.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 28, 2012

HÌNH TƯỢNG HỌC TRÒ THỜI CHIẾN TRANH TRONG THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA

(Toquoc)- Đã 37 năm chiến tranh lùi xa nhưng dư âm sâu lắng từ những dòng ký ức, những di chứng về một thời đạn bom với bao đau thương mất mát, đói nghèo, khổ nhục... vẫn còn hiện hữu quanh chúng ta, thế hệ nối tiếp nhiều may mắn hơn cha ông xưa, như một ám ảnh canh cánh không nguôi. Các dòng thơ về một thời đã khép lại đồng thời mở ra bao cảm xúc, suy tưởng cho người đọc hôm nay.

Vào những năm 60, 70 của thế kỉ XX, khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, tiến hành chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc Việt Nam, đã có cả một thế hệ trẻ em - măng non đất nước lớn lên, đi học trong một hoàn cảnh bất bình thường, dưới khói lửa đạn bom ác liệt kéo dài ròng rã nhiều năm. Thơ ca của các em thiếu nhi, đặc biệt thơ Trần Đăng Khoa đã phản ánh chân thực, sinh động hình tượng học trò cùng bao cảm nhận, ước mơ của tuổi thơ về quê hương - đất nước, dân tộc - thời đại trong những năm tháng lịch sử đau thương mà hào hùng ấy.
Thơ của trẻ em thời kì này vì vậy đã mang dấu ấn đặc biệt của lịch sử. Trong đó không chỉ có hình ảnh cảnh vật gần gũi, quen thuộc cùng bao quan hệ yêu thương nơi gia đình, mái trường mà còn có cả tiếng súng, tiếng bom, tiếng hát át tiếng bom và cả tiếng khóc hờn căm trước những đau thương, mất mát phải chiến đấu đối mặt từng ngày với chiến tranh.
Nông thôn, dấu ấn thời đại trên trang thơ học trò
Như nhiều trẻ em được sinh ra ở vùng nông thôn Bắc bộ, tuổi thơ học trò của Trần Đăng Khoa đã tắm mình trong không khí ruộng đồng cùng bao sinh hoạt bình dị, gần gũi từ gia đình, làng xóm đến những ngôi trường làng… Đến với thơ Trần Đăng Khoa, ta như được sống trong bầu không khí rất riêng của làng quê Việt Nam, cảm nhận được vẻ đẹp trong trẻo, trinh nguyên, thuần khiết của một vùng quê dân dã:
Làng quê lúa gặt xong rồi
Mây hong trên gốc rạ phơi trắng đồng
Chiều lên lặng ngắt bầu không
Trâu ai no cỏ thả rông bên trời
Hơi thu đã chạm mặt người
Bạch đàn đôi ngọn đứng soi xanh đầm
Luống cày còn thở sùi tăm
Sương buông cho đống hoang nằm chiêm bao
Có con châu chấu phương nào
Bâng khuâng nhớ lúa, đậu vào vai em…
(Đồng quê - 1974)
Trần Đăng Khoa đã viết rất nhiều và rất hay về vùng nông thôn gần gũi, thân thương của mình. Trường ca Khúc hát người anh hùng với những câu thơ sâu sắc như máu thịt của cả đời người: Mái tranh ơi hỡi mái tranh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương.
Tất nhiên trong những năm tháng này, thơ thiếu nhi còn mang cả hơi thở của cuộc sống chiến đấu và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Hình ảnh ngôi trường, lớp học, vốn là nơi để lại cho tuổi thơ nhiều kỉ niệm, nhưng lại là lớp học phòng không,ngôi trường sơ tán. Thế mà trong mắt nhìn trẻ em, ngôi trường ấy không có vẻ gì là bất thường của hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt:
Nho nhỏ như tổ chim
Từ trong lùm tre biếc.
(Lớp học phòng không - Nghiêm Văn Đa)
Nhà thơ Tố Hữu cũng đã nói đến hình ảnh đáng yêu của các cháu bé được chia thành các tổ, nhóm khi sơ tán về vùng nông thôn: Quýt nhà ai chín đỏ cây/ Hỡi em đi học hây hây má tròn/ Nhà em mấy tổ trong thôn/ Ríu ra ríu rít chim non đầu mùa.
