.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Thursday, April 26, 2012

CÁCH TÂN THƠ CẦN BẮT ĐẦU TỪ THAY ĐỔI QUAN NIỆM TRIẾT MĨ

(Toquoc)- Câu chuyện không hẳn là điều gì mới mẻ, bởi lẽ sẽ có người nghĩ rằng khi nói quá nhiều về những sự cách tân, lập tức những lời ấy rơi vào sự mòn cũ và sáo rỗng.

Khi ông Nguyễn Vĩ hô hào thi sĩ đương thời tiền chiến phải gửi gắm trong thơ những tình sâu, ý hiếm, Hoài Thanh đã chỉ ngay rằng, chính lời tuyên bố rộn ràng ấy lại chẳng mang chút tình sâu ý hiếm nào. Để tránh rơi vào những vệt mòn của quá khứ, bài viết của chúng tôi bắt đầu bằng những suy nghĩ cốt thiết nhất về cơ chế, mục đích và ý nghĩa của cách tân thơ trong đời sống của thể loại này, chú trọng đến việc xem xét cách tân thơ như là sự hành xử mang tính phận sự của nhà thơ, không tách rời khỏi những mối ràng buộc cộng đồng, xã hội và các liên thuộc mang phẩm tính người của thi sĩ.
Trong một ý kiến ngắn trước thềm hội thảo Nghiên cứu - Phê bình văn học hiện nay, được tổ chức tại Viện Văn học (ngày 12/01/2012), chúng tôi đã đề cập đến vấn đề cách tân thơ với những phân tố làm nên một cơ chế sinh thành mới cho thơ ca. Theo đó, trong việc cách tân thơ, chúng tôi cho rằng vấn đề hạt nhân chính là những thay đổi trong kiểu tư duy thơ. Có thể nói đây là hạt nhân chi phối mọi hoạt động sáng tạo của thi sĩ, cấu thành nên thi giới. Thế giới nghệ thuật là sản phẩm của tư duy nghệ thuật. Tư duy nghệ thuật mang tính động, mang tính quá trình gắn với các thao tác: liên tưởng, tưởng tượng, suy tưởng và cả những “sự mất ngủ của giấc mơ” nữa… Các phân tố làm nên kiểu tư duy thơ là gì?
Đó chính là quan niệm về chất thơ, cách kiến tạo thi ảnh, cách khơi tạo và duy trì mạch thơ, cơ chế lựa chọn và kết hợp trong mĩ cảm của chủ thể sáng tạo, cách thức tổ chức tác phẩm, các chất liệu tiêu biểu (hiểu theo nghĩa là ở tác phẩm, thể loại, loại hình, tác giả này có mà tác phẩm, tác giả, thể loại, loại hình khác không có hoặc không nổi trội). Cách tân thơ chỉ có thể có được khi đổi mới kiểu tư duy thơ, làm xoay chuyển hệ thống các phân tố đã nêu. Đúng ra, đó là sự phá vỡ cấu trúc của kiểu tư duy trước, kiến tạo một kiểu tư duy khác. Một chỉnh thể nghệ thuật mới bắt đầu phôi thai từ trong tư duy, hứa hẹn một loại hình thơ mới ra đời. Sâu xa hơn, phải thấy rằng, cội rễ của việc thay đổi kiểu tư duy thơ chính là sự thay đổi của quan niệm triết học và mĩ học. Nếu không có những thay đổi mang tính nền tảng này, cách tân thơ sớm muộn sẽ rơi vào những thao tác thuần túy kỹ thuật, xa rời bản chất nhân văn, các giá trị triết mĩ cốt thiết trong đời sống tinh thần của con người.
Trở lại với vấn đề kiểu tư duy thơ. Quan niệm về chất thơ chính là lõi cốt trong cấu trúc sinh thành học của loại hình thơ. Đây là tinh chất được thăng hoa và ngưng kết trong toàn bộ trải nghiệm của thi sĩ. Nó là căn nguyên dẫn khởi cho ý tình, là hình thái đỉnh cao của ý niệm về cái đẹp, cái mang giá trị làm lay động tinh thần người nghệ sĩ. Nói như thế nghĩa là, quan niệm về chất thơ chính là thế giới quan, nhân sinh quan, quan niệm thẩm mĩ đã được trau luyện, tinh lọc qua cảm nghiệm vừa sâu dày nhưng cũng vừa bén nhạy của thi sĩ. Đó là chất sống, độ sống trong trường thẩm mĩ của thi nhân. Khi quan niệm về chất thơ thay đổi, nó vẫy gọi những phân tố khác sinh thành, để cất nên lời của một “điệu hồn” (Chu Văn Sơn) mới. Cuộc cách mạng trong thơ ca Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX chính bắt nguồn từ những thay đổi trong quan niệm về chất thơ. Lời ông Lưu Trọng Lư cách đây gần 80 năm tưởng không thay đổi chút nào giá trị khi ta nghĩ đến những đổi thay trong quan niệm về chất thơ: “Các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt. Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta nao nao vì tiếng gà lúc đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta thì ta cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình vạn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu". Thơ mới (1932-1945) quả đã làm một cuộc cách mạng trước hết trong tư tưởng, trong quan niệm về chất thơ, về cái đẹp, cái có giá trị lay thức tinh thần con người buổi ấy. Đồng thời cũng phải nói ngay rằng, kiểu thơ ấy chính là một bằng chứng tinh thần để ta nhận ra con người Việt Nam trước những va động lớn lao của thời đại. Những nỗ lực cách tân thơ Việt Nam đương đại cũng mang trong mình hoài bão ấy.
Sự dịch chuyển của thơ ca từ cái tôi siêu cá thể thời trung đại sang cái tôi cá thể thời thơ mới (1932 - 1945) là tâm điểm của sự vận động thơ ca những năm đầu thế kỷ XX. Cho đến bây giờ, chúng ta đang ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, và giới nghiên cứu lại bắt đầu bàn đến một cuộc dịch chuyển mới. Thơ ca đương đại đã đưa cái tôi cá thể đi xa hơn, tiến đến phạm trù cái tôi bản thể. Trong một diễn giải ngắn chúng tôi chưa thể nói hết những suy tư của mình. Tuy nhiên, thực tế của đời sống văn học dường như đang ủng hộ những ướm định này. Cái tôi bản thể mơ về một diễn trạng sống bao trọn trong nó tính nguyên hợp của sự hiện hữu. Hiện hữu không chỉ là cá thể biệt lập đòi quán chiếu tinh thần của mình lên ngoại giới, mà sự “sống đời” (cách nói dân dã, dễ hiểu của nhân dân ta về “hiện hữu tại thế” mà Trần Văn Toàn đã biện giải rất rành mạch trong Hành trình vào triết học, Nxb Tri thức, 2009) còn là hiện hữu trong thân xác, trong nhân giới, vật giới, trong cả thế giới tâm linh, thế giới bên kia. Đôi khi, cái tôi bản thể còn thâu nhận vào nó những phức hợp của đời sống, biểu hiện một cách đầy mâu thuẫn, phá vỡ những ước định về “cái nguyên tôi”, phân mảnh và đối lập hết sức bất ngờ giữa chủ thể của lời và chủ thể trong lời (chúng tôi đã có dịp khảo sát vấn đề này - Vi Thùy Linh giữa những quyền lực của lời, Hội thảo Nghiên cứu - Phê bình văn học hiện nay, Viện Văn học, tháng 1/2012). Cái tôi bản thể không phải là sự phủ nhận cái tôi cá thể mà là một hình thái khác của sự “sống đời”. Chính vì thế, điều cốt yếu cho một hình thái sống như ao ước của con người hôm nay không thể đánh mất đi những trăn trở về trách nhiệm xã hội, về ý nghĩa của sự tồn tại trong mối liên thuộc tất yếu, biện chứng với ngoại giới.
Quan niệm về chất thơ trong tinh thần của chủ thể hướng tới xác minh một sự hiện hữu toàn nguyên dĩ nhiên cũng phải thể hiện được phẩm tính mới của sự sống đời ấy. Đó là điều mà chúng ta vẫn nói - sự cách tân thơ. Cách tân thơ là thể hiện trách nhiệm xã hội của nhà thơ trong chính ý nghĩa hiện hữu của mình. Các nhà thơ dòng chữ (Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng…), làm mới lục bát (Nguyễn Duy…) cùng rất nhiều tác giả khác ngay từ sau đổi mới như Phạm Thị Ngọc Liên, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Trọng Tạo, Mai Văn Phấn, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Phan Thị Vàng Anh, các nhà thơ nhóm Mở Miệng, Ngựa trời, Tân hình thức… đều mang trong mình khát khao làm mới thơ Việt. Dĩ nhiên, có hay không sự cách tân hoặc cách tân đến đâu cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cách tân thơ trong thực tế là yêu cầu tất yếu của sáng tạo nghệ thuật, trách nhiệm xã hội là lời kêu gọi trước nguy cơ nhà thơ đang xa rời những liên thuộc mang giá trị nhân văn rộng rãi, phổ quát. Trong tính đặc thù và quan yếu của một hình thái nghệ thuật, người ta chưa xem đó là cứu cánh cuối cùng. Giá trị mĩ học của thơ mới là cái đích để mọi thao tác nỗ lực nhắm đến. Giá trị đó không thể đứng ngoài những ràng buộc với mọi phương diện hiện hữu của con người. Cách tân chính là sự thể hiện trách nhiệm trước hết với nghĩa lý của sự tồn tại của chủ thể, rộng lớn hơn, trong cảnh sống chằng chịt những tương tác và luôn vận động, cách tân đẩy cỗ xe nhân loại đi về phía trước, hướng tới, bồi đắp, làm dày thêm các giá trị nhân văn. Rõ ràng, trong ý nghĩa chân chính nhất của từ cách tân, mọi nỗ lực đều đáng ghi nhận. Chúng ta cũng không thể nói rằng một hiện tượng nào đó chỉ là những cách tân thuần túy thuộc về hình thức.
Bởi lẽ, sự cách tân về hình thức bản thân nó đã mang một quan niệm mới về chất thơ. Vấn đề sẽ phức tạp và đưa câu chuyện đi xa hơn khỏi những luận bàn nho nhỏ của chúng ta ở đây. Và vì thế, những phủ quyết nào đó về tính cực đoan của hoạt động cách tân thuần túy hình thức sẽ được quy lại ở những thao tác có tính kỹ thuật, gọt đẽo ngôn từ không bắt nguồn từ những dịch chuyển trong cấu trúc của kiểu tư duy thơ. Nghĩa là nó không mang đến một giá trị mới nào trong thực đơn tinh thần của chúng ta. Tuy nhiên, để nhận ra ngọc đá quả thật không dễ. Sự kêu gọi trách nhiệm xã hội của nhà thơ có lẽ là một định hướng, đúng hơn là sự cảnh tỉnh. Và trong tính bất toàn của vũ trụ mà chúng ta đang sống, niềm mong mỏi trước hết và có căn cứ nhất chính là trách nhiệm của nhà thơ trước sự hiện hữu của bản thân mình. Trong sự hiện hữu ấy, bản thể chỉ có thể được xác lập trong thế tương quan với tha nhân và vật giới. Sáng tạo và cách tân xa hơn phải là hướng đến sự đối thoại - sự thiết lập tương quan về các hệ giá trị làm nên “cái sống”. Bản thể - tha nhân - vật giới không thể tồn tại nếu thiếu đi những kênh giao tiếp khả dụng.
Để kết thúc cho bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn mượn lời Tzvetan Todorov để nói về niềm mong mỏi ấy: “phải lồng tác phẩm vào cuộc đối thoại lớn lao giữa con người với nhau”, và “chính chúng ta - những người đã trải nghiệm, phải có trọng trách truyền lại cho các thế hệ mai sau cái gia tài mong manh đó, những tiếng nói giúp con người sống tốt đẹp hơn” (Văn chương lâm nguy, Trần Huyền Sâm và Đan Thanh dịch, Trần Thiện Đạo hiệu đính, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học & NXB Văn học, 2010, tr. 85).
Nguyễn Thanh Tâm

No comments:

Post a Comment