.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, August 23, 2012

“HỘI THẢO – TÁC GIẢ LÂNG LÂNG NHƯNG VĂN HỌC LOẠN CHUẨN”

Nhà phê bình Nguyễn Hòa lên tiếng về hiện tượng “đội lốt” hội thảo, tọa đàm để tụng ca không đúng, gây loạn chuẩn trong thẩm định tác phẩm nói chung…

- Là người lên tiếng khá quyết liệt ngay từ đầu, trước khi hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” diễn ra và đã có tham luận gửi tới Ban tổ chức hội thảo, tại sao anh không đến dự?

- Tôi không đến dự vì trước đó đã đọc quá nhiều bài vở ca ngợi người làm thơ này, nên tôi không muốn đến để làm hỏng “bữa tiệc tụng ca” của mọi người. Cách đây mấy năm tại một hội thảo, giữa vô số những “bản tụng ca”, tôi là người duy nhất đưa ra ý kiến chứng minh đó là một tác phẩm còn chứa đựng nhiều điều thất vọng. Sau đó, dù không có ai luận chứng bác bỏ ý kiến của tôi, song vẫn có người viết rằng, hôm đó tôi là người “nói ngược”! Như thế thì chẳng hóa ra, những “bản tụng ca” cất lên hôm đó là “nói xuôi” và thực tế đến hôm nay, tác phẩm đó đã mất tích trên văn đàn.
- Anh nghĩ sao về nhận xét, tình trạng chung của một số hội thảo, tọa đàm trong sinh hoạt văn học thời gian gần đây thiên về tụng ca quá nhiều?
- Tôi nghĩ điều đó tùy thuộc vào từng trường hợp. Khen có lý, lại luận chứng rành rẽ và thuyết phục thì có gì là đáng trách. Với chê cũng vậy, dựa trên tinh thần lương thiện trí thức và tính khách quan để chỉ rõ hạn chế thì cần trân trọng, vì chí ít thì việc làm này cũng giúp tránh được sai sót, thậm chí là sai lầm. Nhưng đúng là lâu nay đến dự một số hội thảo, tọa đàm về tác phẩm - tác giả, nếu không vì lịch sự thì tôi đã chuồn, khó có thể chung sống với những lời ngợi ca véo von nhưng rỗng tuếch. Hội thảo như thế có thể khiến tác giả thêm lâng lâng, nhưng xét đến cùng lại có thể làm hại văn học, vì dễ đưa tới sự loạn chuẩn!
- Theo anh, tình trạng đó có căn nguyên từ đâu?
- Theo tôi, tình trạng này chỉ có hai nguyên nhân: hoặc là một số người còn chưa đủ “trình” để thẩm định tác phẩm; hoặc là người ta thẩm định tác phẩm bằng những tiêu chí… “ngoài văn chương”!
- Đã bao giờ anh viết bài ca ngợi hết lời một tác phẩm nào chưa?
- Có chứ, nếu bạn quan tâm, sẽ thấy gần đây tôi công bố hai bài Những câu chuyện sinh động về Hà Nội hôm qua và hôm nayNgòi bút tài hoa và những trang sách không dễ viết. Đó là hai bài giới thiệu hai cuốn sách Đi ngang Hà NộiDọc theo Hà Nội, trong đó tôi đưa ra rất nhiều lời khen ngợi. Nếu muốn xem tôi có hoắng huýt ca ngợi hay không, xin hãy đọc hai cuốn sách đó.
- Có thể thấy ở nhiều hội thảo, tọa đàm, dường như khen và chê là hai thái cực của hai dạng bài được “đặt hàng” và dạng bài viết tự do?
- Tôi chưa có may mắn được ai “đặt hàng” nên chưa biết khi nhận được “đơn đặt hàng” thì sẽ phải viết cái gì và viết như thế nào. Còn thường thì tôi chỉ nhận lời viết tham luận khi tôi có ý tưởng phù hợp với chủ đề hội thảo. Tuy nhiên, không hẳn là bài “đặt hàng” và bài viết tự nguyện sẽ đưa tới hai thái cực khác nhau. Vấn đề là góc độ tiếp cận, là tính khách quan, là khả năng thẩm định và đánh giá, là cố gắng phân biệt giữa quan hệ xã hội với yêu cầu nghề nghiệp. Ai đó viết tham luận từ tâm thế yêu - ghét thì tốt nhất là đừng viết.
- Theo anh, những gì diễn ra trong đời sống văn học gần đây cho thấy cần có tiêu chí gì để tổ chức một hội thảo thơ, nhất là thơ của cá nhân?
- Theo tôi, điều này tùy thuộc vào mục đích của mỗi hội thảo. Nếu hội thảo để đánh giá, nhận định về một giai đoạn thơ, một xu hướng, một trào lưu thơ… thì dễ xác định mục đích hơn. Còn hội thảo thơ của một tác giả, muốn xác định mục đích, trước hết cần đánh giá xem thơ của tác giả ấy có thật sự mang ý nghĩa xã hội - nghề nghiệp hay không, có thật sự đem tới những tác động tư tưởng - thẩm mỹ đối với đồng nghiệp và công chúng hay không… Hội thảo về thơ của một tác giả mà chỉ có vài ba chục ông bà “cánh hẩu” biết với nhau thì chỉ làm cho thơ thêm mất giá, và mất giá hơn cả chính là tác giả có thơ được hội thảo!
- Thế còn về việc người “nói ngược” luôn “cô đơn”, anh có bình luận gì?
- Không rõ tình trạng “người “nói ngược thì luôn “cô đơn”…” mà bạn đề cập có bao gồm cả tôi trong đó hay không (!?), nhưng tôi nghĩ, muốn là người chính trực thì trước hết cần xây dựng khả năng tự đánh giá, tự nhận thức được ý nghĩa xã hội - nghề nghiệp từ công việc, nếu thấy mình đúng thì không phải e ngại. Còn nếu lúc nào đó thấy cô đơn, hãy tự vượt qua nỗi cô đơn. Tôi chưa bao giờ thấy cô đơn trong nghề nghiệp. Tôi coi việc người ta bảo tôi “nói ngược” chẳng qua vì họ chưa đủ khả năng bác bỏ điều tôi đã khẳng định. Nên mới xảy ra tình trạng oái oăm là người ta gán cho tôi đủ thứ phẩm chất ngoài văn bản, nào là “ăn tiền”, “ghen tức”, nào là “chưa được vào Hội Nhà văn”, “không có chức danh, học vị”, thậm chí mới đây, một ông cựu quan lớn vừa bị tôi chọc một phát, còn gọi điện thoại bảo rằng: “Mày cậy cái chức mày đang giữ”. Chắc là khi còn đương nhiệm, ông này đã quen “cậy chức” rồi nên nghĩ ai cũng giống mình!? Nghĩa là người ta tảng lờ điều tôi viết mà soi mói xem phía sau văn bản của tôi có động cơ gì. Như thế thì tôi không chấp, chỉ khinh bỉ mà thôi. Vậy làm sao phải “cô đơn”! Nhân đây tôi xin nói luôn, ai đó chớ bao giờ nghĩ tôi “cậy” chức vụ để viết lách hoặc phát ngôn. Đến 60 tuổi thì chức vụ sẽ đi liền với chữ “cựu”. Chỉ có kẻ hèn mới dựa vào chức vụ để dậm dọa người khác. Tôi đã, đang và sẽ không bao giờ như thế.
Phúc Thiện Nguyên thực hiện
Nguồn: E văn

No comments:

Post a Comment