.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, April 22, 2012

BIÊN ĐỘ CỦA CÁI ĐẸP TRONG THƠ THANH THẢO ĐƯỢC MỞ RỘNG VỀ MỌI PHÍA


Muôn đời nay cái đẹp luôn là đối tượng khám phá đầy quyến rũ và huyền bí, vô tận đối với mọi loại hình nghệ thuật. Nó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy nghệ thuật vươn đôi cánh huyền nhiệm của mình ra khỏi mọi giới hạn không gian và thời gian. “Các hiện tượng có thể được xem là đẹp, khi với tính toàn vẹn cụ thể cảm tính của mình, chúng hiện diện như những giá trị xã hội – nhân bản, tức là những giá trị thể hiện sự khẳng định con người trong thế giới, chứng tỏ sự mở rộng giới hạn tự do của xã hội và con người, thúc đẩy sự phát triển hài hòa của nhân cách, sự nảy sinh và bộc lộ ngày càng đầy đủ những sức mạnh và năng lực của con người” [1,28].

Trong thơ cổ, cái đẹp là những cái cao cả, thánh thiện, anh hùng… Ngược lại, trong thơ hiện đại nói chung và thơ Thanh Thảo nói riêng thì quan niệm về cái đẹp đã hoàn toàn thay đổi. Phạm vi của nó không chỉ nằm trong giới hạn của cái cao cả, thánh thiện, anh hùng… biên độ của nó được mở rộng vô tận về mọi phía. Thanh Thảo tự ý thức “cái đẹp bây giờ phải khác thôi” nghĩa là cái đẹp không chỉ dừng lại ở những cái lung linh, huyền ảo, mơ màng, tươi trẻ, trong trẻo, sạch sẽ, thánh thiện… mà còn là cái xấu xa, ghê tởm, thô tục, kinh hãi…

Baudelaire, một đại diện xuất sắc của trường phái tượng trưng phương Tây đã đồng nghĩa cái đẹp với cái ghê rợn, khủng khiếp.
“Hỡi sắc đẹp!
Hỡi con quái vật kết xù, khủng khiếp, ngây thơ!
Dẫu em đến từ thiên đường hay địa ngục, điều đó có hề chi”;
                                                                    (Ngợi ca sắc đẹp)


          Những câu thơ của Baudelaire có sức gợi mạnh mẽ, chúng làm ta nhớ đến hình ảnh tượng trưng rất ấn tượng trong thơ Chế Lan Viên. “Này chiếc sọ người kia, mi hỡi/ Dưới làn xương mỏng mảnh của đầu mi/ Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối/ Mi trông mong ao ước những điều chi”… “Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ/ Muôn điên cuồng nuốt cả khối xương khô/ Để nếm lại cả một thời xưa cũ/ Cả một dòng năm tháng đã trôi xa” (Cái sọ người). Cái đẹp không chỉ là những điều bình thường, quen thuộc và giản dị trong cuộc sống, mà còn là những cái đằng sau cái xấu xí, rùng rợn như “cái sọ người”, “con quái vật kếch xù, khủng khiếp, ngây thơ”.

“anh mập mờ con còng đào ký ức
không có gì ngoài cát rác và những bãi phân
lì xì
cho riêng anh” 
                                                    (Mùa xuân)
          Thanh Thảo mạnh dạn đưa vào thơ mình những chi tiết trần trụi. Để đón ánh mặt trời phải trải qua đêm đen, để có mùa xuân phải đi qua mùa đông giá buốt…đó là những đan xen phức tạp, trái chiều của cuộc sống. Không phải lúc nào ta cũng phân biệt một cách rạch ròi đen trắng đúng sai… Nếu không trải qua giông bão sao biết quý những phút bình yên, không thương đau sao biết kiên trì ươm mầm hạnh phúc…. Có khi nhờ cái bẩn thỉu ấy ta mới nhận ra vẻ đẹp thực sự của cuộc sống.

“hoa cúc sứ giả mùa thu nở suốt tới mùa xuân
ngay cục cứt chó bên đường cũng có số phận riêng
nó mất dần mùi thối và khô lại dưới ánh nắng
trong trái cây hư rữa gồm đau đớn lẫn mừng vui”
                                                      (Nhịp sương)

          Nếu dừng lại giữa cuộc sống vần xoay chóng mặt này và yên lặng, lắng nghe nhịp sống hối hả bằng chính đôi tai và trái tim mình anh sẽ thấy, cuộc sống là thế đó “dữ dội và dịu êm/ ồn ào và lặng lẽ”(Xuân Quỳnh), đầy mâu thuẫn. Ta chợt giật mình nhận ra rằng trong chính con người ta cùng một lúc có cả “rồng”, “phượng” và “rắn độc” chung sống, thiên thần và ác quỷ tranh giành lẫn nhau… Nhưng đó mới là con người thực đầy khiếm khuyết. Đây là khởi nguồn cho những khát khao, là động lực thúc đẩy con người đi tìm một vẻ đẹp và sự hoàn thiện cho chính mình. Trong những thứ: “cứt chó bên đường”, “trái cây thối rữa” ấy bao gồm cả “đau đớn lẫn mừng vui”. “Nó mất dần mùi thối và khô lại dưới ánh nắng” để cho “lửa hai hạt mầm nứt vỏ”. Triết lý này thật khó mà nhận ra được nhưng nếu biết đào sâu vào khả năng tư duy ta sẽ nhận ra nó sâu sắc biết bao. Truy cho tận cùng thì bản chất cuối cùng của cái đẹp là cái sinh ra cái đẹp. Vậy cái đẹp trong cuộc sống này không phải là những thứ mà người ta cho là hôi thối, tởm lợm đó sao?

