.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, August 14, 2012

CHẤT TƯỢNG TRƯNG TRONG NGÔN NGỮ THƠ VIỆT NAM SAU NĂM 1975

Bên cạnh những cách tân nghệ thuật độc đáo, thơ sau 1975 cũng thể hiện sự đa dạng về phong cách thể hiện. Phong cách ấy bắt nguồn từ cảm quan nghệ thuật riêng của từng tác giả, đồng thời cũng nói lên sự mở rộng vùng thẩm mĩ khi có sự giúp sức của các phương pháp sáng tác mà họ tiếp thu trong giao lưu hội nhập.

Có thể nhìn nhận vấn đề này từ những phương diện mang tính chủ quan và khách quan sau: Thi ca truyền thống Việt Nam không đơn thuần là những kí thác đơn giản về nhân tình thế thái, về đạo người quân tử, chí làm trai mà có nhiều sự chuyển biến linh hoạt cả trong quan niệm nghệ thuật và sự chi phối của thời đại lịch sử.
Ngày nay khi nghiên cứu những “cảo thơm” ấy, ta khó lòng nhận ra ranh giới rạch ròi giữa những luồng tư tưởng chi phối thơ ca như Nho, Phật, Lão hay tư tưởng dân gian bản địa trong một tác phẩm. Ở những giai đoạn văn chương nghệ thuật đã phát triển hơn, tách ra khỏi dòng văn học chức năng (hành chức) thì sự đan xen, pha trộn giữa các phương pháp sáng tác cũng vẫn xảy ra và khó phân định. Giữa thơ Thiền cuối đời Trần và thơ vịnh vật của thời nhà Lê vẫn có sự tương đồng khó phân định. Điều đó nói lên tính đa dạng trong phong cách sáng tác.
Bước sang thế kỉ XX nền văn học non trẻ của nước nhà đã được hình thành cùng với sự ra đời của tầng lớp chí thức Tây học. Trong khoảng non nửa thế kỉ XX thơ ca chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Tây Âu mà chủ yếu là Pháp. Các nhà thơ trong phong trào Thơ mới mà đặc biệt là các nhóm Xuân Thu nhã tậpDạ đài, nhóm thơ Bình Định… đã mạnh dạn tiếp thu và học tập các phương pháp sáng tác ra đời ở thế kỉ XIX ở phương Tây như: lãng mạn, tượng trưng, siêu thực… Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và đặc biệt ở giai đoạn kháng chiến chống Mĩ, thơ Việt Nam đã có sự ảnh hưởng từ nền văn học Liên Xô và các nước Đông Âu lúc bấy giờ như Ba Lan, Tiệp Khắc, Cộng hoà Dân chủ Đức…
Nhiều thi phẩm thời kì này có sự ảnh hưởng từ cấu tứ, hình ảnh của thơ Puskin, Mayakovsky, Simonov, Yesenin… Ngôn ngữ thơ kháng chiến cũng vì thế mà tiếp thu được hơi hướng hùng ca từ những áng thơ ấy. Phần lớn ngôn ngữ thơ kháng chiến đều mang tính đại chúng, được cộng đồng am hiểu và thừa nhận, nhằm truyền tải nhưng tư tưởng cách mạng với bút pháp phổ biến là tả thực gia tăng chất tự sự.

Thời kì đổi mới, với sự mở rộng giao lưu với nhiều nền văn học khác như Anh, Mĩ và các nước Tây Âu… thơ ca đã trở nên đa dạng, phong phú hơn với rất nhiều thể nghiệm và sáng tạo. Có thể nhận ra ba khuynh hướng tiếp thu và ảnh hưởng chính đó là: siêu thực, tượng trưng và tân hình thức. Nếu như siêu thực với đại diện tiêu biểu là Bùi Giáng. Tác giả này tuy có mượn chất liệu thơ truyền thống nhưng là để thể hiện ý tứ siêu thực:

Trời sầu đất muộn thế ru
Ban đầu em đã đi tu vội vàng
Chân trời oán hận tràn lan
Lỗi từ phương trượng u hàn niềm hoa

