.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, April 24, 2012

KHÁM PHÁ NHỮNG BIỂU TƯỢNG TRONG VĂN HỌC


Raymond Firth

Lời người dịch: Biểu tượng trong văn học đã được đề cập đến khá nhiều trong các tác phẩm phê bình văn học ở Việt Nam cũng như trên thế giới dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, tính chất đa nghĩa, trừu tượng, thậm chí là mơ hồ của các biểu tượng khiến cho việc phân tích và giải mã biểu tượng trong các tác phẩm văn học không dễ dàng, đôi khi lâm vào tình trạng bế tắc, tạo nên những “cuộc tranh luận liên miên về ý nghĩa của những biểu tượng” (Raymond Firth). Để tháo gỡ những bế tắc nói trên, chỉ “một mình” phê bình văn học sẽ rất khó giải quyết được hết những“đặc tính khó lường”của biểu tượng. Vì vậy, vấn đề giải mã biểu tượng cần có một cái nhìn tổng thể bao gồm cả văn học cũng như những ngành học thuật khác có liên quan như logic học,hiệu học, nhân học,…
Ở đây, chúng tôi xin trích dịch một phần trong cuốn Biểu tượng: Chung và riêng của GS. Raymond Firth (1901-2002) về vấn đề tiếp cận biểu tượng trong văn học dưới con mắt nhà nhân học như một góc nhìn tham chiếu cụ thể, mà theo ông:“Tiếp cận nhân học, với việc áp dụng một cách đầy đủ, sẽ có mục tiêu riêng của nó để đưa ra một sự mô tả mang tính hệ thống và phân tích các hành động mang tính biểu tượng bằng phương diện ngôn từ và phi ngôn từ của nó; để phân biệt các thành phần có ý nghĩa của hành động nói trên từ những gì ngẫu nhiên; để đánh dấu những thói quen hoặc các yếu tố chuẩn mực ngược lại với những gì thuộc về cá nhân và các phong cách riêng; làm sáng tỏ từ chính người đang thực hiện hành động, những người tham gia và những người không tham gia với những ý nghĩa mà họ đã gắn kèm với hành động; và để đưa tất cả những cái đó vào một khung khái niệm chung, và trong một khung cảnh cụ thể với vị thế và mối quan hệ nhóm của những người liên quan.”**

Sự quan tâm về những biểu tượng trong văn học có thể tìm thấy từ rất lâu trong lịch sử. Trong chương 3 tôi sẽ khảo sát về một vài ví dụ ở đầu thế kỷ XIX. Những công bố về biểu tượng luận*** trong văn học suốt cuối thế kỷ XIX, và những cuộc tranh luận liên miên về ý nghĩa của những biểu tượng, đã không có được những xem xét về mặt nhân học đối với các biểu tượng. Nhưng nếu không trở nên quá phức tạp, những vấn đề này trong văn học ít ra cũng được tập trung cao hơn về chất lượng. Vô tình, họ đã báo hiệu trước cho ngày nay những quan tâm về mặt nhân học đối với mối quan hệ giữa thực tế xã hội và những mô hình đã được xây dựng để thể hiện vấn đề đó. Diễn ra song song theo hai hướng: các nhà biểu tượng luận phản đối sự mô tả tự nhiên như như một sự khêu gợi cho dù đó là mục tiêu có thể đạt được; và bằng cách tìm kiếm sự diễn giải về những nguồn lực sâu xa mà ở đó bản thân những người thực hiện đã không nhận biết được. Nhưng sự khác biệt vẫn được thể hiện. Trong thơ ca, đặc biệt, ở những thập niên cuối thế kỷ XIX, mục tiêu hoạt động của các nhà biểu tượng luận đã thay thế trường phái hiện thực bằng ‘ý tưởng,’ Nhưng ‘ý tưởng’ là tính liên tưởng chứ không phải là phép phân tích, mang tính cảm xúc hơn là trí tuệ.