Với trẻ em lứa tuổi tiểu học, trong hoàn cảnh phải đi sơ tán, thiếu sự chăm sóc của bố mẹ, trước bao sinh hoạt đời sống rất khó khăn, nhiều thiếu thốn, thế mà các em vẫn được tổ chức học hành, được vui chơi. Tiếng cười con trẻ vẫn vang lên ríu ra ríu rít như những đàn chim nhỏ. Các cháu vẫn được tổ chức tham dự các kỳ thi Học sinh giỏi, thi Vở sạch chữ đẹp, vẫn cất cao tiếng hát những khi ngớt tiếng súng, những lúc không có máy bay giặc đến ném bom. Trong bài thơ Gửi bạn Chi-lê, Trần Đăng Khoa đã mượn hình ảnh hoa sen nở nơi ao trườngchú dế mèn nghểnh cổ vuốt râu, cao giọng gáy ở bờ tre góc ruộng như là một sự thách thức đối mặt với đạn bom, biểu hiện sự ngoan cường của trẻ em Việt Nam trước chiến tranh: Chúng tôi đến lớp ngày ngày,/ Mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men./ Ao trường vẫn nở hoa sen,/ Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu…/ Chúng tôi chẳng sợ Mỹ đâu/ Vẫn vui vẫn hát những câu rộn ràng…
Chiếc mũ rơm dày, nặng và túi thuốc cá nhân trên vai mỗi cháu đến trường vào những năm này vốn là hình ảnh quen thuộc, nhưng đã làm nên bao cảm xúc thơ về tinh thần thời đại của người Việt Nam. Trẻ em cũng trở thành “chiến sĩ”, các em được chuẩn bị để “sống chung” với… chiến tranh, tự phòng chống, tự cứu mình trước:
Chúng tôi đến lớp ngày ngày/ Mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men (Gửi bạn Chi-lê)
Khắp nơi nơi, trên những nẻo đường Việt Nam ngày ấy, hình ảnh học trò ung dung đội mũ rơm, vai đeo túi thuốc như là biểu tượng cho cuộc sống thường nhật. Có lẽ do chiến tranh hiện diện quá lâu trở thành quen, nên không còn là nỗi ám ảnh, âu lo như những ngày đầu, kể cả với các bé gái:
Trên đường cát
Có vài bạn gái
Vừa đi học về
Đầu đội mũ rơm
Vai đeo túi thuốc
Tay cầm cái cuốc
Khăn quàng nở xòe trên ngực…
(Em kể chuyện này)
Trong một bài thơ ca ngợi người nữ anh hùng của quê mình- chị Mạc Thị Bưởi, Trần Đăng Khoa đã ý thức về sự tiếp nối người đi trước, thêm tự hào trước những đổi mới của quê hương. Hình ảnh nùn rơm bện dày làm nón bảo vệ trẻ em đi học dưới đạn bom, xuất hiện nhiều lần trong thơ Trần Đăng Khoa, như một sự so sánh. Một bên là hình ảnh các cháu bé nhỏ, trang bị thô sơ và bên kia là vũ khí hủy diệt, trang bị hiện đại phục vụ chiến tranh xâm lược.
Đồng em thêm tiếng máy cày/ Nùn rơm đến lớp ngày ngày em chăm. (Em dâng cô một vòng hoa)
Những vần thơ học trò đã thể hiện bao cảm nhận của các em. Ở đó có cả niềm tin yêu cuộc sống, các em đã hồn nhiên ngợi ca về xã hội, chế độ mới:
Em đi lòng thấy tự hào/ Khăn quàng đỏ thắm nặng bao nghĩa tình (Em hiểu ra rồi)
Thể hiện nhiều cảm nhận trong sáng về cuộc sống, tiếng thơ Trần Đăng Khoa đồng thời đã phản chiếu tâm trạng, nghĩ suy của cả một thế hệ trẻ em Việt Nam lớn lên trong khói lửa của cuộc chiến đấu:
Em đi học về/ Thấy ụ pháo giữa đồng quê/ Bao nhiêu khẩu pháo đều rê rê nòng/ Pháo vươn theo ngọn cờ hồng/ Trong tay một chú vẫy trong nắng chiều.
