“Tôi đoán chắc, do không được trang bị các tri thức tối thiểu về lịch sử
văn học và lịch sử phê bình văn học nên Nguyễn Hiếu đã viết "văng
mạng", song lại tỏ ra khệnh khạng, uyên thâm bằng cách khoác cho sự
"văng mạng" cái lốt "nói cho có vẻ lý luận một chút". Than
ôi, trong khoa học làm gì có cái món "lý luận" như ông đã viết. Rất
mong Nguyễn Hiếu giới thiệu cho người đọc được biết phê bình văn học ở
"thời cổ Hila" vuông tròn như thế nào, thành tựu của nó ra sao, ngõ
hầu bổ sung vào vốn liếng "tri thức què quặt, sự yếu kém về hiểu
biết" của các nhà phê bình như ông đã nhận xét (!). Nói vậy thôi, tôi tin
đây là một yêu cầu quá cao, nói cách khác, là một thách thức mà Nguyễn Hiếu
không thể vượt qua!”
Phê bình “Sự phê bình có tính văng mạng”!
Lý luận - phê bình văn chương ở Việt Nam đang
lâm vào khủng hoảng, nhận xét ấy không phải là xa lạ với các tác giả quan tâm
tới vấn đề và cố gắng đi tìm giải pháp. Về phần mình, tôi luôn ủng hộ các ý
kiến sâu sắc, có tính phát hiện, có ý nghĩa lý luận - thực tiễn và thiện chí,
đồng thời sẵn sàng bác bỏ những ý kiến mà không rõ từ động cơ nào đã đề cập tới
lý luận - phê bình từ sự thiếu vắng tri thức, từ thái độ thiếu khách quan và
thiếu công bằng (?). Nguyễn Hiếu đã công bố một văn bản như vậy trên báo Người Hà Nội, và không có cách nào khác, trong khi các nhà
lý luận - phê bình tỏ ra không quan tâm thì tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải
trả lời, với mục đích không để các ý kiến “văng mạng” làm nhiễu loạn sự tiếp
nhận của những ai đã đọc bài viết của Nguyễn Hiếu.
Vào lúc phê bình văn học nước nhà lâm vào
"cơn bĩ cực", xem ra không chỉ có người trong nghề mới quan tâm, trăn
trở, mà "cơn bĩ cực" ấy cũng trở thành miếng "mồi ngon" cho
một số người đay nghiến, xỉ vả. Dường như lâu nay xu hướng "xã hội hóa phê
bình" đã tạo ra tiền đề cho một số quan niệm thô thiển về phê bình có điều
kiện hoành hành, bởi đọc trên báo chí, dễ nhận thấy có hai xu hướng khác biệt:
nếu các nhà lý luận - nghiên cứu - phê bình văn học yêu nghề, tỉnh táo và cầu
thị đang cố gắng hợp sức cùng nhau đi tìm nguồn cơn của tình trạng, đặng tháo
gỡ và vượt thoát khỏi sự trì trệ; thì vài ba cây bút vốn xưa nay chưa viết nổi
một bài phê bình nào cho "ra hồn", thậm chí không biết phê bình văn
chương là "cái món" gì, cũng liều mình xông ra làm nhiễu loạn văn đàn
bằng cách công bố những "bài phê bình cà cộ", rồi cao giọng dạy bảo
các nhà phê bình phải như thế này, phải như thế kia qua những lời lẽ "đao
to búa lớn" nhưng hỗng huễnh về tri thức và cách thức tư duy.
Năm ngoái, trên báo Sức khỏe & Đời sống,
sau khi phát huy trí tưởng tượng để hình dung ra mối quan hệ giữa các nhà phê
bình với loài khủng long - động vật thời tiền sử, Lâm Quang Ngọc công bố bài
viết mang tiêu đề rất hoành tráng Câu chuyện về loài khủng long và các nhà phê
bình (Sức khỏe & Đời sống số 1406, ra ngày 12.7.2003) và ông lập tức nhận
được những góp ý, mà nếu tôi là Lâm Quang Ngọc, thì sẽ "cạch" đến
già, không bao giờ còn ngó nghiêng tới phê bình. Vậy nhưng "bài học nhỡn
tiền" đó vẫn chưa làm những cây bút cùng trường phái với Lâm Quang Ngọc tự
thấy e ngại, họ tiếp tục lao ra "trận tiền", mà điển hình và gần đây
nhất là tiểu luận Phê bình sự
phê bình có tính phê bình
đăng trên Văn nghệ
Thành phố Hồ Chí Minh (số
24, ngày 23-12-2004) và được eVan đăng lại ngày 28-12-2004.
