Thanh Hóa là nơi quy tụ lực lượng văn nghệ trước cách mạng đi theo kháng chiến, là nơi rèn luyện bồi dưỡng đội ngũ này thành lực lượng nghệ sỹ- chiến sỹ, cũng là nơi xây dựng phát triển đội ngũ, lực lượng văn nghẹ sỹ mới lớn lên cùng cách mạng và kháng chiến.
Ta có thể bắt gặp rất nhiều tên tuổi
của văn nghệ Việt Nam tại “căn cứ địa” Thanh Hóa trong thời gian này. Đó là các
nhà lãnh đạo văn nghệ mới: Đặng Thai Mai, Tố Hữu, Hải Triều. Đó là các nhà thơ
nhà văn đã nổi danh thời kỳ tiền chiến như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Lạp, Mạnh
Phú Tứ, Chế Lan Viên, Vũ Ngọc Phan, Lưu Trọng Lư, Đồ Phồn, Huyền Kiêu, Hoàng
Xuân Nhị… Đó là các nghệ sỹ sân khấu: Lộng Chương, Bửu Tiến, Hà Văn Cầu, Đình
Quang… Các nhạc sỹ Phạm Sỹ Sáu, Văn Chung, Nguyễn Văn Thương… Các họa sỹ, các
nhà điêu khắc: Phạm Viết Song, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Xuân Phái, Sỹ Ngọc, Phạm Văn
Đôn, Nguyễn Thị Kim… Lớp nhà văn lớn lên cùng cách mạng và kháng chiến được đào
tạo từ “cái nôi” Thanh Hóa này cũng thật là đông đảo: Hoàng Trung Thông, Xuân
Hoàng, Vũ Tú Nam, Dương Tường, Trần Hữu Thung, Minh Hiệu, Cẩm Lai, Nguyễn Trọng
Oánh, Thanh Hương, Cẩm Thạnh, Minh Huệ…
Cái không gian và không khí kháng
chiến ấy vừa là “cái nôi” vừa là “cánh tay đưa” cho văn nghệ Việt Nam thuở ấy,
lại vừa là cơ duyên để xuất hiện những tác giả Thanh Hóa mở đầu cho văn học
cách mạng và kháng chiến.
Đây là một đặc điểm rất đáng tự hào
của văn học Thanh Hóa bởi đóng góp của nó là không thể phủ nhận được đối với
văn học Việt Nam nói chung và văn học thời chống Pháp nói riêng.
Nét nổi bật của Văn học Việt Nam
1946-1954 là thơ kháng chiến chống Pháp, thì Thanh Hóa, ngay từ đầu, sự xuất
hiện của Nhớ máu (1946- Trần Mai Ninh), Đèo Cả (1946- Hữu Loan).
Rồi liên tiếp là Tình sông núi (1947- Trần Mai Ninh), Lên Cấm Sơn,
Lời cô lái đò (1948- Thôi Hữu), Nhớ (1948- Hồng Nguyên), Có
một mùa chiêm, Nghìn ngày kháng chiến gặp mùa lúa chiêm (1949- Hà Khang), Màu
tím hoa sim (1949- Hữu Loan), Mưa núi (1949) và nhiều ca dao của
Minh Hiệu… đã tạo ra một đội ngũ thơ xứng đáng mang tầm cả nước.
Các nhà thơ Thanh Hóa đã có những
thành công đáng kể khi đưa được không khí, chất liệu hiện thực và cả nghệ thuật
biểu hiện mới cho thơ kháng chiến.
Khí thế hào hùng, niềm vui hồn
nhiên, tình người chân thực… có thể bắt gặp ở bất cứ bài thơ nào trong thơ
Thanh Hóa thuở ấy.
Ta thấy khí thế ấy ở những hình ảnh
về dân tộc, về Tổ quốc:
Dân tộc rớt mồ hôi thấm đất
Bắp căng như đồng
Tay ghì cán cuốc
Tay ghì tay xe
Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao…
Có mối tình nào cao hơn thế
nữa:
Đi sâu lòng đất thấm lòng người
Đượm lều tranh thơm dậy ngàn khơi
Khi vui non nước cùng cười
Khi căm non nước với người đứng lên…
Có mối tình nào cao hơn thế nữa
Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền
Có mối tình nào cao hơn
Tổ quốc.
(Tình
sông núi- Trần Mai Ninh)
Ta thấy niềm vui trong sáng trẻ
trung trên nét mặt, trong tiếng cười của người chiến sỹ:
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ thuở “một, hai…”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến…
Rồi:
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu
(Nhớ- Hồng Nguyên)
Ta còn bắt gặp bao nhiêu tấm lòng,
tình nghĩa yêu thương trong tình quân dân thắm thiết:
Chúng tôi đi nhớ nhứt câu ni
Dân chúng cầm tay lắc lắc
- Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc.
