Trong tiểu thuyết mới nhất “Bí mật hậu
cung”, Bùi Anh Tấn kết hợp hai thứ tưởng như khó mà gán ghép với nhau: lịch sử
và… đồng tính. Anh chia sẻ với eVăn ý tưởng pha chế món cocktail lạ miệng này.
- Vừa ra tiểu thuyết tôn
giáo có tên “Tin mừng” đã lại thấy anh công bố tiểu thuyết lịch sử “Bí mật hậu
cung”, dường như “biên độ phím” của Bùi Anh Tấn là… vô biên?
- Viết văn nó cũng là cái duyên, khi còn duyên thì cố viết bởi
một ngày nào đó sẽ “hết duyên” thôi. Thế nên nay còn viết được thì tôi cố gắng
tranh thủ mọi thời gian để viết, lúc nào cũng viết trong cảm giác nơm nớp rồi
một ngày kia sẽ là “pháp trường giấy trắng” (Nguyễn Tuân). Viết được 15 tiểu
thuyết, ở tuổi U50, thú thật tôi cũng mệt mỏi lắm rồi, cũng muốn buông bút nghỉ
ngơi một thời gian. Khổ nỗi chỉ một tuần không gõ lóc cóc cái gì đó là lại phát
cuồng lên, cuối cùng lại viết. Kể ra tôi cũng là một kẻ điên rồ cũng nên. Thông thường khi
đang viết tiểu thuyết này thì nhiều lúc tôi đã “âm mưu” đến một đề tài khác,
tranh thủ tư duy suy nghĩ về nó. Nên khi vừa dừng một đề tài, sau một thời gian
nghỉ ngơi là lại có thể lao đầu vào viết cái mới ngay. Ngay bây giờ tôi vẫn còn
vài ba đề tài nữa, có thể viết được ngay. Vẫn có nhiều ước mơ viết nữa… Có điều
sức khỏe và thời gian không có bởi quá bận bịu công việc Nhà nước đang làm.
Viết được, viết nhiều, đôi lúc còn vì cô đơn, quá cô đơn nữa là khác.
- Bây giờ giở các trang
báo mạng, báo giấy thấy đâu đâu người ta cũng xôn xao bàn chuyện công nhận hôn
nhân cho người đồng giới. Đề tài “hot” như vậy, sách của anh
bán ra thế nào?
- Thật ra Bùi Anh Tấn và đồng tính nếu mươi năm trước người ta
còn quan tâm, giờ tôi trở thành “cũ” rồi. Thậm chí có trang báo mạng phỏng vấn
còn “trách” tôi rằng, bộ anh không còn gì viết hay sao mà viết về đồng tính
hoài vậy. Đúng là đề tài đồng tính vẫn “hot” nhưng viết như thế nào để được gọi
là “hot” lại là vấn đề khác.
Gần đây tôi được mời hiệu đính cho mấy tác phẩm của chính
các bạn đồng tính viết, dĩ nhiên là mới viết nên còn chập chững trong thể hiện.
Tuy nhiên bằng thực tế trải qua nên nên tác phẩm của các
bạn ấy rất thật. Tôi nghĩ đấy mới chính là những tác phẩm “hot”, mới bán chạy,
chứ tôi “cũ” rồi.
- Đồng tính và lịch sử,
hai thứ này có vẻ như khó mà cộng hưởng để làm nên một món ăn ngon. Từ đâu anh
có ý tưởng pha trộn món cocktail lạ miệng này?
- Chỉ là một cách làm mới khi viết về đồng tính thôi, đồng
tính và lịch sử, hình như chưa ai viết thì phải, ừ thì tôi viết.
- Liên quan đến “chuyện
triều đình” bao giờ cũng nhạy cảm. Tại sao anh vẫn dám cho một Thái tử, người
kế vị ngai vàng là “gay”, hơn thế, mối tình nồng nhiệt đó lại là với Ngô Thuấn
vốn nguyên mẫu là Thái úy Lý Thường Kiệt?
- Thật ra đồng tính vốn “không chừa” ai hết, ai cũng có thể
đồng tính từ anh nông dân cày ruộng đến tướng tá quan chức cấp nào đó cũng vậy,
đây là hiện tượng tự nhiên của xã hội. Rất tiếc vì chúng ta sống trong xã
hội Á Đông “ít” và “ngại” nói đến đồng tính chứ thế giới người ta có thủ tướng,
tổng thống, nhà khoa học… đồng tính đầy ra đấy thôi. Chúng ta thích quan trọng
hóa vấn đề, nói ai đó đồng tính có nghĩa là “nói xấu” là “xúc phạm” danh nhân…
Rất tiếc danh nhân cũng là con người với đầy đủ hỉ nộ ái ố, điều vĩ đại là họ
làm được những điều cho nhân dân, đất nước mà người khác có thể không làm được.
Chứ còn trong đời thường họ là ai, ăn và yêu thế nào thì cũng
như mọi người khác thôi. Đã đến lúc chúng ta nên “trả” danh nhân về với “tính
người” của họ.
Đừng nặng nề chuyện “giải thiêng” lẫn “bóp méo hình tượng lịch sử”, mệt mỏi và
khổ cho người cầm bút lắm.
- Với “Một thế giới
không có đàn bà” ra đời năm 1999 anh đã mở ra “dòng văn học đồng tính”. Hơn
mười năm qua, điều gì vẫn khiến anh trung thành với mảng đề tài này?
