Công an nhân dân- "Khi chúng
tôi có sự đồng điệu trong tâm hồn, lại cùng viết văn làm thơ tả cảnh, thì việc
sử dụng ngôn ngữ chung để nói về một điều thì chả có gì lạ! Một bên tôi diễn
đạt thành văn, còn một bên, anh Thuận, diễn đạt thành thơ, thì sự trùng lặp sao
gọi là “đạo” được?"
Sau hội thảo thơ “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà văn tổ chức ngày 8/8 tại Hà Nội, với sự góp mặt của hơn 20 tham luận của các nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, dư luận vẫn còn xôn xao xung quanh chuyện thơ “nhập đồng”, thơ “thiền” của nhà thơ Hoàng Quang Thuận. Bởi việc sáng tác 121 bài thơ chỉ trong 4 giờ, hoặc làm 143 bài thơ trong 3 đêm liền là chuyện lạ, vì riêng việc chép lại cẩn thận những câu chữ có sẵn chưa chắc đã kịp, chứ nói gì đến sáng tạo tứ thơ, hồn thơ, kết cấu bố cục bài thơ. Cũng vì vậy, tới đây, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương sẽ thẩm định để đưa ra câu trả lời thỏa đáng xem đây có phải là hiện tượng kỳ bí và hiếm có của thi đàn hay không.
Chỉ sau hội thảo thơ “Hoàng Quang
Thuận với non thiêng Yên Tử” vài hôm, một số tờ báo đã đăng bài viết của tác
giả Nguyễn Minh Tâm, xưng là “bạn thân” của nhà thơ Hoàng Quang Thuận. Nội
dung bài viết cho rằng, “Thi Vân Yên Tử” của Hoàng Quang Thuận là “đạo” từ cuốn
sách “Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng” của tác giả
Trần Trương, Trưởng ban Quản lý Yên Tử (1992-2003).
Thậm chí, ông Tâm còn dẫn chứng một
số bài thơ trong “Thi Vân Yên Tử” để so sánh với cuốn sách của Trần Trương và:
“Tôi có thể suy luận rằng: Tập thơ Thi Vân Yên Tử của anh Hoàng Quang Thuận
không phải là thơ “nhập đồng”, cũng không phải là “thơ Thiền” mà có xuất xứ từ
cuốn sách của tác giả Trần Trương. Vì những bài thơ ấy thuần túy chỉ là tả cảnh
vật qua con mắt của người phàm trần. Nếu thơ “nhập đồng” sẽ có giọng thơ khác,
thâm linh, huyền bí và mang hồn cách của “người nhập”.
Trước thông tin trên có thể gây ảnh
hưởng đến không chỉ uy tín của cá nhân nhà thơ Hoàng Quang Thuận, mà còn tác
động không hay đến uy tín của Hội Nhà văn, Tạp chí Nhà văn cùng nhiều nhà văn,
nhà nghiên cứu, phê bình… đã có tham luận tại hội thảo thơ “Hoàng Quang Thuận
với non thiêng Yên Tử”, để rộng đường dư luận, ngày 16/8, chúng tôi đã liên hệ
với ông Trần Trương, tác giả cuốn sách “Chùa Yên Tử - Lịch sử - Truyền thuyết
di tích và danh thắng”, hiện là Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, tìm
hiểu sự việc…
Dưới
đây là trao đổi giữa PV Báo CAND với ông Trần Trương:
PV: Thưa ông! Trước việc tác giả Nguyễn Minh Tâm đăng
bài viết và nêu ý kiến trên một số tờ báo về việc nhà thơ Hoàng Quang Thuận
“đạo” văn từ cuốn sách của ông, là người trong cuộc và là tác giả của tác phẩm
văn xuôi “Chùa Yên Tử”- Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng, ông có ý
kiến gì về vấn đề này?
Ông Trần Trương: Khi tác giả Nguyễn Minh Tâm viết bài đó, có thể anh ấy
tưởng tôi với anh Hoàng Quang Thuận là người xa lạ, mà không biết mối quan hệ
của chúng tôi là tâm giao, đồng điệu từ lâu. Vì thế, tác giả Nguyễn Minh Tâm đã
so sánh kỹ lưỡng giữa cuốn sách “Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích
và danh thắng” với “Thi Vân Yên Tử” của anh Thuận, nhằm rút ra một kết luận:
Thơ anh Thuận viết là “đạo” văn của tôi. Nhưng thực tế, trong văn chương, sự
ảnh hưởng lẫn nhau về ngôn từ sáng tác, dẫn đến sự trùng hợp là hoàn toàn bình
thường.
Tôi chỉ là người viết văn ở địa
phương, nhưng khi viết cũng luôn chú ý chắt lọc ngôn từ để có nhạc điệu, hình
ảnh, thì người khác, khi diễn tả về điều đó, cũng phải dùng những hình ảnh, từ
ngữ đó mới nói được.
Hai chúng tôi thân thiết nhau,
thường xuyên gặp gỡ nhất là ở chùa Hoa Yên (Yên Tử), đàm đạo từ nhiều năm nay,
ngày càng quí mến, trân trọng nhau hơn. Khi chúng tôi có sự đồng điệu trong tâm
hồn, lại cùng viết văn làm thơ tả cảnh, thì việc sử dụng ngôn ngữ chung để nói
về một điều thì chả có gì lạ! Một bên tôi diễn đạt thành văn, còn một bên, anh
Thuận, diễn đạt thành thơ, thì sự trùng lặp sao gọi là “đạo” được?