Toàn bộ thơ ca đều dựa vào biểu tượng luận. Trong truyền thống Pháp, như trường hợp, Francois Villon, với tính cách mạnh mẽ và nhân văn nhất trong rất nhiều bản ba-lát (badlad)**** của ông, thường sử dụng một hình ảnh biểu tượng. Sự đắng cay, ám ảnh nỗi nhọc nhằn où sont les neige d’antant? ( Tuyết rơi năm trước giờ ở đâu?) gợi lên không chỉ đơn thuần là những ngày đã qua trong tên bài thơ, mà còn là, như người ta có thể nghĩ rằng, sự thuần khiết, sự bình tâm và sắc đẹp của tất cả những gì mà người ta có thể giữ lại cho người thân yêu nhất. Nhưng điều này khác xa so với thái độ mà các nhà biểu tượng luận đã tuyên bố[1]. Biểu tượng luận của Mallaramé và những người theo trường phái của ông lại mang mục đích khám phá sự thuần khiết trong thi ca xuất phát từ những gì được cho là phi logic, tính chất bất hợp lý của bản thân ngôn ngữ, cố gắng, ví dụ, để diễn tả những ý tưởng thông qua sự kết hợp hình dạng và màu sắc. Verlaine nói về Mallarmé rằng ông đã bị choáng ngợp bởi sức mạnh của cái đẹp, và rằng sự trong sáng đối với ông là một nét hoa mỹ thứ hai. Bản thân Verlaine đã viết, trong Poemes Saturniens:
Le Poète, L’Amour du Beau, voila sa foi,
L’Azur, son étendard, et L’Idéal, sa loi.*****
Ở đây Azur, trong xanh, mô tả qua thơ bằng ngôn ngữ biểu tượng như bầu trời, vô định. Nhưng những tác động có liên quan lại rất phức tạp. Biểu tượng luận trong thơ Pháp ở đây đối nghịch mạnh mẽ với chủ nghĩa hình thức cổ điển của những thế hệ trước. Nó cũng đối nghịch với tâm trạng thất vọng theo sau thất bại của quân đội Pháp trước đó hai thập niên. Nhưng trên hết – không tách rời những gì đã được đề cập trước đó – chính là, như Alfred Poizat đề cập, ‘sự mơ tưởng bước vào trong văn học, là sự quay trở lại với quan điểm từ bên ngoài vào nội tâm’ (1924, 143). Hoặc như Arnold Hauser đưa ra một tổng kết: ‘Với biểu tượng luận, toàn bộ thực tiễn kinh nghiệm chỉ là một hình ảnh về một thế giới ý tưởng’ (1952, II, 896). Mallaramé cũng bị cuốn hút bởi ‘những ý tưởng huyền bí’; ông và những người cùng cộng tác lập luận rằng chỉ có những thực tế hiển nhiên là những ý tưởng của chúng ta và theo sau là những giấc mơ, những sự tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể biết về thế giới bên ngoài thông qua những hình ảnh sống trong ta và bằng những phản ứng thông qua các giác quan của chúng ta. Mối quan hệ giữa cụ thể với khái quát, những cái được cảm nhận với người cảm nhận, có thể được tạo ra, nó được cho là, không cần cố gắng công khai khái niệm. Những sự trình bày trực tiếp rõ ràng về những chuẩn mực có ý thức càng ít bộc lộ chất thơ hơn là những sự bày tỏ gián tiếp bóng gió mơ hồ dường như càng thúc đẩy sự vô thức. Chưa kể tới chủ nghĩa lãng mạn trong nửa đầu thế kỷ, với ý thức vun đắp cảm xúc có chủ ý, đã bị loại bỏ, đặc biệt khi nó đã sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ theo quy ước truyền thống. Đóng góp thông qua những đòi hỏi về khiếu thẩm mỹ thuần khiết hơn, mà ở đó các biểu tượng sẽ diễn tả bản chất thực của những mối quan hệ thỏa đáng hơn một tập hợp cách thức mô tả, là một nền tảng tinh thần, ý tưởng về một sự bất đồng nội tâm, tính chất bất tương xứng với những gì biểu tượng đại diện cho biểu hiện ngoại vi. Hence Bowra (1943, 2-12) đã nhìn lại hoạt động của các nhà biểu tượng luận thế kỷ XIX trong văn học Pháp như tính chất bí ẩn căn bản – trong sự mãnh liệt, sự phi lý, sự coi thường của nó đối với những niềm tin khác và sự tín nhiệm của nó vào thế giới dựa trên các giác quan. Cho nên, trong khi Mallarmé nói về nghệ thuật với sự khách quan, bằng cách tập trung vào những cách nhìn của cá nhân ông, các nhà biểu tượng luận đã nhấn mạnh tới hiệu quả của đặc tính chủ quan trong nghệ thuật của ông. Michaud, bằng những cứ liệu toàn diện, đã chỉ ra một vài luận điểm khác nhau của các nhà biểu tượng luận. Nhưng ông đã nhìn thấy thông điệp cốt yếu của biểu tượng luận chính là việc đưa ra một sự tổng hợp về sự diễn tả đồng thời ở những mức độ khác nhau của thực tế, hoặc diễn tả niềm tin với những giá trị khác nhau ở cùng một thời điểm. Vì vậy, biểu tượng chính là sự khám phá của một khía cạnh sự thật, sự thật trong khía cạnh chủ quan của chính nó (1947, 414- 20). Và như Michaud đã chỉ ra, bất cứ những gì được phán xét sẽ đều có hiệu lực như những tranh cãi của các nhà biểu tượng  luận, họ đáp lại tuyệt vời bằng cách mang tới biểu tầng nhận thức quá trình biểu tượng hóa.
