.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Friday, April 20, 2012

NGÔ THẢO – NGƯỜI VIẾT TRẺ - NIỀM TIN VÀ HY VỌNG

Năm vừa qua là năm có nhiều hoạt động sôi nổi của những người viết văn trẻ: Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ Tám được tổ chức ở quê hương cách mạng dựng nên Cộng hoà (Tố Hữu) - Tuyên Quang. Trước đó là Hội nghị các cây bút trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Hội thảo thơ miền Trung, Hội Thảo Văn học Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên cũng nhấn mạnh đến lớp trẻ. Hàng trăm bạn trẻ có gương mặt sáng tác đã được mời tới các hội nghị.

Một lực lượng đông hơn thế thuộc nhiều dân tộc đang hăm hở sáng tác ở khắp các tỉnh thành, và không chỉ ở trong nước. Rõ ràng, một số lượng lớn các trang sách văn học mới hiện nay đang thuộc về các cây bút trẻ. Thơ có thể nhiều hơn văn. Các thể loại ngắn còn chiếm đa số. Nhưng không ít tác giả đã nhiều tiểu thuyết và được chú ý qua các giải thưởng, và số lượng tác phẩm được ấn hành với những con số gây ấn tượng. Lực lượng lý luận phê bình và dịch thuật cũng đã có những tên tuổi được tin cậy và chờ đợi.
Nhưng có lẽ, nên xác định lại, ai được coi là người viết trẻ? Điều này liên quan đến cách nhìn và theo đó là việc tổ chức lực lượng phù hợp.
Theo quán tính lịch sử, rất nhiều người quen chọn người viết ở độ tuổi trên dưới 20. Những ai trẻ hơn, có tác phẩm hay, được gọi là thần đồng! Nhưng có lẽ, đã đến lúc nên nghĩ lại cái mốc tuổi này!
Ngày trước đất nước trong nô lệ, chiến tranh liên miên, nghèo khổ thường trực, từ rất sớm ở tuổi trẻ con đã phải lao động kiếm sống. Tuổi nhỏ không chỉ làm việc nhỏ, mà còn phải làm và làm được việc lớn, cả những việc của người lớn. Sáng tạo văn học nghệ thuật cũng không là ngoại lệ. Thuở ấy, tuổi thọ bình quân của người Việt thấp. Đến vua chúa mà phần lớn cũng không vượt ngưỡng 40. Ngày nay, đất nước độc lập, hoà bình, tuổi thọ trung bình đã vượt ngưỡng 70. Nếu tam thập nhị lập, thì tứ thập vẫn được coi là tuổi sung sức của sáng tạo! Trong xã hội hiện đại, với số đông, do điều kiện vật chất được cải thiện, lực lượng trẻ được học tập, đào tạo bài bản với một thời gian dài hơn trước khi vào đời tự kiếm sống. Vẫn một nhà nghiên cứu Mỹ đã nói: Cách tốt nhất để duy trì khả năng cạnh tranh của một quốc gia là gây dựng vốn con người. Sức mạnh Mỹ ít phụ thuộc vào các hàng không mẫu hạm, mà nhiều hơn vào sự vững mạnh các nhà trẻ, ít phụ thuộc vào các vệ tinh do thám, mà nhiều hơn vào các tài trợ giáo dục (Nicholas D. Kristof).
Mặc dầu còn nhiều hạn chế, nhưng về cơ bản, thế hệ trẻ hôm nay, được đào tạo từ nhiều nguồn, khả năng nói, đọc, viết tiếng Việt (tất nhiên không chỉ tiếng Việt), khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ những điều họ thấy, họ nghĩ, họ cảm thoải mái dễ dàng hơn. Cộng với sự phát triển các phương tiện chuyển tải (báo chí, xuất bản, blog, Internet…) số người có cơ hội, có điều kiện tiếp cận các tác phẩm có hình thức văn chương với tư cách người viết cũng như người đọc nhiều hơn, rộng rãi hơn.Với một bộ phận lớp trẻ, các hình thức văn chương cũng như các loại hình nghệ thuật khác là cơ hội thử nghiệm, kiểm tra, bộc lộ các khả năng, trình độ kỹ năng, và cả tài năng của mình.Một số cùng lúc thử thách trên cả văn, thơ, nhạc, hoạ, phê bình, và cả sân khấu, điện ảnh. Họ coi đó là những sân chơi để xả năng lượng trí tuệ, tinh thần của lứa tuổi. Không ít người có tác phẩm gây được ấn tượng, được ghi nhớ qua các giải thưởng. Nhưng từ những gu đã có đó đến một tác phẩm hội tụ được tài năng là một chặng đường không nhiều người vượt qua. Từ một số tác phẩm được chú ý đến thành một tác giả được công chúng công nhận, chờ đợi, khẳng định được chỗ đứng vững vàng trong đồng nghiệp, trong lòng công chúng là con đường không phải ai cũng tới đích. Bởi vì, bạn đọc chờ đợi ở người viết trẻ nhiều hơn những gì đã có.