“thật dễ bốc khi mình đang đói
anh cũng là thằng hay nói khoác như ai”…

“yêu nhau
nói khoác
uống rượu

anh cạn con đường em đi hằng ngày
nhạt nhẽo nghiệt ngã

uống kỳ say
“bà chủ, cho li nữa!”     
                              (Quán rượu)

          Người nghệ sĩ tồn tại ngay trong cõi đời này nên “anh cũng là thằng hay nói khoác như ai”. Đời là thế đó nhưng công việc và nhiệm vụ của nó thì đã mấy ai hiểu được, họ “cứ yêu, nói khoác, uống rượu” để tìm ra những nghịch lý, những mâu thuẫn từ đống bụi bặm, rác rưởi của cuộc đời. Họ say mê nghiên cứu, say mê lý giải để không ngừng khám phá mọi giới hạn, mọi biên giới của cái đẹp. Thanh Thảo phát hiện, cái đẹp có trong tất cả, cái đẹp lẫn khuất khắp nơi nơi…

“người lành nhất nuôi rắn độc
nuôi thường xuyên quanh mình cái chết
nhằm cứu mạng bao người”…

“những con rắn độc nhất lại cần thiết nhất
theo đúng định kỳ chúng nhả tiệt nọc
chất độc màu đen quý ngang vàng
vỗ lên lưng cái chết trơn nhầy ướt át
dỗ dành an ủi chúng đôi lời”
                                           (Người nuôi rắn độc)

Ta cảm nhận được giá trị của cuộc sống, cái đẹp trong thế giới này nằm ngay trong những thứ kinh hãi, rùng rợn… nhưng cũng chính nó là thứ cứu bao mạng người, thứ quý ngang vàng. Con người và cả thế giới bên ngoài luôn là một ẩn số phức tạp mà không bao giờ ta tìm thấy lời giải đáp cuối cùng, nên thơ mãi mãi là một bí mật đối với cả người sáng tạo và người tiếp nhận. Thơ là tổng hòa của biết bao nhiêu yếu tố có thể gọi tên và những thứ không thể được diễn tả bằng ngôn ngữ. Thơ chẳng là gì nhưng thơ lại là tất cả, người làm thơ phải biết kiên nhẫn đợi chờ, nỗ lực tư duy trong lặng lẽ, nhanh nhạy chụp lấy những phút giây xuất thần, những khoảnh khắc tự động tâm linh mới mong sáng tạo được chỉ vài câu đáng gọi là thơ. Tương tự như người sáng tạo, người đọc là người đồng sáng tạo nên họ cũng phải nỗ lực tương đương với người sáng tạo vì “tác phẩm văn học như là khách thể mang tính chủ ý thì đời sống của tác phẩm văn học cũng phụ thuộc vào những hoạt động cụ thể hóa (đọc) văn bản có chủ ý của người đọc hướng tới nó...mặt khác, thông qua sự cụ thể hóa như là một hoạt động của ý thức hướng về nó mà bộ xương được đắp thêm da thịt và tác phẩm hình thành” (Roman Ingarden).

Bằng những đổi mới trong tư duy, quan niệm về cuộc đời, con người mà nhất là quan niệm nghệ thuật về cái đẹp đã giúp Thanh Thảo đạt được nhiều bước đột phá quan trọng trên hành trình kiếm tìm cái đẹp giăng mắc mọi nơi, trong hang cùng ngõ hẽm, trong thẳm sâu đau đớn lòng người hay trong những thứ xù xì, xấu xí, xấu xa, ghê rợn… Với những tìm tòi trong hướng đi này giúp Thanh Thảo có nhiều đóng góp vào kho tàng thẩm mỹ văn học Việt Nam và biên độ của cái đẹp trong thơ ông được mở rộng về mọi phía. 

NGUYỄN THANH TUẤN
 ___________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]         Lại Nguyên Ân (biên soạn) (2004), 150 thuật ngữ Văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2]       Mai Bá Ấn (2009), Đặc trưng trường ca Thu Bồn - Nguyễn Khoa Điềm - Thanh Thảo, Nxb Hội Nhà văn.
[3]       Lưu Hiệp, Văn tâm điêu long (Phan Ngọc dịch và giới thiệu), Nxb Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
[4]       Thụy Khê, Cấu trúc thơ, Nxb Văn nghệ.
[5]       Trần Thế Nhân, “Nhìn nhận yếu tố tượng trưng, siêu thự trong thơ mới”, Bichkhe.org.
[6]       N. I. Nikulin (2007), Lịch sử văn học Việt Nam, Nxb Văn học.
[7]       C. Đơ li-nhi, M. Rut-xơ-lô (1998), Văn học Pháp, Trịnh Thu Hồng - Đỗ Phương Mai dịch, Nxb Giáo dục.

5 comments:

  1. Một bài viết tuyệt vời. Đầy thú vị với những phát hiện tinh tế về giá trị thẩm mỹ trong thơ nói chung và thơ Thanh Thảo nói riêng. Lối viết tài hoa với kiến thức uyên thâm tạo cho bài nghiên cứu sức quyến rũ mạnh mẽ.

    ReplyDelete
  2. Đã dọc bài của ông Nguyễn Thanh Tuấn nhiều trên mạng, trên báo và tạp chí. Ổng viết hay!

    ReplyDelete
  3. Hay! hay! hay! Hay! hay!

    ReplyDelete
  4. Lại được dọc một bài nghiên cứu hay của Nguyễn Thanh Tuấn

    ReplyDelete
  5. cũng thường thoi

    ReplyDelete