            Quan điểm của những người theo trường phái tượng trưng cổ điển trong văn học, có quan hệ mật thiết với hội họa, đưa ra hai loại ý kiến về những biểu tượng, mà qua đó ảnh hưởng của chúng mang đến nhiều thách thức trong hướng tiếp cận nhân học đối với các chủ thể. Họ đã khẳng định tính ưu việt bằng việc thừa nhận tính chất cá nhân của biểu tượng; và họ cho rằng sự ám chỉ hoặc bản thân thực tế, chỉ có thể được hiểu rõ duy nhất thông qua biểu tượng. Một nhà nhân học thường quan tâm trước hết tới tính phổ biến của việc sử dụng biểu tượng, và mục đích của anh ta là chia tách biểu tượng từ đối tượng được đề cập để từ đó có thể mô tả các mối quan hệ giữa chúng. Nhưng  trong khi xem xét bề ngoài của thơ ca hoặc nghệ thuật nói chung, những cái nhìn công thức đã đặt chúng vào trong những tác nhân kích thích và sự xem xét kỹ lưỡng của nhân  học.
            Tác động qua trào lưu của các nhà biểu tượng luận là rộng lớn và kéo dài, và trong những hình thức được sửa đổi, nó đã đạt tới vị thế toàn cầu. Bowra đã nhận ra bản sao của nó ở Anh trong các trào lưu nghệ thuật của Rossetti, Pater và Oscar Widle. Nhưng với Mallarmé ‘thần tượng vĩ đại’ của ông chính là Edgar Allan Poe, người ông cho là đáng ‘ngưỡng mộ’ và là người đã viết nên một bài ca bi tráng –‘Lăng mộ của Edgar ‘Poe’- Le Tombeau d’Edgar Poe’ (Verlaine, 1884, 54,55; Bowra, 1943, 9).
Biểu tượng luận với các nhà văn Mỹ thế kỷ XIX như Poe, Melville và Henry James đã được cân nhắc làm chủ đề để phân tích trong phê bình văn học. Từ các giả định văn hoá khác nhau được dựng lên trong các phân tích, sự đối chiếu giữa các nhà phê bình và các nhà nhân học có thể khiến chúng trở nên linh động và nhạy cảm hơn, cũng như việc trang bị thêm các quan điểm mới cho nhân học biểu tượng. Tôi chỉ đưa ra đây một vài gợi ý đơn thuần theo hướng tiếp cận nhân học.