(Nhớ-Hồng Nguyên).
Tình đồng đội chân thành:
Lòng tôi xao xuyến tình thương xót
Muốn viết bài thơ thắm lệ nhòa
Tặng các anh tôi đang đổ máu
Đem thân xơ xác giữ sơn hà.
(Lên Cấm Sơn- Thôi Hữu)
Tình vợ chồng thẳm sâu:
Nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng
Chiều quê…
(Màu tím hoa sim- Hữu Loan)
Thơ kháng chiến chống Pháp Thanh Hóa
đã phản ánh được những hiện thực nhất về đời sống chiến sỹ trong kháng chiến.
Đó có thể là hiện thực về cảnh nghèo đói, thiếu thốn trong những ngày tòng
quân. Về văn hóa thì “Chưa biết chữ”; về quân sự thì “Súng bắn chưa quen/ Quân
sự mươi bài…”; về trang bị thì “áo vải chân không”, “Lột sắt đường tàu/ Rèn
thêm dao kiếm”… Đó còn là hiện thực về ước mơ, những khao khát giản dị nao
lòng. Đi dánh giặc nhưng lòng luôn hướng về quê hương với những “Mái lều tranh,
tiếng mõ đêm trường”, những “Luống cày đất đỏ/ ít nhiều người vợ trẻ/ Mòn chân
bên cối gạo canh khuya”
Cái hàng ngày mà bộ đội phải chấp
nhận là:
Họ vẫn gầy vẫn ốm
Mắt vẫn lõm, da vàng
Áo chăn chưa đủ ấm
Ăn uống vẫn tồi tàn…
Nhưng vẫn có cái hằng ngày, thường
xuyên khác rất lạc quan:
Ở đây những mặt buồn như đất
Bộ đội cười lên tươi như hoa.
Anh bộ đội Cụ Hồ là một hình ảnh về
nhân vật trung tâm của thời đại đã được thơ kháng chiến Việt Nam tạo dựng qua
nhiều vẻ đẹp, đương nhiên là phải mang tính lý tưởng hóa cao độ, nó nổi
lên hàng đầu trên bình diện là những con người mới trong quần chúng công nông.
Tuy nhiên chúng ta bắt gặp hình ảnh anh bộ đội trong những bài thơ của các nhà
thơ Thanh Hóa những năm đầu kháng chiến chống Pháp lại là những mẫu người thật
mộc mạc, giản dị.
Thơ văn kháng chiến Thanh Hóa
(1946-1954) được viết lên bằng “máu thịt của mình tung ra giữa thời hoạt động;
trong sự sống ngang tàng, chăm chỉ, không ngừng một phút” (Trần Mai Ninh)
Lối thơ ấy vừa có nét tự do phóng
khoáng vừa nghiêm ngặt, tiếp nối trong một hơi thở cuồn cuộn sức sống, khi vươn
lên, khi nén chặt, khi vỡ òa và đúng là của những con người đang hành động khẩn
trương giữa những ngày đang rừng rực lửa cách mạng và kháng chiến. Đấy là những
tiếng nói thơ ca tự do đầu tiên nên dễ khát khao sục sôi. Vì thế thơ kháng
chiến chống Pháp Thanh Hóa vừa tràn đầy cảm hứng lãng mạn vừa tươi mới song lại
cũng hết sức đời thường.
Lối thể hiện quen thuộc của thơ
kháng chiến Thanh Hóa là những câu thơ tự do tuôn chảy ào ạt, có vẻ chú trọng
đến nhịp nhiều hơn vần, cho nên có lúc nó gập ghềnh, đứt nối, có khi lại mạnh
mẽ dồn dập đầy nét tráng ca, có cả những lúc trữ tình song ít hào hoa, thường
gắn với giọng của ca dao. Những hình ảnh, chất liệu dân dã song vẫn có nét
riêng biệt. Thật tiếc! Sự khai phá này ở Tần Mai Ninh (Nhớ máu, Tình sông núi),
ở Hồng Nguyên (Nhớ), ở Thôi Hữu (Lên Cấm Sơn), ở Hữu Loan (Đèo Cả, Màu tím hoa
sim)… chỉ mới tạo thành công ở từng bài mà chưa tạo thành một giọng riêng, một
phong cách. Có thể đây là những cơ sở ban đầu để sau này một nhà thơ tài danh
khác- Nguyễn Đình Thi- thành công hơn chăng?
