.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, August 11, 2012

BẢN ĐỀ DẪN HỘI THẢO “HOÀNG QUANG THUẬN VỚI NON THIÊNG YÊN TỬ”

(bản đề dẫn hội thảo "Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử" do nhà thơ Hữu Việt biên soạn và trình bày).

Yên Tử là một địa chỉ tâm linh quá lớn, một vùng đất thiêng, mà từ lâu đã trở thành miền hành hương của hàng triệu người Việt vào tất cả các mùa trong năm, đặc biệt là mùa xuân. Mang trong mình cả thực thuyết lẫn truyền thuyết, Yên Tử quyến rũ không chỉ bởi mây biếc non bồng mà còn chinh phục khách hành hương bằng hào khí của một vương triều quật cường và trí tuệ, nhân văn và kiêu hãnh; nơi một vị vua anh minh đã khai mở thiền phái riêng của người Việt, mang tên rừng trúc (Trúc Lâm) được ví như cốt cách của người quân tử bao phủ khắp núi non Yên Tử!
Yên Tử tự thân đã là một bài thơ tuyệt đẹp. Hàng trăm năm nay đã có rất nhiều thơ hay về non thiêng Yên Tử được viết ra bởi các thiền sư và thi sĩ nổi tiếng. Có lẽ chính vì vậy mà với người cầm bút hôm nay, làm thơ về Yên Tử là một thách thức nghệ thuật, bởi vì viết ra thì không khó, nhưng viết cho thật hay thì lại khó lắm thay! Bản thân tôi đi Yên Tử không dưới hai mươi lần, chưa viết được bài thơ nào, cũng chỉ biết tự trách mình bất tài. Nhưng mỗi lần tới Yên Tử, đến chân núi đã được / phải nghe đi nghe lại “mênh mênh mang mang phù vân Yên Tử”, rồi oang oang những chèo, quan họ, ca trù... phát ra từ đủ các loại loa, không khỏi thấy phiền lòng. Thơ ở đâu và thơ đâu rồi?
Cách đây đúng 15 năm, có một người lần đầu tiên đến Yên Tử, đã bất ngờ được Yên Tử “khai tâm”. Người đó là Hoàng Quang Thuận, GS - TS thuộc lĩnh vực công nghệ viễn thông, hiện đang sống và làm việc tại Tp. HCM. Anh sinh năm 1953, tại Quảng Bình, là người khá thành công về mặt khoa học. Theo lời anh kể lại thì trước đây anh chưa từng làm thơ bao giờ, nhưng cứ như tôi biết thì những người con sinh ra trên mảnh đất miền Trung tự thân đã mang trong mình một tâm hồn thơ rồi.
Với những ngẫu nhiên lạ lùng mang hơi hướng tâm linh giữa mênh mang Yên Tử, chỉ trong vòng 3 ngày đêm lưu lại ở vùng non thiêng, anh đã viết một mạch 63 bài thơ. Về thời gian làm thơ và số lượng bài thơ là một cái sự rất lạ, nhưng không phải là không thể giải thích nổi. Một năm sau đó (1998), những bài thơ này đã được tác giả tập hợp lại và in thành sách có tên Thi Vân Yên Tử. Đề tài, nội dung, nghệ thuật của tập thơ “xuất thần” này thế nào sẽ được các nhà phê bình giải mã trong cuộc hội thảo ngày hôm nay.
Sau Thi Vân Yên Tử 3 năm, Hoàng Quang Thuận công bố tiếp Ngọa vân Yên Tử, lần này 80 bài, cảm xúc, đề tài và mạch thơ nhất quán với tập thơ trước. Đến năm 2010, anh gộp lại thành một tập thơ 143 bài, lấy tên chung là Thi Vân Yên Tử. Cũng năm ấy, anh in tập thơ mới Hoa Lư thi tập, gồm 121 bài viết về Cố đô Hoa Lư vào đúng dịp Thăng Long ngàn tuổi. Điều bất ngờ là, theo anh và nhà thơ Dương Kỳ Anh, người cùng chứng kiến kể lại, những bài thơ này được viết ra trong đúng một đêm, như có ai đọc cho Hoàng Quang Thuận nghe và anh chỉ việc chép lại lời thì thầm đó! Với người làm thơ, những phút giây xuất thần viết ra những câu thơ như có bàn tay của Chúa Trời điều khiển không phải quá hiếm.