Trần Đăng Khoa đã nêu được sự đối lập giữa chiến tranh dữ dội ác liệt với cuộc sống bình yên tươi xanh. Không chủ ý tố cáo chiến tranh mà bằng quan sát, cảm nhận, vậy mà hình tượng thơ tự toát lên ý nghĩa lên án chiến tranh. Đạn bom dữ dội đã làm xáo trộn cuộc sống của trẻ thơ cùng bao người. Tính nhân văn, ý nghĩa thời đại chính là ở chỗ cả dân tộc đã chiến đấu để bảo vệ, giữ gìn cuộc sống đẹp tươi, cho bao bé thơ được sống an lành. Thật bình dị khi có thể chỉ là sự im lặng, trải lòng cùng lắng nghe tiếng hót của một chú chim chích chòe, trong phút giây bất chợt im ắng tiếng súng:
Cánh đồng reo vui/ Gió đồng rộng rãi/ Nòng pháo bỗng nhiên dừng lạị/ Bao nhiêu cái mũ lắng nghe/ Xa xa từ một ngọn tre/ Tiếng chim chích chòe/ đang/ hót… (Tiếng chim chích chòe)
Ngẫu nhiên mà tiếng chim chích chòe trong thơ Trần Đăng Khoa đã vang ngân như những thanh âm của sứ giả hòa bình. Xuân Diệu nêu nhận định: với bài thơ nhỏ này, thơ Trần Đăng Khoa đã sờ được, đụng được đến những cái tinh vi lớn lao của sự sống.
Một lớp học thời chiến giữa rừng dành cho con em người M’Nông ở Tây Nguyên
giữa thập niên 1960 (ảnh: Đất Việt chụp lại tại triển lãm Wilfred Burchett) 

Cảm nhận,
ước mơ học trò thời chiến
Tình yêu dành cho ngôi trường - lớp học - thầy cô - bạn bè là những tình cảm trong sáng bình thường của mọi học sinh. Nhưng trong chiến tranh, những tình cảm ấy cũng chẳng bình ổn. Các em chia tay thầy giáo không phải vì mùa hè đến, mà vì ngày mai thầy phải rời bục giảng, cầm súng lên đường thay cho những trang giáo án, dòng mực, phấn trắng... Và…nước mắt học trò đã lặng lẽ rơi trong ngày tiễn thầy đi bộ đội: Sáng nào bom Mỹ dội/ Phượng đổ ngổn ngang, mái trường tốc ngói/ Mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi/ Thầy cầm súng ra đi/ Bài tập đọc dạy chúng em dang dở/ Hoa phượng/ Hoa phượng cháy một góc trời như lửa…
Trần Đăng Khoa làm bài thơ tiễn Thầy giáo đi bộ đội vào tháng 4/1966. Đó là thầy Nguyễn Tân Việt, thầy giáo dạy lớp 1 của Khoa, nhập ngũ năm 1966.
Thầy đi bộ đội chiều qua/ Chúng em thơ thẩn vào ra chúc mừng/ Nhớ bao tháng năm ròng, thầy dạy/ Nhìn thầy vui càng thấy thương hơn/ Chúng em lòng những là buồn/ Vẫn cười hát, để thầy còn đi xa.  (Thầy giáo đi bộ đội)
Học trò tiễn thầy lên đường cố che giấu nỗi buồn, miệng vờ hát cười cho thầy vui. Thế mà không ngờ, Trần Đăng Khoa kể cho chúng ta biết là từ buổi chia tay ấy, 6 năm sau thầy Việt không về nữa, thầy vĩnh viễn đã nằm lại nơi chiến trường Tây Nam vào tháng 5/1972. Vậy là trong chiến tranh, tuổi học trò ngây thơ lại có thêm bao niềm đau, khi phải chia tay mãi mãi với những người thân yêu nhất.