1. Về nguyên tắc, "phê bình" là
quyền của mọi xã hội, của mọi con người lành mạnh và có ý thức nghiêm túc đối
với phát triển. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, để "phê bình" thật
sự hiệu quả thì về tri thức, vấn đề quan thiết hàng đầu là người tiến hành phê
bình phải thấu triệt những tri thức tối thiểu, cơ bản về đối tượng muốn phê
bình, còn về phương pháp luận, người đó phải lựa chọn góc nhìn khách quan và
toàn diện, không để bị chi phối bởi thói chủ quan, cảm tính... Đấy là mới nói
đến sự "phê bình", còn một khi đã cầm bút để "phê bình sự phê
bình" thì tầm mức các yêu cầu còn cao hơn nhiều. Nghĩa là về chuyên môn
học thuật, không phải bất cứ người nào cũng có thể "phê bình sự phê
bình". Từ cách đặt vấn đề ấy, xem ra Phê bình sự phê bình có tính phê bình
của Nguyễn Hiếu chỉ là sản phẩm của lối "phê bình văng mạng" mà một
cây bút ý thức được giới hạn nghề nghiệp của mình sẽ không bao giờ nghĩ tới
việc "chiềng làng".
Nhưng tiếc thay, ý thức được giới hạn nghề
nghiệp của mình vốn là điều không dễ thực hiện với những người mà thói tự thị
đã lấn át sự tỉnh táo. Để đi tới một nhận xét hết sức tự tin rằng: "Trong
sự có học của đa số các nhà phê bình của ta đã ẩn chứa nhiều sự khập khiễng...
Tri thức què quặt, sự yếu kém về hiểu biết, sự ngại đọc đã tước bỏ khá nhiều vũ
khí của các nhà phê bình văn học hiện nay ở ta...", Nguyễn Hiếu đã
"trình diễn" sự am hiểu về phê bình văn chương và lịch sử phê bình
văn chương của ông như sau: "Từ thời thượng cổ cho đến nay, hay nói cho có
vẻ lý luận một chút thì từ thời cổ Hila cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI
này và có lẽ mãi mãi mai sau bất kỳ một nền văn học nào cũng gắn liền với một
nền phê bình...". Chỉ qua một câu văn xác quyết trên đây, có thể nhận ra
sự tùy tiện, liều lĩnh đến kinh ngạc của Nguyễn Hiếu. Bởi:
- Thứ nhất: Dẫu có mò mẫm đến rách nát các
cuốn sách lịch sử của nhân loại từ xưa đến nay, người ta cũng không thể tìm ra
một giai đoạn lịch sử nào có tên gọi là "thời cổ Hila". Trong lịch sử
văn hóa - văn minh nhân loại, có một thời kỳ được định danh là "văn minh
Hy Lạp - La Mã" (được nhiều người viết tắt là "văn minh Hy - La"
- NH) mà nội dung của nó bao hàm ý nghĩa về tính liên tục của một nền văn minh
phát triển rực rỡ ở phương Tây cổ đại. Như vậy, "thời cổ Hila" theo
lối viết của Nguyễn Hiếu là rất tùy tiện.
- Thứ hai: Nếu "thời cổ Hila" được
Nguyễn Hiếu sử dụng để chỉ Hy Lạp - La Mã cổ đại, thì xét về thời gian lịch sử,
"thời thượng cổ" không tương ứng với sự hiện diện của hai quốc gia Hy
Lạp và La Mã. Và sự không tương ứng này đã cho thấy vốn liếng "tri
thức" lịch sử còn rất lơ mơ của Nguyễn Hiếu.
- Thứ ba: Có thể nói Nguyễn Hiếu là người đầu
tiên có gan "qua mặt" giới nghiên cứu lịch sử văn học để khẳng định
từ "thời thượng cổ" nhân loại đã có văn học và văn học đó luôn gắn
liền với một nền phê bình. Tôi đoán chắc, do không được trang bị các tri thức
tối thiểu về lịch sử văn học và lịch sử phê bình văn học nên Nguyễn Hiếu đã
viết "văng mạng", song lại tỏ ra khệnh khạng, uyên thâm bằng cách
khoác cho sự "văng mạng" cái lốt "nói cho có vẻ lý luận một
chút". Than ôi, trong khoa học làm gì có cái món "lý luận" như
ông đã viết. Rất mong Nguyễn Hiếu giới thiệu cho người đọc được biết phê bình
văn học ở "thời cổ Hila" vuông tròn như thế nào, thành tựu của nó ra
sao, ngõ hầu bổ sung vào vốn liếng "tri thức què quặt, sự yếu kém về hiểu
biết" của các nhà phê bình như ông đã nhận xét (!). Nói vậy thôi, tôi tin
đây là một yêu cầu quá cao, nói cách khác, là một thách thức mà Nguyễn Hiếu
không thể vượt qua!
