Một người bạn thân của ông Hoàng Quang Thuận vừa có bài viết về dấu hiệu ông này “đạo văn” để viết nhiều bài thơ trong tập Thi Vân Yên Tử.
Ngày 14.8, trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Nguyễn Minh Tâm, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, cho biết đã quen ông Thuận gần 20 năm, hai gia đình quan hệ khá thân thiết. Khi được ông Thuận tặng tập thơ Thi Vân Yên Tử gồm 63 bài thơ, ông Tâm cũng vô tư quảng bá với bạn bè. Sau đó, tình cờ một dịp viếng thăm Yên Tử, ông Tâm mua được cuốn sách Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng của tác giả Trần Trương, Trưởng ban Quản lý Yên Tử (1992-2003).
Đọc xong cuốn sách trên, ông Tâm liên tưởng đến 63 bài
thơ “Thiền”
của ông Thuận và phát hiện thấy nhiều bài thơ ông Thuận viết, đều lấy từ nội
dung cuốn sách này, thậm chí có nhiều bài thơ, câu thơ còn sao chép nguyên xi
câu văn của
tác giả
Trần
Trương. Trong bài viết Thi Vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận có phải
là thơ nhập đồng?, ông Tâm đã dẫn chứng 16 bài thơ của ông Thuận có dấu hiệu
đạo văn từ 16 đoạn văn (từ trang 20 đến trang 143) trong cuốn sách của Trần Trương.
Sau khi bài viết đăng trên một số trang mạng, ông Thuận
có gọi điện thoại cho ông Tâm để hỏi. Ông Tâm đã xác nhận với ông Thuận rằng
chính ông là người viết bài ấy với trách nhiệm của một người làm thơ và trách
nhiệm của người phật tử đối với đạo Phật. “Tôi cho rằng tất cả sự mạo danh của
người đời thì tội mạo danh đối với tiền nhân là tội rất nặng vì người có thể
không biết nhưng trời đất biết hết cả. Tôi muốn giải
nghiệp cho ông, muốn ông hồi tâm thôi”, ông Tâm nhắc lại điều đã nói với ông
Thuận.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Tâm cho biết
không muốn hại bạn mình mà chỉ muốn ông Thuận tỉnh táo lại. Sau khi nghe lời
khuyên của ông Tâm, ông Thuận chỉ nói rằng: “Nếu chuyện nhập đồng thơ ngẫu
nhiên là có thật thì sao, vì tôi đã có ông Dương Kỳ Anh làm nhân chứng chuyện
viết 121 bài thơ trong một đêm ở cố đô Hoa Lư trên những tờ giấy do ông Anh ký
xác nhận!”. Ông Tâm lại khuyên: “Tốt nhất lúc này là ông nên im lặng, đừng giải
thích nhiều nữa, không có lợi đâu. Vì chuyện ở Hoa Lư tôi không biết. Tôi chỉ
biết chuyện tôi với ông liên quan đến tập Thi Vân Yên Tử mà thôi”.
Ông Tâm cũng cho rằng, việc hội thảo thơ của Hội Nhà
văn vừa qua là có ý đồ tốt, nhưng lẽ ra phải thẩm định kỹ càng hơn và có khảo
sát về hiện tượng này trước hội thảo.
Một số dẫn chứng của luật sư Nguyễn Minh Tâm
Trang 24, cuốn sách Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền
thuyết di tích và danh thắng viết:
“Đến hẻm núi kia có ba tên cướp nhảy ra chặn đường,
vua Trần khoan
thai ra hiệu cho Bảo Sái cho chúng vài lạng bạc, cả suất cơm chay để độ đường.
Đoạn ngồi trên mình ngựa, Ngài thuyết giáo, thức tỉnh từ tâm, đoạn trừ tam độc
trong lòng chúng... Cả ba quỳ sụp xuống lạy tạ và hứa rằng “sẽ trở về lương thiện làm
ăn”. Kể từ ngày đó, chúng bỏ nghề đao búa, chăm chỉ nghề nông, siêng làm công
đức xây dựng chùa miếu, trở thành các tín đồ ngoan đạo của Trúc Lâm. Và từ độ
ấy, nạn cướp nơi đây được tiệt trừ. Con đường dốc gập ghềnh nơi hẻm núi, kẻ lại
người qua được bình an”.
- Trong bài thơ Kẻ cướp chắn đường (trong Thi Vân Yên Tử
), ông Thuận viết:
Ba tên kẻ cướp nhảy chắn đường
Vua Trần cho bạc lẫn phần cơm
Nhẹ nhàng thuyết giáo trừ tâm độc
Cả ba quỳ lạy hứa hoàn lương
Bỏ nghề đao búa thiện giáo đường
Sơn lâm từ ấy hết tai ương
Gập ghềnh hẻm núi người qua lại
Bình an vô sự hết đạo cường”.
Trang 53, cuốn sách viết:
“Cá tôm say nước nhảy lia thia. Trăm
hoa khoe sắc bên bờ suối… Mới hay chín suối chỉ chung một dòng… Con suối cắt
chia tuyến đường Hạ Kiệu - Nam Mẫu thành chín đoạn”.
- Trong bài thơ Chín suối chung một dòng, ông
Thuận viết:
Trăm hoa khoe sắc bên bờ suối
Cá tôm say nước nhảy lia thia
Mới hay chín suối chung dòng một
Đường đi Nam Mẫu suối cắt lìa.
Trang 84, cuốn sách viết:
“Những đêm trăng sáng, bên tháp ngắm trăng thật thú
vị. Trăng treo trên cành Tùng. Trăng rắc vàng trên cánh hoa Đại sực nức hương
và đính hạt sương đêm. Trăng gắn vào đỉnh Tháp. Mỗi bước trăng trôi, cảnh vật
nơi đây lung linh huyền ảo”.
- Trong bài thơ Trăng Yên Tử, ông Thuận viết:
Trăng treo lơ lửng trên cành Tùng
Trăng rắc vàng lên cánh hoa nhung
Sương đêm sực nức mùi hoa đại
Mỗi bước trăng trôi giữa núi rừng
Lung linh huyền ảo ánh trăng rơi
Tiếng hạc trong đêm tận cõi trời…
“Từ những so sánh trên, tôi có thể suy luận rằng:
Tập thơ Thi
Vân Yên
Tử của anh Hoàng Quang Thuận không phải là thơ “nhập đồng”, cũng không
phải là “thơ
Thiền” mà có xuất xứ từ cuốn sách của tác giả Trần Trương. Vì những bài thơ ấy thuần túy chỉ
là tả cảnh vật qua con mắt của người phàm trần. Nếu thơ “nhập đồng” sẽ có giọng thơ
khác, thâm linh, huyền bí và mang hồn cách của “người nhập”. (Luật sư Nguyễn
Minh Tâm)
Nguyễn Việt Chiến
Nguồn:
TN
No comments:
Post a Comment