            Tác giả của một trong những công trình quan trọng nhất vể lĩnh vực này là Charles Feidelson (1953), đã tranh luận rằng ở đó có một ‘hình mẫu gia đình’ (family pattern) trong văn học Mỹ được bắt đầu bởi Hawthorne, Emerson và Poe và kết thúc bởi Melville và Whitman; rằng mô hình này là một dạng biểu tượng luận; và rằng khái niệm biểu tượng luận không chỉ là chìa khóa trong bối cảnh của họ mà còn là một sự liên kết giữa giai đoạn đó với giai đoạn hiện nay (Feidelson, 1953, 3,5). Được xếp vào nhóm lãng mạn – những người theo thuyết tiên nghiệm (transcendentalists) – được xem như những học trò nhỏ của các bậc thầy châu Âu trong lĩnh vực này; trong vai trò là những nhà biểu tượng luận, mặc dù bản thân họ không hề nhận ra danh hiệu này, họ có thể được tín nhiệm bởi tính độc lập trong văn học, hướng tới ‘một trào lưu ngụy biện (sophisticated) có ảnh hưởng nhất trong lịch sử văn học.’ Với sự thích nghi phổ biến trong sự phân loại này, một nhà nhân học không quan tâm – mặc dù anh ta có thể chú ý tới sự chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Nhưng nó rất có ý nghĩa khi được đặt trong bối cảnh của văn học, được tín nhiệm với biểu tượng luận trong những hoạt động của anh ta giúp một nhà văn có được dấu ấn riêng biệt. Một vài nghiên cứu trong lĩnh vực này đã có các công trình phân tích ít nhiều tạo dấu ấn với nghiên cứu nhân học; một số công trình khác xem xét một cách không trực tiếp liên quan đến nhân học. Nhưng trong cả hai loại này đều được sử dụng những phương pháp phân tích văn học ưa thích – trong việc nhận dạng và mô tả về các biểu tượng của chúng.
            Biểu tượng luận trong Moby Dick của Melville là một chủ đề nghiên cứu trong nửa thế kỷ.[2] Nhưng Feideson đã tìm ra biểu tượng luận ngầm ẩn trong tác phẩm Typee của Melville, một cuốn sách mô tả sâu, nó đã được sử dụng một cách trơn tru cho chuyến đi khám phá về dân tộc học ở đảo Marquesas, nơi Melville đã ở đó một tháng vào năm 1842. Với Feiderson cuốn sách chủ yếu như một cuốn nhậthành trình; bối cảnh của nó là trên mặt đất; và ‘ngôn ngữ thường không chào đón cách giải thích mang tính biểu tượng.’ Chưa kể đến những thứ tầm phào trong trải nghiệm của của Melville dường như ‘do dự bên rìa sự mở rộng tính biểu tượng’ thể hiện trong những tác phẩm sau này của ông. Sự phát triển của ý tưởng này là một niềm hứng thú từ khía cạnh nhân học. Typee, mở ra ‘thuật bản đồ cơ bản’ của Melville về ranh giới của trái đất và biển cả, nhấn mạnh hình dạng tròn của đảo được bao quanh bởi đại dương. Mà theo Feideson, hình bóng của nó là hình mẫu thế giới của Melville, trong quan điểm của phê bình văn học, tạo sự chú ý giống như khái niệm vũ trụ hình cầu của Emerson. Ngày nay nó làm phát sinh vấn đề thẩm quyền – về mối quan hệ giữa biểu tượng hóa và kinh nghiệm thực tế – thích hợp cho tất cả các nhà nhân học quan tâm đến biểu tượng luận mà không phải chỉ quan tâm đến các hòn đảo ở Thái Bình Dương. Vì vậy Typee của Melvill không chỉ là một trong những nguồn tư liệu bán dân tộc chí (semi-ethnography) cho sự hiểu biết của chúng ta về những điều kiện tiếp xúc văn hóa sơ khai ở Polynesia, mà còn gợi lại những trải nghiệm về cuộc sống đơn giản ở môi trường đảo Thái Bình Dương. Bản thân tôi cũng tán thành với những nhận xét của ông. Là một người đã từng sống một thời gian dài trên hòn đảo xa xôi biệt lập như Polynesia và hàng ngày phải đối mặt với nước ba bề bốn bên mênh mang đến tận chân trời, tôi cũng đã rất ấn tượng bởi ‘vòng tròn’ vũ trụ ở đảo của tôi. Không mang những suy nghĩ của Melville, tôi đã viết về hòn đảo này: ‘trong một lối nghĩ giản lược trừu tượng người ta có thể nghĩ về Tikopia giống như một vòng tròn bằng đất được bao quanh bởi sự buồn tẻ của đại dương, và ngay trong bờ đất là một vòng những ngôi nhà…’ (1936, 79; 1969, 65). Nhưng trong cách nhìn tương tự với khái niệm của Melville, được diễn tả bởi Feideson, hai quan điểm đã được đưa ra. Quan điểm thứ nhất là sự nhận diện hình mẫu trừu tượng trong lĩnh vực đo vẽ địa hình không nhất thiết là phải giống với nhận diện một biểu tượng, trừ phi phạm vi của biểu tượng được thực hiện trong ý nghĩa rất rộng về mọi đại diện của lĩnh vực này. (Một họa sĩ trừu tượng có thể từ chối thẳng thừng rằng những hình mẫu anh ta đã tạo ra có mọi đặc tính biểu tượng). Một hòn đảo nhỏ trong một đại dương bao la thì bản thân nó không phải là một hình ảnh biểu tượng, mặc dù nó có thể dễ dàng dẫn Melville tới những công thức của những biểu tượng đã lập. Quan điểm thứ hai cho rằng trong khi Feiderson kết nối Melvill với Emerson trong sự phát triển thuộc tính biểu tượng, chủ yếu bằng tính chất tương phản trong những hình ảnh biểu tượng của họ, ông dường như mê muội giữa những mẫu hình học (geometric patterns) trong thế giới tương ứng của họ: một hình mẫu tròn của hòn đảo và đại dương bao quanh chỉ có vẻ bề ngoài hơi giống hình cầu trong công thức kinh nghiệm được mô tả của Emerson. Như tôi nhìn thấy, ví dụ về biểu tượng luận ‘tiềm ẩn’ (latent) đối với Melville có thể sử dụng như một loại biển báo cho các nhà nhân học quan tâm tới việc nhận diện tính biểu tượng, hình dạng nguyên bản trong việc thể hiện vũ trụ luận tự nhiên và xã hội. Nhưng những lời bình luận của Feideson về biểu tượng luận trong văn học nói chung đã bao hàm nhiều phát biểu có giá trị khi cho rằng trọng tâm của biểu tượng luận không nằm ở những cảm xúc riêng tư, mà ở phương tiện công khai của ngôn ngữ (Feideson, 1953, 51). Nói cách khác, giao tiếp là một thử nghiệm về sự tồn tại của một biểu tượng.
            Với Henry James tầm quan trọng của biểu tượng luận trong văn học đối với các nhà nhân học có thể còn sâu sắc hơn nhiều. Trong tác phẩm The Turn of the Screw, chúng tôi đã đưa ra nhiều nguyên liệu thô (raw material) cho loạt câu hỏi ấn tượng về bản chất của các cấu trúc tinh thần, những ý tưởng về việc kiểm soát nhân cách bởi một người khác, những hình thức  biểu tượng hoá nguồn lực tinh thần, mối quan hệ của tính vô tội với kiến thức về cái xấu xa. Tất cả những vấn đề này xuất hiện trong các hình dạng khác nhau như các vấn đề trong nghiên cứu nhân học về ma thuật và những vấn đề có liên quan. Nhưng những gì Edmund Wilson đã gọi là sự mơ hồ của James có thể đề ra một vấn đề hấp dẫn về mối quan hệ giữa quá trình ý thức và vô thức trong sự hình thành biểu tượng. Edmun Wilson được Feiderson thừa nhận là người đưa ra những bình luận tạo dấu ấn đầu tiên về sự tương đồng giữa các nhà văn Mỹ thế kỷ XIX với các nhà nghệ thuật theo trường phái biểu tượng để tạo ra những tác phẩm văn học hiện đại. Hơn một thế hệ trước, Wilson đã trải qua bao đau đớn để làm sáng tỏ những biểu tượng như ông đã cảm nhận được nó khi Henry James bày tỏ ‘sự ức chế kinh niên’ của ông – một vài mức độ của sự bất lực trong sinh hoạt tình dục. Một sự diễn tả mang tính biểu tượng, theo Wilson, về sự trong trắng trinh nguyên của những cô gái mới lớn đã bị xâm phạm hoặc huỷ hoại. Trong một ví dụ tiêu biểu, Wilson nhận ra ‘một trong những biểu tượng kỳ lạ nhất’ với hoàn cảnh của Jame chính là hình người mẫu bằng sáp trong cửa sổ ở cửa hàng của một người thợ làm đầu ở Paris, một trong những câu chuyện về một người đàn ông đang yêu; rút cục anh ta đã mua hình người mẫu và đưa cô ấy về nhà sống cùng. Ý nghĩa lớn lao trong trong sự phân tích diễn giải này chính là lời phát biểu cho rằng hình người mẫu đã bị cắt ngang phần eo lưng (cut off at the waist)[3]. Sự quan tâm của các nhà nhân học tới ví dụ này chủ yếu là ở phương pháp luận. Rằng một hình mẫu điêu khắc có thể thay thế cho một con người và rằng sự bất lực trong tình dục (chỉ là ‘một nửa người’) có thể được đại diện bởi một hình dạng thiếu cơ quan sinh dục và chân, không phải là những ý tưởng tiểu thuyết đặc thù. Mà ở đó cũng không thích hợp với nhân học trong việc truy nguyên những ý tưởng này với sự tưởng tượng kỳ quặc của Henry James. Nhưng trong xu thế thịnh hành của những quan tâm về mặt nhân học đối với biểu tượng luận, các phương pháp phê bình văn học trong việc nhận diện các biểu tượng lại được ưa thích. Rõ ràng ông đang sử dụng rất nhiều tranh luận ad hominem (cho con người, mang tính định kiến trong tiếng Latin – ND). Khái niệm hoặc sự mô tả bán thân – đầu, ngực và thân trên – giống như là những mô tả về một con người hiển nhiên không phải dấu hiệu bất lực tình dục trong bản thân người nghệ sỹ – nếu không thì toàn bộ số đông các nhà điêu khắc, những người vẽ tranh chân dung và những nhà nhiếp ảnh trong xã hội sẽ đều bị ám chỉ, thậm chí những người mua hình người mẫu về để sử dụng cũng bị coi là ‘giống như vậy.’ Đặc trưng biểu tượng của tranh chân dung đã rất nổi tiếng. Nhưng trong câu chuyện của James hình người mẫu không phải là một chân dung; người đàn ông đã phải lòng với hình người mẫu; không phải với một người đang sống; và anh ta đã thể hiện sức mạnh vượt qua nó bằng cách mua nó và sống chung với nó. Trong câu chuyện hình người mẫu là một biểu tượng riêng cho nhân vật chính. Những gì nhà phê bình đã hoàn thành là tạo ra sự chuyển tải và giải thích nó như một biểu tượng riêng cho chính tác giả. Với các nhà nhân học, điều này đã làm nảy sinh vấn đề tạo những bước chuyển, về tiêu chuẩn mà qua đó một sản phẩm đặc biệt trong một tác phẩm của một tác giả lại được nhặt ra như một định hướng biểu tượng nhân cách của chính tác giả, và những người khác bị bỏ lại sau như những sáng tạo của tính tưởng tượng giản đơn không ngụ ý về nhân cách tác giả của họ.
            Vấn đề này chính là: Làm thế nào để người ta có thể nhận diện một đối tượng hoặc một hành động mang tính biểu tượng, không chỉ với sự diễn giải mà còn với chính tác giả của nó, khi anh ta không đưa ra manh mối rõ ràng? Đó là một vấn đề cần được các nhà nhân học quan tâm hơn so với những gì nó đã được thực hiện trước đây. Trong một bài luận nhạy cảm khác của Wilson, tôi không tìm thấy hướng dẫn về vấn đề phương pháp luận, mặc dù nó ngụ ý rằng việc nhận diện những biểu tượng riêng về một người của công chúng có thể là một mối quan tâm chung. Nhưng với một ý nghĩ nảy sinh bởi sự tương phản – nhà nhân học sẽ phải đối mặt với vấn đề nhận diện các biểu tượng cá nhân có thể tìm sự bào chữa về thẩm quyền của anh ta bởi những gì anh ta quan sát sẽ là hệ quả. Hành vi đối với hình người mẫu của người thợ làm tóc dừng ở phần cuối trong câu chuyện của James – ‘những gì đến sau đó’ chẳng hơn một trò đoán mò. Nhưng nếu một con người, theo quan sát của nhà nhân học, mang hình nộm một người phụ nữ bằng gỗ về nhà, toàn bộ chuỗi hành động của người đàn ông và người nhà sẽ là manh mối tìm kiếm, và phản hồi lại bằng những sự công nhận hoặc mâu thuẫn với suy luận ban đầu của nhà nhân học về những gì có liên quan đến biểu tượng luận. Mặc dù các nhà nhân học chịu nhiều sự thúc ép hơn phê bình văn học trong những thẩm quyền mang tính biểu tượng, nhưng có nhiều cơ hội hơn trong việc kiểm chứng chúng sau này.
