Nhà văn Vũ Bão tên thật là Phạm Thế Hệ, sinh ngày 4 tháng 9 năm 1931 tại Thái Bình. Quê ông ở thôn An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Vũ Bão tham gia chống Pháp khi còn trẻ, gia nhập quân đội chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và làm quân báo từ năm 1947.
Đến năm 1950, ông làm cán bộ Khu đoàn thanh niên Liên khu
III.
Sau năm 1954, Vũ Bão tiếp tục công tác trong ngành báo chí.
Năm 1960, ông làm phóng viên báo Hà Nam, rồi báo Nam Hà. Năm 1968, Vũ Bão được
điều vào mặt trận Khe Sanh. Năm 1969, ông về hoạt động ở Hội Văn nghệ Hà Nội.
Năm 1971, ông lại được điều vào vào mặt trận Đường 9 Nam Lào.
Sau khi Việt Nam thống nhất, năm 1977, Vũ Bão được chuyển sang
Tổng cục Thể dục thể thao làm chuyên viên. Năm 1983, ông công tác ở báo Điện
ảnh Việt Nam, từng giữ chức phó tổng biên tập. Vũ Bão nghỉ hưu năm 1992.
Ông gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Từ năm 1988 đến
2000, Vũ Bão là phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.
Ông qua đời ngày 30 tháng 4 năm 2006 tại Quảng Ninh, vì bệnh
cao huyết áp sau khi đi dự lễ hợp long cầu Hòn Gai, Quảng Ninh.
Khổ, sao anh em mình lúc nào cũng sấp sấp ngửa ngửa. Sấp sấp ngửa ngửa sống, sấp sấp ngửa ngửa viết. Và sấp sấp ngửa ngửa đi. Đi và đi luôn cũng sấp sấp ngửa ngửa. Mới hôm nào đến Phùng Hưng chia tay Hoà Vang, em đang nhớn nhác như chờ cái gì, thì thấy Anh cũng chẳng hơn gì, đứng thẫn thờ ở bên cổng, nơi bao nhiêu là người, vòng hoa và những lời chia buồn giấu trong giấy và giấu trong mắt. Em ngập ngừng bước đến chỗ Anh, sợ Anh trách em « sao lúc nào cũng nhớn nhác » như mọi lần, em phân bua ngay: Khổ, nợ ngập đầu, nợ thúc phải giả. Anh cười hết cả mặt cả mắt cả răng cả tóc cả người: Khổ, bà chị Phong cứ bảo, lâu nay chẳng thấy cậu Phục lại chơi. Tôi bảo Phục nó khổ kéo cày giả nợ, bà chị chẳng tin. Rồi chả kịp hàn huyên, có người nhắc em việc gì đấy đã hẹn làm, em lại sấp ngửa bỏ đi. Em quay lưng mà vẫn thấy Anh đứng thẫn thờ trên vỉa hè, nửa cười tha thứ nửa cay mũi, thương thằng em, thằng đồng nghiệp cả đời sấp ngửa. Mà Anh cũng có ít sấp ngửa hơn em đâu?
Khổ, lúc nào mà chẳng sấp ngửa như nhà đang lo dọn cuới, «
sắp cưới » mà, « sắp cưới » mãi mà có thành tổ ấm đâu những mộng ước, khao khát
sự chính trực, lòng tốt, lúc nào mà chẳng sấp ngửa « vãi linh hồn » vì những
trớ trêu, đắng ngắt, lúc nào mà chẳng sấp ngửa lo « chạy án bốt Chè », sấp ngửa
lo xác minh ai cắm cờ thật ngoài trận tiền, ai cầm cờ xông lên trong phim...
Khổ, thế này nữa nhá. Lúc nào Anh cũng sấp ngửa doạ em: Mai
kia tôi sẽ bán cái khăn, cái áo, cái này, cái kia (ôi, toàn những thứ hàng tầm
tầm em mua kính tặng Ông Anh đúng vào lúc em phởn lên vì vừa nhận được chút
nhuận bút còm), cho bảo tàng này, nhà lưu niệm kia, được ối đô-la ! Nghe Anh
đùa mà em phát khóc lên. Thương Anh, thương em, thương cả đồng bọn. Ngay cả
chút ảo tưởng trẻ con ấy mà cũng mất nốt ( ai cũng biết thừa là hão huyền
mà cứ nói ra mồm cho sướng tai nhau), thì làm gì còn can đảm mà sấp ngửa
nữa.
Khổ, ai nghe sự kiện hợp long cầu Bãi Cháy, cái cầu hùng vĩ
vắt ngang qua Vụng Đâng – Cửa Lục mà không thấy lòng mình sấp sấp ngửa ngửa
lâng lâng, cảm khái.
Em không bận đi Nam Định, đưa con gái em về thăm quê nội quê
ngoại, thì cũng mò ra đấy bù khú với Anh và bạn bè. Nhưng giời bắt Anh sấp ngửa
đi khi chưa kịp về tới ngõ Thanh Nhàn.
Cái ngõ Thanh Nhàn ấy chờ một người sấp ngửa trở về một lần
để « gọi ai lần cuối »... Thanh Nhàn, Anh Bão ơi, tên ngõ hay là tên một giấc
mộng ?
Dã Tượng, ngõ chiều buồn 2/5/2006
NGUYỄN
KHẮC PHỤC
Nguồn: Trần Nhương
No comments:
Post a Comment