.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, April 20, 2012

ĐOÀN ÁNH DƯƠNG: ĐỖ PHẤN GIỮA CHÚNG TA

Đỗ Phấn viết về những gì? Cuốn hút người ta ở đâu? Câu chuyện của Đỗ Phấn thật ra chẳng mấy rõ ràng. Sức cuốn hút hình như cũng không nằm ở tình tiết, cốt truyện, kết cấu, thậm chí cả văn phong. Vậy mà chuyện của Đỗ Phấn vẫn thành truyện, văn của Đỗ Phấn vẫn lôi cuốn.

Làm sao người ta có thể viết văn như uống trà, uống cà phê? Và người đọc văn có niềm vui được chung hưởng cảm giác ấy? Có thể có được sự viết hay sự đọc, giống như thú ẩm thủy kia, không dành nhiều sự chú trọng cho thức uống mà chủ yếu chi chút cho hành động thưởng ngoạn? Bởi sự thực thì, không dễ gì để sáng tạo được cái đẹp đến độ toàn vẹn. Sự vẹn toàn hầu như luôn là không tưởng và bất khả, nó tồn tại trong mơ ước và chỉ đủ để nuôi dưỡng ước mơ. Sự thiếu vắng của nó mở đường cho hành động được trọng vọng. Nó khai sinh ra các con đường để rồi người ta chỉ biết đến tiềm lực của những con đường ấy. Con đường thay thế cho đích đến như cách thức thưởng ngoạn thay thế cho cái làm nảy sinh sự thưởng ngoạn. Uống trà, theo đó, là niềm vui được hướng ra ngoại giới, được nắm bắt không gian mà cuộc sống đang triển diễn, và nếu không phải độc ẩm, còn là niềm vui được hạnh ngộ với người đối ẩm, đem xúc cảm của họ mà vận vào cho ta. Cà phê, ngược lại, đem đến niềm sảng khoái vị kỷ thanh tao, người uống cà phê chỉ soi vào thế giới tinh thần của mình mà hàm dưỡng cho sức sáng tạo. Một nghệ thuật không gian đi cùng với một nghệ thuật thời gian, trong cùng một cách thức thụ hưởng, nhưng không lai tạp cũng không biện biệt.
Một thế giới như thế trong lĩnh vực nghệ thuật văn chương, có thể được xem như là một nét rất riêng của Đỗ Phấn. Và vì thế, sự độc đáo mang tên Đỗ Phấn.
Văn chương Đỗ Phấn không truy cầu phẩm tính văn chương. Đúng hơn, không lâm mô điển phạm và cũng không nhằm tạo lập điển phạm, tức những cái có thể mang ra làm dẫn chứng cho câu trả lời của câu hỏi muôn đời: văn chương là gì? Sáng tác của Đỗ Phấn không nhằm bày ra cho người đọc cấu trúc ngôn từ nghệ thuật, cũng không tham vọng cao đàm khoát luận về giá trị, tư tưởng, tự do, chân lý. Nó chỉ bày ra một sự thụ cảm cuộc sống một cách có nghệ thuật. Cái nhìn như thế có thể coi là cách thế sống với nghệ thuật, và vì vậy, cũng là với cuộc đời. Tiểu thuyết Rừng người là một biểu hiện của cách thế ấy. Tiếp nối nguồn mạch từ trong tiểu thuyết Vắng mặt (Bách Việt và Nxb. Hội Nhà văn, 2010), và trước đó nữa, từ hai tập truyện ngắn Kiến đi đằng kiến (Nxb. Phụ nữ, 2009), Đêm tiền sử (Nxb. Hội Nhà văn, 2010).
Đỗ Phấn đến với văn chương khá muộn màng. Như một thú vui hay một phản ứng với cái chật chội của đời sống đô thị Việt Nam? Cũng có thể là sự đổi món sau hành trình hội họa dài dặc, nơi ngôn từ với khả năng biến hóa kỳ diệu của nó, bổ trợ đắc lực cho màu sắc, đường nét, hình khối, trong hành trình chinh phục cái quyến rũ khôn cùng của nghệ thuật. Cũng có thể là một bộc phát bởi không gian ngột ngạt của đời sống nghệ thuật đương đại đang bị xã hội thị dân dị mọ bóp nghẹt thêm. Song trước hết, sáng tạo ngôn từ của Đỗ Phấn là một câu chuyện, thậm chí “chuyện vãn”, nói cho vui, cho qua ngày hết buổi, như cách đặt tên tập tản văn đầu tiên đưa Đỗ Phấn nhập làng chữ nghĩa: Chuyện vãn trước gương (Nxb. Hội Nhà văn, 2005). Nói chuyện trước gương là nói chuyện với bóng, mình nói mình nghe, thấy yêu mến thì thổ lộ, thấy bất bình thì lên tiếng, thấy thuyết phục thì hùng biện…
Rồi lặng im chiêm nghiệm.
Chính ở chỗ này, sở trường của Đỗ Phấn được phát huy. Đỗ Phấn giàu có hơn các nhà văn khác ở mẫn cảm nghệ thuật mà hội họa đã trao tặng. Có mẫn cảm ấy, văn Đỗ Phấn như cánh diều gặp được gió lớn để thăng hoa các xúc cảm nghệ thuật. Một Đỗ Phấn tươi trẻ bên cạnh một Đỗ Phấn trầm nghị, do chính sự nếm trải cuộc sống, nơi mà tuổi đời xác định được rõ nhất thế mạnh của nó. Có trải nghiệm, văn Đỗ Phấn sắc sảo đến chao chát trong việc lột hiện đời sống thị dân bát nháo. Tìm cái đẹp trong sự bát nháo ấy và cái đẹp của sự bát nháo ấy là hai biểu hiện rõ rệt nhất của bút lực Đỗ Phấn.
Đỗ Phấn viết về những gì? Cuốn hút người ta ở đâu? Câu chuyện của Đỗ Phấn thật ra chẳng mấy rõ ràng. Sức cuốn hút hình như cũng không nằm ở tình tiết, cốt truyện, kết cấu, thậm chí cả văn phong. Vậy mà chuyện của Đỗ Phấn vẫn thành truyện, văn của Đỗ Phấn vẫn lôi cuốn. Tôi nghĩ, nguyên căn nằm ở tinh thần của tác phẩm, ở cái nhìn nghệ thuật của tác giả. Nó dễ dàng cho người đọc chia sẻ hay phản bác, nhưng trước nhất là sự suy nghĩ. Đúng hơn, không thể không suy nghĩ bởi văn Đỗ Phấn, rút gọn lại, tối giản nhất, là rượu và đàn bà. Quá quen thuộc rồi còn gì?! Nhưng nếu quy hồi nó về nguyên trạng ban đầu, ở sự phức tạp chưa được tỉnh lược ấy, như rượu là ẩm thực và như đàn bà là tình yêu chẳng hạn, câu chuyện của Đỗ Phấn khiến ta phải suy nghĩ thực sự về cái đời sống đang bao bọc ta, đời sống của chính ta.
Nhân vật chính trong sáng tác của Đỗ Phấn là một thái độ văn hóa, nó biến hình trong hàng loạt kiểu thị dân ở đủ kiểu ngành nghề. Nên cũng có thể nói đó là một thái độ thị dân. Trong văn học Việt Nam đương đại, có hai tác giả chuyên chú về điều này, là Nguyễn Việt Hà và Đỗ Phấn, đều từ các lĩnh vực khác muộn mằn đến với văn chương, mỗi người mỗi kiểu, mỗi cách và đều rất độc đáo. Ở Nguyễn Việt Hà, nó đọng ở cấu trúc nghệ thuật ngôn từ và ở Đỗ Phấn, nó lửng lơ ở ngoài cái cấu trúc ngôn từ nghệ thuật ấy. Cái giống nhau, có chăng, cũng là một thói thường thị dân, ở sự quan tâm đến thưởng ngoạn, lại là đàn bà và rượu, trong một cái tên tập của Nguyễn Việt Hà: Đàn bà uống rượu (Nxb. Văn học, 2009). Tinh thần chung của văn Đỗ Phấn, nói như cách gợi liên tưởng ở trước, là cái phòng trà hơn cái chất trà, khoảng lặng giữa các giọt cà phê hơn vị cà phê vậy.
Đỗ Phấn hay viết về đàn bà, trong tình yêu nhục cảm. Đàn bà trong văn Đỗ Phấn đều hết sức chủ động. Họ mạnh mẽ trong cuộc sống, cuồng nhiệt trong tình yêu. Họ yêu những thái độ trí thức nhưng lại dựa dẫm vào lối sống trưởng giả. Họ tham lam nhận về cho mình cả vật chất và tinh thần, bởi họ tin tưởng mình đẹp, đáng được tin yêu. Và quả thật, đàn bà trong văn Đỗ Phấn cũng chỉ là đàn bà đẹp. Họ có khả năng cứu chuộc nhưng cũng mang mầm hủy hoại. Cái nhận định chua chát của Đỗ Phấn: họ đáng để yêu nhưng không (đáng) để làm vợ không biết do lỗi nghiêng về phía nào nhiều hơn, đàn bà hay đàn ông trong những cuộc tình dai dẳng hay thoáng chốc ấy. Hay đơn giản, cái công nghệ tình dục thị dân đương đại mới là cái mà Đỗ Phấn lấy làm chua chát. Đàn ông trong văn Đỗ Phấn, vì vậy, nhất là ở những thái độ trí thức thị dân, mà không hiểu sao những trí thức thị dân như thế lại thường là nghèo, rất khó khăn trong hưởng thụ tình ái với những người đàn bà ấy, dù họ luôn là những người được (đàn bà) lựa chọn, hay (bạn bè giàu có) cho biếu. Trong những mối quan hệ như thế, họ thường là người cho đi nhiều hơn là nhận lại, để cuối cùng, luôn rơi vào tình thế bị động trong việc đón nhận hay từ bỏ. Họ luôn là người (bị) cô đơn hay (được) cô đơn theo lẽ sống độc thiện kỳ thân, lánh xa cuộc đời ô trọc. Họ cô độc giữa cuộc đời. Dẫu rằng, với họ, hôn nhân là một đích đến của tình ái, một hạnh phúc vừa rõ rệt nhưng cũng khá xa vời. Bởi ở họ, hình như cái không khí gia đình quan trọng hơn nhiều so với cái gia đình thực sự, nó chi phối hạnh phúc gia đình. Với Đỗ Phấn, bữa cơm gia đình mới là cái quyết định đến hạnh phúc gia đình, chẳng hạn thế.
Cách thức hưởng thụ cuộc sống, như thú uống rượu, là cầu nối giữa hai thế giới, hai phân mảnh tình yêu và ẩm thực trong thế giới nghệ thuật của Đỗ Phấn. Sẽ có người hỏi tại sao chỉ miếng ăn miếng uống thôi mà phải cầu kỳ đến thế? Nhưng với Đỗ Phấn, nó được đẩy lên một cách cực đoan. Hình như nó không chỉ là điều chi phối đến gia đình, nó chi phối mọi mối quan hệ xã hội, nhất là xã hội thị dân, nơi các mối quan hệ người người trở nên thống ngự. Đến với miếng ăn miếng uống đến đâu, anh bộc lộ bản ngã của anh đến đó nên hầu như toàn bộ những nhân vật được Đỗ Phấn chi chút, đều trở nên cao đạo hoặc lạc lõng khởi nguồn từ chính sự thụ hưởng cuộc sống ấy. Cách thức hưởng thụ cuộc sống, theo đó, làm cho người ta có thể “vắng mặt” hay hiện diện giữa “rừng người”!
Chỉ có một điều, và hình như đó cũng không chỉ là sự lưỡng lự của riêng Đỗ Phấn, là cái hấp lực kì lạ của đô thị, của lối sống đô thị hiện đại. Từ Vắng mặt đến Rừng người, nhân vật của Đỗ Phấn luôn lên án tất cả những thói rởm hợm của xã hội thị dân đương đại nhưng lại cũng rất dễ dàng hòa tan vào nó, ngay ở cả chính những cái rởm hợm ấy. Cái tâm trạng vừa yêu vừa ghét là một thực tế. Nhưng không thể không nói rằng không có sự phân vân ở đây. Văn Đỗ Phấn dùng rất nhiều dấu chấm hỏi (?), và trong nhiều trường hợp có cảm giác như dùng sai, vì có thể thay một dấu câu khác có thể thích hợp hơn, hoặc cứ để lại thì cũng không trở thành một câu hỏi tu từ, bởi cố nhiên, ngay từ đầu nó đã không là câu hỏi. Lưỡng lự là một trạng thái phổ quát trong văn Đỗ Phấn, trong thế giới thị dân mà Đỗ Phấn tạo dựng.
Hình như viết văn, đối với Đỗ Phấn, cũng chính là cách thức để Đỗ Phấn đi tìm chính mình trong cuộc đời, để xác tín rằng mình đang được/bị “vắng mặt” trong “rừng người” đô thị đương đại. Tiểu thuyết của Đỗ Phấn, ở cả Vắng mặt Rừng người, vì vậy, không có một cốt truyện mạch lạc, có thể dễ dàng hình dung tay tóm bắt, nó là sự dán ghép của các phiến đoạn tâm lý, đầy ngẫu hứng, bất ngờ trong chính hành trình mà nhân vật nếm trải trạng thái lưỡng lự ấy.
Sẽ rất thú vị nếu đọc văn Đỗ Phấn trong (trí tưởng) những không gian đô thị còn tranh chấp, nơi vừa như muốn níu giữ một điều gì đó còn trong trẻo của xưa kia vừa như đang phải vươn vào đời sống danh lợi tục tằn của hiện tại, một phòng trà mộc mạc hay một góc quán cà phê vắng vẻ, lọt thỏm giữa cái ầm ào của đô thị hiện đại. Và thực ra cũng không cần phải đọc từ đầu, cứ ngẫu nhiên bắt đầu từ một trang nào đấy, để nhâm nhi, nhấm nháp những thụ cảm đời sống giàu tính nghệ thuật của Đỗ Phấn, để bất chợt phải dừng lại, vì một âm thanh nào quá cỡ hay sự ắng lặng bất ngờ, trên cái nền âm âm, đều đều của tiếng phố xá như là tiếng vòi nước chảy vào bể nước lớn, kín miệng, mà nguồn điện thường khi là không ổn định.
Để rồi sau đó, có chăng, khởi sự một hành trình…
Đoàn Ánh Dương

No comments:

Post a Comment