2. Từ ý kiến "văng mạng" về lịch sử,
Nguyễn Hiếu tiến tới trình bày sự "văng mạng" về mối quan hệ giữa văn
chương và lý luận - phê bình. Ông viết tiếp: "Chính sự đa dạng, phong phú
của sáng tác đã tạo ra lý luận, phê bình và ngược lại, lý luận, phê bình khi
được đúc kết từ thực tế của sáng tác đã có tác động định hướng, hướng dẫn lại
sáng tác và một chức năng không kém phần quan trọng nữa là chỉ đường và xác
định thẩm mỹ cho độc giả trước mỗi tác phẩm".
Ý kiến của Nguyễn Hiếu, xét đến cùng chính là
hệ quả của sự thiếu hụt tri thức về lịch sử lý luận - phê bình văn học nói
riêng, lịch sử khoa học nói chung. Sự ra đời của lý luận - phê bình là kết quả
tổng hòa của một quá trình nhận thức - tư duy hết sức quan trọng của con người
đối với thực tiễn văn chương. Vì phải tới một thời kỳ lịch sử nhất định, với
một trình độ tư duy nhất định, với những phương tiện vật chất của xã hội nhất
định (như sự xuất hiện của ngành in và sau đó là báo chí...) thì lý luận - phê
bình với tư cách là một kiểu loại hoạt động khoa học mới ra đời. Theo ý nghĩa
đó, lý luận - phê bình, như quan niệm của chúng ta hôm nay, chỉ có thể xuất
hiện sớm nhất từ thế kỷ XVII. Còn về mặt triết học, từ quan hệ biện chứng giữa
lý luận với thực tiễn, thì lý luận - phê bình có nguồn gốc từ thực tiễn văn
chương, nhưng chính trình độ nhận thức, khả năng tư duy của con người đã xây
dựng nên và quyết định phẩm chất của lý luận - phê bình chứ không phải
"chính sự đa dạng, phong phú của sáng tác đã tạo ra lý luận, phê
bình".
Còn mệnh đề: "lý luận, phê bình khi được
đúc kết từ thực tế của sáng tác đã có tác động định hướng, hướng dẫn lại sáng
tác và một chức năng không kém phần quan trọng nữa là chỉ đường và xác định
thẩm mỹ cho độc giả trước mỗi tác phẩm" của Nguyễn Hiếu, có lẽ cũng đã đến
lúc cần hiểu và diễn đạt cho chính xác hơn. Bởi thực tế cho thấy lý luận - phê
bình chỉ có thể "góp phần" (xin nhấn mạnh - NH) định hướng và hướng
dẫn đối với sáng tác, chỉ có thể "góp phần" (xin nhấn mạnh - NH)
hướng dẫn người đọc chứ không "chỉ đường và xác định thẩm mỹ" như
Nguyễn Hiếu quan niệm (xin nói thêm, cụm từ "xác định thẩm mỹ" là cụm
tù cực kỳ tối nghĩa trong văn cảnh này!). Hiểu theo Nguyễn Hiếu, người ta sẽ dễ
dàng thủ tiêu cá tính sáng tạo của nhà văn và thủ tiêu luôn cả tính độc lập
tương đối trong sự cảm thụ của mỗi người đọc.
3. Nguyễn Hiếu cho rằng phê bình văn học là lĩnh
vực "không cho phép một kẻ tay ngang có đôi chút ham thích và muốn lấy văn
chương tô điểm cho tên tuổi của mình có thể múa may được", và từ vị trí
của một "kẻ tay dọc", ông đánh giá khái quát về các thế hệ các nhà
phê bình văn học Việt Nam đương đại mà càng đọc ông, càng nhận rõ sản phẩm
"văng mạng" của một vị phê bình "tay dọc" có phẩm chất ra
sao. Ông nhận xét: "Hầu như các vị Aristote, Kim Thánh Thán, Hoài Thanh,
Trần Thanh Mại (? - NH) bây giờ ở Việt Nam tuy vẫn mang danh và giữ ghế trên
lĩnh địa phê bình nhưng thực tế đều buông vũ khí của mình chạy sang các lĩnh
địa khác như một sự tất yếu và cũng để phù hợp với môi trường của thời buổi
thương mại".
