.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, April 20, 2012

DUY PHI – GIỮA NẠN ĐẠO VĂN GẶP NGƯỜI TỬ TẾ

Cách đây mấy ngày, thoạt đầu tôi nhận được mấy dòng từ Email một cái tên người lạ: phamtuan. Hỏi lại, tôi mới biết tên anh là Phạm Mạnh Tuân (PMT), sinh năm 1964, quê gốc ở phố Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), từng làm nghề Dược, định cư tại thành phố Bắc Ninh. Không biết do đâu, anh có đọc một bài viết của tôi về Trịnh Văn - Nhà thơ đói. Trịnh Văn là bạn chí thiết nhiều duyên nợ của PMT. Thư qua thư lại, đã thôi thúc tôi thuật lại chuyện này.

Trịnh Văn là một tác giả Thơ cùng xã tôi. Nhà anh khác xóm, cách nhà tôi chừng một cây số. Tôi xa làng lâu ngày, quen biết ít. Có lẽ qua Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Duy Hợp... tôi biết ông Trịnh Triều. Ông có tài nặn tượng, từng giảng dạy ở trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ông có tặng tôi mấy tượng đất nung, theo phong cách Đông Hồ. Đặc biệt là bức tượng đánh trống, mẫu hình này, ông từng có tượng trưng bày tại Nga, Đức, Tiệp... Tôi có được xem một báo ảnh Liên Xô (Nga... ), in giới tiệu mấy tượng này của ông. Trịnh Văn là cháu của ông Trịnh Triều. Hồi ấy, tôi có một năm ở quê, 1994, tôi ở nhà được vì lúc ấy tôi đã hưu non, nhà tôi Mão Điền chỉ có người mẹ già yếu. Có hôm, tôi được chú cháu ông, Trịnh Triều và Trịnh Văn đến thăm. 
Trịnh Văn sinh năm Nhâm Dần - 1962. Nghe đâu họ Trịnh nơi đây chính là hậu duệ các chúa Trịnh Cương, Trịnh Sâm. Trịnh Văn có khiếu thơ văn.  Thơ gan ruột. Tính kỳ lạ. Tôi rất qúy. Nhóm biên tập tạp chí Văn nghệ Hà Bắc chúng tôi đã in cho anh một số tác phẩm. 
Nhà văn trẻ Phạm Thuận Thành ở Ngo (tác giả của nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết, lại được giải Thơ của Văn nghệ quân đội- 2004) kể lại: Hôm ấy, Trịnh Văn đến chơi, chiếc xe đạp bánh đã hết hơi từ bao giờ, nhem nhuốc như từ gác bếp mới lôi xuống, cái áo lâu ngày không giặt. Một cô gái láng giềng  ghé vào đùa: Anh Văn đi chơi thiên hạ sao không ăn mặc cho tươm tất lại đánh cái áo màu cháo lòng? Văn nói: Có phải đi thi hoa hậu đâu mà sắm áo đẹp, quan trọng gì, cởi trần còn được. Anh chàng hay cười hề hề này đôi khi cũng khùng khùng điên điên. Một lần đang trong tháng giáp Tết, rét lắm. Với nghề trồng rau, cấy lúa, kiếm được đồng tiền rất vất vả, mãi Văn mới mua cho mình được cái khăn len để quàng cổ. Hồi đó chưa vợ, Văn yêu một cô gái ở phố Hồ (làng Tranh Đông Hồ, quê Hoàng Cầm), hôm chàng đến thì nàng lại khoá cửa, nghe đâu đi vắng vài ngày. Buồn, Văn cởi ngay khăn len buộc vào ổ khoá cửa ấy, kèm theo mấy câu thơ: Ngày mai ngày mai em có trở về/ Chỉ thấy khăn em ơi đừng vội trách/ Anh biền biệt nhưng lòng anh ở lại...
Hồi tôi xa quê, có nghe Văn làm thư ký đề, có thời kỳ còn đi hoang nữa. Lang bạt một hồi lại tu tỉnh. Năm 2001, Văn được Hội VHNT Bắc Ninh cử đi dự Hội nghị nhà văn Trẻ toàn quốc lần thứ VI, được chọn in ba bài thơ trong cuốn Thơ - Sáng Tác Trẻ (trong đó, rất nhiều người chỉ được in một, hai bài thơ). 