Thiếu đầu tư nghiêm túc, nhiều người có khả năng, có năng khiếu bẩm sinh đã không đi xa được vì để năng lực phân tán dàn trải trong những gì vừa với tầm tay, dễ gặt hái, mà không biết dồn tụ tài năng, sức lực vươn tới những gì khó hái ở một tầm khác hơn. Để mất thời gian và công sức, hài lòng, với những tác phẩm dễ xuất hiện khi vốn liếng về đời sống còn nghèo nàn, tư tưởng triết lý sống ngỡ là sâu sắc, độc đáo mà thực chất là nông nổi, vốn liếng văn hoá để nắm và làm giàu có những mô thức sáng tạo, mang lại ánh sáng và hơi ấm mới cho hệ thống ngôn ngữ thoát khỏi sự sáo mòn và phàm tục còn ít ỏi, một số tác giả mãi chỉ ở dạng triển vọng!
Có một quan niệm phân biệt giữa người viết và nhà văn: người viết là người có khả năng thể hiện lại bằng ngôn ngữ những điều đã có thật trong đời sống: sự việc thật, con người thật. Còn nhà văn là người từ sự thật đó mà hư cấu, sáng tạo nên một hiện thực khác hoàn toàn chưa có nhưng lại phản ảnh chân thật, sinh động cuộc sống. Quan niệm đó có thể đúng từ phía người viết. Nhưng ở phương diện tiếp nhận, người đọc, công chúng tiếp xúc với văn bản thì họ có một thước đo khác: tác phẩm có hấp dẫn, có mang nặng ý nghĩa nhân văn đến mức nào. Xưa nay, nhiều tác phẩm có nguyên mẫu mà vẫn giàu sức sống. Nói thế, để thấy, hiện thực đất nước hôm nay vẫn phải là một (tất nhiên không phải duy nhất) nguồn cảm hứng, là động lực, là chất liệu cho người viết tạo nên tác phẩm. Muốn bạn bè quốc tế biết đến, tác phẩm cũng như tác giả phải có căn cước dân tộc. Muốn nhiều thời nhớ đến, tác phẩm phải gắn mình vào một thời điểm, một mốc lịch sử nhất định.
Trong xã hội hôm nay, không chỉ ở nước ta, văn học đang đứng trước một thách thức lớn đồng thời cũng có một thời cơ lớn. Vị trí, uy tín, vai trò văn học cũng như nhà văn trở nên khiêm tốn hơn trong một xã hội dân chủ cởi mở; tốc độ lớn lên của dân trí xem ra có vẻ nhanh hơn, cao hơn của nhà văn, nghề văn. Văn hoá đọc đang bị lấn lướt và áp đảo khi các kênh nghe nhìn nương theo sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật để quảng bá các loại hình nghệ thuật khác. Bất chấp những thành tựu của tiền nhân và quốc tế, đến lượt mình, một nhà văn vào đời, đều xuất phát ở mốc số không. Mặc dầu lịch sử có những nguyên tắc bền vững để nhận diện một tác phẩm văn chương, nhưng làm ra một tác phẩm văn chương đích thực vẫn là một điều bí ẩn của muôn đời. Bởi nó phải là một cái gì đó không từng có trong quá khứ.
Có những câu hỏi đơn giản mà giải đáp không dễ dàng. Đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo. Văn học thời nào cũng ao ước có những tác phẩm lớn, xứng với thời đại, với đất nước mình. Nhưng, thế nào là tác phẩm lớn của ngày hôm nay? Văn học ta bao giờ có tác phẩm lớn? Làm gì để sớm có tác phẩm lớn? Sự huyền bí đó chưa hiển lộ. Việc chúng ta có thể làm và cần làm ngay là chuẩn bị điều kiện cho sự xuất hiện những tác phẩm bao năm hằng ao ước.
Lâu nay, trong tâm lý công chúng, trong công tác tổ chức và chỉ đạo cũng như của người viết trẻ chưa ý thức rõ ràng về hiện tình đó! Tâm lý sớm có tác phẩm, nôn nóng trình diện, nhu cầu xuất hiện thường xuyên, xây dựng và đánh bóng tên tuổi của những người mới có năng khiếu làm cho không ít người viết bỏ qua khâu quan trọng, là quyền lợi, là lợi thế của tuổi trẻ là HỌC TẬP, tích luỹ vốn tri thức thâm hậu về đời sống, về văn hoá, về kỹ năng ngôn ngữ và nghệ thuật, và quan trọng hơn là tìm ra những triết lý nhân sinh - tư tưởng của riêng mình để làm nên xương sống của một tác phẩm lớn. Việc Hội nghị người viết trẻ mới đến tuổi 35 mà đã có lời ra tiếng vào, thật ra, nó phản ánh một thực tiễn của lứa tuổi người viết hiện nay. Việc phải làm khi phát hiện ra một ai đó có năng khiếu viết văn, có lẽ chưa phải là đòi hỏi họ thể hiện bằng tác phẩm. Thậm chí, có thể đánh mất thời gian quí báu cho những sáng tác dễ dãi chỉ để duy trì một cái tên mà không làm giàu có thêm chất lượng của văn học.