Theo nghĩa đen của đoạn văn trên, té ra
Aristote, Kim Thánh Thán đều là công dân của nước Nam ta, và Hoài Thanh, Trần
Thanh Mại hiện vẫn đang "mang danh và giữ ghế trên lĩnh địa phê bình nhưng
thực tế đều buông vũ khí của mình chạy sang các lĩnh địa khác như một sự tất
yếu và cũng để phù hợp với môi trường của thời buổi thương mại" hay sao? Hình
dung ra khung cảnh Nguyễn Hiếu giao tiếp với Aristote và Kim Thánh Thán, cùng
Hoài Thanh và Trần Thanh Mại ở chốn "hoàng tuyền" mà tôi hơi bị kinh
hoàng (!). Thiển nghĩ, không cần tới "sự tất yếu và cũng để phù hợp với
môi trường của thời buổi thương mại", các vị ấy cũng "buông vũ
khí" từ đời nào đời nào, chứ đâu cần phải đến Nguyễn Hiếu thì mới phát
hiện ra!
Với ánh mắt "mục hạ vô nhân", Nguyễn
Hiếu liếc xéo vào thực trạng phê bình để kẻ cả đánh giá các "lớp" nhà
phê bình văn học ở Việt Nam: "Lớp cỡ thầy tác giả bài viết này thì nhà phê
bình tài hoa Hà Minh Đức xoay ra làm thơ và viết văn xuôi, thầy Phan Cự Đệ thì
mãi quản lý một mảng văn hóa có liên quan đến nước ngoài, thầy Lê Đình Kỵ, cụ
Phong Lê, Hoàng Trinh có lẽ do tuổi tác nên gần như vắng bóng... thảng hoặc các
vị này có trở lại với phê bình thì một là bài viết của họ lại xoay quanh những
đề tài mà các vị đã từng giảng dạy trước đây với sự kinh viện cũ kỹ của
Timôfêép hoặc của nhà kinh điển Angels, Sepnưsepxki nào đó trong đấy chật cứng
những câu chữ nặng chất giáo khoa đã được xếp trong bảo tàng của phê bình văn
học đại loại "tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình", hay
"biện chứng pháp của tâm hồn...". "Còn các nhà phê bình thế hệ
thứ hai thì một là lao vào sự vụ rồi thỉnh thoảng lộ ra sự nước đôi khi dồn sức
lực của mình vào các buổi hội họp của giới phê bình, rồi cho ra những bài viết
nặng tính mặt trận về các vấn đề đáng ra cần sự rõ ràng, quyết liệt...".
"Lớp phê bình thứ ba mới nổi tuy tuổi trẻ tài cao, học hành đầy đủ trong
và ngoài nước thì đã sớm ăn phải bã dĩ hòa vi quý của lớp đàn anh cũng xếp bút
đợi dịp kỷ niệm danh nhân nọ, danh nhân kia để viết những chuyên luận dài thậm
thượt với sự khoe chữ, khoe kiến thức".
Các đoạn trích trên cho thấy Nguyễn Hiếu vừa
thiếu khả năng xác định thế nào phê bình văn học, vừa liệt kê theo lối cảm tính
chứ không tiến hành một khảo sát mang tính khoa học, và xem chừng không có nhà
phê bình đương đại nào ở Việt Nam lại xứng đáng "lọt vào mắt xanh"
của ông. Do thấy Nguyễn Hiếu coi Hà Minh Đức là một "nhà phê bình tài
hoa", tôi lục tìm trong sách vở của Hà Minh Đức mà tuyệt nhiên không thấy
chút ít "tài hoa" phê bình nào, nên đành tự hỏi liệu tiêu chí xác
định sự "tài hoa" của Nguyễn Hiếu có khác người không, hay sự
"tài hoa" ấy có được do Hà Minh Đức là "cỡ thầy" của ông?