Lại nhớ, một hôm tôi đi xe ca vừa xuống đến điếm đê đầu làng Thuỵ Mão thì gặp Văn gánh đôi thùng không từ cánh đồng rau đi lên. Người dân nơi đây thường dậy rất sớm để bắt sâu cho rau và tưới rau. Trời còn sương đêm, những con sâu rau chưa kịp chui xuống đất, dễ bắt. Tưới sớm thì mát, chốc nắng há mồm há miệng. Lúc ấy là tám giờ sáng, Văn đã xong công việc. Bảo Văn ghé vào quán nước ngay trong điếm đê, tôi đãi anh chàng đôi ba chầu nước trắng (rượu) vài điếu thuốc lá cuốn. Hồi đó, bọn chúng tôi thường chỉ có vậy, cũng đã là quý nhau lắm. Văn đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện anh về Hà Nội đến Trường viết văn Nguyễn Du, đăng ký học. Bạn bè thơ đều quí Văn, tôn Văn vào loại ưu, không ngờ khi khảo thí, bảo đọc thơ, Văn lại đọc bài thơ Nhà thơ đói.  Những năm tháng đó không mấy người không khó khăn, làm ruộng, trồng rau vụ được vụ mất, đói cũng là chuyện thường.  Chính hôm ấy, ngồi ở quán nước có cả chủ quán,  Văn đã đọc lại cho tôi nghe bài Nhà thơ đói. Vì quen nhau, tôi không kinh, nhưng đến trường viết văn, mấy ông thầy lạ nghe bài Nhà thơ đói lại trông hình dạng của Văn mét sáu, móng chân vàng, môi thâm nẻ (Văn tự thuật) thì hốt. Nhà trường từ chối.
Cao hứng, Trịnh Văn còn đọc bài Thơ mùa rau: 
... Ơi những con sâu nâu sâu đen
                                    sâu khoang sâu xanh
Những con sâu đổi màu theo sắc lá
Thổi phi lý đến tàn nhẫn vào tôi
                                         bao vụ mùa màng
Ba mươi tuổi đời rỗng, cô đơn
Không có cả em để mà chờ đợi
Tôi làm việc trên đồng, ăn ngủ
                      trên đồng bao năm bao tháng
Nghe bao loài sâu bọ hát ca... 
       Bài Thơ mùa rau, nhiều người thích. Chúng tôi đã chọn đưa vào giải. Sau, bài này đã được in trong mấy tuyển thơ của tỉnh.            
Lại nói về Phạm Mạnh Tuân, qua Email, anh tâm sự: 
Ngày học cấp 3 Thuận Thành, tôi học lớp A còn Trịnh Văn học lớp C. Văn sáng tác cả thơ, truyện; còn tôi hay nhận xét phê bình. Tôi thích đọc nhưng viết kém có hương thiên về các môn hoc tự nhiên hơn.  Văn lạc lõng trong trường cấp 3 Thuận Thành vì trông rất kỳ về hình dạng và không giao tiếp với ai. Tôi chơi với Văn và rất ngạc nhiên khi thấy Văn suy nghĩ rất sâu sắc khác hẳn vỏ ngoài. Nhà tôi và nhà Văn đều rất nhiều sách, cả 2 đều ham đọc.
Chúng tôi trao đổi và dùng chung tủ sách.  Tôi rất thích xuống nhà Văn để được ngồi võng và nghe Bố của Văn nói chuyện. Ông cụ bị mù nhưng rất giỏi chữ Nho và tử vi. Hết phổ thông, tôi học Dược còn Văn vào Sư Phạm. Văn bị đuổi khỏi trường Đại học sư phạm vì bài thơ Văn viết có tên là " Dạo khắp Hồ Gươm", được một nhóm sinh viên mang phổ nhạc. Nội dung bài bị quy là phạm chính trị. Thời gian đó, Văn về quê đóng gạch thuê, rồi trồng rau bán. Không nhớ khoảng năm chín mấy, Văn tìm lên nhà tôi ở tập thể công ty Dược - Bắc Ninh, trông Văn rất tiều tụy. Tôi giữ Văn ở lại, khoảng một năm Văn ở nhà tôi cùng chia sẻ suy tư dự định và viết. Đến thời kỳ, tôi nghỉ việc ở công ty Dược. Sợ đeo gánh nặng cho tôi, Văn bỏ đi.
