Cảm giác ông như
một cây ATM về ảnh hoạt động 24/24 giờ. Gần như khi cần ảnh của bất cứ nghệ sĩ
Việt nào, gọi đến Nguyễn Đình Toán đều được cung ứng một cách kịp thời, hiệu
quả. Thế nhưng,
đáp lại, rất nhiều tòa soạn khi sử dụng ảnh đã quên đề tên tác giả.
Không biết từ bao giờ Nguyễn Đình Toán đã là nhân vật
quen thuộc trong các kỳ, cuộc văn nghệ, đặc biệt là văn học, cho đến nay thì
người ta đã quen với hình ảnh một ông già tóc bạc cầm máy
ảnh xuất hiện tại các sự kiện. Cũng không rõ cơ duyên
nào đã dẫn Nguyễn Đình Toán đến bên thế giới văn nghệ sĩ. Chỉ biết rằng, giới
văn nghệ sĩ trong đó có các nhà văn đã coi sự có mặt của ông như một lẽ đương
nhiên, thân thuộc đến mức dửng dưng, bình thường.
Đầu tháng 6-2012, trước ngày cuốn sách của nhà thơ
Phùng Cung ra mắt, thấy Nguyễn Đình Toán rút một xấp ảnh chụp Phùng Cung ra
khoe mọi người, cả ảnh màu và đen trắng đến hơn hai chục tấm. Đợt ấy cũng sắp
diễn ra tọa đàm về Hoàng Ngọc Hiến, nhắc đến nhân vật đã có công
dựng Trường viết văn Nguyễn Du, ông lại rút ra một xấp ảnh khác đủ sự kiện,
giai đoạn của
Hoàng Ngọc Hiến chỉ trỏ giải thích cho mọi người. Hỏi, “chú phóng ra
nhiều thế để làm gì?”, Nguyễn Đình Toán bảo, “thích thì phóng thôi”. Hóa ra
chẳng có ai đặt hàng, hay nhờ ông vẫn cứ phóng ảnh. Nhiều bộ ảnh của các nhà
văn, nhà thơ khác cũng được Nguyễn Đình Toán phóng không theo đặt hàng của ai
cả. Trong những bộ ảnh đã chụp ông khá ưng ý với bộ ảnh nhà thơ Hoàng Cầm với
mái tóc trắng bồng bềnh phiêu lãng, bộ ảnh ấy đã được Nguyễn Đình Toán phóng cỡ
lớn, ai nhìn cũng phải trầm trồ.
Tại nhiều sự kiện, người chụp ảnh thì rất nhiều, lại đủ
loại máy lớn bé, chuyên nghiệp, nghiệp dư… Bon chen được trong đám đông ấy không
dễ. Người này chắn tầm máy người khác, việc ức chế, văng tục rất dễ xảy ra. Mà
nếu có chuyện ấy thì người thiệt thòi có lẽ là… người lớn tuổi. Nhưng ông,
với mái tóc bạc vẫn hòa vào đám đông đầu xanh chọn cho mình những khoảnh khắc
đáng lưu nhớ của nhân vật. Không những thế, Nguyễn Đình Toán còn sẵn sàng làm
diễn viên đóng thế. Có lần ở Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, hai bố
con đại biểu trẻ nhất Phạm Nguyễn Ca Dao rất muốn chụp với nhà thơ Hữu Thỉnh,
Chủ tịch Hội Nhà văn VN một kiểu ảnh, khi tôi giơ máy thì có người bảo kiêng
chụp ba. Tôi ngoái lại đám đông phía sau tìm ai đó để mời vào cho thành bốn. Nhưng mấy đại
biểu trẻ đều tỏ vẻ ngại ngần, không ai muốn vào vai đóng thế trong tình huống
như vậy, mà nhà thơ Hữu Thỉnh thì đang rất vội. Cuối cùng người vào lại chính
là… Nguyễn Đình Toán. Ông cũng tỏ ra khá thân thiện với các nghệ sĩ, các nhà
văn nhà thơ trẻ. Cũng tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc năm 2011 ở Tuyên Quang,
trong một buổi tham quan ông còn sẵn sàng sánh vai đi chung ô nhà thơ Vi Thùy
Linh, nhìn hai người như một cặp uyên ương đi hưởng tuần trăng mật khiến ai
nhìn thấy cũng phải phì cười.
Số ảnh chụp phim của Nguyễn Đình Toán bây giờ phải đến
hàng chục cân. Thời khó khăn, tiền mua phim tốn kém khá nhiều, đã có lúc Nguyễn
Đình Toán khánh kiệt, thế nhưng chưa khi nào ông giơ máy lên chụp mà không
có phim như giai thoại trong làng ảnh. Nhưng có một sự thật Nguyễn Đình Toán thừa nhận,
rằng số phim chụp về có những cuộn ông đã không có tiền rửa ra ảnh mà chỉ tráng
phim để đấy. Bởi thế, đến tận bây giờ, chính bản thân ông cũng chưa được nhìn
thấy nhiều khuôn hình do chính mình bấm máy từ nhiều năm trước, bởi chúng chưa
một lần được hiện hình. Nguyện vọng của ông là muốn được số hóa kho ảnh ấy cho
dễ quản lý và tra cứu cũng như sử dụng kịp thời khi cần gấp. Nhưng với
điều kiện tài chính hạn hẹp ông không thể thực hiện ước muốn này. Hiện tại,
những người thân cận với Nguyễn Đình Toán đồn đại rằng ông còn nợ một khoản
tiền khá lớn ở láp ảnh. Đem chuyện này hỏi Nguyễn Đình Toán ông chỉ cười không
ra thừa nhận cũng chẳng ra phủ nhận.