Theo nhận xét của tôi, các vị như "nhà
phê bình tài hoa Hà Minh Đức", "thầy Phan Cự Đệ... thầy Lê Đình Kỵ,
cụ Phong Lê, Hoàng Trinh..." của Nguyễn Hiếu đã có đóng góp, đã
"thành danh" trong văn học với tư cách là nhà nghiên cứu chứ không
phải nhà phê bình. Cho dù các vị này có viết dăm ba bài phê bình thì tư cách
"nhà phê bình" của họ cũng chưa hoàn bị. Chưa nói trong số ít ỏi các
bài phê bình của họ, lại có bài chất lượng cũng không nhỉnh hơn tác phẩm của
một số người viết nghiệp dư, cũng "văng mạng" ngang ngửa với Nguyễn
Hiếu, như "cụ Hoàng Trinh" viết bài ca ngợi cuốn Văn luận của Tiến sĩ
Đoàn Hương trên Tạp chí Văn học (số 5-2001) và kẻ viết bài này đã quyết liệt
phê bình mà sau mấy năm vẫn chưa thấy "cụ" trả lời(1).
Mặt khác, ý kiến về "sự kinh viện cũ kỹ
của Timôfêép hoặc của nhà kinh điển Angels, Sepnưsepxki nào đó trong đấy chật
cứng những câu chữ nặng chất giáo khoa đã được xếp trong bảo tàng của phê bình
văn học đại loại "tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình", hay
"biện chứng pháp của tâm hồn" của Nguyễn Hiếu là không thể chấp nhận.
Nó không bộc lộ tinh thần "khai phóng" mà bộc lộ thái độ phủ nhận bừa
bãi, vì những vấn đề ông cho là "cũ kỹ", "đã được xếp trong bảo
tàng của phê bình văn học" vẫn có giá trị của chúng, điều đáng nói là hiểu
và vận dụng chúng như thế nào cho đúng đắn và thích hợp.
4. Do không nắm bắt được thế nào là phê bình
văn học, song lại muốn lý giải tại sao mấy năm nay một số người sáng tác lại
nhảy vào viết phê bình, Nguyễn Hiếu viết: "Không phải bỗng nhiên từ khi
các nhà phê bình tự đánh mất thiên chức của mình thì không ít nhà sáng tác lại
nhảy vào lĩnh địa này với sự hăng hái, bồng bột, nhiệt huyết của người nghệ sĩ
và quả thật, ít nhiều họ làm khuấy trộn sự tĩnh lặng của văn học Việt Nam.
Những Trần Mạnh Hảo, Thanh Thảo, ít nhiều của Trúc Thông, Nguyễn Hoàng Sơn,
Phan Cung Việt, Phạm Tiến Duật...".
Xin thưa với Nguyễn Hiếu, trong thực tế, số
nhà phê bình đã đánh mất "thiên chức" của họ không nhiều, và nếu ông
không mắc phải căn bệnh tương tự với những người bị ông chê bai là "không
chịu đọc, không chịu quán xuyến với tư chất của người quản gia, nội trợ của văn
học nên các nhà phê bình của ta không nắm được chút nào các tác phẩm đương
đại" thì chắc chắn ông sẽ rút lại lời chê bai đó. Tôi không dẫn ra những
tác giả, những bài viết, những công trình phê bình văn học có giá trị được công
bố trong hàng chục năm trở lại đây với Nguyễn Hiếu, vì tôi tin ông cũng chẳng
đọc bao giờ, vì một lẽ đơn giản: nếu đã đọc, ông sẽ không hùng dũng sổ toẹt mấy
thế hệ nhà phê bình như phần trên tôi đã đề cập.
Lại nữa, danh sách các nhà thơ được Nguyễn
Hiếu liệt kê và cho rằng họ đã "nhảy vào" và "ít nhiều làm khuấy
trộn sự tĩnh lặng của văn học Việt Nam" cũng chỉ là một danh sách
"tùm lum", qua đó thể hiện ông không có khả năng phân biệt sự khác
nhau giữa "phê bình văn học" với các phái sinh khác. Vâng, nếu như có
thể coi Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Hoàng Sơn lâu nay có "nhảy vào" lĩnh
vực phê bình, thì theo tôi, các nhà thơ Thanh Thảo, Trúc Thông, Phạm Tiến Duật,
Phan Cung Việt chưa bao giờ viết phê bình. Là người theo dõi khá kỹ lưỡng và
cập nhật đời sống văn chương nói chung, phê bình văn học nói riêng, tôi nhận
thấy Phạm Tiến Duật chủ yếu "vừa làm vừa nghĩ" (như nhan đề cuốn sách
của Phạm Tiến Duật xuất bản năm 2003 - NH) về kinh nghiệm làm thơ; Trúc Thông
chủ yếu bình thơ, nhiều khi bình tán "vô thưởng vô phạt" và sinh hoạt
văn học cũng không mất đi phần sinh động nếu thiếu những bài bình thơ như thế;
còn coi Thanh Thảo, Phan Cung Việt cũng "ít nhiều" viết phê bình, ít
nhiều tham gia "khuấy trộn sự tĩnh lặng của văn học Việt Nam" thì
không khác gì coi phê bình văn học như chiếc "điếu cày của ủy ban",
ai cũng có thể... hút!
