.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, August 16, 2012

NHÀ VĂN TRẺ TRẦN THU HẰNG ĐÃ “CHƠI XỎ” NHÀ THƠ ĐÀM CHU VĂN, HAY LÀ…!?


Số phận một bài thơ bị "kiến nghị"

"Cảm nhận ban đầu của tôi là bài thơ dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ để nói thay một cái cây cổ thụ, song bên cạnh đó lại thể hiện quan điểm chính trị một cách định kiến, ám chỉ khá tùy tiện". (Nhà văn Trần Thu Hằng)
Nhà văn Trần Thu Hằng là người đã gửi thư góp ý kiến nêu trên (về việc phê bình tư tưởng và việc làm của đảng viên) đến Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai về bài thơ “Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân” (tác giả Đàm Chu Văn). Bên cạnh thư góp ý kiến, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai còn nhận được một "thư kiến nghị" nặc danh xung quanh bài thơ này.
Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân

Tuổi ta nhiều hơn tuổi các ủy ban
bao nhiêu lượt mùa xuân về không nhớ nữa
những tòa nhà cao tầng có thể cao hơn ta nhưng vẫn cần sự che chở của ta
ta ủ rừng đại ngàn trong từng thớ cây mạch rễ
ủ thời gian trong xạc xào tiếng lá
ủ niềm vui, nỗi buồn những sớm nắng chiều mưa...

Sông Đồng Nai dâng tuần tự nhịp mùa
trong tầng tầng nước kia có hàng triệu giấc mơ thao thức
ta nghiêng vào sóng nước
nước tràn lên ta vô tận thời gian
nghiêng vào mênh mang
mênh mang nói với ta bằng lời của nắng
thuở nai, mễn đàn đàn ran suối vắng
“tác...tác...” gọi bạn tình náo nức nhịp rừng sôi
lặng như cây cũng muốn góp lời
có một cánh bướm trắng đang đậu trên ngực ta vụng dại và tin cậy

Một sớm mai thức dậy
hơi phố thị ngạt ứ lồng ngực
bằng bản lĩnh của loài tứ thiết
những cánh tay xanh cố trỗi vượt lên cao...

Ta phải nghe những mặn nhạt cuộc đời bên ký ức xưa bầu bạn
nơi quản lý và sản sinh những buồn vui, số phận...
những thánh nhân bên cạnh những tầm thường
chợt khát thèm một sớm mù sương
không nhìn rõ mặt người
mơ màng
hi vọng.

ĐÀM CHU VĂN
(Nguồn: báo Văn Nghệ ngày 16-4-2011)

Theo bài viết trên báo Tuổi trẻ sáng 14/8 với nhan đề "Nhà thơ gặp rắc rối vì...thơ", sau 2 lá thư góp ý và kiến nghị nêu trên, một cuộc "đối thoại mang tính chất nội bộ" (phóng viên xin tham dự nhưng không được) dài hơn 4 tiếng đồng hồ đã diễn ra xung quanh bài thơ, do Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai tổ chức chiều 13/8.
Vẫn theo báo Tuổi trẻ, trả lời sau cuộc họp, ông Huỳnh Văn Tới (trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai) cho biết: "Hiện chúng tôi không kết luận, cũng không đưa ra hình thức kỷ luật hay phê bình nào cả. Nhưng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm của ba phía: tác giả, Hội VHNT và cả cá nhân tôi nữa." - Tuy nhiên độc giả của bài báo không thấy ông Huỳnh Văn Tới nói  rõ là rút kinh nghiệm ra điều gì (?!).
Chiều 14/8 phóng viên VietNamNet đã liên lạc với Hội nhà văn VN và nhận được thông tin về văn bản chính thức gửi tới Ban tuyên giáo tỉnh Đồng Nai. Văn bản thẩm định này ghi rõ: "Ban thường vụ Hội Nhà văn VN khẳng định bài thơ có tư tưởng lành mạnh, tình cảm trong sáng có ý nghĩa khao khát vươn lên tới sự trường tồn của thiên nhiên, của dân tộc".
Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN cho biết thêm: "Công tác thẩm định đánh giá nhằm thực hiện tốt nhất Nghị quyết 23 của Bộ chính trị, không can thiệp quá sâu vào công tác sáng tạo của văn nghệ sĩ, mở rộng tự do dân chủ, tránh quy kết, suy diễn, áp đặt, hạn chế tự do sáng tạo của nghệ sĩ. Cần tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để tác giả yên tâm phát huy trách nhiệm, tính độc lập và tài năng, xây dựng con người và văn hóa".
Trả lời câu hỏi: "Có thể xuất hiện xu hướng phê bình thơ như trường hợp với bài thơ “Lời những cây dầu cổ thụ…” hay không?" - nhà thơ Đỗ Hàn, Chánh văn phòng Hội nhà văn VN nói: "Trong vòng gần 10 năm gần đây tôi không thấy có cách phê bình hay trường hợp tương tự xảy ra. Từ đó có thể thấy sự việc này chỉ là một trường hợp cá biệt chứ không phải hiện tượng, xu hướng. Và đây là một trường hợp lạc lõng trong thời kì đổi mới toàn diện của đất nước...".
Trích ý kiến văn bản của Ban kiểm tra - Ban thường vụ Hội nhà văn VN:

- Việc có cách đọc, cách hiểu khác nhau về một tác phẩm văn học từ xưa tới nay là chuyện hết sức bình thường. Riêng bài thơ kể trên, được báo Văn nghệ công bố trong số 16, ra ngày 16/04/2011, tới nay đã hơn 1 năm, nhưng theo báo cáo của báo Văn nghệ, chưa hề có ý kiến phản hồi tiêu cực nào về bài thơ này. Như vậy, có thể thấy cách hiểu bài thơ kể trên là tương đối thống nhất, trước hết là trong giới văn học.

- Cách đọc và hiểu bài thơ là cách cảm, cách hiểu trên cơ sở tìm ra ý tưởng của toàn bài chứ không thể cắt xén từng câu, từng chữ để ghép cho nó những ý nghĩa mà nó không thể hàm chứa khi đặt trong tổng thể.

- Vì lý do đó, chúng tôi cho rằng không thể căn cứ qua văn bản bài thơ để quy kết tác giả về bất kì điều gì. Cách nghĩ, cách làm như vậy là phi khoa học, đồng thời cũng trái với tinh thần của Nghị quyết 23, trái với Luật báo chí, can thiệp thô bạo vào quyền tự do sáng tác của nhà văn, mà trước hết là quyền tự do trong tư duy hình tượng. Cách nghĩ, cách làm như vậy đã rất cũ, không thể tái diễn trong đời sống tinh thần đang rất cởi mở, dân chủ của xã hội ta ngày hôm nay.

Vân Sam
Nguồn: Việt Nam Nét

No comments:

Post a Comment