- Sau dăm năm xuất hiện ồ ạt những tác phẩm viết về đồng tính
thì những năm gần đây các tác phẩm viết về đề tài đồng tính bỗng dưng gần như
biến mất. Tôi đã tự hỏi, phải chăng đề tài này đã không còn sự hấp dẫn nữa hay
người viết đã chán? Nhiều nhà văn sau khi có một hai tác phẩm viết về đồng tính
tạo nên tiếng vang nay đã kiếm tìm, khai thác những đề tài khác. Thậm chí tôi
cũng từng bị nhận xét như vậy sau khi tôi viết một số tác phẩm khác không liên
quan gì đến đồng tính nữa, mãi cho đến “Bí mật hậu cung” xuất hiện trở lại. Thế
nên liệu có quá không khi nói tôi là người viết “trung thành” nhất với đề tài
này?
- Nếu đặt “Bí mật hậu
cung” - “gay” xưa, với “Một thế giới không có đàn bà” - “gay’ nay, sẽ thấy bi
kịch của người
đồng tính là muôn năm cũ. Mười thế kỷ trước như thế, bây giờ vẫn vậy. Và vấn đề
đồng tính là chuyện “biết rồi - khổ lắm - nói mãi”. Anh nghĩ gì về điều này?
- Với người đồng tính, luôn luôn là những nỗi buồn dằn vặt
trăn trở không biết chia sẻ với ai về điều bí mật của bản
thân mình. Là những nỗi đau khổ lạc loài bởi thấy mình không giống cha mẹ, anh
em, bạn bè mình. Là những tình yêu cùng dấu mà không thể nào nói được, chia sẻ
được. Là những khát khao thầm kín, đôi lúc muốn gào lên cho cả thế giới biết
rằng tôi là ai, tôi muốn yêu, muốn sống dưới ánh mặt trời như mọi người khác.
đại khái là như vậy. Vì viết về đồng tính nên tôi đọc khá nhiều tư liệu về thế
giới này, tôi nhận ra rằng đồng tính xưa nay đều vậy, Đông hay Tây cũng vậy.
Người Việt hay người nước ngoài cũng thế thôi. Những tập tục xưa cũ đã tạo nên
những hiểu biết lệch lạc thiển cận về người đồng tính. Những quan niệm đạo đức,
tôn giáo khắc kỷ đã xua đuổi người đồng tính, thế kỷ trước ghép họ với tội lỗi
ma quỷ và xử họ trên giá treo cổ, dàn thiêu, giờ thì đỡ hơn nhưng vẫn không
thừa nhận đồng tính như một thực thể bình thường khác trong xã hội hội. Đó là điều đáng
tiếc.
Tuy nhiên tôi tin rằng, tương lai, với một xã hội văn minh,
dân chủ, con người sống có học thức, hòa đồng, hiểu biết, khoan dung thì người
đồng tính có thể sống thoải mái được. Một người đồng tính may mắn chính là sống
trong sự hiểu biết thương yêu trước hết từ gia đình, cha mẹ của mình,
sau đó mới đến xã hội và cộng đồng chia sẻ.
- Và với việc cho vua
chúa là “gay”, anh muốn nói điều gì, phải chăng đồng tính là thứ “trời kêu ai
nấy dạ”?
- Theo tôi biết, cho đến nay vẫn có rất nhiều nghiên cứu nhằm
mục đích trả lời câu hỏi đồng tính từ đâu đến. Nó vẫn là một điều gì đó rất là
“bí mật”
của tự nhiên. Một điều quan trọng tôi muốn nói thế này, đồng tính vốn
không là lựa chọn của bất kỳ người nào. Nếu là “lựa chọn” thì
tôi sẽ lựa chọn đẹp trai/đẹp gái, thông minh… chứ chẳng bao giờ tôi chọn một
cuộc sống không giống số đông để bị hiểu lầm, nghi kỵ, thậm chí là nguyền rủa
cả. Thế nên nếu một ai đó đồng tính, hãy hiểu rằng người ấy không có lỗi về
chuyện đó, nó chính là “trời kêu ai nấy dạ”. Nhìn rộng vấn đề ra, họ vẫn là con
người, sinh ra, lớn lên, học tập, đi làm, nộp thuế đầy đủ như mọi công dân khác
trong xã hội này? Còn chuyện đồng tính kia (mà bây giờ người ta không còn xem
là bệnh tật nữa), nay nó chỉ thuộc về nhu cầu tình cảm, tình dục riêng của cá
thể đó, sao chúng ta không xem đó là chuyện riêng?
- Bây giờ còn nhiều
người tò mò về giới tính của anh nữa không?
- Kể cả sau này tôi chết rồi, câu hỏi về giới tính của tôi
người ta vẫn tò mò thôi. Có lẽ tốt nhất giờ tôi nên nói mình là ai cho mọi
người khỏi tò mò nhỉ? Bao nhiêu năm nay vẫn câu hỏi này và tôi cũng trả lời mãi
rồi, giờ tôi sẽ không trả lời nữa, tôi là ai có quan trọng bằng những việc tôi
đã làm và cống hiến cho xã hội không? Quan trọng tôi biết tôi là ai, tôi là Bùi
Anh Tấn.
Dương Tử Thành thực hiện
Nguồn: E văn
No comments:
Post a Comment