.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, April 20, 2012

TRẦN THIỆN ĐẠO: DỊCH LOẠN

Chúng tôi xin mượn chữ "dịch loạn" của bà hay ông Hà Thúc Lang để chỉ tình trạng dịch thuật ở trong nước hiện thời.

Một tình trạng cần phải báo động, mà chúng tôi cũng đã nhiều lần lên tiếng ở miền Nam trước kia và sau này trong cả nước mấy năm gần đây (xem các bài liên quan trong tập sách). Vậy mà cho tới nay, hơn nửa thế kỷ qua, vẫn chẳng thấy có một chút hiệu quả nào; ngành dịch thuật vẫn còn đang trong tình trạng đáng ngại. Vì sao vậy?
Vì rằng đa số dịch giả, xét qua các công trình của họ, tỏ ra rất kém về ngôn ngữ họ chuyển dịch, kém hiểu biết văn hoá, kém cả tiếng mẹ đẻ. Lại có khi không dịch thẳng từ nguyên ngữ mà qua một bản dịch tiếng khác. Ngoài mấy nguyên cớ vừa kể, còn có một lý do sâu xa nữa. Đó là việc các nhân viên được Nhà xuất bản và Công ty văn hoá và truyền thông giao phó trọng trách duyệt xét các dịch phẩm sắp được ấn hành lại thường là hạng dịch giả mà trình độ văn hoá và hiểu biết ngoại ngữ chưa đủ tầm mức cần thiết. Vụ Công ty Nhã Nam vừa rồi, sau loạt bài các báo chứng minh trình độ thấp kém của dịch giả, lấy quyết định thu hồi và lập hội đồng thẩm định bản dịch Bản đồ và vùng đất của Trưởng ban dịch thuật do chính mình bổ nhiệm, là trường hợp điển hình.
Hạng đầu bếp nói trên, tiếc thay, thường khi lại hoá thành tấm bình phong chực sẵn, ngăn chặn những lời lẽ báo động có cơ hạ thấp thanh thế rởm của họ. Chúng ta hiểu tại sao đại đa số các bài báo động chỉ được đăng tải trên mạng và qua truyền thanh. Xin đơn cử hai thí dụ cụ thể mà nạn nhân trực diện chính là kẻ ký tên dưới bài này.

CHUYỆN ĐẦU
Vào khoảng cuối thập niên 60 thế kỉ trước, tác phẩm đầu tay của nhà văn ly khai Tiệp Khắc Milan Kundera được nhà thơ Louis Aragon (1897-1982) qua mặt công an mang về Pháp, cho chuyển dịch rồi xuất bản dưới nhan đề tiếng Pháp là La Plaisanterie (Trò đùa - 1969). Tác phẩm tố cáo chính sách mị dân và hành vi lừa bịp của một số nhà lãnh đạo nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Tiệp khắc thời ấy, được giới phê bình khen ngợi và độc giả ưa thích trong bầu khí chiến tranh lạnh. Tiếp theo là mấy tác phẩm Pháp dịch La Vie est ailleurs (Cuộc sống không ở đây), Le Livre du rire et de i’ou –bli (cười cợt và quên lãng), L’lmmortalité (Bất tử)…, khiến tác giả, bấy giờ không được xuất bản sách của mình trong nước và chưa được phép xuất ngoại, đã phải mỉa mai lên tiếng tự trào, gọi mình là “một thứ nhà văn Pháp quả tình quái lạ là viết bằng tiếng Tiệp”. Cho tới năm 1975, ông mới được phép di cư sang Pháp. Nhập quốc tịch nước này năm 1981, rồi nảy ý biến mình thành một nhà văn Pháp, vứt bỏ tiếng mẹ đẻ để nối tiếp sự nghiệp văn chương của mình bằng tiếng Pháp. Các tác phẩm thực hiện tham vọng này gồm: La Lenteur (Chậm rãi), L’ledentité (Nguyên bản) và L’lgnorance (Lạc lõng) lần lượt ra đời.
Đọc ba tác phẩm viết thẳng bằng tiếng Pháp vay mượn, chúng tôi nhận thấy ngay ngôn ngữ và bút pháp ở đây xem ra hết sức ngọng nghịu, què quặt, thiếu máu: tác giả không ngừng tư duy theo lỗi bẩm sinh rồi phát biểu qua mớ ngôn ngữ chưa thuần. Khiến chúng tôi không khỏi nhại thầm lời tự trào trước kia của đương sự, nghĩa là “một thứ nhà văn Tiệp quả tình quái lạ là viết bằng tiếng Pháp”. Vậy mà cũng có không ít phê bình gia Pháp hùa nhau ca tụng, lờ đi những nhận xét không mấy tốt lành nhưng rất chính xác mà chúng tôi vừa nhắc trên đây. Rồi ba tác phẩm Bất tử, Chậm rãiNguyên bản của ông do Ngân Xuyên chuyển dịch - cuốn đầu dịch theo bản tiếng Nga, hai cuốn sau theo nguyên bản tiếng Pháp (Nhà xuất bản Văn học liên kết với Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 1999) được phát hành. Với bài giới thiệu của Đọc Milan Kundera của Nguyên Ngọc, cũng hết lời khen ngợi: “Đọc các tiểu thuyết của Kundera, chúng ta thường gặp rất nhiều những đoạn triết luận, thậm chí có thể nói kết cấu các tiểu thuyết của ông là sự xen kẽ liên tục giữa phần truyện kể với những phần triết luận. Vậy mà vẫn cực kỳ lôi cuốn”.
Trong bài Nhà văn giận hờn (xem bài trong tập sách) bàn tới tư cách và phương thức làm văn của Milan Kundera, chúng tôi có trích lời thượng dẫn, kèm theo câu hỏi: “Vậy mà vẫn cực kỳ lôi cuốn. Thật vậy chăng? Lôi cuối một thành phần độc giả nào, còn đại đa số độc giả tiểu thuyết thì sao?” Gửi cho một tờ báo có nhiều độc giả ở Hà Nội, bài bị từ chối, dầu chúng tôi là cộng tác viên thường trực. Hỏi: lý do? Đáp: đụng chạm. Mới hay chúng tôi đã vô tình đụng chạm những hai thần tượng cùng một lúc, dịch giả và người giới thiệu, dầu câu hỏi chẳng hàm chứa một lời xúc phạm nào.

