.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, August 19, 2012

NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH NGUYỄN ĐÌNH TOÁN – ĐỨNG BÊN LỀ NHƯNG VẪN TỎA SÁNG

Đọc tin về triển lãm 300 nhân vật của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Á ở TP HCM hồi tháng 5, tôi nghĩ đến một tay máy khác, ở Hà Nội. Tôi từng muốn dựng chân dung Nguyễn Đình Toán bằng những con số, chẳng hạn “Người chụp hàng trăm/vạn/triệu bức chân dung nghệ sĩ Việt Nam”, nhưng rồi tôi không làm thế. 

KHI NGHỆ SĨ CHỤP NGHỆ SĨ
“Số lượng không quan trọng”
Đơn giản vì khi tôi hỏi Nguyễn Đình Toán “Chú đã chụp bao nhiêu bức ảnh của nghệ sĩ Việt Nam, hoặc chụp ảnh bao nhiêu nghệ sĩ Việt Nam, ước lượng thôi cũng được?” thì ông cười bảo “Chú không đếm”. Tôi gặng hỏi: “Lấy mốc là 100 nghệ sĩ chẳng hạn, thì chú chụp ít hơn hay nhiều hơn con số đó?”, ông nói: “Chú không nhớ”. Thế là ý định giật tít bằng một con số (mà tôi nghĩ là sẽ rất lớn, rất ấn tượng) của tôi không thành hiện thực.
 “Chú không nhớ thật”, sau đó Nguyễn Đình Toán bảo. “Vì có những người, gặp thấy hay hay là chú chụp, chứ chú có biết họ là văn nghệ sĩ hay không phải văn nghệ sĩ đâu”.

“Với chú con số không quan trọng lắm”, ông tâm sự. Chụp ảnh mấy chục năm, bây giờ mang ra đo đếm, làm triển lãm, chắc cũng phải kỳ công. Ông không đếm thì đành cậy nhờ người khác đếm hộ. Bạn ông, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, từng viết: “Có lẽ Nguyễn Đình Toán chụp nhiều nhất Văn Cao”. Mà chụp Văn Cao những lúc rất… Văn Cao: trong mấy cuộc rượu, có ảnh còn lấy tiền cảnh là cái chai to đùng, đằng sau là Văn Cao và Nguyễn Trọng Tạo chén anh chén chú.