Có thời gian, tôi nghe tin, Văn làm chủ đề... Bẵng đi một thời gian, Văn quay lại và đưa tôi 3 trang viết tay bản thảo truyện ngắn Tìm lời cho một bức tranh. Văn nói đây là truyện viết về chợ lao động trên đường Giảng Võ (Hà Nội). Văn nhờ tôi đọc và nhận xét. Tôi khen truyện ngắn đó hay. Văn gửi bản thảo lại và nói tặng tôi. Năm 1994 - 1995, Hội VHNT Hà Bắc có mở cuộc thi viết, quy chế thi là mỗi tác giả chỉ được dự thi một thứ, đã thơ thì thôi truyện. Văn dự thi cả hai loại thể. Chùm thơ, đề tác giả Trịnh Văn. Truyện ngắn Tìm lời cho một bức tranh, chẳng hỏi gì tôi, Trịnh Văn mượn ngay tên tôi. Bất ngờ tôi nhận được giấy báo nhận giải, ghi tên tôi: Phạm Mạnh Tuân. Vì không phải tác giả, tôi không lên nhận giải. Ngày ấy, cả hai đều không có điện thoại cũng không biết Văn ở đâu mà tìm.
Mấy tháng sau, Văn về gặp tôi cho tôi biết, Văn cũng có giải với chùm thơ: Đôi măt người quan họ, Thơ mùa rau... Tôi bảo Văn cải chính, lên Hội VHNT tỉnh khai thật đi. Nhưng Văn nói vì quy chế cuộc thi, cứ để thế thôi. Sau chuyện ấy tôi và Văn ở cùng nhau một thời gian nữa, tôi học sửa vô tuyến và hay đi Cửa Lò lấy hàng. Đó là thời gian, Văn bị trường Nguyễn Du gạt ra ngoài danh sách, vì bài thơ Nhà thơ đói. Mỗi lần gặp nhau, tôi thường nhớ điều mà bố Văn một lần nói với chúng tôi: Cả hai đứa, Văn và tôi, sẽ lận đận đển lúc chết. Văn chẳng bao giờ vào được trường đại học nào đâu và Văn không qua nổi... tuổi 43. Lúc trẻ, tôi không tin, nhưng sau này, tôi thấy đúng quá. Văn sinh năm 1962, đã mất năm 2005!
Anh ơi, tôi trân trọng Văn và những trang viết - gia tài của bạn. Gần đây, tôi càng hay nhớ tới Văn. Biết anh trước đây công tác tại Hội VHNT Hà Bắc, nhờ anh sưu tầm giúp truyện Tìm lời cho một bức tranh. Đó là đứa con tinh thần của Văn. Những trang viết ấy có thể nó chưa đủ tầm cao nhưng là lao động nghiêm túc và đam mê của một cuộc đời. Tôi xin gửi anh ảnh chụp Giấy chứng nhận được giải, để anh coi. Nhân đây nhờ anh, xem có cách nào công bố giúp: Truyện ngắn Tìm lời cho một bức tranh, tác giả là Trịnh Văn, chứ không phải Phạm Mạnh Tuân như Giấy chứng nhận ghi,  để tâm hồn tôi được thanh thản và bạn tôi - Trịnh Văn hẳn cũng thêm vui nơi chín suối…”. 
Đọc thư của Phạm Mạnh Tuân tôi rất xúc động. Tôi đã dành cả một buổi lục tìm mấy số tạp chí Văn nghệ của tỉnh thời ấy, lại nhờ anh Đặng Tiến Huy - người đã đóng tạp chí Văn nghệ của tỉnh thành từng tập theo mỗi năm, tìm giúp. Chưa tìm được truyện Tìm lời cho một bức tranh (được giải khuyến khích, có thể không được in?).  Song, chúng tôi đều tìm thấy tạp chí số Bốn năm 1995. Trong tạp chí ấy, có bài công bố Kết quả cuộc thi sáng tác VHNT Hà Bắc 1994 - 1995. Về thơ, các tác giả được giải: Nguyễn Anh Thuấn, Trịnh Kim Hiền, Đỗ Vinh, Trịnh Văn… Về Văn, các tác giả được giải: Nguyễn Đình Tùng, Vũ Kim Loan, Nguyễn Bản, Nguyễn Tố Quyên, Phạm Mạnh Tuân …  Trong số tạp chí này, nhà thơ Trần Anh Trang - Trưởng ban sơ khảo, Phó Chủ tịch Hội đồng chung khảo có bài đánh giá chung. Nhà thơ Vũ Cao - Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, chung khảo thơ, có bài: Về sự giản dị trong thơ. Về bài thơ “Đôi mắt người quan họ” của Trịnh Văn, Vũ Cao có dẫn một đoạn, cho là lời hay ý đẹp: 
Em là em, em là câu quan họ
Khúc ru tôi, em cũng hát cho mình
Tôi vỡ vào trong em
Tôi oà vào câu hát
Quan họ về dội thác xuống lòng nhau.                                                       
