.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Sunday, April 22, 2012

VI THÙY LINH - XÓM ĐIẾM CÓ THƠ

Ai đó giật mình khi nghe tên cuốn sách, tưởng đó là tập phóng sự về tệ nạn xã hội hay đề tài “nhạy cảm”, sẽ giật mình lần nữa khi biết, đây là tên tập thơ mới nhất của 5 người cùng quê, đang sống ở 3 miền đất nước Xóm Điếm là sách in chung của 5 nhà thơ xuất thân từ Xóm Điếm.
 Dịch giả Đoàn Tử Huyến, tóc bạc loà xoà, đeo máy ảnh nhà nghề sau chuyến đi Ba Vì về chiều 14/4 báo với tôi hung tin: “Sắp làm đêm ra mắt thơ Xóm Điếm” lại “bồi thêm”: “Xóm Điếm mà cũng có thơ” (cười).
Buổi ra mắt tập thơ đã diễn ra xôm tụ, tại Thư viện café Đông Tây (11A Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội) tối thứ Năm 19/4 vừa qua với sự có mặt của 4 tác giả, trong đó có 3 hội viên Hội Nhà văn VN. Xa quê nhất là nhà thơ Lam Giang (tại TPHCM) bị ốm không ra được. Đông đảo các nhà thơ, nhà văn đã đến chung vui: Bằng Việt, Trung Trung Đỉnh, Trần Quang Quý, dịch giả Hoàng Thuý Toàn (giám đốc), dịch giả kiêm nhiếp ảnh gia Đoàn Tử Huyến (chủ tịch) – Trung tâm Văn hoá và ngôn ngữ Đông Tây, nơi tổ chức sự kiện này
Xóm Điếm không chỉ có thơ, mà có nhiều tên tuổi của một làng khoa bảng nức tiếng nước Việt: làng Quỳnh, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Xóm ở đầu làng, có chiếc điếm canh, nên dân từ xưa quen gọi là “Xóm Điếm”. Đường đất quanh co trong ngôi làng nghèo mà trù phú nhân tài, giờ đã đổ bê tông chạy thẳng, điếm canh đã bị đập tan để làm đường quốc lộ 1A chạy qua làng ra biển. Bốn luỹ tre như thành luỹ thuỷ chung quanh làng Quỳnh cũng đã bị phá trụi từ lâu.
Khi tôi sang Praha (Cộng hoà Czech) cuối thang 11/2011 , kỹ sư Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội Người VN tại Sec cho biết: “Người Việt Nam tại Sec có 7 vạn, trong đó đồng nhất là Nghệ - Tĩnh”. Hội đồng hương Nghệ An khắp trong và ngoài nước luôn là hội mạnh nhất, vì người xứ Nghệ rời quê hương toả bốn phương đông nhất.
Xóm Điếm có một người con kiệt xuất: nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bà chúa Thơ Nôm là con gái danh nho Hồ Phi Diễn. Làng Quỳnh là quê tổ họ Hồ Việt Nam, có vô số tài danh, đông đảo nhất là các tri thức, hội làng hàng năm vào 11, lễ chính tế Đức nguyên tổ Hồ Hưng Dật vào sáng 12  tháng Giêng ta (lễ túc yết bắt đầu từ đêm hôm trước), thuộc loại to nhất nước.
 Thơ của các nhà thơ xứ Nghệ bấy nay luôn nổi trội phẩm tính “Nghệ” mạnh mẽ, lý tính và có hơi ngang gàn khí chất “ông đồ”. Đã là người Nghệ, ai cũng tự hào nhắc đến Hồ Xuân Hương, hình như ai cũng có một Hồ Xuân Hương làm “bà đỡ / bệ phóng” tâm hồn mà làm thơ. Đội ngũ văn sỹ Nghệ An nói chung và làng Quỳnh nói riêng, dễ kể ra “hùng hậu”.
Tập thơ Xóm Điếm (225 trang, 123 bài NXB Hội Nhà văn, 4/2012) do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa, viết tựa và làm MC buổi ra mắt 5 tác giả cùng một xóm thơ, hay trên chiếc “xe tăng thơ” đã tiến vào, xuất hiện trong đời sống văn học đương đại không bị nhạt tẻ. Tuy nhiên, dụng công “săn tìm” những câu hay để trầm trồ, ám ảnh khó đạt được khi vào “cụm xóm” này.
 Lớn tuổi nhất là PGS.TS Văn Như Cương (1939, lại công bố ít nhất: 23 bài. Ông bảo vệ Tiến sĩ Toán tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô 1976, được công nhận PGS 1980, song không làm tiếp lên học hàm GS. Không cần học hàm ấy, danh tiếng thầy vẫn lừng lẫy khắp nước với nhiều thế hệ học trò và các nhà khoa học.
Văn Như Cương là nhà toán học, một trong những người thầy tiêu biểu của nền giáo dục Việt Nam mấy thập niên qua. Thầy đã biên soạn sách giáo khoa và lập ra trường tư thục đầu tiên của HN: Lương Thế Vinh. Em gái thầy, bà Văn Xuân Hương, lấy GSTS Toán Phan Đình Diệu, sinh ra các nhà toán học Phan Hà Dương, Phan Dương Hiệu đều nhận học bổng du học ở Pháp, được công nhận PGS.TS khi tuổi 30 tại Paris cả gia đình GS Diệu đều yêu thơ, nghệ thuật. Đại gia đình PGS Văn Như Cương đã là một “lò toán học” hiếm có. “Văn Như Cương, toán cũng như Cương/ Một cuộc đời hai nửa vấn vương”, ông viết thế khi mở trường, năm 1989. Thơ ông là tâm sự đời thường, tình cảm được giấu nén, chỉ có nhiều cảm khái về thế sự, cuộc sống thì khắc khoải và dữ dội. “Ta không làm mây bay / Ta sẽ làm nước chảy” khi tuổi 20, nửa thế kỷ sau, Văn Như Cương vẫn bền bỉ phong thái của một nhà giáo uy danh, vầng trán rộng, chóm râu bạc trắng như đã thành biểu tượng.
Phan Huy Dương (Dương Huy, 1939) đang sống tại TP Vinh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, TBT tạp chí  Sông Lam. Bài lần này, ông nổi trội thơ trào phúng và thơ thiếu nhi. “Thủ trưởng hắt hơi”, “Ông tiến lên” thật hóm hỉnh. “Lẳng lặng mà nghe” theo điệu “Tú Xương” bỡn cợt các vị sếp chuyên giáo điều, bất tài, tham lam thơ hiện đại. Đáng yêu những bài thơ cho trẻ nhỏ “Gà anh khoác lác”, “Thuyền ngủ bãi”, “ Tớ là quả bóng”, “Mùa Xuân màu gì”, cho người đọc trở về tuổi nhỏ. Bài thơ xúc động nhất của Dương Huy là “Đất mẹ anh hùng” có đủ các địa danh của quê hương bắt đầu bằng từ “Quỳnh”, sáng tác hồi đánh Mỹ. Sau đạn bom, lam lũ của vùng đất “không quen sống những ngày phẳng lặng” là niềm kiêu hãnh: “ Trong khói lửa hiện lên như thần thoại/ chim phượng hoàng rồi trở lại quê ta/ Đất có trăm hồ/ Rừng có ngàn hoa”.
 Dương Huy, Lam Giang, Dương Danh Dũng (1948, in 25 bài) là hội viên Hội Nhà văn VN. Nhà thơ “3D” Dương Danh Dũng vốn là kỹ sư cầu đường, từng giữ chức Cục trưởng ở Bộ GTVT, đang sống ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông có bài lục bát “Một lần về quê” đáng nhớ: “Sông Đồng Nghệ nước đổi màu/ Hương Sen biết có làm đau lòng người/ Mồ cha cỏ lụi hết rồi/ Người xưa còn lại một nồi đất đen/ Tìm con sáo nhặt đường cày/ Thì ra sáo đá bỏ bầy mà đi”.