Văn Cao và Nguyễn Trọng Tao, 1994 – Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Xem những bức ảnh đó, trong đầu tôi hiện lên một câu hỏi: “Người chụp ảnh ở vị trí nào trong khung cảnh, đang làm gì và tại sao lại chớp được những khoảnh khắc đó?”. Chắc chắn không thể nào là một người xa lạ với các nhân vật trong ảnh, ngẫu nhiên đi qua và cầm máy chụp. Càng xem nhiều bức ảnh của ông, nỗi tò mò càng tăng lên, tôi thử tìm hiểu về người chụp ảnh.
Ảnh chân dung nghệ sĩ: dấu ấn sâu đậm (xem ảnh tại đây)
Nguyễn Đình Toán kể về bộ ảnh chân dung người bạn, dịch giả Đoàn Tử Huyến cách đây hơn chụp năm mà ông chụp bằng máy cơ, phim đen trắng. “Lúc đó chú chẳng biết ông ấy là ai, chỉ thấy một ông tóc bạc, dài, trông hay quá nên lấy máy chụp lia lịa, chụp hết cả cuộn phim mới sắm”. Phim đen trắng thì đắt, nhưng khi đã “mê” nhân vật thì ông không tiếc gì.
Nhiều nhà văn, nhà thơ khác cũng thế, Nguyễn Đình Toán thấy hay (không nhất thiết phải đẹp) là chụp ngay, quen biết là chuyện sau này. Khi đã quen rồi, thân rồi, vừa trọng tài năng vừa quý tính cách, ông theo chụp họ khắp nơi. Nguyễn Đình Toán ngưỡng mộ và thân thiết nhất với các văn nghệ sĩ nhóm Nhân Văn Giai Phẩm: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm…
Nguyễn Đình Toán được các người trẻ trong nghề trân trọng gọi là “Bố Toán”. Nhà nhiếp ảnh Na Sơn từng có một bài viết về ông với tiêu đề như thế. Tôi thấy thực ra ông không quá nổi tiếng với giới trẻ, những người mới chơi ảnh không biết tên ông. Nhưng, ai biết ông thì đều phục và mê những bức ảnh ông chụp. Nguyễn Đình Toán chuyên trị chân dung nhân vật.
Tôi không tìm ra cách nào khác để chỉ ra điểm mạnh của một người mà không mang so sánh với những người khác, nên đành làm thế. Nhiều dân ảnh (cách họ tự gọi mình) hay khiến những người ngoại đạo (trong đó có tôi) ong đầu vì mở miệng ra là nói về các chi tiết kỹ thuật của máy ảnh (đời cực mới, ống tele cực dài), đi đâu cũng “súng ống” hoành tráng, ảnh chụp thì… chưa biết thế nào.
Qua quan sát nghe ngóng, tôi thấy ở Nguyễn Đình Toán, cũng như ông bạn Đoàn Tử Huyến, nét khác biệt cơ bản so với những nhiếp ảnh gia trẻ mà tôi biết. Cách họ nói về những bức ảnh của mình. Ở ông Toán và ông Huyến, tôi thấy họ nói về nhân vật, tức thứ-họ-chụp. Nói về một bức ảnh, ông Toán sẽ nói ông thích ánh mắt hoặc nét nào đó của nhân vật, ông chụp họ lúc họ đang làm gì, tâm trạng đang như thế nào. Còn những người chụp trẻ, họ nói về hoặc máy móc, kỹ thuật và cả góc nhìn, cảm xúc để có bức ảnh đẹp, nghĩa là cách-họ-chụp. Tôi không nói kiểu nào hay hơn, kiểu nào dở hơn nhưng tôi thích ảnh của các ông Toán, Huyến hơn.
Còn nữa, nhiều tay máy trẻ ngày nay chuyên mảng ảnh các cô gái đẹp để có ảnh đẹp, theo tôi là chưa đủ cao tay. Chẳng hạn, ông Toán chụp toàn mấy nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ lớn tuổi, mấy ai sắc nước hương trời? Trái lại, toàn nhân vật nhăn nheo móm mém. Nhưng họ trong ảnh của ông vẫn đẹp, đẹp cái đẹp riêng. Văn Cao ở những đường nhăn trên gương mặt, Trịnh Công Sơn ở dáng người gầy guộc, Hoàng Ngọc Hiến ở ánh mắt không thanh thản. Hoặc ông cũng chụp người đẹp, diễn viên cải lương Thu Hiền chẳng hạn, không phải là một nét đẹp không tì vết, nhưng hồn hậu, tự nhiên.
Kho ảnh người đã khuất