Trần Đăng Khoa đành gởi nỗi nhớ thầy vào trang thơ:
Nhìn con đường nhỏ từ đây/ Bâng khuâng vì thiếu bóng thầy đi qua/ Đường ơi, có nhớ chăng là/ Ngày nào dạy học thầy qua đường này? (Hỏi đường)
Năm 1972, đế quốc Mỹ ném bom hủy diệt Hà Nội và miền Bắc Việt Nam. Hàng ngàn em bé, phụ nữ và những người dân vô tội bị sát hại. Cũng năm ấy, Trần Đăng Khoa gặp lại một thầy giáo cũ, thầy đã trở về từ chiến trường. Niềm hân hoan hòa cùng nỗi đau xót nơi cậu học trò nhỏ, vì chợt nhận ra:
Năm nay thầy trở về/ Nụ cười vui vẫn nguyên vẹn như xưa/ Nhưng một bàn chân không còn nữa…/ Thầy ngồi ghế giảng bài/ Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ/ Một bàn chân đâu rồi/ Chúng em không rõ…
Trở về với đôi nạng gỗ, thầy lại đến trường giảng dạy, dâng hiến trọn vẹn tuổi xuân cho đất nước. Mắt nhìn học trò sao cứ dâng lên niềm đau xót! Trần Đăng Khoa cùng bao bạn bè tự trưởng thành trong cảm xúc, thấy mình như chưa thật xứng đáng trước bao hi sinh lớn lao của cha anh:
Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo/ Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo/ Như nhận ra cái chưa hoàn hảo/ Của cả cuộc đời mình. (Bàn chân thầy giáo)
Như một tất yếu lịch sử nối tiếp chuyển giao, thời ấy có rất nhiều học sinh từng mơ ước được nối tiếp cha ông đi trước, cũng sẽ cầm súng bảo vệ quê hương, một khi còn bóng giặc. Cô bé Cẩm Thơ lên 9 tuổi, (con gái nữ thi sĩ Anh Thơ) đã bày tỏ ước mơ táo bạo nhưng không kém phần ngộ nghĩnh:
Chú là chú em/ Chú đi tiền tuyến, nửa đêm chú về/ Ba lô con cóc to bè/ Mũ tai bèo, bẻ vành xòe trên tai/ Cả nhà mừng quá chú ơi!/ Y như em đã mê rồi đêm nao…/ …Muốn xin chiếc mũ tai bèo/ Làm cô giải phóng được trèo Trường Sơn. (Chú giải phóng quân)
Thơ Trần Đăng Khoa cũng đã nói tới anh bộ đội với tất cả sự trân trọng, biết ơn và tin yêu. Trong trí tưởng tượng của các em nhỏ, anh bộ đội là hiện thân của người anh hùng. Các em đã xem như thần tượng để phấn đấu:
Chú bộ đội/ Đi hành quân/ Tiếng bước chân/ Hòa tiếng hát/ Nghe bát ngát/ Một chân trời.
Tuy thật ấn tượng về hình ảnh lý tưởng, nhưng thơ Trần Đăng Khoa đã không tuyệt đối hóa. Ngoài tiền tuyến chú bộ đội là người anh hùng nhưng đến với các em, cứ như một người bạn thân thiết đôn hậu:
Cháu nghe chú đánh những đâu/ Những tàu chiến cháy, những tàu bay rơi/ Đến đây chỉ thấy chú cười,/ Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi. (Gửi theo các chú bộ đội)
Giáo sư - tiến sĩ Vân Thanh, nhà nghiên cứu, phê bình văn học thiếu nhi thời ấy đã nhận định rằng: Ước mơ làm bộ đội của trẻ em Việt Nam, đó quả là hiện tượng đánh dấu rõ nhất đặc điểm của thời kì lịch sử ta đang sống: chúng ta phải chiến đấu!
Nếu như đề tài về cuộc sống hiện đại trước năm 1965 còn rất mờ nhạt trong văn học thiếu nhi, và hầu như rất ít xuất hiện trong tác phẩm thơ do chính trẻ em sáng tác, thì giờ đây đã được khẳng định qua thơ Trần Đăng Khoa viết về nhà trường, trẻ em miền Bắc, thời kì chống chiến tranh phá hoại. Ở đó, học sinh vừa học tập, vừa lao động đào hầm, đắp lũy, đi sơ tán, cùng tham gia tải đạn, cứu thương, giúp người lớn cứu lúa, chống hạn, chống úng, bắt sâu… làm nhiều việc tưởng chừng như vượt quá sức trẻ nhỏ:
Hạt gạo làng ta/ Có công các bạn/ Sớm nào chống hạn/ Vụt mẻ miệng gàu/ Trưa nào bắt sâu/ Lúa cao rát mặt/ Chiều nào gánh phân/ Quang trành quét đất… (Hạt gạo làng ta)
Chúng ta đã đề cập đến âm hưởng thời đại trong những vần thơ học trò - thơ Trần Đăng Khoa. Qua đây thấy được cảnh ngộ, số phận của nhiều trẻ em trong chiến tranh. Trần Đăng Khoa đã tâm sự: Làng quê tôi với sự hy sinh không tên tuổi nhưng ngẫm ra thì vô cùng lớn lao. Tôi thực sự biết ơn cái làng quê nhỏ bé của mình đã nuôi dưỡng tôi như vậy (Từ ngọn lúa sinh ra - Báo Tiền Phong số ra ngày 16/4/1974).