CHUYỆN THỨ HAI
Cuối năm 2006, dịch giả Nguyễn Đình Thành nhờ chúng tôi xem qua bản thảo bản dịch cuốn Tự sự hư cấu của Éric - Emmanuel Schmìtt, nhan là La Part de l’autre (phần kia của hắn ta) mà ông chuyển thành Nửa kia của Hitler. Một cách chính xác: nửa kia thể hiện nhân vật hư cấu Adolf H., còn Hitler, thì là nhân vật lịch sử có thật, cả hai đồng lượt hiện diện trong nhan đề và thủ vai thông suốt nội dung. Dịch phẩm Nửa kia của Hitler (Nxb Hội Nhà văn, liên kết với công ty Nhã Nam) được Hội Nhà văn Hà Nội tặng giải dịch thuật 2008, vượt qua công trình của hai dịch giả khác.
Có điều là ban giám khảo Hội Nhà văn Hà Nội lẫn độc giả đâu dè rằng, ấn phẩm họ cầm trong tay thiếu hẳn mấy trang Lời bạt, mà lẽ ra nó phải có. Là bởi, trong mấy trang này, qua nguyên tác và bản dịch, chúng tôi đã ngắn gọn nêu lên: 1) phong cách của dịch giả trong công trình chuyển ngữ tác phẩm và, đồng thời, 2) thái độ khiêm tốn thiết yếu mà người dịch nào cũng phải chứng tỏ trong dịch phẩm của mình, xin trích:
Một trong những nguyên cớ làm cho sách dịch tồi, đầy ngập hiện nay trên thị trường chữ nghĩa ở nước ta, mà ông Hoàng Hưng vạch ra là dịch ẩu. Chứng kiến dịch giả thực hiện công trình chuyển ngữ tập sách, chúng tôi xin đoan chắc rằng đương sự không mắc phải lỗi đó - đã bao nhiêu lần nghe ông trăn trở về một chữ, một câu, một đoạn, săn tìm cái mà giới dịch thuật Pháp gọi là le mot juste (dùng chữ cho đúng - không nô lệ từ điển) cho hợp với mạch văn, với tình huống, với hoạt cảnh, với nhân vật và với nhiều thứ khác nữa. Năm dài kinh nghiệm cho phép chúng tôi khẳng định đây là tác phong hàng đầu mà người dịch phải tuân thủ, không thì bản dịch sẽ mang vẻ ngô nghê, tây chẳng ra tây, mà ta cũng chẳng ra ta - tất nhiên là đồng thời cũng phải thông thạo ngoại ngữ mà mình muốn chuyển dịch và tiếng nước nhà.
Những trăn trở nói trên của ông biểu hiện một thái độ khiêm nhường; cố công phục vụ tác giả, chớ không phục vụ chính mình. Và biết rõ trình độ của mình, không bị những lời tâng bốc xu thời đánh lạc phán đoán - như trong trường hợp dịch giả nọ đã chẳng ngại xưng mình là vedette de Hanoi, là minh tinh Hà Nội, trong một đĩa DVD tự mình ca tụng mình. Bằng không thì, trong tình trạng tốt đẹp nhất, dịch phẩm có cơ biến thành cái mà ngày xưa giới phê bình Pháp gọi mỉa là les belles infidels, là tình lang bội bạc, chỉ các bản dịch rằng hay thì thật là hay nhưng không chính xác”.
Có tật giật mình chăng? Tựa đề một số bài thẩm định trình độ hiểu biết ngoại ngữ, quốc ngữ và văn hoá thấp kém và tính khí tự kiêu bàng bạc của đương sự chứng minh a posteriori (về sau) cho câu hỏi (1). Thế nên Trưởng ban Dịch thuật Công ty Nhã Nam đương nhiên đòi dịch giả phải gạt bỏ mấy trang Lời bạt, nếu muốn dịch phẩm Nửa kia của Hitler được chấp nhận - nói tránh rằng bài không phù hợp. Gặp thời thế, dịch giả đành thế thời phải thế, để dịch phẩm đầu tay của mình được ra mắt. Và… trúng giải.