Trong làng văn nghệ, cái tên Nguyễn Đình Toán cũng gắn với ảnh “phúng viếng”. Đây vô tình là một sự thật thú vị, dù mỗi hoàn cảnh đều không vui vẻ chút nào nhưng lại … Cứ mỗi lần Nguyễn Đình Toán chủ động gửi ảnh một nhân vật lão làng nào đó cho biên tập viên các tòa soạn báo quen biết, thì y như rằng nhân vật đó vừa qua đời. Mà ông cũng gửi ảnh vậy thôi, tòa soạn có thể đăng hay không tùy ý. Chẳng hạn, có nhà thơ Đỗ Nam Cao, nhà “Hà Nội học” Nguyễn Vinh Phúc, cuối năm ngoái có nhà văn Sơn Nam.
Nhà văn Di Li còn bảo, ông Toán có luật riêng là chụp xong không gửi ảnh cho những nhân vật còn sống, hoặc nếu gửi thì cũng gửi tạm vài ba cái ảnh xấu xấu. Ảnh đẹp ông cất giữ kín lắm, để sau này nhân vật… quy tiên mới công bố. Hồi trước thì thế, nhưng dạo này Nguyễn Đình Toán cũng thoải mái hơn rồi, ảnh nhân vật còn sống của ông đăng báo suốt, nhưng không phải bao giờ nghiêm chỉnh đề tên người chụp, nói gì đến trả đủ nhuận ảnh cho ông.
Kể chuyện “ngân hàng” ảnh văn nghệ sĩ đã qua đời của Nguyễn Đình Toán, để cười cũng được, mà để khóc cũng được luôn. Nhưng không ai có thể phủ nhận đó là gia tài ảnh vô giá, không phải cứ có thật nhiều tiền là chụp được, và cũng không phải có thật nhiều tiền là mua lại được. Buổi hội thảo về vị “giáo sư dân phong” quá cố Hoàng Ngọc Hiến mới đây chẳng hạn, trên poster tất cả ảnh đều là của Nguyễn Đình Toán, và đều là những bức ảnh rất có thần.
Còn một điều làm tôi suy nghĩ, bao nhiêu nghệ sĩ tên tuổi đều đã được ông chụp cho những bức ảnh để đời, còn riêng nghệ sĩ Nguyễn Đình Toán thì chưa có những bức ảnh như thế. Có lẽ một người chụp ảnh đẹp bao giờ cũng gặp phải “bi kịch” đó. Tôi xem vài bức của nhà nhiếp ảnh Na Sơn, chụp ông trong một lần gãy chân mà vẫn đeo nạng tác nghiệp, thấy cũng hay, không biết “Bố Toán” có ưng?
“Yêu ánh sáng và yêu bóng tối”
Trên blog của mình (lâu rồi không cập nhật), ông viết đề tựa: “Yêu ánh sáng và yêu bóng tối”. Ai cũng biết người chụp ảnh cậy nhờ ánh sáng để nói giúp họ mọi điều cần nói, phần còn lại không là bóng tối thì là gì? Không có bóng tối thì ánh sáng có bao giờ đẹp đến thế đâu.
Nguyễn Đình Toán tự nhận chỉ là người say mê các nghệ sĩ, muốn ghi lại hình ảnh của họ bằng ống kính của mình, tự ông không ham cái danh xưng “nghệ sĩ nhiếp ảnh”, theo lời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, bạn ông. Nhưng con người ta vốn có thể làm nghệ sĩ trong bất kỳ lĩnh vực nào, không nhất thiết cứ phải sáng tác nghệ thuật. Thế nên tôi vẫn xếp ông vào nhóm nghệ sĩ.
Ông rong ruổi chụp ảnh suốt ngày, mà ai cũng biết tiền nhuận ảnh các báo trả có nhiều nhặn gì đâu. Tôi hỏi thu nhập chính là từ đâu, ông giấu. Thế thì đúng chính xác ông là nghệ sĩ, vì với các nghệ sĩ, bao giờ “làm gì để sống” cũng là một bí mật.
Nhắc đến Nguyễn Đình Toán, tôi thấy những ai trong làng văn và làng nghệ thuật biết ông đều có chung một thái độ: trìu mến và trân trọng. Cá nhân tôi thấy ông là một bức chân dung cực kỳ đậm nét, dù luôn không phải là nhân vật chính trong mọi sự kiện nghệ thuật. Đứng bên lề nhưng vẫn tỏa sáng, đó là ông. Tự nhận chỉ là một người yêu văn chương và là bạn của các nghệ sĩ, bản thân ông đã có cống hiến còn lớn hơn nhiều nghệ sĩ khác cho văn chương nghệ thuật Việt Nam.
MILY

No comments:

Post a Comment