Đầu năm 1285, quân Nguyên Mông tiến
vào ải Nội Bàng, mở đầu cho cuộc xâm lược nước Đại Việt lần thứ hai. Trước thế
mạnh của giặc, ải Nội Bàng thất thủ. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thay đổi
chiến lược, lui quân phòng thủ để bảo toàn lực lượng chờ thời cơ phản công.
Tình thế trước mắt gặp nhiều khó khăn, lòng người không khỏi hoang mang, dao
động. Trên con thuyền rút về Hải Đông, Trần Nhân Tông đề vào đuôi thuyền hai
câu thơ bất hủ:
Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh
(Việc cũ ở Cối Kê ngươi nên nhớ
Đất Hoan, Diễn vẫn còn kia mười vạn
binh)
Hai câu thơ gợi nhắc điển cũ Cối Kê,
lúc Việt Vương Câu Tiễn bị quân Ngô dồn vào ngõ cụt, binh sĩ tan tác, tưởng như
không thể phục hồi lại được. Ấy vậy mà chỉ với một nghìn quân ít ỏi còn sót
lại, Câu Tiễn đã xây dựng thành một đội quân hùng mạnh sau này thôn tính nước
Ngô hoàn thành bá nghiệp. Gợi lại tích xưa, Trần Nhân Tông muốn khẳng định niềm
tin mãnh liệt của mình vào chiến thắng. Vị hoàng đế muốn nhắc nhở tướng sĩ của
mình rằng đừng vội nản lòng vì những rối ren trước mắt, đừng quên chúng ta vẫn
còn mười vạn quân Hoan Diễn đang sẵn sàng chờ tiếp ứng. Một nghìn quân của Câu
Tiễn còn làm nên việc lớn, huống hồ lực lượng của ta đang hùng hậu, chỉ tạm lui
binh để thực hiện đại kế mà thôi.
Tuy nhiên, giá trị của hai câu thơ
này không dừng lại ở đó, cái chính là nó đã tạo ra một cái nhìn triết học mang
tính biện chứng sâu sắc. Từ chiều sâu suy tưởng, có thể khẳng định một cách
chắc chắn rằng một sự kiện Cối Kê sẽ lặp lại, không phải ở Trung Hoa thời Xuân
Thu mà ở nước Đại Việt thời Trần. Trong hoàn cảnh nguy khốn mới thấy hết được
bản lĩnh của Trần Nhân Tông – vị chỉ huy tối cao của toàn dân tộc. Giữa lúc thế
giặc đang mạnh, lòng người không yên, con người ấy không mảy may nao núng, trái
lại vẫn bình tĩnh, tự tin và nhận định tình hình một cách sáng suốt. Bàn về hai
câu thơ trên, Nguyễn Huệ Chi cho rằng “nếu Trần Quốc Tuấn bày tỏ sự thấy (thắng
lợi) bằng cái cách của con nhà tướng, đem đầu ra đánh cược với Trần Thánh Tông,
thì Trần Nhân Tông lại thể hiện nó bằng tầm bao quát tinh xác tương quan lực
lượng trên khắp mọi mặt trận khi đó, cả trước mặt mình và khuất xa sau lưng
mình. Chưa nói đến đức bình tĩnh hiếm có, chỉ nội dung của lời thông báo cũng
đủ chứng tỏ năng lực của một con người lãnh đạo kì tài” (1)
Sau khi cuộc kháng chiến kết thúc
thắng lợi, Trần Nhân Tông cùng quần thần hành lễ bái yết tại Chiêu Lăng (Lăng
vua Trần Thái Tông). Nhìn con ngựa đá lấm bùn, ông xúc cảm làm bài thơ:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng)
Bài thơ chỉ hai câu mà trở thành danh
thi, lưu truyền vạn thuở. Nó không đơn thuần khẳng định sức mạnh nội lực của
dân tộc hay niềm vui chiến thắng mà còn thể hiện sự suy nghiệm sâu sắc cùng với
cái nhìn quán thông kim cổ, giúp ta nhận ra được sự trường cửu của dân tộc. Hai
câu thơ chứa đựng trong nó sự tồn tại đối xứng và chuyển hóa cho nhau giữa các
khái niệm đối lập: “chiến tranh” và “hòa bình”, “động” và “tĩnh”. Chiến tranh
trong một lúc, hòa bình là thiên thu. Cái động trong thoáng chốc, cái tĩnh là
vĩnh hằng. Điều đặc biệt là để tạo ra nền hòa bình muôn thuở thì phải chịu gian
lao trong chiến tranh. Để có cái tĩnh thì phải chuyển hóa nó từ cái động. Từ
cái nhìn biện chứng, nhà thơ khái quát thành một nhận xét về dân tộc: tuy phải
nhiều phen binh lửa nhưng sẽ mãi mãi vững bền.
Một lần khác về thăm Long Hưng,
trông thấy vẻ uy nghi đường vệ của lăng Thái Tông, một tứ thơ hào sảng phát
khởi trong lòng vị hoàng đế:
Tì hổ thiên môn túc
Y quan thất phẩm thông
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong
(Xuân Nhật yết Chiêu Lăng)
Dịch nghĩa:
(Nghìn cửa quân tì hổ uy vũ,
Các quan thất phẩm áo mũ đầy đủ.
Quân sĩ có người đầu bạc vẫn còn.
Thường thường kể chuyện thời Nguyên
Phong)
(Ngày xuân thăm Chiêu Lăng)
Những lời thơ mang khẩu khí của bậc đế
vương anh hùng, toát lên vẻ đẹp hùng tráng và lãng mạn. Từ vẻ tôn nghiêm và uy
vũ của đế lăng trong thực tại, qua câu chuyện của “người lính giá đầu bạc”, tác
giả như làm sống lại không khí hào sảng, oanh liệt lúc Nguyên Phong (vua Trần
Thái Tông) trực tiếp xông pha trận mạc, qua đó thể hiện lòng tự hào dân tộc và
lòng nhớ ơn tổ tiên sâu sắc.
Ngoài những bài thơ trên đây, không
tìm thấy trong thơ Trần Nhân Tông bài thơ chiến trận nào nữa. Có thể do ông
không sáng tác nhiều. Cũng có thể tác phẩm của ông bị thất tán do chủ trương
thủ tiêu văn hóa của giặc Minh đầu thế kỉ XV. Song cần thấy rằng, chuyện sáng
tác nhiều hay ít không quan trọng trong địa hạt của thi ca. Cái quan trọng là
với những vần thơ ít ỏi như thế, Trần Nhân Tông đã thể hiện được hào khí thời
đại và vẻ đẹp tráng lệ của con người thời Trần – những con người mang trong
mình tinh thần Đông A.
Hồ Tấn Nguyên Minh
(GV Trường THPT chuyên Lương Văn
Chánh, Phú Yên)
No comments:
Post a Comment