5. Sau khi trình diễn các hiểu biết sơ sài và
sự ấu trĩ của mình, Nguyễn Hiếu đại quát "luận tội": "Các tác phẩm
văn chương tự nó vẫn sống và các nhà sáng tác tự sức mạnh nội lực của mình vẫn
đi con đường của họ và chẳng cần một thứ bố hờ mẹ hão nào làm cảnh. Cái cần báo
động là người đọc nước ta đang bị rơi vào hồng hoang, loạn xạ của nhũng nhiễu
các tác phẩm nội và ngoại kéo theo sự băng hoại ít nhiều trong sự thưởng thức
văn nghệ. Đấy là tội lớn nhất đối với những người hướng dẫn, chỉ đường cho sự
thưởng thức. Các nhà phê bình khi tự rời bỏ ngòi bút mình đã chứng tỏ họ thiếu
hẳn vai trò công dân và tinh thần trách nhiệm đối với đông đảo bạn đọc trước sự
phong phú, đa dạng và không thiếu sự bề bộn, loạn xạ các tác phẩm văn học đương
thời. Đó chính là sự phê phán lớn nhất đối với các nhà phê bình khi họ từ bỏ
thiên chức cao quý của mình đối với nền văn học nước ta".
Như vậy, Nguyễn Hiếu đã tìm ra nguyên nhân của
tình trạng "hồng hoang, loạn xạ... sự băng hoại ít nhiều trong sự thưởng
thức văn học nghệ thuật Việt Nam hôm nay là do các nhà phê bình đã từ bỏ
"thiên chức", "thiếu hẳn vai trò công dân và tinh thần trách
nhiệm đối với đông đảo bạn đọc", còn các nhà sáng tác thì vô can, vì họ
"vẫn đi con đường của họ"! Vô cớ gán cho các nhà phê bình vai trò
"bố hờ mẹ hão làm cảnh" cũng tức là Nguyễn Hiếu cũng tự chứng tỏ sự
thiếu hiểu biết về vai trò của phê bình.
Phê bình có mặt trong đời sống văn học không
nhằm "làm cha" hay "làm mẹ" của ai, nó là "sự phán
đoán, bình phẩm, đánh giá và giải thích tác phẩm văn học, đồng thời kèm theo
việc phán đoán, bình luận, giải thích, đánh giá những hiện tượng đời sống mà
tác phẩm nói tới. Phê bình văn học được coi như một hoạt động tác động trong
đời sống văn học và quá trình văn học (xin nhấn mạnh - NH), như một loại sáng
tác văn học, đồng thời còn được coi như một bộ môn thuộc nghiên cứu văn
học" (150 thuật ngữ văn học, Lại Nguyên Ân biên soạn, NXB Đại học Quốc gia
Hà Nội, bản in lần thứ hai, H. 2003, tr. 259).
Vì vậy với tư cách nhà văn, Nguyễn Hiếu hãy cố
gắng xứng đáng là "người cha chân chính" cho những "đứa con tinh
thần" của ông, và nếu sau khi những đứa con đó ra đời, lỡ có "ốm đau
sài đẹn" góp phần làm phức tạp thêm sự nhiễu loạn của văn học, thì nên
trách chính ông chứ không nên "văng mạng" trách cứ các nhà phê bình.
Cuối cùng, tôi muốn gửi tới ông một lời khuyên
chân thành rằng tình trạng hiện tại của phê bình quả là có nhiều điều đáng để
phê bình, nhưng phê bình như thế nào lại cần phải đáp ứng những yêu cầu không
thể bỏ qua.
Nếu có thiện tâm với tương lai của phê bình
văn học, thì chỉ nên công bố những gì thật sự hiểu biết và được luận chứng một
cách cẩn trọng. Còn nếu không, sẽ chỉ góp phần đẩy phê bình văn học vào tình
trạng ngày càng thêm khủng hoảng mà thôi!
NGUYỄN
HÒA
(Nguồn: Bàn phím và … “cây búa”.
Tiểu luận, phê bình của Nguyễn Hòa)
No comments:
Post a Comment