Thực ra hai cách hiểu trên xét đến cùng lại là một, vì nhân học (con người) cũng là cái đẹp. Trên thế gian này có cái gì đẹp hơn con người đâu. Ngay từ ngàn xưa người Việt ta đã nói: Người ta là hoa đất.
Phải chăng lý luận văn học hiện đại
là sự chiết trung của hai cách hiểu trên nên mới đưa ra định nghĩa: Văn học là
một hình thái phản ánh thẩm mỹ, có nghĩa là phản ánh theo quy luật của cái đẹp.
Phản ánh thẩm mỹ là phản ánh trong tình cảm thẩm mỹ. Tình cảm thẩm mỹ luôn tìm
đến cái biểu hiện tương ứng là một hình thức đẹp. Ví dụ, với tấm lòng trân
trọng quý mến con người mà khi miêu tả cô Kiều tắm, nhà nhân đạo Nguyễn Du có
câu: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dầy dầy đúc sẵn một tòa thiên nhiên”. Có
lẽ đây là bức tranh “nuy” toàn thân xuất hiện đầu tiên trong văn học xứ ta
nhưng đọc lên ai cũng thấy một tình cảm thiêng liêng đáng quý về con người, là
“nuy” mà không hề gợi dục tầm thường. Ấy là nhờ cụ Nguyễn có những so sánh thật
đắt: trong ngọc trắng ngà. Ngọc ngà đều là những thứ đẹp và quý hiếm. Dân gian
có so sánh: Cổ tay em trắng như ngà… Nhất là ẩn dụ “một tòa thiên nhiên”
được dùng theo lối ước lệ, cho thấy cô Kiều được ca ngợi sánh ngang với vẻ đẹp
diệu kỳ của thiên nhiên tạo hóa, nói khác đi người phụ nữ được Nguyễn Du tôn
quý như tầm vóc lớn lao vĩ đại của vũ trụ.
Cũng là tả phụ nữ mà con cháu thời
nay của Cụ không thể tả như xưa đã đành, nhưng cái không bằng Cụ rõ nhất là
chẳng có gì là trân trọng quý mến đối tượng miêu tả. Hãy xem một nhà thơ trẻ
tả: “Ăn trái vú em săn chắc thõng vào mặt như hai quả chuông” (N.H.H.M).
Cùng đối tượng, bà Hồ Xuân Hương xưa tả thật tinh tế: “Đôi gò bồng đảo hương
còn ngậm”, còn trong câu thơ thời nay thì thô quá, còn gì là yêu quý nữa
khi so sánh “đôi gò bồng đảo” tuyệt vời kia là “hai quả chuông” thõng vào mặt.
Đọc thơ mà nghe như mấy bác xe ôm vắt chân tán gẫu chờ khách. Thực ra, loại ấy
không thể gọi là thơ, vì không hề có tính thẩm mỹ. Đấy không phải là văn học.
Gần đây, trong một số người cặm cụi
làm thơ và hì hục viết tiểu thuyết xứ ta lấy cảnh khêu gợi làm tình và những
hình ảnh rất tục đưa vào trang sách. Người ta “lý luận” rằng: "Văn học là
cuộc đời, cuộc đời có gì thì văn học có nấy, có cả cái thiêng liêng của tình
yêu và cái tục tằn của cuộc sống". Đấy là ngụy biện. Cái sai ở chỗ này: Họ
cố tình đồng nhất tình cảm tự nhiên và tình cảm thẩm mỹ. Một nhà mỹ học người
Mỹ-ông Susanne Langer phân biệt tình cảm của một đứa trẻ gào khóc mạnh hơn
nhiều tình cảm cá nhân phát ra của một nhạc sĩ, nhưng tình cảm của đứa trẻ là
tình cảm tự nhiên còn tình cảm của nhạc sĩ là tình cảm thẩm mỹ, người ta chỉ
nghe âm thanh của tình cảm thẩm mỹ chứ chả ai bỏ tiền ra để nghe đứa trẻ khóc.
Có nghĩa là tình cảm thẩm mỹ được hình thành trên cơ sở thanh lọc, thăng hoa từ
những trải nghiệm cá nhân nâng lên thành tình cảm chung phổ quát của loài
người.
Chuyện làm tình và cái tục vẫn có
thể là chất liệu của văn học, miễn nó là phương tiện để nhà văn khái quát một
vấn đề nào đó của cuộc sống. Truyện tiếu lâm dân gian bất kỳ nước nào cũng có
nhưng đó chỉ là những cái cớ để khái quát về một nét tính cách đáng lên án,
đáng cười cợt như dốt nát, bậy bạ, dâm đãng, học đòi làm sang…
Một cuốn sách chỉ thích thú với
chuyện làm tình và tục tĩu… người ta xếp vào chủ nghĩa tự nhiên vốn đã có trong
văn học Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Chủ nghĩa này lại chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa
thực chứng của Ô. Côngtơ vốn là một thứ triết học phủ nhận bản chất và nguồn
gốc của sự vật chỉ chăm chú với việc trình bày cái thế nào (le comment) mà bỏ
qua cái tại sao (le pourquoi). Chính vì thế mà nhân vật trung tâm của chủ nghĩa
tự nhiên là con vật - người (bête – humaine) bị chi phối bởi các hoạt động sinh
lý. Với những hạn chế, nhất là coi thường, hạ thấp con người mà chủ nghĩa này
đã vĩnh viễn bị phủ nhận và đi vào lịch sử văn học thế giới với tư cách là
những gì lạc hậu, lỗi thời, đen tối.
Thế mà, không hiểu sao ở nước Việt
văn minh ta hôm nay, cái đáng quên, đáng bỏ từ lâu ở xứ người lại có cơ sống
lại trong những trang sách gọi là văn học kia?
Nguyên Thanh
No comments:
Post a Comment