.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Tuesday, April 24, 2012

NGÀY HỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI YÊU SÁCH

(GD&TĐ) – Sáng nay (21/4), Ngày hội sách và Văn hóa đọc đã chính thức khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội với nhiều hoạt động, thu hút những người quan tâm, yêu mến sách. Ngày hội góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chính phủ với mục tiêu “xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”.

Đây là lần đầu tiên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Vụ Thư viện, Hội Nhà văn và các đơn vị làm sách tư nhân cùng bắt tay tổ chức Ngày hội đóc sách, với mong muốn tạo nên một sự kiện ý nghĩa, thu hút và tôn vinh văn hóa đọc của các thế hệ người Việt Nam. 

Chủ đề của ngày hội đọc sách năm nay là "Đọc sách cho ngày mai", đúng dịp ngày Bản quyền thế giới (23-4). Điểm nhấn trong Ngày hội đọc sách lần này là những hoạt động của Ban Văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam: Các nhà thơ Vi Thùy Linh và Bảo Chân trình diễn thơ, nhà văn Phong Điệp đọc truyện ngắn và nhà văn Nguyễn Đình Tú thì đọc một chương trong tiểu thuyết mới của anh; Chương trình "Đọc sách cùng con" và tọa đàm "Văn học trẻ hiện nay và văn hóa đọc" do các nhà văn và nhà phê bình dẫn dắt độc giả…

Bên cạnh đó, chương trình ký tặng sách của một số nhà văn trong khung "giờ vàng” cũng thu hút được sự tham gia của phần lớn những độc giả có mặt ở sân Văn Miếu. 

Theo thống kê của Thư viện Quốc gia Việt Nam, bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 - 10 % dân số, khoảng 30.000 bạn đọc thường xuyên mỗi năm. Trong khi đó thư viện cấp tỉnh chỉ có khoảng 1.000 - 2.000 bạn đọc, cấp huyện 500 - 600 bạn đọc, thư viện, phòng đọc cấp xã chỉ khoảng 100 - 200 bạn đọc.  
Giữa thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, văn hóa đọc, lượng độc giả đến với các ấn phẩm in mỗi ngày bị thu hẹp lại trong đời sống thì việc tổ chức một ngày hội dành cho đọc sách thực sự là một sáng kiến hay và nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, theo quan sát, các nhà sách, các nhà xuất bản chưa chú trọng hiện thực hóa ý tưởng một cách chuyên nghiệp bằng các hoạt động cụ thể, có hiệu quả để thu hút độc giả đến với sách nhiều hơn.

Tuy chưa thật hập dẫn về hình thức tổ chức, thu hút bạn đọc song với không khí tươi vui của ngày hội, bạn đọc đến với sách vẫn tương đối đông đảo. Đại diện một số gian trưng bày và bán sách cho biết, chỉ trong buổi sáng, số bản sách bán ra tương đối lớn và mang lại doanh thu khá mặc dù đã áp dụng mức giá ưu đãi với khách hàng tham gia ngày Hội. Các gian hàng đều áp dụng giảm giá từ 20% đến 50% tùy theo từng đầu sách.

Ông Trịnh Tất Đạt, đại diện quầy sách NXB Từ điển Bách khoa cho biết, số bản sách bán ra nhiều hơn các kỳ Hội chợ thông thường và doanh thu chỉ trong một buổi sáng là trên 10 triệu đồng.

Chị Nguyễn Minh Đức, đại diện quầy sách NXB Giáo dục, chủ yếu phục vụ sách cho đối tượng học sinh các trường phổ thông. Quầy sách cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều các em nhỏ và các bậc phụ huynh. 

Đại diện Nhà sách Đinh Tỵ, chị Trần Thị Linh cho biết, theo quan sát tại quầy, lứa tuổi thanh thiếu niên quan tâm và mua sách nhiều hơn.


Giảm giá cũng là một yếu tố khuyến khích người mua sách. Tuy nhiên, theo một số khách tham gia ngày hội, không khí của ngày hội sách chính là yếu tố quan trọng, làm tăng sự hứng khởi, phấn chấn cho những người yêu sách.

Nguyễn Thị Tâm và Ngô Xuân Trang, sinh viên ĐH Nội Vụ chia sẻ, ngày hội đã được đoàn trường phổ biến và kêu gọi hưởng ứng rộng rãi trong sinh viên toàn trường. Tuy nhiên chúng em tham gia trên tinh thần tự nguyện vì nhận thức được tầm quan trọng của sách đối với sự hiểu biết và trau dồi kiến thức của bản thân. Chúng em đều đã chọn mua được sách tại quầy để phục vụ việc học tập và tham khảo thêm.

Nguyễn Minh Hoàng và Cao Thị Minh, sinh viên ĐH Nông nghiệp Hà Nội đồng quan điểm, sách là người bạn tinh thần thân thiết có thể đồng hành với ta bất cứ nơi đâu. Mặc dù ngày nay Internet rất phổ biến song trên thực tế nhiều người chỉ có thể “lướt Web” chứ muốn đọc để hiểu, để chiêm nghiệm thì vẫn cần đến các ấn phẩm in. Chưa kể đọc sách online có một hạn chế khá rõ là nhanh mỏi mắt.


Ông Bùi Hữu Giao (Bình Dương), một độc giả đã gần 80 tuổi chia sẽ, tôi rất vui khi đến thăm Văn Miếu vào đúng ngày Hội sách. Tuổi của chúng tôi rất trung thành với sách in nên rất cảm ơn Ban tổ chức Ngày hội sách đã tạo nên một hoạt động đầy ý nghĩa. Tôi thấy rằng, lớp thanh thiếu niên ngày nay được tiếp cận nhiều luồng thông tin nhưng thực sự chưa biết cách tiếp cận đúng nên chưa hiệu quả. Các cháu cần đọc nhiều và đọc có định hướng, có văn hóa mới có thể trở nên hoàn thiện được.

Hâm nóng lại tình yêu với sách, khuyến khích việc đọc sách, biến đọc sách thành nét văn hóa đẹp là việc làm cần thiết của không chỉ mỗi gia đình, nhà trường mà của toàn xã hội.

Một ngày hội dành cho việc đọc sách, dù rất quý nhưng cũng sẽ là chưa thể đủ, nếu các nhà quản lý và những người làm sách không thực sự có những hoạt động thường xuyên, hiệu quả hơn để đưa sách vào đời sống. Làm thế nào để tình yêu với sách trở thành một tình yêu tự nguyện, một niềm hạnh phúc, một nét văn hóa đẹp, một mong muốn làm giàu có tâm hồn của mỗi con người mới là điều khó mà những người có trách nhiệm cần tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

Bảo Minh

No comments:

Post a Comment