Trong bài thơ Dặn em, anh trai Trần Đăng Khoa đã cố gắng thể hiện sự quan tâm, chăm sóc dặn em Giang lên 4 tuổi với nhiều “đừng” và “chớ”:
Mẹ cha bận việc ngày đêm/ Anh còn đi học, mình em ở nhà/ Dặn em đừng có chơi xa/ Máy bay Mỹ bắn không ra kịp hầm/ Đừng ra ao cá trước sân/ Đuổi con bươm bướm, trượt chân, ngã nhào…
Hành vi tự chăm sóc dường như thấm nhuần trong nếp sinh hoạt hàng ngày của trẻ thơ thời ấy. Từ chỗ tự lập, các em dần tự tin, cứng cỏi trong nhiều cảnh ngộ. Trần Đăng Khoa đã viết về sự hi sinh của liệt sĩ Mạc Thị Bưởi, một nữ anh hùng quê mình:
Thương cô sóng cuộn quanh cồn/ Nhát dao giặc giết… em còn thấy đau/ Em nghe mẹ kể đêm sâu/ Hoe hoe đôi mắt, mái đầu phơ phơ…/ …Em dâng cô một vòng hoa/ Thoảng nghe tiếng súng trời xa vọng về. (Em dâng cô một vòng hoa)
Qua đây thấy được thế giới học trò của Trần Đăng Khoa và bao bạn bè cùng thời phải chịu nhiều thiệt thòi. Hẳn là để có bao niềm vui yên ả của trẻ em thì cũng nếm trải ngần ấy sự khốc liệt, nhọc nhằn trong chiến tranh, với bao nghĩ suy và việc làm “già dặn” trước tuổi. Như cái cách tinh tế mà Trần Đăng Khoa đã cảm nhận, miêu tả thiên nhiên hay ca ngợi hòa bình, chỉ bằng một phép tương phản nhỏ:
Tiếng diều vàng nắng/ Trời xanh cao hơn/ Dây diều em cắm/ Bên bờ hố bom… (Thả diều)
Đó chính là hình ảnh của sự sống, cánh diều mơ ước của tuổi thơ đã ngạo nghễ vượt lên cái chết - hố bom. Như vậy, ngoài nét ngộ nghĩnh, sinh động, ngây thơ của tuổi nhỏ, thiếu nhi thời ấy cũng đã sớm trải nghiệm qua chiến tranh, sớm trưởng thành, suy gẫm, khái quát sâu sắc khi cần bộc lộ một tình cảm, thái độ. Hình tượng học trò trong thơ Trần Đăng Khoa có thêm chiều sâu và chiều rộng của tính triết lý. Nhà thơ Xuân Diệu gọi đó là Bút pháp người lớn.
Như vậy, cùng phát triển với văn học nước nhà, văn học thiếu nhi Việt Nam, đặc biệt thơ Trần Đăng Khoa thời kì này đã khái quát khá sinh động, đầy cảm nhận về hình ảnh học trò - tuổi thơ Việt Nam trong một quá trình trưởng thành đầy gay go ác liệt, các em vừa học tập, vui chơi, vừa cùng cha anh chiến đấu, không ngừng phấn đấu để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Chính cuộc đời, những đóng góp của anh bộ đội, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học Trần Đăng Khoa đến hôm nay đã là một minh chứng điển hình cho sự nỗ lực, phấn đấu ấy.
Kết thúc bài viết về hình tượng học trò trong thơ Trần Đăng Khoa, qua đây xin được tri ân và bày tỏ, nói hộ bao người về sự ngưỡng mộ cây bút nhỏ tài năng từng được mệnh danh là thần đồng thơ ngày ấy, một Khúc hát nhỏ mạnh hơn bom đạn (Lời của nữ văn sĩ - nhà báo Pháp Ma-đơ-len Rip-phô), đã làm cho người ta chú ý nhiều đến Việt Nam không chỉ vì Việt Nam là chiến trường ác liệt lúc bấy giờ, mà còn do đất nước Việt Nam đã xuất hiện một hiện tượng thơ trẻ em đáng tự hào. Geral Gullaume gọi đó là “Việt Nam, hồn tôi!”, một cách đầy xúc động (Việt Nam, hồn tôi! - Geral Gullaume. Do Xuân Diệu dịch).
Lê Huỳnh Diệu

1 comment: