.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, April 23, 2012

NẠN “DỊCH LOẠN”: ĐỘC GIẢ CHỈ CÓ THỂ MUA NHẦM MỘT LẦN…

 
TTCT - LTS: Sau các bài báo liên quan đến nạn “dịch loạn” trên TTCT (xem hai số TTCT ra các ngày 8 và 15-4-2012), nhiều độc giả bày tỏ quan tâm trước tình hình chất lượng sách dịch hiện nay. TTCT đã có cuộc trò chuyện với dịch giả - nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng - đại diện biên tập mảng sách dịch của Nhã Nam.

Trần Tiễn Cao Đăng, sinh năm 1965, gốc Huế nhưng sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, tốt nghiệp khoa ngữ văn Nga ĐH Tổng hợp TP.HCM năm 1990. Ông là một trong hai người sáng lập trang eVăn trước đây. Trần Tiễn Cao Đăng là dịch giả của các tác phẩm Từ điển Khazar (Milorad Pavic), Biên niên ký chim vặn dây cót (Haruki Murakami - giải văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội 2007), một số tác phẩm trong bộ Nhập môn triết học của Nhà xuất bản Trẻ, Súng, vi trùng và thép (Jared Diamond), Thế giới như tôi thấy (Albert Einstein), Xứ cát (Frank Herbert)...
* Thời gian qua, một trang web văn chương trên mạng phát hiện quá nhiều lỗi dịch thuật trong tác phẩm Bản đồ và vùng đất (*) khiến Nhã Nam phải tạm ngưng phát hành. Hiện nay, ngoại trừ tuyên bố sẽ lập hội đồng thẩm định lại cuốn sách, Nhã Nam còn có động thái gì khác không?

- Chúng tôi luôn làm việc trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với mọi sai sót của mình. Tình trạng đáng thất vọng của cuốn Bản đồ và vùng đất là điều hiển nhiên, và hội đồng thẩm định của chúng tôi đang làm việc cật lực để có thể đưa ra kết luận sơ bộ chính thức trong thời gian sớm nhất có thể. Sau đó dựa trên kết luận sơ bộ này, chúng tôi sẽ hiệu chỉnh bản dịch, in lại bản đã hiệu chỉnh trong thời gian sớm nhất có thể. Khi đã có bản hiệu chỉnh, bất cứ độc giả nào đã mua bản đầu tiên đều có thể đến để đổi lấy bản mới.

Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm để một cuốn sách tuyệt không có lỗi nào hết là cực kỳ khó. Mặt khác, nhiều khi một số điểm trong ngữ nghĩa của sách còn có thể tranh cãi nhiều năm. Vấn đề là mức độ lỗi còn sót lại hiện tại có phải mức thông thường, có thể tạm chấp nhận bằng một tờ đính chính đi kèm cuốn sách như xuất bản cách đây vài chục năm người ta vẫn làm, hoặc lỗi đủ ít để nhà xuất bản có cơ hội sửa chữa trong lần in tái bản. Chỉ những cuốn có quá nhiều lỗi, lỗi quá nặng mới bị thu hồi, bồi hoàn.

Văn học lớn không có quá nhiều độc giả

* Từng lên tiếng về việc có những cuốn sách là thảm họa dịch thuật, ông có nghĩ sự thất vọng của độc giả hiện tại khi hàng loạt cuốn sách "nghe nói" là những tác phẩm văn học lớn lại rất khó đọc khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, sẽ là nguyên nhân khiến thói quen đọc sách của người Việt vừa được khơi dậy có nguy cơ chìm xuống không?