Tôi còn nhớ, hơn 30 năm trước (1979), khi Trường viết văn Nguyễn Du vừa ra đời, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến, một trong những người được giao trách nhiệm giảng dạy, trong một Hội nghị ở Hội Nhà văn đã phát biểu: Người ta sinh ra đã là nhà văn hoặc không là nhà văn. Người đã không là nhà văn thì không đào tạo được. Nhà trường không thể đào tạo tài năng. Nhưng nhà trường có thể bồi dưỡng cho bất kỳ ai đi học để có tri thức, nghĩa là có năng lực phán đoán. Theo Kant: Phẩm chất trí tuệ từng người do tương quan giữa năng lực phán đoán và trí thông minh sắc sảo. Chỉ có trí thông minh, có học vấn cao, uyên bác nhưng đầu óc nặng nề sẽ không được tích sự gì. Trí tuệ lý tưởng là ở đó có sự cân bằng giữa năng lực phán đoán và sự uyên bác kiến thức. Trường học tốt là nơi bồi dưỡng được năng lực phán đoán, tạo sự cân bằng cần thiết đó. Và, với sự sâu sắc hóm hỉnh bẩm sinh, ông còn dẫn một lời của A. Tsêkhốp: Trường đại học có rất nhiều khả năng, trong đó có khả năng làm cho người học trở nên ngu xuẩn? Nhà trường rất cần sự ủng hộ của các nhà văn để khỏi rơi vào tình trạng này!
Cũng theo nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến, những người đã bộc lộ năng lực viết văn rất cần được đào tạo chu đáo! Trong mặt bằng dân trí hiện đại, một nhà văn mà vừa lòng với tấm bằng Đại học thì quá nông nổi. Theo ông, lý luận triết học là cốt lõi của người tri thức, người có văn hóa. Nó cho người ta nhìn sự vật với nhiểu góc độ khác nhau. Nhà văn phải có khả năng tả sự vật từ nhiều tọa độ. Người ta nói, nếu L.Tônxtôi thể hiện Matxlôva (Phục sinh) từ 20 tọa độ, thì nhà văn ta phải gắng để có ít nhất 3 tọa độ. Đa số nhà văn Việt Nam thường thể hiện nhân vật ở một tọa độ. Ba tọa độ đã là tài năng. Việc lôi kéo nhà văn vào các hoạt động chính trị, xã hội là cần thiết, thậm chí có lợi cho sáng tác. Nhưng việc học ở nhà trường và tự học để nâng cao trình độ văn hóa là rất quan trọng. Trong sáng tác, trình độ đó thể hiện rất rõ trong bố cục, kết cấu một tác phẩm. Sự đơn giản, sơ lược, nghèo nàn trong nhiều tác phẩm có nguồn ở sự yếu kém về lý luận. Liệu có bao nhiêu người viết trẻ có ý thức nghiêm túc về sự học tập này?
Điều kiện xã hội hôm nay tạo rất nhiều thuận lợi cho những ai có ý muốn trở thành nhà văn. Nhưng vẫn rất cần một công tác tổ chức để cho lực lượng những người viết trẻ thực sự là niềm tin và hi vọng của công chúng. Nhà nước cần có chính sách và biện pháp cụ thể để phát hiện và bồi dưỡng những tài năng sáng tác không chỉ trong trường học mà rất quan trọng là trong đời sống, giúp họ có sức lực, ý chí và điều kiện đi trên con đường dài, đừng để họ phải bán lúa non của tài năng để kiếm sống! Ngành giáo dục đang có chỉ tiêu đào tạo hai vạn tiến sĩ để nâng cao chất lượng giáo dục. Để xây dựng nền tảng, xương sống của nền văn hóa nước nhà - đó là văn học - sao chúng ta không sớm có chiến lược đào tạo đội ngũ nhà văn cho hôm nay và ngày mai, tất nhiên không chỉ là bằng cấp, một thế hệ không coi các ngoại ngữ là môn học bắt buộc để có học hàm học vị mà chỉ là công cụ là phương tiện mở rộng giao lưu và hiểu biết. Là hạt nhân, là máy cái của nền văn hóa, văn học có vị trí chủ lực khẳng định đẳng cấp của một nền văn hóa, cả trong giao lưu với quốc tế. Những tác phẩm văn học đặc sắc để giới thiệu với bạn bè thế giới về một dân tộc, đất nước vẫn là ước mơ của mọi nền văn học, mọi thời đại. Với một đất nước giầu có về tiềm năng văn hóa, nhiều biến động bi thương và hào hùng như nước ta, mơ ước đó càng cháy bỏng.