Khuynh hướng này tuy có gây được sự chú ý nhưng rồi theo thời gian đã không thu hút được sự quan tâm của bạn đọc bởi cấu tứ phức tạp. Bài học này đã từng được rút ra từ phong trào Thơ mới. Đó là khi thơ lãng mạn của Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ hay thơ chân quê của Nguyễn Bính sống được với thời gian hơn là thơ Đinh Hùng và một số cây bút siêu thực khác. Ở một khuynh hướng khác, Thơ tân hình thức đã được các nhà thơ tiếp nhận ảnh hưởng, đặc biệt là các nhà thơ miền Nam. Thơ Tân hình thức với những đặc điểm chính như với “cách nói thông thường, vắt dòng, kỹ thuật lặp lại và tính kể chuyện” tuy có tạo nên phong cách mới nhưng kì thực vẫn chỉ nằm trong một vùng ảnh hưởng nhất định. Tân hình thức chưa được nhiều nhà thơ quan tâm và thậm chí nhiều độc giả còn chưa biết tới. Trong khi đó những chất liệu thơ tượng trưng đã thú hút được một số lượng đông đảo các cây bút quan tâm. Từ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ như Thanh Thảo, Y Phương đến các cây bút trẻ sau này như Nguyễn Việt Chiến, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến… đều có ảnh hưởng ít nhiều màu sắc tượng trưng:

Bóng tối ập đến, sớm hơn mùa ái ân, vì tháng 10 bồn chồn không kịp giấu đi nước mắt
Em lại hoang lại mang mầm thai chờ đợi
Như sự sống của em cần được nối vào Anh
(23 tháng 3, nơi ánh sáng - Vi Thuỳ Linh)

Đặc điểm nổi bật của khuynh hướng thơ này là những biểu tượng đa nghĩa được tác giả xây dựng dựa trên sự liên thông về ý nghĩa với nhau. Ví như ở trường hợp này “bóng tối” và “mùa ân ái” lại có sự tương thông (hay liên thông) với nhau gợi những hoạt động kín đáo trong tháng ngày sinh sôi, ẩm ướt của tháng ba. Chính lối viết này đã thu hút được người đọc bởi khả năng biểu cảm và tính đa nghĩa của hình tượng. Điều đó lí giải tại sao ngôn ngữ thơ mang mầu sắc tượng trưng lại chiếm một số số lượng lớn trong các thi phẩm ở giai đoạn này.

Màu sắc tượng trưng thể hiện ở hai bình diện: những mã ngôn ngữ riêng và cú pháp thơ. Tạo nên sự mờ nhoè của câu thơ bằng cách lạ hoá hình thành những mật mã riêng.

Như đã nói về hiện tượng ngôn ngữ thơ mang màu sắc tượng trưng ở trên. Các nhà thơ đã ý thức được sự mòn sáo của chữ nghĩa trong các biểu tượng thơ. Thay bằng việc tìm đến những chân trời lạ như cõi Thiên Thai của Thế Lữ, hay phiêu du trong thế giới tôn giáo trời Tây xa xôi như Hàn Mặc Tử, thơ sau 1975 quyết bám trụ với thực tại của mình. Họ quả quyết sẽ làm mới được mảnh đất thơ cũ đã có phần cằn cỗi, bạc màu bằng sự xới xáo, nhào nặn lại các biểu tượng. Nhưng kiếm tìm những biểu tượng ấy bằng cách nào? câu hỏi ấy đã được họ trả lời bằng hai cách thức.

Thứ nhất,
 cảm nhận thật sâu sắc, thấm thía về các biểu tượng đã thành kinh điển trong thi ca nhân loại. Dẫu sao với độc giả Việt Nam thì những biểu tượng ấy vẫn còn khá mới mẻ. Nhà thơ Thanh Thảo là một đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng này và cũng là nhà thơ sử dụng khá thành công ngôn ngữ thơ tượng trưng:

Những tiếng đàn bọt nước

Tây- ban-nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn

Tây-ban-nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết máu
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy

không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
đường chỉ tay đa đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
Trên chiếc ghi ta màu bạc
(Đàn ghi ta của Lorca)

