.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, April 30, 2012

KHI NHÀ VĂN TRỞ THÀNH ANH HÙNG

(Toquoc)- Xưa nay, Anh hùng vẫn là nhân vật lý tưởng của các nhà văn. Với sứ mệnh ngợi ca con người và cuộc sống nhà văn luôn tìm những mẫu người lý tưởng, những người sống hiên ngang, khí phách, vượt lên những hoàn cảnh hiểm nghèo của bản thân và xã hội, lập những công tích chói lọi, để gieo niềm tin và hi vọng cho con người.
Thời nào, đất nước nào cũng cần những con người như vậy. Nhà thơ (Chế Lan Viên) từng viết:
Ôi thương thay những thế kỷ thiếu anh hùng
Những đất nước thiếu người cầm gươm ra trận
Nét mới mẻ nổi bật đáng tự hào của hơn 30 năm đất nước có chiến tranh là các nhà văn Việt Nam đã luôn có mặt bên những chiến sĩ trực tiếp cầm súng, một số không ít những chiến sĩ cầm súng đã trở thành nhà văn. Nhiều người đã nghĩ, trong những năm kháng chiến, mỗi tác phẩm văn chương hay xuất hiện được tiếp nhận như một tin thắng trận, thực sự có tác động như một trận thắng. Được như thế, một phần quan trọng là do tư thế của nhà văn trong đội hình chiến đấu của dân tộc. Vẫn nhà thơ Chế Lan Viên viết:
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ
Bên những dũng sĩ bắn xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi
Hàng trăm nhà văn mặc áo lính trong sắc phục các quân binh chủng, và có mặt ở khắp các chiến trường đã tự trình diện bằng những sáng tác kịp thời thuộc nhiều thể loại. Đánh giá cao đóng góp của các nhà văn cũng như các nghệ sĩ khác, nhà nước đã có nhiều hình thức khen thưởng, mà giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước đã và đang trao tặng là một sự ghi nhận. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang vừa được tặng cho ba nhà văn Chu Cẩm Phong (1941-1971), Nguyễn Thi (1928-1968) và Lê Anh Xuân (1940-1968), thêm một lần nữa khẳng định đóng góp của Văn học và Nhà văn những năm chiến tranh. Trong hơn 20 nhà văn hi sinh ở mặt trận, cho đến nay, ba nhà văn được tuyên dương là có những lý do xác đáng.
Trong mấy cuộc kháng chiến lớn vừa qua, ngay cả những đầu óc lớn của đối phương, khi tìm nguyên nhân thất bại khi họ có một ưu thế áp đảo về trang bị vật chất: Vũ khí tối tân, hiện đại, nhưng cuối cùng họ thua ở một khâu bất ngờ nhất: Tinh thần chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc. Điều đó không tự nhiên mà có. Nó là kết quả kỳ diệu của công tác tuyên truyền vận động quần chúng của Đảng với tác phong gương mẫu, lời nói đi đôi với việc làm, nơi nào khó cán bộ Đảng viên đi trước, hàng vạn Đảng viên bám dân bám đất ở những nơi ác liệt nhất. Trong cả những thời kỳ thoái trào, đen tối nhất, lòng tin của Dân vào Đảng, vào ngày cách mạng thắng lợi là luôn kiên định. Khối thống nhất Đảng với Dân, Quân với Dân đã làm nên sức mạnh chiến thắng. Thành quả ấy hôm nay phải được tiếp tục giữ gìn, bảo vệ và phát huy.
