Một ngày kia Tây đổ bộ vào làng, tất cả làng đều bị đốt cháy, người ta bồng bế nhau tản cư lên miền sơn cước. Cha kế của tôi và mẹ tôi cùng các em chạy một nơi, anh tôi và tôi chạy một ngả, thất lạc một hồi lâu mới gặp nhau tại địa điểm tên Vạn Khê, miền sơn cước của tỉnh Khánh Hòa.
Kỷ niệm những ngày đi xúc cá lưỡi tre nhỏ mà ngon trong các con suối trong vắt tại Vạn Khê, kỷ niệm những đêm hồi hộp với tiếng la huyên náo của người tản cư khi voi trên núi xuống phá rầy giấc ngủ, tất cả đều gây cho tôi sự mến thích núi rừng (cũng đậm đà như sự mến thích miền bình nguyên của tôi ngày hôm nay). Và tôi đã viết từ những kỷ niệm đó:

- Phong Thạnh chìm sâu bên núi thẳm
Chập chùng dãy núi đá mù sương…

Nhìn xa hơn Phong Thạnh một chút nữa, về phía Bắc là núi Hòn Vọng Phu cao ngất ở Phú Yên xanh biếc trong mây chiều, về phía Đông là Hòn Hèo ở vùng biển, nơi mà khi học tiểu học tại Phong Thạnh tôi thấy máy bay Pháp thường đâm xuống xạ kích:

- Đêm lại Hòn Hèo nghe biển động
Người về phương lạ sắp đi chưa?

Núi non ở Nha Trang ở sát liền bờ biển, có những rặng núi chạy dài xuống mặt biển, tạo thành những vịnh nước xanh đêm đêm người chiến sĩ đi trên núi non nghe biển xoi mòn lục địa ở phía dưới:

-  Hơi lạnh len vào trong áo bạc
Đêm trường vọng lại sóng ngàn khơi…

Từ Phong Thạnh có con đường đi xuống biển, tới một làng chài lưới có tên gọi là Ngã Ba mà tôi còn nhớ lờ mờ là ngôi làng xiêu vẹo gập ghềnh và thanh vắng hiện ra trong một đêm trăng sáng, trong những ngày gia đình chúng tôi đi xuống nơi ấy để dùng ghe lớn đi ra Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên, nhưng rồi tất cả lại bị Tây bắt giải về Ninh Hòa. Dự định ra đi bằng đường biển, kỷ niệm ấy, đến với tôi khi làm thơ sau này:

- Miền bể vào khuya mây gió phủ
Đường về cát lạnh đã vùi chôn…
Chiều hôm cát bãi dài xa thẳm
Từng vũng hoàng hôn phủ xuống đầy.

Nói về Nha Trang, thành phố mà tôi đã ở hơn mười mấy năm, tôi lại nhớ con đường xe lửa đi vào Sài Gòn.  Ngồi trên xe lửa nhìn xuống quốc lộ chạy song song trong một buổi chiều vàng vọt, nhất là khoảng đường từ Nha Trang đến Suối Dầu thỉnh thoảng có vài con trâu nhởn nhơ trên quốc lộ vắng không gợi nhớ nhung bài hát "Nương Chiều" của Phạm Duy: Chiều ơi, lúc chiều về là lúc yên vui; trâu bò về giục mõ xa xôi… hỡi chiều; Chiều ơi, áo chàm về quảy lúa trên vai, in hình vào sườn núi chơi vơi… hỡi chiều!  Chỉ có bấy nhiêu mà cũng là nguồn gốc nhớ thương cho tôi viết mấy câu thơ này:

- Hôm qua trâu đổ vào phương ấy
Sầu đã lan theo mấy dặm đường…
- Ngày đi nắng đổ buồn ghê lắm
Bụi rải trên đường ai thấy chưa?
(Trích bài “Phương ấy” đăng trong tuần báo Nhân Loại)

Những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu đường rừng như "Xông Pha", "Bông Hoa Rừng" của Trường Xuân đã làm cho tôi say mê lúc còn học lớp nhì, lớp nhất, nhất là nhớ đến những miền thượng du bí mật ở Bắc Việt đã mô tả trong sách, cũng có khi là một nguyên nhân sáng tác những bài thơ rừng núi muốn tả bề sâu của miền thâm u:

- Sao rụng về đâu rồi tắt lịm
Hay còn rơi mãi giữa không trung
Nằm đây với mõ tàn canh điểm
Mà thấy sầu lên cứ chập chùng…
(Trích bài “Về Thị Thành” đăng trong tuần báo Nhân Loại)

Trước khi đến ở vùng núi xanh Khánh Hòa, tôi ở nơi sinh của tôi gần bến phà Bến tre mà phía bên kia sông là  “Cầu bắc Rạch miễu” thuộc thị xã Mỹ tho. Đó là thời thơ ấu quá xa xôi trong ký ức của tôi.  Ngày còn ở rừng núi, tôi vẫn nhớ mãi khúc sông từ Mỹ Tho qua Bến tre mà tôi đã đi từ thuở bé: Con sông Cửu Long rộng thênh thang, tàu đi ngang qua những cù lao mà mùa nước dâng lên tràn ngập lé đé những hàng cây xanh trên bờ xa xa.  Nước dâng lên cù lao làm tôi mơ hồ so sánh nước dâng lên rừng sú vẹt ven biển hoang vu tỉnh Khánh Hòa, nơi thuở nhỏ tôi có dịp theo người lớn đi câu cá chốt:

- Rừng xanh có thấy buồn dâng ngập
Còn những ai đi lúc rạng ngày?

Phần lớn những năm học ban Trung Học tôi đều ở Sài Gòn, nhớ hơn hết là căn nhà khu công chức Hỏa xa ở đường Phạm Ngũ Lão. Phía sau dãy nhà công chức Hỏa xa là khu vực lớn dành cho nhiều đường xe lửa, phình rộng tới đường Lê Lai bên kia phố, nơi có rạp hát cải lương Quốc Thanh (hay rạp Kim Chung, không nhớ rõ) mà khoảng năm 1956-1957 đêm nào cũng nghe vọng lại bài hát “Phố buồn” trước giờ xuất hát, nghe thật thấm thía vào những đêm mưa: “Hạt mưa, mưa rơi tí tách...mưa tuôn dưới vách...mưa yêu áo rách...Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em...Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen...Qua mấy gian không đèn...Đường về nhà em tối đen...”    Và phía trước nhà bên kia đường Phạm Ngũ Lão là những ngõ hẻm ăn thông qua đường Bùi Viện ngay chỗ khiêu vũ trường Tháp Ngà (Tour d'Ivoire). Các ngõ hẻm ấy trong những đêm mưa thật là buồn, ngồi nơi cửa sổ bên này nhìn qua thấy hun hút gió mưa, sự sinh hoạt ngừng hẳn lại.  Hình ảnh ấy in sâu vào trí não của tôi, len lỏi vào các câu thơ, khi thì “Gió thổi lùa theo mấy ngõ buồn”, khi thì “Mưa bụi giăng qua mấy ngõ buồn”.

Khi lên đại học, tôi ở vùng Gia Định, đường Chi Lăng. Cũng là những ngõ hẻm, nhưng ở đây ngõ hẻm là đường đất cát sỏi đá, mỗi khi mưa đổ nước chảy thành dòng buồn như chốn nhà quê, khác với những ngõ hẻm luồng qua các dãy nhà cao ráo ở đường Phạm Ngũ Lão, cho nên hình ảnh người con gái thoáng hiện ở hai nơi tạo thành hai nỗi buồn khác nhau, nỗi buồn thứ nhất là buồn cho sự lãnh đạm của người con gái đẹp, nỗi buồn thứ hai gợi nhớ chuỗi ngày phải lo trọ học và lo thi cử:

- Lối đi không có người qua nữa
Mưa đổ dài theo mấy dãy lầu
Áo tím ai về quên khép cửa
Nghe lòng nguội lạnh đã từ lâu
(Trích bài “Về Thị Thành” đăng trong tuần báo Nhân Loại)

- Ba tháng kinh thành mưa trắng bay
Thời gian nhỏ giọt qua đêm ngày
Nằm nghe nước vỗ con đường nhỏ
Gác trọ tôi buồn mươi bữa nay
-  Rồi trận mưa mùa cũng đã qua
Trời khuya xanh lửa đường sao sa
Nàng con gái lạ đêm ngồi học
Trăng chiếu giàn dưa xuống mái nhà.
(Trích trong “Tập Thơ Bổ Khuyết”, Sài Gòn, 1963)

Phần chịu ảnh hưởng của thơ văn người khác đã góp một phần lớn việc cấu thành thơ của mình, không phải giống từng chữ mà chỉ giống bầu không khí trong bài thơ của người, chẳng hạn thơ của Bà Huyện Thanh Quan đã gợi cho tôi viết:

- Ngày đã điêu tàn xuống ở đây
Vàng son dĩ vãng cũng hao gầy
Cuộc đời kịch nghệ ngày xưa cũ
Hí viện mơ hồ trong bóng mây…
(Trích trong “Tập Thơ Bổ Khuyết”, 1963)

Hoặc thơ núi rừng bàng bạc mây chiều ở những vùng trời biên giới của Đỗ Hữu, mà vào khoảng năm 1954 tôi đã đọc trong tuần báo Đời Mới, mang cái mộng lên đường từ ngày ấy, được thể hiện trong thơ của tôi.

Hoặc phảng phất không khí liêu trai, không phải cái liêu trai gây kinh dị của hồ ly tinh trong tiểu thuyết Bồ Tùng Linh, nhưng là liêu trai rất nhàn hạ của Tản Đà nằm nghe mưa trắng xóa trên giàn dưa mà làm thơ tiếp xúc với hồn thiên cổ; đó cũng là không khí tái tạo tôi cảm thấy trong thơ của mình:

- Tôi ngủ nghe ngoài mưa thế gian
Nửa đêm sực tỉnh đến bên màn.

Như thế, thơ hay dường như là một vận chuyển toàn diện, nhờ những kỷ niệm quá khứ, nhờ những rung cảm mỹ thuật qua thơ của người khác, tất cả đều quay trở về làm đẹp cho phút giây ta làm thơ, chẳng khác nào mỗi lần nghe một bản hát nào đó ta lại lần bước trở về khung cảnh xưa cũ mà ta đã có lần nghe qua tại nơi ấy, cho nên bài hát hay có thể chỉ hay với riêng ta mà thôi, kỷ niệm làm cho nó hay hơn…Vì vậy gọi là thơ đẹp thì có thể chỉ đẹp trong cảm thức của mình mà thôi.

III. Một vận chuyển nối kết các từ ngữ thẩm mỹ

Kinh nghiệm thưởng thức thơ và sáng tác thơ cũng cho ta biết cái hay của bài thơ là do sự liên kết của các từ ngữ âm vang nhiều thi tính.  Không phải liên kết các từ ngữ hoa mỹ là làm cho bài thơ hay, vì như thế nhiều khi bài thơ chỉ là một xác không hồn vì sự vụng về của người xếp chữ. Chỉ có tâm hồn nghệ sĩ mới nối kết các từ ngữ cho thành sinh khí của bài thơ hay, cũng như phải cần một nhãn quan thần bí mới làm nên đồ án của ngôi đền phảng phất một linh hồn như đền Taj-Mahal bên Ấn Độ mà buổi trưa trắng lạnh, buổi hoàng hôn u trầm, lúc nửa khuya nín thở, đều mang một sắc thái khác nhau như tâm tình đa diện của con người khi còn sống ở cõi đời.  Người làm thơ sử dụng một trực giác bén nhạy khi chọn lựa từ ngữ, chẳng hạn Rimbaud trực cảm màu sắc trong mỗi nguyên âm, như Nietzsche cứ lập đi lập lại một câu "Ainsi parla Zarathoustra” để làm nổi bật tính chất thần chú của nhà tiên tri… Kinh nghiệm làm thơ đã cho ta thấy từ ngữ "ngàn" khác với từ ngữ "nghìn", dĩ nhiên là khác về hình dạng mà còn khác về ý nghĩa.  Người ta thường nói ngàn khơi, biển cả cây ngàn; và cũng thường nói nghìn xưa, quá khứ nghìn trùng. Từ ngữ nghìn cho ta một trực cảm về bề sâu, bề sâu của thời gian (Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi… Tản Đà) cũng như bề sâu bí mật của con đường Xuyên Việt tiễn đưa Huyền Trân Công Chúa:

- Nước non nghìn dặm buổi ra đi
Khách thổ xa xăm hứa hẹn gì
Từng lớp in hình trên bãi vắng
Miên man qua dãy núi xanh rì…
(Trích bài “Miền Nam Sông Nước Bi Hùng”, tạp chí Văn số 4, Sài Gòn, 1964)

Còn từ ngữ ngàn trình bày trước mắt độc giả một không gian bao la, hình như có tính chất hình thể trong từ ngữ:

- Rồi bỗng thời gian cũng lặng lờ
Nghe từ góc bể vẫn xa mơ
Nghe đâu dưới đáy mồ vô tận
Sương khói ngàn khơi trải vật vờ…
(Trích trong “Tập Thơ Độc Nhất”, 1963)

Và đây cũng là một kinh nghiệm về trực giác trong khi lựa chọn từ ngữ: độc giả sẽ tự hỏi tại sao không viết rừng xanh ngắt hay rừng xanh rì, mà lại viết rừng xanh đậm. Bởi vì màu xanh rì là một biên giới rõ rệt chia cách núi rừng với đồng bằng, còn xanh đậm là một sắc màu đồng lõa với bóng đêm bao trùm cả một vùng ngủ kỹ, xa biệt với thành phố chan hòa ánh sáng ở tận phương trời:

- Đêm nay nằm giữa rừng xanh đậm
Tôi vẫn nhớ về đô thị xưa
Nghe vọng người đi trong gió chậm
Phương nào núi thẳm chuyển hơi mưa…
(Trích bài “Về Thị Thành” trong tuần báo Nhân Loại)

Nhiều từ ngữ phải cần có một sự phối hợp có tính cách liên hoàn thì mới nên thi tính, chúng hỗ tương ảnh hưởng vào nhau làm thành một toàn bộ thi giới.  Chẳng hạn tiếng vọng của một chiếc phi cơ không gây xúc cảm bằng tiếng vọng của một chuyến xe lửa qua cầu vào lúc nửa đêm. Từ ngữ cấu kết với nhau làm thành nét đẹp cho câu thơ:

- Đèn biển còn ai đang đứng giữ
Đêm nằm nghe vọng tiếng trùng dương
Chòi cao khép chặt niềm cô lữ
Có biết những người đi bốn phương…
(Trích “Tập Thơ Bổ Khuyết”, 1963)

Ngọn hải đăng, bước người đi lẻ loi trong đêm, dãy núi vươn dài theo bờ biển, phối hợp với tiếng vọng của trùng dương, tiếng vọng của gió rừng, tất cả đã làm nên những câu thơ có nhiều âm hưởng.  Cũng như ánh sáng xanh lơ của thành phố như vọng lên những tiếng lao xao của sinh hoạt về đêm khi chúng ta ở từ xa nhìn về.  (Khi được bổ dụng dạy ở trường trung học Trà Ôn, tôi cũng từng có dịp nhìn ánh sáng tỏa lên ở thành phố Cần Thơ cách đó 15 cây số đường sông):

- Kinh thành bên cạnh đêm vang vọng
Ánh sáng xanh lên một khoảng trời.

Nhất là lúc nửa khuya bầu trời trong vắt lạ thường.  Nếu ta thấy hằng hà vì sao trên trời thì có lẽ chúng ta không để ý tới, chúng ta chỉ để ý tới những vì sao lưa thưa nơi góc trời trông thật là hiu quạnh đối lập với cái thế giới muôn sao trên đầu ta. Hiu quạnh đó gợi ta nhớ nhung một người bạn đã ra đi lẻ loi rời rạc, giá ta có hỏi người bạn ấy đã tới nơi chưa thì câu hỏi cũng có tính cách vu vơ không mấy tha thiết bận tâm, vì chúng ta tự nghĩ mỗi người tự mình phải lo cho số phận của mình, kẻ xuôi người ngược đối với chúng ta trở nên thông thường như mây bay không để lòng lưu luyến:

- Đường bể phương nào mưa gió quyện
Tôi nhìn theo mãi hướng sao thưa
Người đi theo lớp mây sầu chuyển
Dăm bữa nay rồi đã tới chưa?

Một câu hỏi vu vơ nhiều khi lại gợi cảm, không phải gợi cảm do lòng nhiệt tình mà gợi cảm do tính chất chán chường, thấy cái gì cũng không vĩnh viễn thì nhiệt tình mà có giữ lại được đâu:

- Bờ vai thon nhỏ không ôm được
Và tóc mây bồng vĩnh viễn trôi...
(Trích “Tập Thơ Độc Nhất, 1963)

