.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, August 23, 2012

NHÀ VĂN, NHÀ BÁO, NHÀ GIÁO, NHÀ THƠ… ĐOÀN VỊ THƯỢNG

 
Tác phẩm:
- Thơ: Có thơ đăng hầu hết các báo trong thành phố
- Văn: Tóc em còn thả mùa đi học,
v.v…
Có thể, khi nhắc đến Đoàn Vị Thượng, trước hết, ta biết anh như một thi sĩ. Chàng thi sĩ này với một ngoại hình chẳng có gì hấp dẫn. Chỉ nhìn bên ngoài bói cũng không ra một câu thơ. Anh tạng người trung bình, ăn mặc phi thời trang, có gì mặc nấy, dù anh cố gắng chải chuốt nhưng vẫn cứ luộm thuộm, chạy chiếc xe gắn máy lai hai ba họ, chẳng thể gọi là Yamaha, nhưng cũng không phải là Honda (đọc đến đây, có vị nữ nào yêu thơ họ Đoàn, thương thi sĩ quá gửi tặng một chiếc xe xịn cỡ… Future, xin thay mặt Đoàn Vị Thượng… nhận giùm).
Thơ Đoàn Vị Thượng duyên dáng, đằm thắm, mộc mạc. Nhất là những bài thơ lục bát mang hơi hướng chân quê, dù tình yêu trong thơ của anh là tình yêu của một chàng trai phố thị. Thế nhưng, tuy tương đối thành công với thơ, nhưng thơ có lẽ không nuôi nổi thi sĩ cho nên Đoàn Vị Thượng đã trở thành nhà giáo trong một trường hợp khá may mắn. Cả hai “nhà” này dựa vào nhau để tồn tại. Khoảng năm 1991, xuất hiện một Đoàn Vị Thượng mới, một Đoàn Vị Thượng viết văn. Tôi gặp anh ở hiệu sách 210, chủ hiệu là một người khá gần gũi với tôi – anh Nguyễn Hữu Cứ. Nói theo Trần Trọng Đăng Đàn, Cứ là một doanh nhân văn hóa, một doanh nhân rất năng nổ trong ngành xuất bản tư nhân. Cứ cho tôi biết Đoàn Vị Thượng vừa viết xong cuốn tiểu thuyết đầu tay, đề tài về học trò, tựa tác phẩm: Tóc em còn thả mùa đi học.
Một cái tựa có chất thơ nhưng lại khá dở cho một cuốn tiểu thuyết. Tháng 11 năm 91, Đoàn Vị Thượng tặng tôi tiểu thuyết đầu tay vừa được xuất bản. Chúng tôi quen nhau từ đấy. Thượng tỏ ra là một người bạn dễ mến, anh không mắc phải những cái ngông một số những “nhà văn nghệ” trẻ mắc phải. Qua năm 92, nhịp đập trái tim của ôi nổi loạn, tôi buộc phải ở ẩn suốt thời gian dài. Mặc dù thế, nhớ bạn bè, trong vài lần xuống phố hiếm hoi, tôi vẫn kịp ghi nhận những chuyển biến không khí làng văn. Được biết, sau khi xuất bản thêm một cuốn tiểu thuyết nữa, Đoàn Vị Thượng giã từ những nỗ lực chẳng để lại chút âm vang như mong đợi. Dù sao, với cuộc chơi tao nhã này cũng chứng tỏ một Đoàn Vị Thượng khá nhạy bén với ngòi bút của mình.

Sau khi tạm thu xếp trái tim nổi loạn của mình. Tôi tiếp tục ta bà trong cõi mông lung của chữ nghĩa. Gặp lại Đoàn Vị Thượng ở câu lạc bộ Văn nghệ quanh bàn cà phê, xen giữa tiếng muỗng khua leng keng, Đoàn Vị Thượng cho tôi biết anh đã giã từ kiếp gõ đầu trẻ. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng kịp nhớ ra Đoàn Vị Thượng trở thành nhà giáo trong trường hợp nào nên, không lạm bàn để tránh cho Đoàn Vị Thượng khỏi rơi vào cảm giác mất mát. Vì, nghề dạy học, theo tôi, là một nghề bên cạnh những kỷ niệm cao đẹp, còn để lại trong lòng những nhà giáo những dư vị đắng cay. Những nhà giáo tôi nhắc đây là những nhà giáo hơn mười năm về trước. Trước cuộc sống khó khăn họ vẫn giữ đạo làm thầy, cô.
Để tiếp tục dạy học, họ buôn bán, làm nghề tay chân mà vẫn nuôi giữ phẩm giá. Họ chưa biết mở lớp riêng, chuyện trù dập học sinh không học thêm là vô đạo đức. Trái với những cảm nghĩ của tôi, Đoàn Vị Thượng tỏ ra khá lạc quan, anh thỏa mãn với công việc hiện tại của mình: một nhà báo. Anh trở nên lý trí hơn, hay lý sự và thích nói đến những chuyện có trọng lượng. Chất thơ mộng của một thi sĩ trong anh hình như giảm đi. Anh vẫn có thơ đăng báo nhưng thật khó tìm lại một Đoàn Vị Thượng với những bài lục bát có chất. Nếu chỉ đơn thuần vì mục đích thu nhập, tôi nghĩ, Đoàn Vị Thượng có thể hài lòng. Chỉ cần cộng tác với vài ba tờ báo, thu nhập hàng tháng của anh hơn cả nhà thơ, nhà văn, nhà giáo gộp lại.
Những thư mời họp anh đưa ra khoe với tôi làm tôi bâng khuâng. Đã có một thời kỳ tôi cắm đầu viết như một cỗ máy. Số tác phẩm xuất bản đều đặn, thậm chí lập kỷ lục số đầu sách xuất bản trong một năm: 13 cuốn. Nhưng tôi đã được gì ngoài tiền nhuận bút không tương xứng. Điều đau xót nhất là số sách đã xuất bản của tôi chẳng lưu lại gì, ngoài sự bất công và đánh mất cơ hội để tự khẳng định mình. Mất tự chủ, trở thành tù nhân của cám dỗ sẽ đẩy đưa ta đến một cảnh ngộ tất yếu. Đọc lại những gì mình đã viết, đã xuất bản. Mất nhiều hơn được, cái được chỉ thoáng qua, cái mất thành những ám ảnh. Sau mấy năm tự giam mình, qua lớp hổ phách vân vi của quá khứ, tôi “ngộ” ra đôi điều. Dù đã muộn nhưng vẫn phải lên đường. Làm một cuộc “đi tìm thời gian đã mất”. Lợi nhuận duy nhất của tôi bây giờ là những trang giấy trên đó tâm hồn tôi trang mỏng ra theo từng con chữ. Có thể nó chẳng là gì cả nhưng, đó là những nỗ lực cuối cùng, đủ đem đến cho tôi sự mãn nguyện tương xứng với những tháng năm khắc khoải.