Trong bài Đọc truyện ngắn Hà Bắc. Nhà văn Xuân Thiều - Phó Trưởng ban tổ chức sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, chung khảo truyện ngắn, nhận xét về truyện ngắn Tìm lời cho một bức tranh của Phạm Mạnh Tuân (thực ra là của Trịnh Văn): “Đây là một truyện ngắn mini, một thể loại truyện ngắn đang được khuyến khích. Truyện thì ngắn nhưng mang tầm suy nghĩ không ngắn, không hời hợt. Đọc xong truyện này, tôi giật mình. Trước mặt tôi hiện ra bức tranh đầy ám ảnh như tôi đang từng đọc một truyện tương tự của GôGôn - nhà văn Nga. Bức tranh Phạm Mạnh Tuân vẽ, nhân vật “tôi” trong truyện đang đứng tựa lưng vào gốc cây cổ thụ, trong hoàng hôn cháy rực, giữa dòng người sang trọng náo nhiệt: gương mặt tôi nhô ra phía trước trông như một bàn tay để ngửa, đầy bất lực, dày vò…
Đấy là toàn bộ hình ảnh một anh bộ đội sau chiến tranh, do đời sống túng quẫn, từ nông thôn ra thành phố nhập vào chợ lao động, sức khoẻ yếu vì sốt rét mà không ai thuê mướn. Bức tranh là lời kêu gọi khẩn thiết và nghiêm trang về sự đảm bảo công bằng xã hội, về chính sách đối với người lính từ chiến trường trở về. Truyện còn có vẻ đẹp khác về tấm lòng người nghệ sĩ”.  
Tuy chưa tìm được truyện ngắn Tìm lời cho một bức tranh, nhưng cũng đã rõ cốt truyện, ý tưởng.  
Mấy hôm liền, tôi cứ nghĩ mãi về chuyện Phạm Mạnh Tuân trả lại tác phẩm cho Trịnh Văn. Trịnh Văn đã tặng, Nay, Trịnh Văn đã khuất. Không ai đòi. Thậm chí là hầu như không ai biết. Một truyện ngắn được một cái giải văn chương nho nhỏ của tỉnh, có mấy người bàn đâu. Trình độ Phạm Mạnh Tuân có thể có giải chứ... Mới biết Phạm Mạnh Tuân trong sáng, minh bạch, cái gì của bạn là trả cho bạn, khác hẳn với mấy kẻ chỉ biết vơ vào mình, đạo văn, trôm trỉa, cầu danh cầu lợi một cách đê tiện...   
Mới đây thôi, LT, Tạp chí Văn nghệ Nậm Nung (Đắc Nông) đạo văn của người khác, lĩnh nhuận bút tơi tới. Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang) có bài thơ Nỗi buồn đập cánh in trên Văn nghệ TP HCM, không lâu sau, QD cũng có bài thơ Nỗi buồn đập cánh in trên Văn nghệ QĐ. Quang Chuyền kêu, bài thơ Gần và xa của NHT in trên Văn nghệ TP HCM tháng 12- 2011 có đoạn đầu “giống hệt” đoạn đầu bài thơ Khoảng khuất của mình, đã in từ mười năm trước. Phan Nhật Chiêu than phiền vì trong 9 bài thơ Haiku của Basho ghi tên N.T.N dịch, in trên KTNN (482) thì tám bài do chính ông - Nhật Chiêu dịch.
Có những thợ đạo mà báo chí đã chỉ mặt, nêu tên là các bậc danh giá trong làng chữ nghĩa. Nào là PGS.TS. TNT (đạo của GS Trần Quốc Vượng), TS. HXL (đạo của TS Trần Hữu Sơn), TS. TND (đạo của PGS.TS Vũ Tuấn Anh), PGS.TS NCB (đạo của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh), nhà văn VNT (đạo của PGS.TS Trần Ngọc Vương), TS. CTTT và Thạc sĩ TTA (đạo của PGS.TS Trần Ngọc Thêm). Lại các báo Đất Việt, Pháp luật Việt Nam đăng tải các bài về việc bà PTH đạo của TS Nguyễn Xuân Diện....  Tống thống Pal Schmitt (Bungari) vì tội đạo văn mà bị trường đại học Semmelweis, Budapest tước bằng tiến sĩ. Ông đã từ chức Tổng thống…   
Tình bạn giữa Phạm Mạnh Tuân và Trịnh Văn thật đẹp. Thương nhớ Trịnh Văn, tài hoa mệnh yểu. Chưa gặp Phạm Mạnh Tuân, nhưng qua việc anh từng cưu mang bạn, nay lại trả Tìm lời cho một bức tranh, có thể khẳng định, anh là một bạn tốt, một con người tử tế và cao thượng…
DUY PHI

No comments:

Post a Comment