Ông có cái nhìn tê tái về Hồ Xuân Hương: “ Vinh quy chỉ một tấm bia/ Hồn thiêng nữ sĩ đã chia phương nào/ Bàng hoàng trời rụng mưa sao” khi tại quê mình bà chúa Thơ Nôm không được nằm an nghỉ, chỉ có tấm bia: “Mấy đời thi sĩ Quỳnh Đôi/ Câu thơ đóng cọc giữa trời mà lay”.
 Cảm xúc về Hồ nữ sĩ, về làng là “đường dây” xuyên suốt, kết chặt 5 tác giả. Nhà thơ Lam Giang (Hồ Sĩ Thành, 1946) đi bộ đội, ở lại Sài Gòn sau giải phóng 1975, hiện thường trú tại quận Gò Vấp, nhớ làng Quỳnh chỉ biết: “Thương quê cả lúc vui buồn/ Hương quỳnh thơm thoảng chập chờn trong mơ”. Ông được bừng lên, trở lại chính mình khi đưa con gái Minh Trâm về thăm quê 1997 “Với con đẹp nhất quê mình” và “hoàn đồng” khi làm mục đồng bằng kí ức “Tuổi thơ về lại trên lưng trâu đằm”.
Các nhà thơ của cụm “Xóm Điếm” này không cách tân, đột phá về thể loại, chủ yếu là dòng tự sự, lý trí. Nổi bật trong 25 bài của Lam Giang là khổ kết bài “Lửa và tôi”: “Lửa thức, tôi nằm/ ấy là khi cuộc đời bình yên nhất/ Lửa tắt/ Tin tôi thành ngọn lửa/ Hân hoan nhảy múa với thơ mình”. In nhiều nhất 26 bài, thơ khá nhất tập này là Hồ Phi Phục (1937) đang sống tại TP Vinh. Các bài thơ của ông thường dùng vài câu thơ đề từ của Hoàng Trung Thông – nhà thơ cùng làng đồng thời là một nhà Hán học tầm cỡ: “Sao bóng cây hồ vương những ý thơ” hay của nhà văn, triết gia F.Voltaire: “Nếu không có Chúa thì phải bịa ra Chúa”. Hồ Phi Phục suy tôn cái đẹp. Ông viết về hồ, về bốn luỹ tre làng “đi biệt tăm” không còn nữa, về hòn Trống Mái, hoa đại… gửi vào các ý niệm, tâm tình thế nhân tình, lộ rõ một người đa cảm. Trận đồ, Xa vời, Thiếu phụ, Về Thượng Đế là 4 bài thơ văn xuôi tài hoa.
Thơ của ông có chất triết học và chứa những điển tích, tác phẩm nổi tiếng của sân khấu, hội hoạ thế giới, phản ánh hiểu biết của một cây bút sùng mộ nghệ thuật. Danh ca là bài thơ ngắn mà hay của Hồ Phi Phục: “Người đã hát bao lần từ một bài hát đó/ Tôi trở nên giàu có/ Người là chủ nợ lớn nhất niềm đam mê của tôi”.
5 anh em cùng thế hệ, cùng xóm Điếm làng Quỳnh – 5 cành nhánh từ cây trường lưu đất học lẫy lừng. Mỗi người một hoàn cảnh, tài năng, số phận khác nhau, cùng mê một “ chủ nợ”. Chủ nợ ấy không phải là “nữ danh ca” như trong thơ Hồ Phi Phục mà ở điều họ không tuyên xưng: Thi ca. Chính thi ca cho họ sự mãnh liệt và giàu có của tâm hồn, để sống, làm việc và viết không vô vị. Như Văn Như Cương từ 1962 đã nhìn công thức toán thành hoa: “Em ơi trong Toán nhiều công thức/ Đẹp cũng như hoa lại chẳng tàn”.
VI THÙY LINH

No comments:

Post a Comment