            Người ta thường chỉ ra rằng các nhà biểu tượng luận trong văn học không thống nhất được dưới bất kỳ quan điểm đơn lẻ nào, nhưng được xếp vào những ý tưởng công bố trong giai đoạn thoái trào xuyên suốt từ nhạy cảm mãnh liệt của chủ thuyết Nietzsche cho tới thuyết huyền bí và huyền thoại Cơ-đốc. Và trong những nghiên cứu hiện đại ở Pháp về lĩnh vực này, đặc biệt, hết sức tỉ mỉ và tinh tế – xa hơn rất nhiều so với những gì tôi có thể trình bày ở đây. Nhưng những khám phá về biểu tượng luận với văn học trong nhiều mối quan tâm trí tuệ nói chung đã làm nảy sinh một vài loại vấn đề đáng quan tâm đối với các nhà nhân học: Những hiện tượng nào sẽ được coi là có tính biểu tượng và những tiêu chuẩn nào sẽ được sử dụng để nhận diện chúng? Việc khám phá có thể đi bao xa trong việc nhận diện về những biểu tượng bị che dấu hoặc tiềm ẩn mà bề ngoài không được nhận thấy bởi tác giả của chúng? Đâu là mối quan hệ giữa biểu tượng chung và các biểu tượng riêng của các nhà thơ hoặc nhà văn? Và liệu ở đó có tồn tại sự đối nghịch không thể hòa giải giữa khía cạnh thẩm mỹ, thuộc về những khía cạnh vể trực giác của sự nhận dạng biểu tượng và một sự lĩnh hội mang tính trí tuệ về hình thức và chức năng biểu tượng?
            Đinh Hồng Hải dịch

* Bài này trích trong cuốn: Biểu tượng: Chung và riêng (Symbols: Public and Private) của GS. Raymond Firth, do nhà xuất bản Đại học Cornell ấn hành năm 1973. Đinh Hồng Hải dịch, với sự cộng tác của Chu Tú Lệ.
** Raymond Firth, Sđd, tr. 27.
*** Thuật ngữ symbolism được chuyển ngữ sang tiếng Việt là chủ nghĩa biểu tượng hoặc biểu tượng luận. Ở đây, chúng tôi sử dụng biểu tượng luận để thống nhất với các bản dịch trong cuốn sách của Raymond Firth đã đăng tải – ND.
**** Một thể thơ giàu giai điệu, thường được viết cho nhạc – ND.
[1] Xin tham khảo Guy Michaud (1947, 637) – ở mọi thời đại, biểu tượng luận luôn có trong nghệ thuật và văn học (du Symbolisme); nhưng biểu tượng luận (le symbolisme) thực sự đã nhìn thấy ánh sáng ở Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX. Tham khảo Etiemble, người  đánh giá Catulles Mendes với ý kiến rằng biểu tượng cũng lâu đời như thế giới của chúng ta; đề cập đến rất nhiều ý nghĩa của biểu tượng và sự biến đổi to lớn trong định nghĩa về biểu tượng luận; và đưa ra một bài phê bình chặt chẽ về những quan điểm về Rimbaud như một người theo trường phái biểu tượng (1961, 67,68, 89-90).
***** Tạm dịch: Với nhà thơ, niềm tin của họ chính là tình yêu vào cái đẹp/ Với bầu trời, uy lực của nó chính là sự khoáng đạt và lý tưởng.(theo Linh Giang)

[2] Nó đã được Victor Turner sử dụng trong những so sánh về nhân học, 1962
[3] Edmund Wilson, Sự mơ hồ của  Henry James (The Ambiguity of Henry James, 1962, 147, 149n; bài luận được xuất bản đầu tiên vào năm 1938). Nó cũng có sự trừng khớp khi cho rằng giữa ‘những biểu tượng về hình ảnh người phụ nữ’ được đưa ra bởi Cuộc đình công giành quyền tự do cho những người phụ nữ ở London vào tháng 3/1971 chính là một hình nộm của người thợ may, bị cắt ở phần eo lưng (Observer, 7/3/1971)

No comments:

Post a Comment