.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, April 20, 2012

ĐINH CÔNG DIỆP – NGƯỜI CHƠI BẢN THẢO

VanVN.Net - Trước năm 1945, nhà văn Lan Khai - Nguyễn Đình Khải (1906-1945), đã ngất ngưởng ngự trên đỉnh non văn chương Tuyên Quang. Thế rồi lặng đi, ba mươi năm sau, mới có lớp nhà văn kế tiếp, trong đó có Đinh Công Diệp. Và, phải ba mươi năm sau nữa, Tuyên Quang mới có lớp lớp những người viết văn như bây giờ, hàng chục người viết truyện ngắn, tiểu thuyết đã và đang thành danh.

Khi nhắc đến tác giả văn chương ở địa phương, người ta liền nghĩ ngay đến nhà văn Đinh Công Diệp. Tuy ông viết không nhiều, nhưng thành danh sớm và nhất là trang viết có văn. Từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, ông đã có truyện ngắn được đăng trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam: Hương bạch đàn, Gió vào cửa bầu, Lùng tù…
Khi còn là học sinh cấp ba trường huyện Hàm Yên, tôi đã nghe các thày, cô giáo kháo nhau về truyện ngắn Hương bạch đàn của nhà văn Đinh Công Diệp là người huyện mình, được đăng trên báo trung ương hẳn hoi. Tuy cùng huyện, rồi lại chuyển về cùng thị xã Tuyên Quang, thế mà hai mươi năm sau, tôi mới gặp ông.
Tôi trêu ông có tính lưỡn phưỡn và hay triết lý vụn. Tỷ như, ông bảo,  dân văn chương là hay rủ rê người và cũng hay bị người rủ rê. Có lần, tôi cùng ông làm một chuyến du hành bằng xe mô-tô, lên cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), sang Yên Bái, tới Hà Khẩu và Sa Pa (Lao Cai), xuôi dốc Cun (Hòa Bình), xuống Hoa Lư và nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), rồi vòng qua Hà Nội, về Tuyên Quang. Trước khi di, phân công cụ thể: tôi thì lái xe, kiêm chân thư ký và bảo vệ đoàn; ông thì lo chỗ ăn chơi và phát ngôn cho đoàn. Khi về nhà ông chú là cán bộ hưu trí, ở tổng An Vệ, ông trỏ vào tôi, ra oai, giới thiệu: “Cậu này là trung tá, lái xe kiêm bảo vệ”. Bà dì thật thà, ca cẩm: “Ông chú nhà anh, cai quản hẳn một cái trị giam Cầu Thủng, thế mà cấm có gác-đờ-co bao giờ”. Bỗng nhiên, ông chú đùng đùng nổi giận: “Tôi thì vả cho bà vỡ mồm bây giờ, bì sao được với nhà văn”. Tôi được chứng kiến tình huống bất ngờ, đùa quá hóa thật, lấy làm kinh hãi vô cùng.
Có chuyện cũng liên quan “pha” này. Đó là một lần, đoàn làm phim của VTV1, nhờ tôi dẫn chương trình cho cảnh quay sinh hoạt gia đình nhà văn Đinh Công Diệp. Ông và cậu con trai là nhà thơ Đinh Công Thủy, tranh luận về thơ hiện đại. Một lúc, cả hai bố con cùng bốc lên, đến nỗi, cô con gái ông, đang công tác ở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vội giật áo tôi, lo lắng nhắc: “Chú can đi, khéo cãi nhau thật đấy”.
Cả gia đình ông đều tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật: ông làm văn, vợ ông là bà Nguyễn Thanh Tình là phóng viên nhiếp ảnh bảo tàng tỉnh, con trai cả làm thơ, con gái thứ sưu tầm văn hóa dân gian, con trai út tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Cậu này, vừa ra trường đã nhận luyện thi cho mười hai học trò, thì có mười em đỗ đại học; trong đó, có hai thủ khoa.
Cái thú của ông là đàm đạo văn chương và uống rượu. Lúc nào ông cũng có thể nhâm nhi chén rượu cho khuây. Có lần, tôi thắc mắc: “Trong ảnh, thấy bác hay mím môi”. Ông bỗ bã: “Thì để cho rượu nó khỏi tứa ra”. Mấy năm trước, khi nghe tin ông bỏ rượu, nhà văn Hồ Thủy Giang, ở Thái Nguyên, vội làm ngay một bài thơ “phân ưu”, đăng trên báo hẳn hoi:
            “Đột ngột tin bay qua đèo Khế
             Bác Đinh Công Diệp bỏ rượu rồi
            Chả lẽ núi Hồng thôi ngất ngưởng
            Sông Lô phút chốc bỗng ngừng trôi”.
Về sau mới biết là “bé cái nhầm”. Theo các “nguồn tin tình báo” đáng tin cậy, bà Tình vẫn đi mua rượu cho ông Diệp uống, say tít cung thang.
Ông làm biên tập cho báo văn nghệ tỉnh, lại chăm đọc, nên văn chương, chữ nghĩa chỉn chu. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông được tăng cường cho văn nghệ Gia Lai-Kon Tum. Tôi được đọc Ong lên tầng là truyện ngắn đầu tay của Phạm Trung Đỉnh (về sau, lấy bút danh Trung Trung Đỉnh), do ông biên tập và mang ra Bắc làm kỷ niệm. Ông đã viết dăm bảy chục truyện ngắn, nổi danh từ thời còn Khu tự trị Việt Bắc.
Tính ông hay đùa. Tôi tò mò chuyện đời tư. Ông kể, có gì đâu, tớ cứ đứng ngoài đường, ném đá lên mái nhà cô ta. Ông cụ hoảng, vội gọi con gái: “Tình, xem đứa nào ném đá thế?”. “Anh Diệp đấy. Anh ấy đang tìm hiểu…”. “Thế thì còn phải tìm hiểu gì nữa, gả ngay, gả ngay, kéo vỡ hết mái ngói”. Chắc ông đùa tếu cho vui, bởi cái ảnh chụp hai vợ chồng ông sau ngày cưới, đang lội suối Nhân Mục đi công tác, trên vai ông khoác khẩu súng thể thao, bà thì khoác máy ảnh, nom rất chi là “hoành tráng” và nên thơ, thể hiện tình yêu sâu đậm, chứ không phải chơi trò “khủng bố” để hỏi vợ, như ông kể.
Ông lại kể, cái hồi năm 1963, từ Ninh Bình lên khai hoang ở xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Người đi khai hoang thời ấy, được mệnh danh là “Chiến sỹ phát triển kinh tế và văn hóa miền núi”. Phong trào văn nghệ của hợp tác xã mạnh lắm, lập hẳn một đội văn nghệ, đông tới ba mươi người, đi biểu diễn có bán vé ở các xã trong huyện. Ban đầu, ông tham gia viết kịch bản cho đội văn nghệ hợp tác xã, rồi được chuyển lên phòng văn hóa huyện. Chủ tịch ủy ban hành chính huyện lúc bấy giờ là ông Công Mạnh Hùng, rất quý văn nghệ, lệnh phân phối cho ông một cái xe đạp Thống Nhất, có đủ chuông và bơm, giá 310 đồng. (Còn loại 290 đồng thì không có chuông và bơm). Ông Công Mạnh Hùng là người đã từng tham gia đội bảo vệ Bác Hồ, trong những năm kháng chiến chống Pháp, ở chiến khu Việt Bắc. Hồi bé, một lần, tôi được đi xem mít tinh ban đêm. Trước khi phát biểu, ông Công Mạnh Hùng lấy cái thúng úp thử lên cái đèn bão. Ông bảo, hễ có máy bay Mỹ là bịt mắt nó lại, ngay lập tức. Chi tiết đó của ông chủ tịch huyện, khiến bọn trẻ con chúng tôi rất khoái chí và nhớ mãi.
Sau đó, trên cho Đinh Công Diệp đi dự lớp sáng tác của Khu tự trị Việt Bắc, ở Thái Nguyên. Thời bấy giờ, có bậc đàn anh cây đa, cây đề hướng dẫn, như: Học Phi, Thế Lữ, Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Hoàng Em… Khi thấy kịch bản của ông đậm chất văn, bèn khuyên ông chuyển sang viết văn. Về sau, nhà văn Nông Minh Châu viết thư sang Tuyên Quang, xin sửa đôi chỗ để đăng báo, khiến ông sướng run cả người, không ngờ mới tập tọng viết văn, mà đã được tôn trọng đến nhường ấy. Nhưng sướng nhất là vào năm 1972, viết truyện Suối Tiên, tham dự giải của khu Việt Bắc, được tặng thưởng bảy mươi đồng. To quá, lúc ấy, một đồng cân vàng, giá có mười mấy đồng thôi mà. Có tiền, lập tức mua cái chậu nhôm Liên Xô, để tắm táp cho con trai đầu lòng Đinh Công Thủy, còn lại thì mua cỗ lòng lợn, nhắm rượu. Ở khu tập thể, mấy anh cán bộ có máu mặt, sắm chậu nhôm Liên Xô, thường lấy nhựa đường đun nóng trộn với cát, phết vào đít chậu, đàn bà, con trẻ tha hồ lôi ra vòi nước công cộng mà giặt, mà không sợ mòn. Thời ấy, ai có được chậu nhôm Liên Xô và xe đạp Thống Nhất là cả một gia tài.
Nhà ông ở trong ngõ hẹp, lại trên đồi, mô-tô phải cài số một, còn xe đạp chỉ có nước dắt, thế mà đông khách lạ. Nhà lúc nào cũng mở cửa và mở ti-vi. Mở cửa để khách đến, đỡ phải gọi. Mở ti-vi để mấy chú mèo hay nằm khoanh trên chốc cho ấm. Nhà ông nuôi một con chó Nhật, lông xù, trắng như bông gạo, đặt tên Lít. Lông chó bay, quấn đầy cả ba cánh quạt trần. Cách đây chừng mươi năm, đến chơi nhà, thấy ông đang ngồi viết ngoài vườn, cu Lít ngồi chồm hỗm bên cạnh, tôi liền chụp một “pô” và cất đi. Bây giờ, cu Lít không còn, cả nhà ông đâm nhớ, tôi liền mang đến tấm ảnh, có chú thích: “Vệ sỹ Lít đang canh gác cho nhà văn Đinh Công Diệp viết bản thảo, chụp 2001”. Cả nhà mừng rỡ, tưởng như cu Lít trở về. Ông tự an ủi rằng, có lẽ, giống chó khi già, tự tìm nơi chết thì phải, chứ nhà mình có làm điều gì cho cu Lít phật ý đâu mà bỏ đi?
Một bận, đến thăm nhà, thấy ông ngồi uống rượu suông, trong cái chén thủy tinh đặt nửa quả chanh làm phao cứu hộ, còn nửa kia đặt trên bàn. Ông nhấp ngụm rượu đã bị phao làm nhạt bớt nồng độ, ra chiều mãn nguyện. Đoạn, ông đổ mấy giọt rượu ra lòng bàn tay, con chim chào mào đang đậu trên vai, sà ngay xuống uống cạn, rồi nhảy xuống bàn, mổ mổ vào miếng chanh cho giã rượu. Tôi thấy buồn cười, đúng là người nào chim nấy.
Trên cây bưởi trước sân, ông treo một cái khay nhựa, đổ nước vào cho chim tắm. Tôi thấy đôi chim chích, cứ con này nhảy vào tắm, thì con kia đứng trên bờ tường canh gác. Một chốc, chúng lại thay ca, rồi tung cánh bay vào trời xanh. Cứ hết nước, ông lại lặng lẽ đổ vào.
Tính ông hay nhớ nhớ quên quên, có lần, tôi đưa mấy anh em đến làm phim vi-đê-ô về Hội đồng hương Ninh Bình, tại Tuyên Quang, hỏi ông địa chỉ, để viết lời bình. Ông vội xua tay, bối rối: “Ồ, cái này, phải hỏi bà Tình”. Thực ra, ngay đầu ngõ đã có biển ghi tên phố Trần Nhật Duật và ngay cửa nhà đã treo biển số 10, thế mà ông không để ý.
Truyện ngắn đầu tiên đăng báo Văn nghệ là Hương bạch đàn. Truyện này, ông viết khi về công tác tại xã Đức Ninh (Hàm Yên). Rồi sau, có Gió vào cửa bầu, viết về vùng sả Phù Lưu  do họa sỹ Sỹ Ngọc minh họa. Nhưng tôi thích nhất là truyện ngắn Lùng tù. Truyện ngắn này, trở thành “thương hiệu” của ông. Từ đó, người ta có thể gọi ông là Đinh Công Diệp hoặc Lùng Tù cũng đều vui vẻ cả. Một lần, bị tai nạn nghề nghiệp trong biên tập, có người bạn văn làm thơ diễu nhại. Thơ rằng:
Lùng Tù chửa đi tù
Uống rượu thời tít mù
Suốt ngày đội cái mu (mũ)…”
Tưởng phật ý, giận, nhưng ông nhấc cái mũ nồi, cười phớ lớ.
Trong truyện ngắn Lùng tù, đoạn viết về thời oanh liệt của Vàng Lử Lùng, theo cách nhìn, cách nghĩ của người Mông:
Gió thổi trong khe núi bao giờ cũng mạnh. Vàng Lử Lùng mạnh như ngọn gió ấy. Vợ Lùng đẻ, thì nương, ruộng cũng theo vợ anh đẻ thêm. Hạt bắp, hạt lúa về nhiều, nên con trâu, con bò cũng lắm. Chuồng nuôi súc vật dài đúng bằng nhà ở của người. Phiên nào, Lử Lùng cũng cưỡi con ngựa đẹp nhất Hồ Giàng xuống chợ. Con ngựa ấy cao, to lại có hai đốm đen, tròn như đồng bạc già, đóng đúng hai bên vai, trông rất cân. Người chợ bảo: “Nhìn kìa, con ngựa bốn mắt của ông Vàng Lử Lùng!”. Chủ nó sướng lắm, uống thêm một bát rượu nữa, có thêm người bạn nữa. Thấy lời của Lùng trơn như ống điếu, bóng như ống điếu, hội đồng xã họp, bổ sung anh vào chính quyền, với chức vụ xã đội phó. A, đã giàu lại được sang”.
Rồi, anh ta dính dáng đến thuốc phiện mà sạt nghiệp, vào tù, nên có tên “Lùng Tù”. Sau đây là đoạn kết, ghi đậm dấu ấn về tình người và phong tục, tập quán dân tộc Mông:
Khuya lắm. Lại một đêm trăng mờ. Khi tiếng ngáy ngủ của lũ trẻ vừa cất lên, Lùng tù rút sợi dây da bò trên giàn bếp, nhẹ nhàng đi ra và khép cửa lại. Anh đi về phía con suối cạn đầu bản. Nơi ấy, có cây tống quá sủ, tuổi chừng trăm năm, cành lá vươn ra, lòa xòa mặt suối. Anh chọn một cành thật chắc khỏe, mắc cái dây vào, giật thử mấy lần.
Sương mù đổ xuống, mỗi lúc một dầy thêm. Đêm trở nên lạnh buốt và cô độc. Đất Hồ Giàng sinh ra Lùng tù, vì lầm lạc, nay xin trả thân này về với đất! Lùng tù như nhìn thấy nấm mồ của lão chột. Anh nghiến răng: tao sẽ tìm mày, hỏi mày xem vì sao mày biến đời tao thành đời ma? Lùng tù thong thả chui đầu vào chiếc thòng lọng…
- Vàng Lử Lùng!
Ai?Lùng tù nghĩ, ai lại đến tìm ta lúc này, gọi ta bằng cái tên trang trọng của ngày lễ đổi tên năm xưa?
Lùng tù nhìn xuống và thấy vợ mình, lại cả ba đứa con nữa. Giọng người đàn bà rầu rĩ:
- Anh đừng chết, anh khổ, tôi khổ, các con nó cũng khổ. mấy năm, tôi bỏ anh, bỏ con, không phải đi lấy chồng mới, lấy chồng mới thì phải mang của cưới về đền cho anh. Tôi đi núi khác để làm ngô, làm lanh thôi. Bây giờ đã được nhiều, tôi về đón…”.
Cái tiểu thuyết Chỉ mình em mặc áo đen, thế mà có duyên, nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, lại được Hội văn học Nghệ thuật Tuyên Quang tổ chức hội thảo, rất sang trọng. Cuối năm 2009, vừa qua, ông lại được Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao giải thưởng tập sách Truyện ngắn Đinh Công Diệp.
Trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân (2006), được nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trao thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, khiến ông rất hãnh diện, nghẹn ngào. Không ngờ, từ một anh xã viên hợp tác xã, ham văn nghệ mà được lên huyện, lên tỉnh, sang khu, rồi vào Nam; cuộc đời bao phen gian nan lận đận, lại có ngày rạng danh với thiên hạ. Thì ra, văn chương không phải sự vô tình.
Mùa đông, ông hay đốt lửa trong nhà cho ấm. Ngồi bên chậu than, giọng ông lắng xuống: “Cuối đời, tớ có hậu. Trước khi nghỉ hưu, Mai Liễu (nay là Trưởng ban Văn nghệ địa phương, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) và chú Phong (Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Tuyên Quang) tổ chức kết nạp Đảng cho tớ. Nghỉ hưu lại được giữ chân trong hội người cao tuổi. Thế là chính trị và quyền lực, tớ có cả. Văn chương cũng được ba giải thưởng rồi”. Tôi cười, lúc nào cũng thấy ông vui. Nói vậy thôi, chứ ông từng là phân hội trưởng văn học, suốt từ khi thành lập, năm 1991 cho tới năm 2005, đằng đẵng mười lăm năm chứ có ít gì. Sự khởi sắc của phân hội văn học ngày nay, có một phần đóng góp, giữ lửa của ông và đồng nghiệp, từ thời ấy. Nói đến Trịnh Thanh Phong, lại nhớ, khi uống rượu hay múa võ theo kiểu nhân vật Cai Vồ trên bãi vàng, trong tiểu thuyết Chỉ mình em mặc áo đen, để trêu Đinh Công Diệp.
Có một điều lạ, bây giờ, người ta hay nói xấu lẫn nhau, nói sau lưng, có khi cả trước mặt. Nhưng với ông, tuyệt nhiên không. Có lần, đi chơi với ông, thấy người kia nói xấu mấy ông lãnh đạo. Ông nhẹ nhàng bảo: “Nếu ở địa vị ấy, anh có làm được như người ta không?”. Không khí nén lại, tàn cuộc, tôi đưa ông về. Ngẫm ra chí lý thật, chợt nhớ câu của cổ nhân dạy: “Ngồi vào chức người thì dễ, làm được như người thì khó”.
Bây giờ, ông chơi mấy chồng bản thảo: Rừng có tiếng người (tiểu thuyết), Con chim đuôi trắng (tập truyện thiếu nhi), Đời có người như thế (tạp văn), Tết rừng (tập truyện ngắn)… Ông bảo, không có gì thú bằng, hàng ngày, thấy chồng bản thảo của mình dày thêm.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:
“Những lá thơm hái về lúc già
Hái những lá có hương tư tưởng”.
Tôi xin mượn câu thơ này, để kết thúc bài viết về nhà văn Đinh Công Diệp, ở đây.
Tuyên Quang, tháng 3/2010-4/2012
VŨ XUÂN TỬU
Nguồn: Vanvn.net

No comments:

Post a Comment