Thời gian gầy đây tôi gặp Đoàn Vị Thượng nhiều hơn. Cảm nhận chủ quan mách bảo người bạn cũ đang có những thay đổi. Cuộc sống thôi thúc hơn, sự thành đạt lại cứ đủng đỉnh đếm bước phía ngoài tầm với chi trong gang tấc. Khổ thay, cái gang tấc vô hình lại đồng nghĩa với vũ trụ vô hình. Thế cho nên, bằng tài năng của ta, ta cứ bơi, cứ với. Bao giờ đến được không nằm trong phạm trù muốn là được. So với tôi, Đoàn Vị Thượng thuộc vào thế hệ trẻ. Nhân danh những thất bại đã từng nếm trải, tôi đúc kết một kinh nghiệm cho bản thân: không nên nhắm mắt thực hiện câu: “Lây phương tiện làm cứu cánh” nó có thể đưa ta đến thành công, bằng đường tắt. Nhưng, nó cũng có khả năng vùi lấp ta bằng chính sự thành công không có đạo lý song hành.

Mấy lúc sau này Đoàn Vị Thượng và Triệu Tử Truyền thường hay cà phê cà pháo với nhau khá ban bệ – liệu có chung một nồi kê hay chỉ là đồng sàng dị mộng? Triệu thi sĩ xuất bản thơ tuyển chuyển ngữ sang tiếng Pháp, có Đoàn Vị Thượng khua bút tụng ca đánh trả những nan vấn. Ngôn ngữ nghe sang… sảng. Gần đây, Triệu Tử Truyền bộc lộ khuynh hướng nâng cấp thi ca, anh làm thơ màu sắc triết. Và rồi, Triệu Từ Truyền quyết định trở nên bất tử bằng cách tạc tượng chính mình. Nhà điêu khắc Trương Đình Quế, bạn bè thường thân ái gọi là Quế Công công, người chuyên tạc tượng những người muốn bất tử, “trúng thầu”. Tượng chưa xong Đoàn Vị Thượng đã viết bài khen cả nhà điêu khắc lẫn người mẫu. Tôi có gương mặt cha mẹ ban, cũng muốn tạc tượng để nhớ ơn cha mẹ; chợt tính: còn đang ham ăn, ham… viết, đưa gương… mặt đá ra ai mà chịu nổi. Thế là tôi vẫn chỉ có cái mặt thịt, dẫu đôi lúc tìm ngắt, xanh lè hay đỏ như gấc vì chuyện thế nhân.

Người ta, mới lọt lòng mẹ đã linh cảm số phận đầy sóng gió đang chờ đợi mình. Thế nên, đứa trẻ sơ sinh nào cũng khóc… lòi cả rốn. Lớn lên dù làm nghề gì cũng phải tả xung hữu đột để tồn tại. Trong trường văn trận bút lại càng khắc nghiệt. Người ta đấu nhau bằng chiêu thức mà không đấu cơ bắp. Để thăng tiến, mỗi cây bút dù cao hay thấy phải có bản sắc. Nói về tài năng không có chỗ cho cửa hậu. Một mình một ngựa xông lên.
Có khi trở thành Đông Ki Xốt cũng ráng đưa lưng ra nhận đòn thế nhân. Tôi, Đoàn Vị Thượng hay bất cứ ai cũng nên thế. Mong rằng một ngày nào đó Đoàn Vị Thượng sẽ không phải bận tâm vì những thứ chuyện vặt, đặt mục tiêu bằng những con số cho những dòng chữ mình viết. Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, đều có những sứ mệnh cao đẹp riêng. Nó không gắn liền với bất cứ con số nào, dù là con số tác phẩm.
TRẦN ÁNG SƠN

No comments:

Post a Comment