Trước đây, Yên Tử khó khăn lắm, chứ
chưa như bây giờ và chúng tôi đều có mối quan tâm là làm sao cho Yên Tử ngày
càng phát triển, để vùng đất thiêng không trở thành phế tích. Năm 1998, khi anh
Thuận tặng tôi tập “Thi Vân Yên Tử”, tôi đọc thấy có sự giống nhau và tôi rất
vui, vì những ý tưởng 2 người cùng quan tâm đã có tiếng nói chung vì chúng tôi
đã có những đêm thức trắng để đàm đạo về vấn đề này.
PV: Là người chủ sở hữu bản quyền “Chùa Yên Tử - Lịch
sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng”, ông nghĩ sao khi một người xa lạ lên
tiếng về tác phẩm của ông bị “đạo”?
Ông Trần Trương: Với chuyện văn chương, sự tranh luận kiểu thế này vẫn
diễn ra. Tôi chỉ nghĩ rằng, làm sao trong sinh hoạt của giới văn chương, phê
bình, hay nghiên cứu nước mình, để lại sự lành mạnh, tránh gây phiền não, suy
nghĩ cho nhau. Đặc biệt là với những người có trách nhiệm với bạn bè, nếu thấy
có điều gì chưa phải, thì vỗ vai, nhắc nhở, có phải đáng trân trọng biết bao,
hơn là chưa tìm hiểu, đã vội đưa lên mạng, tạo thành scandal không đáng có như
những ngày qua, thì tình người như thế nào đây?
Việc dư luận ồn ào vừa qua không ảnh
hưởng đến tình cảm giữa tôi với anh Hoàng Quang Thuận, vì chúng tôi rất hiểu
nhau. Nhưng tôi rất buồn khi có quá nhiều người quan tâm đến một việc nhỏ, thậm
chí là không đáng có này, mà cứ coi như là cháy nhà chết người, hay biển Đông
có vấn đề gì vậy. Đến mức tôi phải thay số điện thoại cũ để có thể yên tâm làm
việc. Cuộc sống đã nhiều âu lo, chúng ta không nên gây ra những âu lo cho người
khác nữa.
PV: Ông có mối quan hệ với tác giả Nguyễn Minh Tâm
không?
Ông Trần Trương: Tôi không biết ông Nguyễn Minh Tâm là ai. Chỉ thấy xưng
là bạn thân của anh Hoàng Quang Thuận. Nhưng tôi cho rằng, nếu đã là bạn thân
đúng nghĩa, thì sẽ không bao giờ viết những bài như tác giả Nguyễn Minh Tâm đã
viết. Vì nếu thấy bạn mình có điều gì sai, người bạn tốt thường nói thẳng với
bạn: cái này chưa được, cái kia cần sửa, một cách chân tình, chứ không đưa ra
thiên hạ khi chưa kiểm chứng như thế!
PV: Ông có muốn nhắn gửi gì đến người “ngoài cuộc” đã
tham gia vào sự việc này không?
Ông Trần Trương: Nếu những ai quan tâm, đọc những điều tôi vừa nói, sẽ
thấy rõ quan điểm của tôi!
PV: Cám ơn ông!
THANH HẰNG thực hiện
____________________
Dưới đây là nguyên văn ý kiến của tác giả Trần Trương gửi một số cơ quan thông tin đại chúng:
Tôi tên là
Trần Trương, nguyên Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử
(1992 - 2003), hiện là Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
Năm 1997, tôi và anh Hoàng Quang Thuận gặp nhau tại
Yên Tử. Ngày đó, Yên Tử còn hoang vắng, chưa được đầu tư khang trang, người
về đông đúc như bây giờ.
Tôi tặng anh Hoàng Quang Thuận cuốn sách Chùa Yên Tử
- Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng. Hai anh em tôi đã thức suốt
đêm đàm đạo với nhau về nội dung cuốn sách tại chùa Hoa Yên (Yên Tử). Chúng
tôi thấy hai tâm hồn văn chương và thi ca có sự đồng điệu, giao cảm và hòa
hợp.
Một thời gian sau, anh Hoàng Quang Thuận về Hà Nội,
có viết một tập thơ Thi Vân Yên Tử để tặng tôi. Tôi rất vui vì những điều
chúng tôi đàm đạo với nhau về nội dung cuốn sách cũng như các cảnh quan của
Non Thiêng Yên Tử đã trở thành những bài thơ của anh. Anh Thuận kể lại: “Vào
lúc nửa đêm, sau khi thiền định, tôi thấy trong tôi trào dâng nguồn thi cảm
mãnh liệt. Tôi lấy giấy bút viết liền một mạch, ba đêm được sáu mươi ba
bài”.
Tôi nghĩ: những bài thơ này chỉ có những người có khả
năng thiền định ở một mức nào đó thì mới có được công năng này. Sau đó, anh
Hoàng Quang Thuận cho in 1.000 cuốn Thi vân Yên Tử tặng cho Ban Quản lý Di
tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử để Ban làm quà biếu du khách thập phương về
Yên Tử trong các dịp Hội Xuân hàng năm và tặng cán bộ, nhân viên trong Ban.
Tôi còn được biết: Từ đó đến nay, anh Hoàng Quang
Thuận đã cho in hàng chục ngàn cuốn Thi Vân Yên Tử được dịch ra Tiếng Anh,
Tiếng Pháp để tuyên truyền, quảng bá Yên Tử với khách thập phương trong,
ngoài nước.
Thi Vân Yên Tử không phải là đạo văn vì nó xuất phát
từ cái Tâm của người viết với Yên Tử - một Vùng Đất Phật linh thiêng của
chúng ta!
Trần Trương
|
No comments:
Post a Comment