Những biểu tượng đã thành kinh điển trong thế giới nghệ thuật như: áo choàng đỏ, ghi ta, vầng trăng, đáy giếng đã được làm mới, được gia cố, trang bị thêm những ý nghĩa mới để trở thành những biểu tượng mới lạ. thể hiện khả năng biểu đạt của ngôn ngữ thơ tượng trưng: Tây- ban-nha áo choàng đỏ gắt (gợi hình ảnh dũng sĩ đấu bọ tót của Tây Ban Nha) , tiếng ghi ta nâu(gợi sức sống của nghệ thuật luôn gắn bó với cuộc sống ), giọt nước mắt vầng trăng (gợi sự thương cảm của nhân loại với người nghệ sĩ Lorca sau khi ông bị bắn và ném xác xuống giếng)…
Thứ hai: Sử dụng lại các biểu tượng cũ và “cấp” cho nó những giá trị ngữ nghĩa mới. Ở hướng đi này ta có những cây bút cùng thế hệ với Thanh Thảo như Y Phương, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Chiến… cũng có chung niềm cảm hứng sử dụng ngôn ngữ thơ mang màu sắc tượng trưng:

Lần đầu tiên ôm tiếng khóc lên ba

Lần đầu tiên sông núi gọi ông bà
Lần đầu tiên nhóm lửa trên mặt nước
Lần đầu tiên sứ sành rạn nứt
Lần đầu tiên ý nghĩ khôn lên
(Tên làng - Y Phương)

Trong Tên làng của Y Phương, những hình ảnh mang biểu tượng “nhóm lửa trên mặt nước”, “sứ sành rạn nứt” gợi sự khó khăn của người đàn ông lần đầu được làm cha.
Tiếp sau thế hệ các nhà thơ ấy, những người cầm bút sinh ra sau chiến tranh cũng sử dụng các biểu tượng như thế:

Cười cười một chuỗi

Ta thử bụng ta
Có mùa thóc lép
Lợp trên mái nhà
Có mùa hoa cà
Tự nhiên tím tái

Bà ví lông gà
Vàng như vườn cải
Ông ví mặt trời
Như lời mối lái
Ta ví tình ta
Như trò nghịch dại
(Héo mòn một sâu)

Tác giả đã sử dụng lối nói ví von để tạo ra những biểu tượng mới từ những chất liệu cũ của đời sống nông nghiệp. Những “thóc lép” “ lợp trên mái nhà” bình dị, thanh đạm đã được anh làm mới và mang giá trị tượng trưng rất lớn.

Màu sắc tượng trưng trong thơ sau 1975 không chỉ dừng ở những biểu tượng thấp thoáng như vậy mà còn được một số cây bút sử dụng có hệ thống. Họ xây dựng những biểu tượng đó thành những mật mã riêng, buộc người đọc phải tìm ra lời giải cho chúng mới có thể đi sâu khám phá những trường nghĩa bí ẩn này:

Chiều se se hương

Vườn se se sương
Đường se se quạnh
Trời se se lạnh
Người se se buồn
(Chợt thu 2 - Dương Tường)

Không chỉ dùng chữ gợi cảm giác như “se se”, Dương Tường còn táo bạo sử dụng cả những từ chỉ đồ vật để diễn tả các trạng thái của sự vật:

Chờ em đường dương cầm xanh

Dậy thì nõn dương cầm phô

Chờ em đường dương cầm sương
Chúm chím nụ dương cầm biếc
          
Chờ em đường dương cầm sim
vằng vặc nụ dương cầm trinh

Chờ em đường dương cầm khuya
ôi cái im đêm thơm mộng

Chờ em đường dương cầm trăng
ứa nhuỵ, lạnh dương cầm xuân

Chờ em đường dương cầm mưa
giọt giọt lá buòn dạ khúc

… xào xạc lòng tay khuya
Anh về lối dương cầm lạnh
(Dương cầm lạnh - Dương Tường)

Một biểu hiện khác của thơ mang màu sắc tượng trưng là việc tỉnh lược rút gọn câu thơ tối đa để gia tăng tính biểu đạt. Đó là trường hợp các tác giả như Nguyễn Quang Thiều, Lê Đạt, Trần Dần… Có những khi đó là một sự giản lược rất có duyên:

Tóc hong mùi ca dao

Thu rất em
và xanh rất cao
(Thu nhà em - Lê Đạt)

