.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, August 23, 2012

NHÀ THƠ VĂN CÔNG HÙNG: CẢNH BÁO MỘT LỐI ĐỌC THƠ PHẢN THẨM MỸ...

         
VĂN NGHỆ TRẺ - Tôi đã kinh ngạc đến bàng hoàng khi sáng ấy đọc bài tường thuật trên báo Tuổi trẻ của nhà văn Trần Nhã Thụy về việc ban tuyên giáo Đồng Nai tổ chức đối thoại về bài thơ "Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân" của nhà thơ Đàm Chu Văn. 

Bàng hoàng xong thì chua xót. Trời ạ, tại sao đến bây giờ mà ở nước ta vẫn còn kiểu đọc thơ kỳ lạ đến như thế. Là bởi, lâu nay nếu có ai đó thắc mắc, kiện cáo, xuyên tạc... một bài thơ nói riêng, tác phẩm VHNT nói chung phần nhiều là người ngoài nghề, là người quản lý, họ, do nhiều lý do, có cái nhìn khác, thậm chí đối lập với tác giả. Và tất nhiên là giải trình, phân bua... Nhưng ở đây lại là một... nhà văn kiện bài thơ của một nhà thơ, nhà văn này nghe nói còn rất trẻ. Thế thì lạ quá. Hoặc là chị này hiểu về bài thơ này méo mó lệch lạc thế thật, nếu thế thì trình độ của chị này có vấn đề. Hoặc là chị này thù hận tác giả về việc gì đó, nếu thế thì nhân cách chị này có vấn đề.
        
Nói kỳ lạ là bởi mấy lẽ sau đây:         
- Một là bài thơ này đã in trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam cả năm nay, giờ tự nhiên chị Trần Thu Hằng lại phát hiện ra nó có vấn đề để gửi thư cho ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Nai phân định.      
- Hai là địa chỉ chị Trần Thu Hằng gửi thư cũng đầy... bí hiểm. Chị Hằng và anh Đàm Chu Văn cùng sinh hoạt ở hội VHNT Đồng Nai, và cùng là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, sao không yêu cầu các cơ quan chuyên môn này giải quyết trước nếu như thật sự chị Hằng thấy bài thơ có vấn đề như chị nghĩ. Hoặc ít nhất chị Hằng cũng phản ánh với báo Văn Nghệ, nơi đã công bố bài thơ này.         
- Ba là quả thật là tôi không thể nào tưởng tượng nổi là cho đến bây giờ mà còn có người đọc thơ như thế. Bản thân tôi cũng là người từng dính mấy vụ tơi bời về thơ, nhưng là từ thế kỷ trước, và do những người lãnh đạo đi ra từ chiến tranh, không được đào tạo cơ bản lại thêm tính tự phụ của người chiến thắng và sự sĩ diện tuổi già. Có bài thơ của tôi đã từng bị kiện lên đến tận nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, khi ấy là ủy viên bộ chính trị, trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, nhưng rồi chân lý nó vẫn là chân lý. 
Thế mà bây giờ, các anh chị đều được đào tạo cơ bản, có người là tiến sĩ, ít nhất cũng cử nhân văn chương, và chị Hằng thì là nhà văn, là người cầm bút, mà đọc thơ như thế thì quả là giết chết thơ và giết chết người thơ. (Hồi tôi bị một cựu lãnh đạo tỉnh kiện thì cả ban Tuyên giáo tỉnh ủy và sau này là cả ban thường vụ tỉnh ủy đã bảo vệ tôi bằng cách không giải quyết đơn của ông này nên ông mới gửi đơn ra Trung ương). Tôi được biết trong cuộc "đối thoại" hôm ấy, có người còn đề nghị vĩnh viễn cầm tù bài thơ này, không bao giờ cho nó xuất hiện, làm như Đồng Nai là một vương quốc riêng? Tôi cũng biết một nhà văn có trách nhiệm ở khu vực đã gọi điện cho Trần Thu Hằng chỉ ra mấy điều sai của chị. 
Một là việc chị làm là liên quan đến sinh mệnh chính trị của một con người. Nếu như cách đây vài chục năm thì đòn này của chị sẽ khiến nhà thơ Đàm Chu Văn thân tàn ma dại là cái chắc. Người bình thường đã không ai đối xử với nhau như thế huống hồ là nhà văn, đồng nghiệp với nhau. Hai là việc này xảy ra ngay trước đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai thì người ta sẽ gì về tư cách của chị khi mà có tin đồn là chị sẽ quay về nơi mà chị đã từng ở đó ra đi. Và ba là anh bày tỏ sự vô cùng thất vọng với cách đọc thơ, thẩm thơ kiểu "ba toa- lò mổ" của chị.         
- Kỳ lạ nữa là bởi, trước đó đã có ý kiến chính thức của thường vụ Hội Nhà Văn Việt Nam về bài thơ này, và trong ý kiến ấy, không có một dòng nào, chữ nào chê bài thơ này. Cũng như thế, chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai đã tranh thủ ý kiến ông Hồng Vinh, chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương, và ông này cũng bảo tôi chả thấy gì xấu ở bài thơ. Thế mà họ vẫn tổ chức cuộc "đối thoại" mà theo như tường thuật của nhà văn Trần Nhã Thụy thì nó kéo dài một cách khủng khiếp và rất căng thẳng nếu căn cứ vào sắc diện của nhà thơ Đàm Chu Văn khi bước ra khỏi phòng họp. Thế thì cuộc này là đấu tố chứ đối thoại gì?         
Riêng mình, khi đọc bài thơ, tôi đã đi từ xúc động này sang xúc động khác. Không đọc được tất cả nhưng tôi cũng hay đọc thơ anh Đàm Chu Văn và tôi thấy đây là bài thơ hay của Đàm Chu Văn. Nó đầy thân phận và sự xẻ chia hướng thiện. Nó khiến tôi rưng rưng trước những thi ảnh rất đẹp, và bắt mình xúc động bởi những gì nó chạm tới, nó  gợi ra để người ta phải tự vấn, phải xem lại mình. Để xuyên tạc được bài thơ này kể cũng phải là người có bản lĩnh. 
Nhưng cái bản lĩnh ấy đã bị đặt nhầm chỗ. Có thể xuyên tạc một bài nào đó chứ bài này rất khó xuyên tạc, bởi bây giờ là năm thứ 12 của thế kỷ 21 chứ không phải thời tù mù nào của thế kỷ 20. Và vì thế tôi lại càng không hiểu tại sao một người trẻ như nhà văn Trần Thu Hằng, lại có thể đọc bài thơ bằng một con mắt kỳ lạ như thế. Các bạn Đồng Nai quên rằng, chuyện không chỉ đóng khung được ở Đồng Nai đâu, nó lọt ra ngoài, và, cả nước đều đọc được bài thơ của Đàm Chu Văn, và họ biết ngay chuyện gì đang xảy ra? 
Và quả là, cho đến bây giờ, ngoại trừ Trần Thu Hằng và một vài người trong cuộc "đối thoại" ở ban tuyên giáo Đồng Nai, chưa thấy ai có ý kiến gì ngược về bài thơ của Đàm Chu Văn, nếu như không muốn nói, hàng trăm ý kiến trên báo giấy, báo in và các trang mạng xã hội phản ứng với cách thẩm thơ của Trần Thu Hằng và các vị có trách nhiệm ở Đồng Nai mà ý kiến sau đây của nhà văn Nguyễn Quang Lập là ví dụ: "Tôi không hiểu người ta kiện bài thơ có ý gì? Giá báo nào đăng cái thư của em Hằng để biết. Dù vậy cũng có thể nói ngay rằng cô Hằng không phải là nhà văn. Không một nhà văn nào có thẩm mỹ kém đến như vậy, cổ đã vào nhầm chỗ".       
Dẫu rất buồn khi phải viết về đồng nghiệp của mình, nhất là bạn ấy lại là nữ, nhưng tôi thấy không thể không cảnh báo về một kiểu đọc thơ và hành xử với thơ phản thẩm mỹ, phản nhân văn, phản văn hóa và cả phản chính trị đến vậy...

No comments:

Post a Comment