Làm nên thành tựu lịch sử ấy có đóng góp của các Văn nghệ sĩ với các tác phẩm Văn học nghệ thuật  trên suốt các chặng đường kháng chiến. Ba nhà văn quê ở 3 miền Bắc Trung Nam vừa được tuyên dương là những tấm gương tiêu biểu: Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi quê ở Hải Hậu- Nam Định, Trần Tiến- Chu Cẩm Phong quê ở Hội An- Quảng Nam và Ca Lê Hiến- Lê Anh Xuân ở Châu Thành- Bến Tre. Có thể nói cả ba đều được bồi dưỡng đào tạo ở miền Bắc sau hoà bình 1954. Vào Sài Gòn năm 15 tuổi, tham gia cách mạng Tháng 8/1945 rồi vào bộ đội Nam Bộ 9 năm chống pháp, năm 1954 theo đơn vị tập kết ra Bắc. Do có năng khiếu văn thơ, Nguyễn Ngọc Tấn được điều về Văn nghệ Quân đội. 6 năm ở đây, anh đã được bồi dưỡng và tự đào tạo để thành nhà văn. Vượt qua mọi trắc trở đời riêng, khi có điều kiện, anh đã tình nguyện trở lại chiến trường từ 1962 cùng nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả Đất nước đứng lên.
Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong theo gia đình tập kết, được vào học phổ thông ở Trường học sinh miền Nam. Cả hai đều được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lê Anh Xuân học Khoa Sử trước Chu Cẩm Phong học Khoa Văn một năm. Hai người được trở về Nam cuối 1964. Nhiệm vụ dự kiến là về lập Trường Đại học ở vùng giải phóng. Nhưng tình hình thay đổi trên đường đi. Chu Cẩm Phong được phân ở lại Thông tấn xã khu 5, Lê Anh Xuân về Tiểu ban giáo dục Nam Bộ. Chỉ là do sự phân công của tổ chức mà hai người trở thành nhà văn, và họ đã xứng đáng với sự tin cậy đó.
Những năm bước vào giai đoạn chiến tranh đặc biệt, khi chiến tranh lan ra cả nước, các tác phẩm từ miền Nam nổi bật tên tuổi Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong. Trước hết là các truyện ký về các anh hùng. Nguyễn Thi có: Sự tích ở Đất Thép, Người mẹ cầm súng (Chị Út Tịch), sau này là Ước mơ của đất (anh hùng Nguyễn Thị Hạnh), Lê Anh Xuân có truyện Anh hùng Nguyễn Văn Tư, Trường ca Nguyễn Văn Trỗi, Chu Cẩm Phong với các truyện ký in trong các tập Mặt biển mặt trận, Rét tháng giêng. Các tác phẩm đó thực sự là những tượng đài văn học về các anh hùng gan dạ, kiên cường trong chiến đấu mà bình dị, hồn nhiên, trong cuộc sống.
Nhà văn Chu Cẩm Phong (hàng sau, thứ hai từ phải sang) và các bạn học 
cùng Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp (ảnh: báo Lâm Đồng)