Nhà thơ Trần Dần ( được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2008) cũng tìm cách tỉnh lược những câu thơ của mình nhằm tạo ra sự lạ hoá:
Ư
nụ
cười rêu
                 ngủ
                           đá
ngõ
bàn chân úa
              năm
                            xưa
đầu ngõ
một vì sao lạ
(Sổ bụi - Trần Dần)
Tuy nhiên hiện tượng này nhiều khi rơi vào tắc nghẽn về ý tứ và gây cản trở cho sự tiếp nhận. Bản thân lối thơ này cũng chỉ là bó hẹp trong một nhóm tác giả nhất định, qua thời gian cũng không gây được sự chú ý của người đọc.


Lối diễn đạt khác lạ bằng những cú pháp mới gợi chất tượng trưng

Thơ Việt Nam ở những giai đoạn trước thường có những kiểu cú pháp thơ đơn giản như: Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta (Nguyễn Đình Thi); Em là con gái Bắc Giang/ Rét thì mặc rét, nước làng em lo (Tố Hữu). Đặc điểm chung của những kiểu cú pháp này là khả năng cắt nghĩa, thuyết minh, tường minh nghĩa hàm ẩn nhằm đạt hiệu quả thẩm mĩ. Hiệu quả thẩm mĩ đó được hiểu là sức cổ vũ, tuyên truyền nhằm kêu gọi tinh thần yêu nước, gắn kết khối đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, thơ 1945-1975 cũng thường có cú pháp kiểu đảo ngược vòng tròn thể hiện những câu hỏi, những băn khoăn của tâm trạng và trách nhiệm với Tổ quốc:

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu
(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)

Bản thân những cú pháp thơ này cũng nhằm trả lời những câu hỏi rất bức thiết của thời đại như tuổi trẻ Xô Viết đã từng đặt ra trong đại chiến II chống phát-xít Đức: Tổ quốc hay là chết? Ngược lại, trong giai đoạn sau 1975, với sự xuất hiện của tinh thần tự vấn, ý thức về cái tôi công dân hướng đến những câu hỏi nội tâm. Đó vừa là những bi kịch tâm trạng của mỗi cá nhân, cũng là niềm trăn trở của một thời đại mới. Kéo theo nó là một cú pháp thơ bình đẳng trong sự hô ứng, cú pháp không cần đến liên kết từ:

Giọt nước mắt vầng trăng

Long lanh trong đáy giếng
(Đàn ghi ta của Lorca - Thanh Thảo)

Đó là kiểu cú pháp rất đơn giản, gợi nhiều đáp án. Người đọc có thể lí giải theo nhiều cách sau: nước mắt của vầng trăng, nước mắt và vầng trăng, nước mắt trong vầng trăng, nước mắt từ vầng trăng…
Hay ở một trường hợp khác là một kiểu lập luận theo tư duy logic hình thức nhưng rất thuyết phục:

Còn thơ còn dân

Ta là dân - vậy thì ta tồn tại
(Nhìn từ xa… Tổ Quốc - Nguyễn Duy)

Thơ sau 1975 phổ biến với cú pháp kiểu liên kết ngang bằng nhưng không mang tính liệt kê mà vẫn có những điểm nhấn nhất định:

Nhà tôi đó… không cổng và không cửa

(Nguyễn Duy)
Dép- quốc - doanh thì kép-cuốc-cày
(Bùi Chí Vinh)

Một kiểu cú pháp thơ nữa cũng rất phổ biến đó là cú pháp đảo ngược để nhấn vào đối tượng biểu đạt, từ đó gây ấn tượng ngược trở lại đối tượng biểu đạt. Đó cũng là một nét mới so với kết cấu hình tuyến thông thường:

Thu rất em

và xanh rất cao
(Thu nhà em - Lê Đạt)

Màu sắc tượng trưng trong thơ sau 1975 tuy không một lần nữa tạo ra sự “sốc”, hay choáng như tượng trưng của Thơ mới thuở nào nhưng cũng đủ tạo nên hiệu ứng nghệ thuật. Người làm thơ đã thực sự chuyên tâm với chữ và tự biết làm sang cho những con chữ của mình từ hướng đi ấy.
 
Bùi Việt Phương

1 comment: