VanVN.Net
- Bình Nguyên Trang vẫn luôn âm thầm day dứt với văn chương. Những trang viết
được gửi cho bạn bè đọc nhiều hơn là việc được Trang quan tâm đến nó sẽ in ấn,
xuất hiện ở đâu, như thế nào.
Có giai đoạn Trang hoài nghi chính
mình, hoài nghi việc làm thơ, viết văn. Những câu thơ trong tập Những bông hoa
đang Thiền vừa xuất bản của đã “tố cáo” rất rõ tâm trạng ấy của Trang: “Trong
buổi chiều loanh quanh phố xá/ Ước rằng/ Nơi tôi đứng bỗng là miền đất lạ/ Nơi
chưa từng mất mát khổ đau/ Nơi chưa hề quá khứ/ Chưa hề hiểm nguy/ Và tôi nữa
chưa bao giờ muộn phiền đến thế/ Đập cánh mù khơi trong náo loạn mặt người/…Rất
thật lòng tôi muốn Ruồng bỏ tôi/ Ruồng bỏ những vui buồn như trái táo/ Im lặng
đợi Xanh trong góc một khu vườn…”. Trang đã viết hoa hai chữ Ruồng bỏ, như là
khát vọng muốn tìm kiếm những điều mới mẻ hơn trong đời sống mà nhiều lúc Trang
thấy “chật chội, ngột ngạt”. Tuổi trẻ thường hay hoài nghi, và dễ thất vọng.
Thơ Trang dường như có xu hướng vượt ra ngoài những nghĩ ngợi của tuổi hai
mươi.
Nếu Lối về - tập thơ viết năm Trang
18 tuổi, biểu đạt những kỷ niệm trong trẻo của một cô gái mới lớn với tất cả
những giấc mơ về mẹ, về quê hương, về tuổi thơ với cánh đồng, rơm rạ, tháng ba
và hoa gạo…thì ở tập tiếp theo Chỉ em và chiếc bình pha-lê biết đã là cảm thức
của một người trưởng thành.
Thơ Trang viết thường buồn, nhưng
truyện ngắn thì lại khốc liệt. Tập truyện Chuyến tàu thời gian phần lớn bày cho
bạn đọc thấy những day dứt, những cú sốc và thử thách trước thực tiễn cuộc sống
mà một người trẻ vừa rời ghế nhà trường phải đối mặt. Nhân vật chính trong
nhiều câu chuyện thường đứng ở thế trực diện với thực tiễn cuộc sống, với bao
nhân tình thế thái mà không ai giúp được họ đọc rõ bản chất đó là gì? Đó chính
là hình ảnh của Bình Nguyên Trang ở ngoài đời - như một người lính “cảm tử”,
chấp nhận “húc đầu vào tường” để nhận mặt nỗi đau, và tự băng bó vết thương cho
mình, rồi “ vừa đi vừa hát”. Không xa lánh, né tránh, khước từ những thử thách
của cuộc sống mà luôn mạnh mẽ đối mặt, gọi rõ tên và tìm lời giải- đó là một
nét tính cách thể hiện rất rõ trong các trang viết của Trang.
Tập thơ thứ ba này của Bình Nguyên
Trang rất nữ tính và giàu suy tưởng. Với tôi, đây chính là niềm vui cho những
giải tỏa tâm trạng mà Trang gửi tặng. Những câu thơ của Bình Nguyên Trang “mắc”
vào trái tim tôi nhiều trăn trở, day dứt. Khi tôi bóc vỏ mình/ Tôi là hạt mầm/
Thắp lên một bình minh màu máu…” (Độc thoại). Và đây là tâm trạng của một kẻ xa
nhà, “dính bụi” phố phường và ít nhiều tổn thương, đổ vỡ: “ Nhưng thời gian âm
thầm rỉ máu/ Bao nỗi yêu dằng dặc xa bờ/ Trái tim tôi nhiệt thành quá đỗi/ Để
một ngày trúng đạn quá ngây thơ/…Xin tụng niệm phút ngọt ngào cay đắng/ Với hân
hoan không chút lụy phiền…/ Dẫu có lúc tâm hồn tôi tuyệt vọng/ lòng tôi buông
hờ hững nước chân cầu” ( Tự sự). Bởi có phần “đoản hơi” trong những cuộc kiếm
tìm sự thật chăng mà không chỉ một lần bạn làm thơ trẻ của tôi ôm vết thương
lòng chạy trở lại bờ ao, cánh đồng, mái nhà của mẹ để được che chở: “Ôi hoa
đào, rơm rạ, bờ đê/ Ôi khói bếp của tháng ngày cay mắt/ Con vong thân của thời
internet/ Nhấp chuột vào giấc mơ gặp nỗi nhớ quê nhà…” ( Tích tắc thời gian).
Và tựa vào bạn bè: “Có những lúc mình quá tuyệt vọng/ Mình chống lại điều mình
hướng tới/ Dửng dưng làm một con người/ Cảm ơn/ Vì bạn giúp vá lành/ Những vết
thương do mình gây ra” ( Bạn).
Thơ ca trong thời buổi ồn ào có thể
đang bị rớt giá thật, nhưng nó vẫn mãi là chốn neo đậu cuối cùng trong tâm hồn
chúng ta, làm chúng ta cao hơn và sâu hơn, tôi trộm nghĩ như vậy, khi đọc những
câu thơ này của Bình Nguyên Trang.
Có gì đó “liều lĩnh” chăng khi Trang
tự để mình “Thiền” sớm thế? Có thời gian Trang đã im lặng khá lâu. Im lặng để
“ngắm nhìn” một “dấu lá thiên đường” biếc xanh trên mặt hồ tình yêu. Im lặng để
ngồi trước bậu cửa nhà ngắm những bông hoa “đang ngả bóng xuống Thiền”, để
“trút bỏ lo âu”. Đó là một sự lớn lên của tâm trạng mà không phải người trẻ nào
ở tuổi Trang cũng “lớn lên” theo cách đó. Tôi thích cái hình ảnh thi sĩ ngồi
ngắm hoa và đến một lúc nào đó thì bông hoa biến mất. Sự biến mất đó đã làm lên
một lễ hội thực sự trong tâm hồn người thưởng ngoạn.
Bình Nguyên Trang có một hồn thơ
giàu nữ tính mà không yếu đuối. Tuyên ngôn “Quên đi những định hình/ Luật lệ/
Lên đường” là của một giọng mạnh mẽ. Và “Tự do như loài thú/ Lang thang rừng
sâu”, cũng là một tâm thức rất đáng để ta suy ngẫm. Trang đang hướng đến những
bạn đọc phía trước.
VIÊN LAN ANH
Nguồn: Vanvn
No comments:
Post a Comment