Một lựa chọn từ ngữ nữa đã đến với tôi trong khi làm thơ, và từ ngữ này diễn tả sự lưu chảy có tính chất hoạt động. Có những từ ngữ chết làm cho câu thơ ngưng đọng trong bầu khí im lìm lạnh lẽo.  Hồ xanh dẫu có đẹp nhưng đẹp trong cảnh hoang vắng của rừng già, đẹp trong giấc ngủ của thiên nhiên, nó khác với vẻ đẹp đầy sinh khí của dòng sông lưu chảy về miền bình nguyên. Gió heo may là một từ ngữ của thi ca, nó đến với mùa đông buốt giá thật là lặng lẽ, len lỏi tự nhiên từ đầu mùa đến cuối mùa đến nỗi người ta không cần để ý tới sự có mặt của nó, cho nên đó là một thứ gió chết của mùa đông. Vì vậy thay vì viết gió heo may, ta thử thay thế bằng từ ngữ gió bay mang hình thái luân lưu trên con đường chập chùng từ núi non xuống đồng bằng, cũng như bóng người đi theo hoài những hướng sao mang vẻ đẹp sinh hoạt của kẻ lên đường:

- Người đang đi xuống miền đô thị
Đường có chập chùng đêm gió bay…
- Người trong rừng bụi đang thiu ngủ
Hay mãi theo hoài những hướng sao…

- Bóng tối len vào khắp ngõ
Cơn rừng nhạt vị cố hương
Gió thổi len vào quán trọ
Nằm đây sáng hãy lên đường.
(Trích trong bài thơ “Đi”, đăng trên một nguyệt san ở Tây Nguyên, đã quên tên)

Trái ngược lại, có những từ ngữ tương ứng với vẻ đẹp ngưng đọng, yên nghỉ, diễn tả thời khắc im phăng phắc lúc không ngờ, diễn tả một bất động có từ thiên cổ, diễn tả tâm hồn con người khi nín thở lắng nghe một khúc hát ra đi bằng một sợi tơ vương vất trên đỉnh cây nơi bến giang đầu.  Lòng phố vắng không lúc nửa khuya, bóng ngọn núi mọc lên trong biển khơi, muôn trùng mây ngừng cuộc viễn du, tất cả là giây phút yên nghỉ trong một vũ trụ đang chuyển dời:

- Đêm đêm đèn điện dài lung linh
Lòng phố im nghe nước chuyển mình…
- Gió biển mênh mang lòng đại lộ
Ngoài khơi in dấu bóng non cao.
- Thương ai thổi sáo trường giang lạnh
Vương vất u hoài khói đỉnh cây…
(Trích trong “Tập Thơ Bổ Khuyết”, 1963)

Để kết thúc phần này, một câu thơ điển hình sau đây, đã đủ chứng minh rằng sự liên đới của từ ngữ là một sự thật.  Mái đầu trắng già nua, ngọn đèn canh khuya tàn lụn, đã liên kết làm nên một câu thơ có vẻ đẹp mòn mỏi:

- Mái đầu trắng giữa ngàn đêm trắng
Bấc lụn đèn khuya trắng mỏi mòn…
(Trích “Tập Thơ Độc Nhất”, 1963)

Vậy xin lặp lại: Thơ đẹp là một toàn bộ vận chuyển.  Nó như một bộ máy cần phải có những liên kết giữa các thành phần, và thành phần của bài thơ hay gồm có quá khứ cuộc đời của tác giả, tái tạo nghệ thuật mà người làm thơ chịu ảnh hưởng, từ ngữ lựa chọn do trực giác. Ba yếu tố ấy chưa phải là đủ, nhưng ấy là ba yếu tố ta muốn nhấn mạnh trong bài này. Chẳng hạn như còn yếu tố thi tài thiên bẩm của cá nhân, môi trường thời đại của xã hội, sự đắc thắng của một phong trào, sự tôn sùng thẩm mỹ của một dân tộc, và vân vân, ấy là những điều xin bỏ qua mặc dù bài này có cái nhan đề khá rộng rãi là một vận chuyển toàn bộ... Có lẽ đúng hơn phải nói là thơ đẹp, một huy động từ bên ngoài đến bên trong, từ ngoại diện đến trung tâm. Bởi vì chất liệu do liên tưởng lần lượt kéo về khi làm thơ, và tái tạo nghệ thuật đã thưởng thức: cả hai chẳng phải là từ bên ngoài đột nhập vào ý thức rồi hóa thân trong những dòng thơ trên mặt giấy hay sao? Còn từ ngữ thi ca liên đới nhau trong một câu thơ chẳng phải là một huy động của nội bộ câu thơ hay sao?

Viết tại Bến phà Mỹ Thuận, Vĩnh long, 1969

(Trích trong Tạp chí VĂN số 142, Sài Gòn, năm 1969)

TRẦN VĂN NAM

No comments:

Post a Comment