.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, August 17, 2012

SÀI GÒN TIẾP THỊ: NHÀ THƠ ĐÀM CHU VĂN Ở ĐỒNG NAI, THƠ BỊ LÀM ĐAU VÀ ĐEM LẠI NỖI ĐAU


Thơ bị làm đau và đem lại nỗi đau

SGTT.VN - Nhà thơ Đàm Chu Văn đã phải giải trình về bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở uỷ ban nhân dân. Chuyện một nhà thơ phải giải trình về tác phẩm của mình không phải trước hội đồng phê bình văn học mà trước một ban tuyên giáo “có trách nhiệm xem xét từng câu chữ...” là chuyện làm đau thơ; nhưng cũng chính điều đó cho thấy bài thơ và tác giả đã gây được hai hiệu ứng đồng hành: thơ bị làm đau và thơ đem lại nỗi đau.
Thế nào là thơ bị làm đau? Trong lịch sử thi ca Việt Nam cận đại, chuyện thơ bị làm đau mênh mông lắm, không cần phải kê ra đây, nhưng riêng trong trường hợp bài thơ Lời cây dầu cổ thụ ở trụ sở uỷ ban nhân dân, người ta giật mình tưởng thấy lại bóng đen hành hạ thơ thông qua thư phản ảnh hữu danh, đơn kiến nghị nặc danh với mục đích phán xét số phận bài thơ và nhà thơ. Tất nhiên ngay giữa thời đại truyền thông văn minh, những nhận định hành xử chủ quan nông cạn, muốn phán xét với mục đích làm đau thơ chỉ đem lại một hiệu ứng mạnh mẽ hơn là thơ sẽ đem lại nỗi đau cho dư luận khi thơ bị phán xét ngớ ngẩn vô cớ.
Ngày nay, để nhận định một tác phẩm văn học, cần phải có kiến thức chắc chắn và cảm thụ rộng mở đặt cơ sở và hướng đạo những xét đoán. Nhận thức một tác phẩm văn học như là một đối tượng pháp luật hoặc chính trị là cực kỳ sai lầm và phi nhân. Dù có được yêu thích hay không, một tác phẩm văn học luôn mở hướng mới cho hoạt động trí tuệ và cảm xúc của con người vào thế giới vô cùng phong phú của các giá trị nhân văn.
Có thể nhân việc thơ bị làm đau và thơ đem lại nỗi đau này để nhắc lại một nguyên lý căn bản của mục đích sáng tạo nghệ thuật: đó là tái tạo thế giới theo cảm thụ riêng của người nghệ sĩ. Nhắc lại như thế để cùng thấy rằng bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở uỷ ban nhân dân là một thế giới được nhà thơ Đàm Chu Văn tái tạo theo cảm quan riêng. Thơ trước tiên là nghệ thuật cảm thông chớ không phải là chất liệu truyền thông.
Giao Cảm

1 comment:

  1. He he, đáng lẽ NXB Đồng Nai phải được Ban Tuyên giáo ĐN thực hiện mổ xẻ những sai phạm về việc thông đồng cho ra đời hàng loạt sách nhảm nhí, sai lịch sử, điển hình là "Danh nhân và thời đại" và "Đại quan sử Việt". Đàng này bàn dân thiên hạ thấy báo chí phanh phui nhưng Ban TG của Đồng Nai im re, còn bài thơ đầy cảm xúc, nỗi niềm tự sự của ĐCV lại được đưa ra "đối thoại". Vậy mới biết văn là người, mà người ứng xử thế nào thì ta biết "văn" của họ tới đâu, vậy thôi.

    ReplyDelete