“Văn học là một phươmg tiện thích
hợp nhất cho sự truyền bá tư tưởng. Thời kỳ kháng chiến yêu cầu các nhà văn
những lời tin tưởng bạo dạn, cương quyết để cám dỗ, để an ủi, để hướng dẫn các
năng lực của dân tộc trên con đường tranh đấu”.
“Mục đích của văn học quyết định sự
lựa chọn của thể văn. Nhà văn vận dụng hết mọi hình thức văn nghệ, bất cần là
mới hay cũ, kịch cũ, kịch mới, thơ luật, thơ mới, ca dao, hát nói, kể truyện,
truyện dài, truyện ngắn… Viết gì cũng được. Miễn là dân chúng thích và hiểu”.
Đây là những chỉ đạo của Chủ tịch
Hội Văn hóa kháng chiến khu Bốn, Hội trưởng Hội Văn hóa Việt Nam Đặng Thai Mai
năm 1947. (Kháng chiến và văn hóa- Đặng Thai Mai). Các nhà văn Thanh Hóa thời
ấy đã lĩnh hội được điều đó và góp phần để hình thành một nền văn hóâ kháng
chiến Việt Nam.
Nói đến văn học kháng chiến 1945-
1954 ở Thanh Hóa mà không nói đến phong trào sáng tác quần chúng thì đó là một
thiếu sót lớn. Văn học dân gian nói riêng, folklore nói chung cũng như mọi hiện
tượng lịch sử khác đều có sự vận động riêng của nó trên hai bình diện không
gian và thời gian. Mỗi một thời kỳ đất nước bước vào cuộc đấu tranh mới,
folklore Việt Nam với văn học dân gian giữ vai trò xung kích đã có những đóng
góp đặc sắc. Văn học dân gian Thanh Hóa sau cách mạnh tháng Tám dã có những
bước phát triển đáng chú ý thể hiện đậm đà yếu tố đại chúng và dân tộc, trong
đó hai thể loại là chuyện đồn đại (giai thoại) và ca dao phổ biến hơn cả.
Sinh hoạt kể chuyện khá phong phú đã
được nhà thơ Hồng Nguyên nhắc trong những vần thơ quen thuộc:
…Tôi nhớ
Giường kê cánh cửa
Bếp lửa khoai vùi
Đồng chí nứ vui vui
Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ
Đồng chí mô nhớ nữa
Kể chuyện Bình Trị Thiên
Cho bầy tui nghe ví…
(Nhớ- Hồng Nguyên)
Nhưng hiện tượng đáng ghi nhớ nhất
là sự xuất hiện của ca dao kháng chiến mà đặc biệt là ca dao dân công. Ca dao
hiện đại xuất hiện lưu truyền và bảo tồn vừa bằng truyền miệng, vừa được cho in
ấn xuất bản trên báo chí, sách vở và có cả tên tác giả rõ ràng. Tuy thế không phải
là ca dao nào đăng báo, in sách cũng có thể trở nên quen thuộc với quần chúng,
mà chỉ có tác phẩm nào ý vị nhất, phù hợp với cảm nhận, cảm hứng của dân gian
mới có thể sống và lưu truyền. Ca dao dân công Thanh Hóa trước hết tồn tại
trong cái không gian thời gian cụ thể của thời đó. (Mãi sau này, 1976, Ty Văn
hóa Thanh Hóa mới phát hành tập Ca dao Thanh Hóa 1945- 1975 của các tác giả
Hoàng Khôi và Lê Huy Trâm biên soạn).
Ca dao dân công Thanh Hóa đã góp cho
văn học hai hình ảnh mang nét riêng đặc trưng. Đó là hình ảnh về đôi bồ gánh
gạo và xe thồ (Hình ảnh thuyền nan vận tải cũng là một hình ảnh mới, được tiếp
nối trong ca dao dân công, nhưng đó là vào thời chống Mỹ)
Đôi bồ gánh gạo là dấu ấn về một
thời tải lương, tiếp vận chống Pháp:
Mồng một vác cuốc tăng gia
Mồng hai đan bịch, mồng ba lên
đường
Mồng bốn em đi tải lương
Mồng năm đã đến chiến trường khu Ba.
Bồ, sọt đan bằng nứa, bằng giang là
những nguyên liệu rất phổ biến của vùng rừng Thanh Hoá. Bồ được đan bằng tay
theo phương pháp thủ công có thể to nhỏ tuỳ ý phù hợp với sức mang của từng lứa
tuổi, tạng người. Nghề đan bồ cũng không khó, nhiều người mù loà cũng có thể
đan bồ. Với đôi bồ, người ta thấy khá rõ những đóng góp âm thầm và vô danh của
rất nhiều lớp người Thanh Hoá:
Anh mù nhưng dạ chẳng mù
Vót tre chẻ nứa đan bồ dân công
Gửi vào đây cả tấm lòng
Kháng chiến chống Pháp thành công
hẹn ngày.