- Văn học lớn khó đọc có thể do bản thân nguyên tác khó đọc. Tuy nhiên, khi nào tác phẩm văn học lớn đến với người đọc Việt qua tay một dịch giả cừ khôi, đơn cử như Lolita với Dương Tường, chắc chắn không có lý do gì nó lại không được sự hưởng ứng của một bộ phận người đọc. Hơn nữa, nếu tình yêu văn chương ở bạn là một tình yêu đích thực, sâu sắc, nó sẽ là một tình yêu bền bỉ, không dễ gì bị thui chột chỉ vì một vài cuốn sách khó đọc và/hoặc được dịch không tốt. Ngoài ra, tôi không cho rằng văn học lớn lại có quá nhiều độc giả. Nếu không thì sao giới xuất bản và dịch thuật luôn phải bằng lòng với số phát hành nói chung vẫn giậm chân tại chỗ bao năm nay chỉ từ 1.000-2.000 bản với mỗi tác phẩm. Ở nước ngoài cũng vậy, độc giả của văn học lớn luôn luôn chỉ là một con số nhỏ so với độc giả sách thị trường, cho dù về tổng thể thì quy mô thị trường sách lớn hơn ta nhiều lần.

* Dịch sách không đơn thuần là chuyển ngữ chính xác mà còn phải đảm bảo được tính thẩm mỹ của văn học trong tác phẩm nguyên bản, nhưng gần đây nhiều cuốn sách dịch ở Việt Nam rất ngô nghê về thẩm mỹ văn học (chưa bàn đến sự đúng sai của dịch thuật). Ðã có nhận xét cho rằng các công ty sách bây giờ sử dụng các nhóm dịch thuật chuyển ngữ rồi dùng một cái tên lớn nào đó ngó xuống sửa chữa và ghi tên là người dịch để "lừa" độc giả. Anh nghĩ sao về nhận xét này?

- Về các công ty khác tôi sẽ không lạm bàn. Riêng ở Nhã Nam, chúng tôi không bao giờ cho phép điều đó xảy ra.

* Có quan niệm dịch ẩu cũng không sao, miễn là nhanh để kịp đưa tác phẩm đang "hot" đến với độc giả khát sách rồi sau này dịch lại cũng chưa muộn...

- Đó chưa bao giờ là lựa chọn của chúng tôi. Đây là vấn đề danh dự và lòng tự trọng. Danh dự và tự trọng của chúng tôi cao hơn bất cứ đồng tiền dễ dàng có nào. Nếu thảng hoặc có một số sản phẩm của chúng tôi bị nhiều sai sót, đó là lỗi ngoài ý muốn của chúng tôi và chúng tôi luôn cố hết sức để sửa chữa sai lầm của mình và không lặp lại sai lầm. Tôi tin chắc, như nhà kinh doanh nào đó đã nói, rằng một tổ chức mạnh không phải là một tổ chức không bao giờ sai lầm, mà là một tổ chức có khả năng nhìn nhận và vượt qua sai lầm của mình.


* Nếu chỉ theo đuổi việc dịch sách đơn thuần thì dường như nhuận bút của công việc này không đủ nuôi sống một người dịch sách chân chính. Ðó có phải là lý do khiến thời gian lẽ ra cần có để dành cho một tác phẩm dịch (từ một đến hai năm) sẽ chỉ là một đến hai tháng nên không thể chờ đợi được một tác phẩm dịch hay, nghiêm túc và chính xác?

- Tôi nghĩ ai cũng hiểu nếu thấy việc có tiền nhanh là mục tiêu hàng đầu, không ai lại đi dịch sách văn học, nhất là sách văn học khó. Một số dịch giả giỏi đã và đang cống hiến vốn văn hóa, trí tuệ của họ cho xã hội. Tuy nhiên, nếu những tác phẩm có giá trị mà được không chỉ 1.000 hay 2.000 người tìm đọc như thực trạng hiện nay mà nhiều hơn, chắc hẳn chúng ta sẽ có nhiều dịch giả giỏi hơn thay vì một nhóm thiểu số đáng quý đó.

* Theo ông, đội ngũ dịch thuật ở Việt Nam đã được đãi ngộ xứng đáng để họ theo đuổi nghề này hay chưa?

- Dịch thuật không phải là nghề đủ cho ta có thể sống tốt. Điều đó đúng không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài, ở ngay các nước phát triển. Theo nguồn tôi biết, chính các dịch giả chuyên nghiệp ở Mỹ, châu Âu thường xuyên kêu gọi giới xuất bản hãy trả cho công sức của họ một cách xứng đáng hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam khi thấy nhuận bút dịch văn học, kể cả văn học cao cấp, chỉ là vài chục ngàn đồng/trang, ta phải cùng nhau nhìn rõ nguyên nhân đến từ đâu: từ nhà xuất bản hay từ thị trường đọc còn nhỏ bé.

* Vậy để có thể có được những tác phẩm văn học chuyển ngữ tốt thì cần có những yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa ra sao?

- Cá nhân dịch giả cần hiểu sâu sắc tác giả, thẩm thấu được phong cách của ông ta. Dịch giả cần có đủ tài năng về tiếng mẹ đẻ để chuyển hóa những gì độc đáo của tác giả sang một hình thức tương đương, giữ được thế đứng thăng bằng của người chuyển ngữ vừa trung thành vừa sáng tạo.
Còn nói rộng ra, văn học dịch cũng cần những quãng dài phát triển bền vững mới mong có nhiều thành quả đáng kể. Tôi nghĩ rằng ở thị trường đọc Việt Nam chúng ta, văn học dịch đã khá sôi động trong 5-7 năm gần đây, số lượng lớn nhưng chất lượng còn nhiều bất cập, cũng có nghĩa còn quá nhiều việc để các nhà xuất bản, các dịch giả phải làm để hoàn thiện bản thân.

* Làm cách nào từ phía độc giả, từ phía người làm sách chân chính và thậm chí từ phía luật pháp để ngăn chặn những thảm họa dịch thuật, thưa ông?

- Độc giả thì rõ rồi, họ có thể mua nhầm một lần chứ không thể nhiều lần. Họ sẽ tẩy chay những nhà xuất bản chuyên làm ẩu, tẩy chay những dịch giả không làm họ sung sướng với sự đọc. Cái này là sự gạn lọc tự nhiên. Còn Nhà nước hiện nay nếu muốn chung tay vào để tạo cho xã hội những lớp dịch giả ưu tú, những sản phẩm văn hóa chất lượng cao, cũng nên có những quỹ của chính Nhà nước dành cho các tác phẩm nghiêm túc. Các nhà xuất bản muốn giành được hỗ trợ từ quỹ sẽ phải chứng minh được năng lực của mình một cách sòng phẳng, minh bạch. Ngoài ra, Chính phủ không thể để nạn sách giả hoành hành đến như thế. Nhà xuất bản không có tiền để trả thêm cho các dịch giả của mình vì ít nhất 1/3 thị trường sách bán chạy hiện nay thuộc về giới "luộc" sách.

* Cảm ơn ông.

Sẽ đổi lại bản đồ và vùng đất

* Với những cuốn sách đầy lỗi dịch thuật, nhiều cuốn khi tái bản chính các nhà xuất bản cũng phải thừa nhận có sửa chữa nhiều..., vậy xin đặt ra giả định độc giả muốn được trả lại tiền cho những cuốn sách đã được thừa nhận là dịch sai nhiều lỗi, như Bản đồ và vùng đất, theo anh, nên xử sự ra sao?

- Sản phẩm có lỗi phải được thay thế bằng sản phẩm sửa lỗi. Ðộc giả mua sách lỗi phải được đổi lấy sách đã hiệu chỉnh. Còn nếu có những độc giả đã mua sản phẩm lỗi mà không muốn chờ đợi bản làm lại, không muốn đổi nữa thì nhà xuất bản, nhà sản xuất có thể cân nhắc bồi hoàn tiền cho họ qua hệ thống phân phối một cách phù hợp. Ðó là cách ứng xử tiêu chuẩn trên thế giới và tôi nghĩ rằng như vậy là đúng.

CÁT KHUÊ thực hiện
__________
(*): Bản đồ và vùng đất, tác giả Michel Houellebecq, Cao Việt Dũng chuyển ngữ, NXB Văn Học liên kết với Nhã Nam phát hành, 2012.


No comments:

Post a Comment