“Đấu tố” thơ?
Tôi bàng hoàng khi nghe tin tỉnh Đồng Nai tổ chức một cuộc họp đặc biệt nhằm “đối thoại” về một bài thơ. Trong thời buổi kinh tế thị trường này, chẳng lẽ thơ lại được bất ngờ ưu ái như thế sao?
Nhưng khi đọc kỹ cái tin và xem kỹ
bài thơ được mang ra “đối thoại”, tôi mới lạnh sống lưng khi biết lý do bài thơ
Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân được mang ra mổ xẻ.
Đầu tiên, phải nói về cái đầu đề bài
thơ. Nếu đầu đề bài thơ là Lời những cây dầu cổ thụ ở nhà tôi chẳng hạn,
thì sẽ không có vấn đề gì. Nhưng vì tác giả Đàm Chu Văn đã viết Lời những
cây dầu cổ thụ trước ủy ban nhân dân, mới nên nỗi! Nhưng đọc kỹ, thì lời
những cây dầu cổ thụ trước UBND (tỉnh Đồng Nai chẳng hạn) ấy có nói cái gì sai
quấy đâu! Chỉ là những tâm sự, những trần tình, những nhắn gửi đầy yêu thương
của một hay những cái cây “cao tuổi”. Khi đã là cây cổ thụ thì tuổi thọ có thể
lớn hơn các ủy ban hay các tòa nhà cũng là chuyện bình thường. Chẳng lẽ, vì
những cây dầu ấy hơn trăm năm tuổi, lớn tuổi hơn các tòa nhà, kể cả tòa nhà ủy
ban, mà nó “có vấn đề”?
Nếu bắt bẻ thơ theo kiểu đó, thì còn
ai dám làm thơ nữa?
Tôi nhớ, cách đây mấy năm, có một
bài thơ của một tác giả trẻ ở Phú Yên cũng bị đưa ra “đối thoại” với lý do rất
mù mờ. Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đã viết
trong công văn gửi tỉnh Đồng Nai: “Ban Thường vụ Hội Nhà văn VN khẳng định bài
thơ có tư tưởng lành mạnh, tình cảm trong sáng, có ý nghĩa khao khát vươn lên
tới sự trường tồn của thiên nhiên của dân tộc”.
Dù tôi, có lẽ do sự yếu kém của
mình, chưa nhận ra những ý nghĩa cao cả như thế từ bài thơ, thì tôi cũng xin
cam kết rằng bài thơ này không nói xấu ai, tố cáo ai, không làm hại ai cả. Nó
chỉ là bài thơ, đọc được, nhiều người cho là hay. Chỉ những người quá “cả nghĩ”
mới tố thêm cho bài thơ này những “cảm nghĩ” mà bài thơ không hề có, với ý đồ
gì thì chỉ người tố cáo biết mà thôi.
Tôi là một trong những người đã bỏ
phiếu đồng ý kết nạp nhà thơ Đàm Chu Văn vào là hội viên Hội Nhà văn, dù cho
tới nay tôi vẫn chưa một lần hân hạnh gặp nhà thơ này. Nhưng tôi đã đọc thơ
anh, nhất là đọc kỹ bài Lời những cây dầu cổ thụ…, và tôi cam kết rằng
mình đã không bỏ phiếu nhầm. Thơ hay thơ dở cũng tùy người thưởng thức, thơ
sống lâu hay chết yểu còn tùy vào “sức khỏe” của chính nó, nhưng thơ không bao
giờ bị “bức tử” vì những đơn tố cáo hay những cuộc “đối thoại” mang tính trù
dập.
Chính tỉnh Đồng Nai, qua cuộc “đối
thoại” về bài thơ này, đã và sẽ khiến bài thơ có sức lan tỏa hơn. Nếu đây là ý
định tốt đẹp của những nhà lãnh đạo tỉnh, thì tác giả Đàm Chu Văn rất nên cảm
ơn họ. Nhưng hãy nhớ một điều, nếu bài thơ của bạn hay, nó sẽ sống, bất chấp
những lời tụng ca hay nguyền rủa.
Ngược lại, bạn sẽ không có gì phải
lo sợ hay ân hận, vì bạn còn có thể sáng tác những bài thơ khác nữa.
Thanh Thảo
Nguồn: báo
Thanh Niên (chào buổi sáng).
No comments:
Post a Comment