Khi người ta tập trung cao độ vào một việc gì đó trong một thời gian dài thì giới hạn giữa vô thức và nhận thức có thể bị xóa nhòa và xảy ra hiện tượng “nhập thần” như trên. Tuy nhiên, “nhập thần” một vài bài thì có thể giải thích được, chứ hơn một trăm bài thơ trong một đêm thì quả thật khó hình dung. Hiện tượng này, qua cuộc hội thảo hôm nay, chúng ta cũng mong muốn sẽ được lý giải phần nào.
Năm 2009, trường đại học Quảng Bình đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn về tập thơ Thi Vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận. Khá nhiều ý kiến đề cập đến “chất thiền”, “phong vị thiền”, “không gian thiền” trong Thi Vân Yên Tử. Cái gọi là thơ Thiền khởi thủy là những câu kệ mang triết lý sâu xa của các thiền sư đắc đạo. Lại có những thiền sư trước khi xuất thế đã là một nhà thơ tài hoa (Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một ví dụ), vì vậy những bài thơ người viết ra tự thân đã là thơ thiền. Lại có những nhà thơ không đi tu, nhưng vào thời điểm tâm thế và tài năng hòa hợp ở cảnh giới tối cao thì cũng viết những câu thơ thiền định. Trong hội thảo ngày hôm nay, có hay không chất “thiền” trong thơ Hoàng Quang Thuận cũng sẽ được nhiều bản tham luận đề cập tới.
Nhà Phật đặc biệt coi trọng chữ “duyên”. Hoàng Quang Thuận có duyên với Yên Tử và Yên Tử cũng có duyên với anh. Các bài thơ của anh làm theo lối Đường thi biến thể, thoát ly thực tại để viết về một cõi khác mà anh “nhìn thấy” như cách đây hàng trăm năm. Những “hổ phục nghe thiền”, “chim nghe tiếng mõ”, “Sáo trúc dặt dìu buông tiếng ngọc/ Chim rừng im tiếng nhạn ngẩn ngơ” v.v... là những hình ảnh có thể có thật, rồi trở thành ước lệ trong thơ cổ, bây giờ lại xuất hiện trong thơ ngày hôm nay của Hoàng Quang Thuận. Vì thế thơ của anh cần có một lối tiếp cận riêng để nhận rõ “bản lai diện mục”, tránh những lầm lẫn và ngộ nhận, cũng như phán xét một chiều thiếu khách quan.
Trong khi một thế hệ nhà thơ trẻ hôm nay gần như đoạn tuyệt thể thơ truyền thống, coi cách tân hình thức là lẽ sống còn của thơ ca thì Hoàng Quang Thuận lại kiên trì viết theo lối cũ. Điều này giải thích anh không “cố tình” trở thành nhà thơ mà non thiêng Yên Tử đã tác thành cho anh. Có thể thấy thơ Hoàng Quang Thuận là một minh chứng về mối quan hệ hữu cơ giữa thơ và đời sống. Ở xã hội hiện đại người ta có xu hướng co lại trong vỏ bọc cá nhân thì Hoàng Quang Thuận lại mở tấm lòng thành thực ra với thiên nhiên, cỏ cây, đất trời, lịch sử, đạo Phật. Các bài thơ kèm theo chú giải trong Thi Vân Yên Tử giống như một bức tranh dư địa chí sáng sủa và hấp dẫn, lại như một biên niên về đất Phật Yên Tử bằng thơ.
Bài thơ viết về Am Ngọa Vân nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi thiền định là thăng hoa bất ngờ trong Thi Vân Yên Tử. Đây là một bài thơ hay mang phong vị thiền mà cá nhân tôi rất thích:
Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc
Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm
Tiếng sáo thiền ca vui bất tận
Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng...
Hội thảo với tên gọi Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử xin được bắt đầu. Xin mời Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học điều hành phần tham luận.
Nguồn: Tạp chí Nhà văn

No comments:

Post a Comment