Hoặc:
Trèo lên dốc núi Na Mèo
Đôi bồ gánh nặng cheo leo lưng đồi
Áo người ướt đẫm mồ hôi
Bước chân vẫn dẻo, hò vui vẫn đều.
Hình ảnh xe thồ vận tải lại mang một
vẻ đẹp khoẻ khoắn, mạnh mẽ. Xe thồ không chỉ giải phóng đôi vai mà còn nâng khả
năng chuyên chở lên gấp nhiều lần so với gánh vác. Xe thồ Thanh Hoá phục vụ
chiến dịch Điện Biên đã đạt kỷ lục trên ba tạ hàng cho một xe. (Đến kháng chiến
chống Mỹ thì nhiều chiến sỹ đã đạt tới mức thồ bốn tạ bảy (470 kg). Người chiến
sỹ xe thồ phải lao động vất vả song nhiều khi họ cũng có những gặp gỡ lãng mạn,
phóng khoáng. Khi đã giải phóng hàng, đi xe không trên những lối mòn trong rừng
sâu, trong đêm tối, họ thắp những chiếc đèn dầu tự tạo, không cần bóng đèn, chỉ
đặt một phiến lá cây phía sau, cứ thế mà phóng, đèn không tắt vì không bị gió
lùa.Trên những chặng núi đồi trập trùng, đó cũng là một hình ảnh đẹp.
Tối trời thì có ánh sao
Dốc thì mặc dốc, đèo cao mặc đèo.
Mau lên hỡi bạn xe thồ
Đường đi rầm rập vui mô vui bằng
Qua rừng qua núi băng băng
Xe thồ đè bẹp xe tăng quân thù.
Đùng đùng gió giục mây vần
Phò Lào, dốc Mướp xa gần quản chi
Cánh bằng tiện gió vừa khi
Trai anh hùng xe đạp, gái nữ nhi đôi
bồ.
Với ca dao dân công Thanh Hoá, người
ta không chỉ sống lại một thời kháng chiến oanh liệt mà còn thấy những đóng góp
lớn lao vô tận và cũng rất vô danh của người dân xứ Thanh. Ta còn thấy cả những
vẻ đẹp tâm hồn, thấy sức sống của một thể loại văn học dân gian vẫn trường tồn,
sung mãn- Có lẽ những câu ca như thế này phải được xem là những câu hay nhất
của ca dao hiện đại:
Trúc với tre về khe đổi gánh
Em đổi cho chàng đến Sánh thì thôi
Giờ đây chiến dịch thắng rồi
Trúc tre lại được về xuôi một chiều
Yêu anh đã quyết thì theo
Xuống Thạc em cũng xuống, về Neo
cũng về.
Hoặc:
Đường lên Hịch, Hạ cheo leo
Có đi dốc Cún, bản Phèo cùng anh
Về đây có núi non xanh
Có đoàn tiếp vận nấu canh măng rừng
Đêm khuya đuốc sáng suối Pưng
Sáng dài eo Đỏ, sáng trưng sông
Luồng
Bài ca Khặp Thái ai buông
Dân công tiếp vận gánh lương diệt
thù.
Văn học dân gian Thanh Hoá nuôi
dưỡng tinh thần người dân xứ Thanh, góp phần trong công cuộc kháng chiến nước
nhà, ảnh hưởng của nó thật rộng rãi. Các nhà thơ Thanh Hoá thuở ấy có được
thành công như Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Hồng Nguyên, Hữu Loan, Minh Hiệu, Hà
Khang…chính một phần nhờ bắt gặp nguồn mạch này.
Mười năm văn học kháng chiến chống
Pháp Thanh Hoá đã được khẳng định bằng những thành tựu Thơ (Cả văn học viết lẫn
văn học dân gian).
Mười năm văn học kháng chiến Thanh
Hoá đã đóng góp cho văn học Việt Nam những tác giả và tác phẩm xứng đáng.(ở
cuối giai đoạn kháng chiến còn xuất hiện Cầm Giang- tức Bạc Văn ùi, Cầm Vĩnh
Ui- theo phát hiện của Cao Sơn Hải- với một giọng thơ mộc mạc đáng yêu đầy chất
Tây Bắc nữa).
Mười năm, một giai đoạn văn học ở
Thanh Hoá đã có không khí toàn quốc và địa phương, có chất lượng cao, ý nghĩa lớn.
Đó là một khuôn dạng riêng và đóng góp không nhỏ.
HOÀNG
KHÔI
No comments:
Post a Comment