DỊCH GIẢ LÝ TƯỞNG
Trở lên trên là những nguyên cớ, nói chung, đã và vẫn khiến cho tình trạng dịch thuật cho tới nay thiếu chất lượng tới mức cần phải khẩn thiết báo động. Những nguyên cớ đó, xin nhắc, là: 1) trình độ ngoại ngữ, văn hoá, quốc ngữ thấp kém, 2) bản dịch không dựa trên nguyên ngữ mà trên một bản dịch khác, 3) tính khí tự kiêu tự đại, khoe tài, không biết định lượng tầm mức hiểu biết của mình, 4) tinh thần bè phái tránh đụng chạm và hùa nhau tâng bốc, 5) sách dịch thuộc loại ăn khách, bất kể hay dở, 6) ngăn chặn phản hồi bất lợi cho mình… Và chắc còn nhiều lý do khác mà chúng tôi không đủ kiên nhẫn và trí lực để vạch ra.
Nhưng chúng ta không thể vì vậy mà bỏ qua một khía cạnh chúng tôi cho là căn bản, làm nền cho mọi dịch phẩm thật sự hoàn hảo, nhưng lại ít khi được nhắc tới: sự đồng nhất tinh thần và bút pháp giữa dịch giả với tác giả. Bởi cho dầu dịch giả 1) có đủ khả năng tránh khỏi các lỗi dịch thuật thường tình, 2) lấy làm hãnh diện xướng ngôn rằng dịch phẩm thực hiện thảy đều đậm nét dấu ấn của mình, 3) tự đề cao mình là đồng tác giả với tác giả nguyên tác - cho dầu bản dịch có trôi chảy, xuôi chèo mát mái đến mấy, thì, trên thực tế, nó vẫn chưa đạt đến chỗ tuyệt xảo, nếu như không được thực hiện trong tinh thần hoà đồng nói trên. Vì sao vậy? Vì dịch giả là kẻ đương nhiên tự nguyện làm một thứ nô lệ đặc thù. Nói cách khác, hắn chỉ tự do trung thành, truyệt đối trung thành, nghĩa là phải bám sát gót, đặt chân mình vào đúng dấu chân của tác giả, không chệch choạc, chệch đường, chệch hướng. Hệt một tấm kính phản chiếu dạng đứng trước mặt mình, hệt con khỉ mô phỏng động tác của tác giả. Không chỉ y chang dáng dấp bên ngoài mà còn cả nội tâm.
Thật vậy, khi bắt tay vào việc, dịch giả cần gột bỏ mọi đặc tính và tư thái của mình - vẫn biết đây là một động tác chẳng dễ dàng chút nào. Hầu dành cả nội lực cho việc nhập vào thần trí và tâm trí của tác giả: ngoài chỗ bản dịch phải xuất hiện như một tác phẩm viết thẳng bằng tiếng Việt, dịch giả đồng thời còn phải tôn trọng bút pháp và văn phong của tác giả, thể loại và nhịp điệu của tác phẩm - tôn trọng ngay cả những chỗ sai sót, thiếu mạch lạc, quá dở. Đâu phải nhà văn nào, tuyệt tác nào cũng tránh khỏi loại khuyết điểm vừa kể - trường hợp Milan Kundera và Cao Hành Kiện trên văn đàn Pháp nhắc tới trên đây chứng minh cho nhận xét này. Giá thử trong tác phẩm phiên dịch hàm chứa câu văn nào nặng nề, lời phát biểu nào cuồng bạo, nét tâm lí nào thô thiển, luồng tư tưởng nào đồi truỵ, kết nối chuyển biến nào lủng ca lủng củng… thì dịch giả cũng phải nặng nề, cuồng bạo, thô thiển, đồi truỵ, lủng ca lủng củng… và nghiễm nhiên phủ nhận chữ nhã trong phương cách dịch thuật tín - đạt - nhã cổ truyền.
Giống như diễn viên thâm nhập vào vai nhân vật, qua mỗi dịch phẩm thực hiện, dịch giả đương nhiên biến mình thành kẻ phát ngôn cho tác giả. Một cách khiêm nhường.
Trần Thiện Đạo
(Văn nghệ)

No comments:

Post a Comment