Sứ mệnh lịch sử thiêng liêng đó đang đặt ra với thế hệ người viết trẻ hôm nay.
Thứ văn chương trần tục, quan tâm những ham muốn nhỏ nhoi, không có ước vọng, tham vọng thay đổi cuộc sống hiện tại, thiếu vắng tầm nhìn nhân sinh sẽ khó có sức đồng vọng trong người độc rộng rãi. Mải mê dồn sức xây dựng những công trình có qui mô đồ sộ mà không quan tâm tới sự bền vững và trường tồn, xu hướng phổ biến trong xây dựng kinh tế hiện nay, nên là điều để cho giới sáng tác trẻ suy nghĩ. Kỹ thuật hiện đại cung cấp cho người viết gợi ý về những sản phẩm qui mô nhỏ mà tích tụ cao tính đa tác dụng đa chức năng.
Nhưng xã hội hôm nay không chỉ đòi hỏi ở người viết chất lượng của tác phẩm! Để nền văn hóa có sức soi đường cho quốc dân đi như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, số lượng các sản phẩm văn hóa của dân tộc là một yêu cầu bức thiết của thực tiễn đời sống. Ngoài đáp ứng nhu cầu của người đọc làm tròn sứ mệnh cao quí của mình, tác phẩm văn học còn phải là cái nền, cái gốc, là cơ sở cho sáng tạo của sân khấu, điện ảnh và đặc biệt nhiều về số lượng là phim truyện truyền hình. Chỉ đơn giản một điều, khi đất nước mở cửa, mặt bằng văn hóa quốc tế như cái bình thông nhau, ở đâu nội lực yếu, thiếu thì sẽ phải chấp nhận sự lấn át, chèn ép, thậm chí đè bẹp của những nền văn hóa nhiều về số lượng và loại hình sản phẩm, chứ chưa nói đến chất lượng. Điện ảnh, Truyền hình Việt Nam chấp nhận sự tràn ngập lãnh thổ của phim nước ngoài ở tất cả các kênh, các Đài từ Trung ương đến địa phương, trước hết là vì ta hoàn toàn thua về số lượng. Tất nhiên chất lượng cũng là một phần.
Yêu cầu xây dựng và bảo vệ nền văn hóa dân tộc, đòi hỏi chúng ta phải tổ chức, xây dựng, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ để họ hợp thành một đội ngũ đủ tài năng và điều kiện, noi gương lớp lớp người đi trước, vì danh dự và lòng tự trọng, không ngại hi sinh mạng sống của mình để giành và giữ độc lập cho đất nước, thế hệ người viết trẻ chung lòng, chung sức, chung ý chí sáng tạo những tác phẩm văn học không chỉ làm sáng giá nền văn hóa qua ngàn năm của dân tộc, mà còn góp phần nâng bước người Việt Nam hôm nay vượt qua mọi thử thách, xây dựng một đất nước Việt Nam thống nhất, giầu mạnh và thái bình.
Dài hơn một mùa xuân, là những năm tuổi trẻ thanh xuân đẹp đẽ và quí báu đang đón đợi thế hệ người viết trẻ. Trong những hoàn cảnh và điều kiện hiện có, những người được cha mẹ và trời đất ban cho tài năng văn chương hãy sớm biết ý thức về thứ tài sản mình có, biết tổ chức cuộc đời mình, phân biệt đâu là vốn liếng tài năng bẩm sinh; đâu là những gì còn thiếu để tích lũy kiến thức qua học tập và rèn luyện nhọc nhằn và bền bỉ trong thực tiễn cuộc sống; đâu là sân chơi để thi thố và thưởng thức cuộc sống, tiêu bớt năng lượng giàu có dồi dào của tuổi trẻ; đâu là tác phẩm đòi hỏi lao động sáng tạo nghiêm túc, đòi hỏi sự tận hiến những gì cao quí, đẹp đẽ nhất của đời người vốn không dài, cho hôm nay và mai sau; đâu là những công việc thiết thực và cụ thể phải làm để kiếm sống; đâu là nơi gửi gắm những ước mơ vốn là độc quyền của tuổi trẻ để tạo nên những tác phẩm có địa chỉ và hình hài dân tộc đủ sức vóc ra biển lớn sánh với bạn bè quốc tế!
Người viết trẻ hôm nay đang gánh vác niềm tin và hi vọng đẹp đẽ đó ./.
Ngô Thảo

No comments:

Post a Comment