Nguyễn Đình Toán làm “diễn viên đóng thế”, chụp cùng hai bố con Phạm Nguyễn Ca Dao và nhà thơ Hữu Thỉnh tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc 2011. Ảnh: Xuân Thủy
Nạn nhân của tình trạng quên tác quyền
Rất nhiệt tình cung cấp ảnh văn nghệ sĩ nhưng ông lại
rất hay bị quên tên tác quyền. Các tòa báo, các phóng viên văn hóa văn nghệ đôi
khi xin ảnh ông người nhớ đề tên người không, và khi lên đến tòa soạn để xuất
hiện trên mặt báo giấy, báo mạng thì tên tác giả biến mất là hiện tượng khá phổ
biến. Tôi biết rất nhiều bức ảnh của ông được nhiều nơi dùng hồn nhiên và người
ta chẳng cần quan tâm nó từ đâu ra. Báo giấy cần ảnh gốc dung lượng lớn phải
gọi tác giả đã đành, báo mạng thì hiện tượng sao chép diễn ra tràn lan. Quên
tên đã đành, nhiều nơi dùng ảnh của Nguyễn Đình Toán còn quên luôn cả nhuận
ảnh. Cũng bởi một thực trạng của báo chí Việt Nam hiện tại, nhiều tòa soạn chưa
coi trọng và đánh giá đúng vị trí của ảnh, cũng như chấm nhuận ảnh riêng, cứ
ảnh kèm bài là mặc nhiên coi là của phóng viên viết bài, tính luôn nhuận ảnh
vào bài. Trước thực tế đáng phiền lòng cho những người cầm máy
ấy, Nguyễn Đình Toán lại cũng chọn thái độ làm ngơ với chính mình. Chưa bao giờ
tôi thấy ông lên tiếng về việc sử dụng ảnh bừa bãi của các tòa soạn, cũng ít
khi thấy ông lên tiếng đòi quyền lợi cho mình.
Tôi chắc rằng đã không chỉ một lần Nguyễn Đình Toán
phải trăn trở giữa tư cách nghệ sĩ và tư cách đời thường trong các ứng xử liên
quan đền tiền bạc, một lĩnh vực tế nhị với những người trót dính dáng đến hai
chữ nghệ thuật. Và chẳng có ngành nghệ thuật nào mà cái sự nhập nhằng giữa một
nghệ sĩ nhiếp ảnh với một gã chụp ảnh rong, chụp ảnh kiếm tiền lại rõ rệt như ở
nhiếp ảnh. Bởi vậy, nếu người cầm máy không có một biên độ rộng trong ứng xử
thì khó mà dung hòa được.
Có nhiều chuyện tế nhị trong giới nhiếp ảnh giữa cái
việc làm nghề và kiếm tiền. Bởi ai cũng phải sống cả, nhất là với người chẳng
khá giả gì như Nguyễn Đình Toán. Tại nhiều sự kiện lớn, một số nhân vật nhờ ông
chụp ảnh, khi rửa ra rồi thì lại chê bai, nhận xét này nọ. Có lần vì nhắc một
nhà văn về một tấm ảnh phóng lớn trước đó, nhân thể nhà văn này vừa được nhận
danh hiệu cao quý, ông còn bị mắng xơi xơi như thể đến để nì nèo xin xỏ. Với
người khác có khi bị sốc nặng, nhưng Nguyễn Đình Toán coi đó là… bình thường,
dường như ông ít nhiều đã quen với tính khí thất thường của nhà văn, và ít
nhiều đã chai lỳ với những ứng xử lệch chuẩn không hiếm gặp. Nói như vậy không
có nghĩa là Nguyễn Đình Toán không có tự trọng. Những người quen biết và hiểu
ông đều thấy Nguyễn Đình Toán không phải người tính toán hay chỉ biết mình. Ông
luôn tỏ thái độ cầu thị, vui vẻ. Chưa bao giờ đưa ảnh cho người khác dùng thấy
ông nhắc nhớ đề tên tác giả. Có lời đề nghị qua điện thoại là ông hồ hởi bảo
nhắn địa chỉ hộp thư để ông chuyển qua e-mail.
Say sưa chụp ảnh, đặc biệt là ảnh chân dung các nhà
văn, vậy nên nếu như hỏi rằng ở Việt Nam, ai là người sở hữu bộ ảnh chân dung
các nhà văn nhiều nhất, chắc hẳn người đó là Nguyễn Đình Toán.
Một dạo Nguyễn Đình Toán bị ngã, chân phải bó bột, thế
mà ông vẫn tập tễnh đến các sự kiện. Nhìn cái chân của ông tôi thấy nhen lên
một mối lo bởi ý nghĩ, một ngày nào đó do điều kiện sức khỏe ông sẽ không còn cầm máy.
Như thế sẽ rất thiệt thòi cho các nhà văn Việt Nam. Bởi sẽ đến lúc, người ta
muốn tìm một bức ảnh ưng ý để đăng báo của một nhà văn quá cố sẽ không còn biết
bốc máy lên gọi cho ai nữa.
NGUYỄN XUÂN THỦY
No comments:
Post a Comment