Nhưng điều đáng quí nhất, khi tiếp xúc được với sổ tay ghi chép, nhật ký của các tác giả, người đọc càng thấy tầm vóc, tâm huyết nghị lực và quyết tâm của các nhà văn âm thầm, kiên trì chuẩn bị vốn sống, tư liệu cho những tác phẩm tương lai. Điều kiện chiến trường nào cũng ác liệt. Mật độ bom đạn dày đặc, đói thiếu triền miên, kẻ địch truy đuổi, bệnh tật rình rập, rồi các nhiệm vụ chuyên môn, sẵn sàng chiến đấu, tăng giá trị túi lương thực, băng rừng lội suối gùi gạo cõng lương thực, thâm nhập cơ sở lấy tin tức, xây dựng phong trào. Con người triền miên lăng ra trong công việc. Phải có một kỷ luật tự giác cao, một ý chí lớn mới thường xuyên ghi chép được các tài liệu trong nhiều năm. Nhật ký, ghi chép thể hiện một thế giới tinh thần phong phú, đẹp đẽ của những con người có giác ngộ lý tưởng cao, kiên định, vượt qua mọi hạn chế của sức khoẻ, tình cảm cá nhân để hoà mình vào cuộc chiến đấu chung. Tình yêu đẹp của Chu Cẩm Phong, Lê Anh Xuân đã nâng bước họ trên những chặng đường công tác. Phẩm chất tự nhiên có sức toả sáng đến mức khi rơi vào tay đối phương, nhật ký Chu Cẩm Phong còn được một sĩ quan trân trọng gìn giữ để ngày giải phóng trao lại cho đồng đội tác giả. Nhưng, khi cần, các anh đã sẵn sàng xông ra nơi ác liệt nhất. Trong nhật ký, ai cũng biết, có thể sẽ hi sinh, nhưng không vì thế mà chùn bước. Cả ba nhà văn, ở các đơn vị khác nhau, đều đã vượt qua mọi lời can ngăn, để có mặt ở nơi ác liệt nhất. Tháng 5/1968, nhà văn Nguyễn Thi hi sinh anh dũng khi theo một đơn vị chiến đấu trong đợt 2 Tổng tấn công Mậu Thân. Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nơi hi sinh. Cũng dịp đó, Lê Anh Xuân cùng bạn văn Nguyễn Hồng Tân từ hậu cứ xin lên tuyến trước. Sắp một trận càn, hai anh xuống hầm bí mật làm bằng những chiếc chum chôn giữa vùng sình lầy Long An. Có lẽ do thiếu kinh nghiệm, khi kẻ định rút lui, đồng đội thấy hai anh đã hi sinh. Ba năm sau, 01/5/1971 ở Duy Xuyên- Quảng Nam, Chu Cẩm Phong hi sinh khi bị địch khui hầm bí mật. Ở nơi anh hi sinh, mấy năm trước bạn bè đã dựng một bia tưởng niệm.
Còn lại hôm nay, ngoài các sáng tác đã được xuất bản, do nỗ lực của đồng đội, gia đình, di cảo của ba nhà văn được công bố giúp bạn đọc hiểu thêm về thực tế xã hội miền Nam những năm trước và sau Đồng Khởi. Điều rõ nhất qua ghi chép để lại là mức độ khốc liệt của cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam trước và sau Đồng Khởi. Thực tế những ngày đen tối khi mà người cách mạng bi truy kích, tận diệt, vẫn tìm mọi cách duy trì sự tồn tại để tìm cơ hội vùng lên. Còn ít được tìm thấy trong Văn học. Trong thời điểm lịch sử bi đát, lắm lúc, lắm nơi tưởng như tuyệt vọng đó mà tận bề sâu, lòng dân vẫn hướng về cách mạng, chọn sự hi sinh để bảo vệ, chở che từng đốm than hồng chờ ngày bùng lên. Lòng dân hầu như là kho báu vô tận mà các nhà văn khai thác với một niềm say mê chăm chú không che dấu sự cảm phục, qua sự khảo sát hàng ngàn cuộc đời thật, ở những địa chỉ làng quê cụ thể, người còn sống và người đã hi sinh, người đang ở phía bên này và bên kia của trận tuyến. Chính niềm say mê khám phá hiện thực đó, mà khi có điều kiện, là các nhà văn lại tìm về các địa bàn đang diễn ra chiến sự ác liệt, và giữa các trận càn, trong những khoảnh khắc có thể, họ vẫn liên tục ghi chép. Những dòng viết cuối cùng cách thời điểm hi sinh chỉ tính bằng giờ. Tất cả họ đều có chung ý nghĩ như Nguyễn Thi: Nhân dân đối xử tốt, đầm ấm tới mức mà anh nghĩ mình có chết đi cũng không có gì đáng ngại… Biết lấy gì đền đáp xương máu nhân dân đã hi sinh không tính toán để bảo vệ cách mạng những năm tháng này? Mai này, đất nước thống nhất, cách tưởng niệm xứng đáng nhất chưa phải là xây những tượng đài to tát mà phải là tạo dựng đời sống no đủ, hạnh phúc cho những con người còn sống.
*
Những năm tháng chiến tranh đã lùi xa. Nhưng sự kiện các nhà văn hi sinh trong chiến tranh được tuyên dương Anh hùng không đơn giản mà chỉ là một sự tưởng thưởng đang gửi đến những nhà văn hôm nay một thông điệp giàu nội hàm. Trước hết là sự nhắc nhở trách nhiệm của nhà văn với sự phát triển của đất nước, bài học lịch sử về sự gắn bó với số phận của nhân dân là nguồn gốc, động lực cho những sáng tạo thành công. Chính tác phẩm sẽ xác định vị thế và phẩm chất của từng nhà văn.
Ngô Thảo
----------
(*) Nhân ba nhà văn Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang
- Bài viết nhân dịp 30/4 Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

No comments:

Post a Comment