Thật khó bàn về phê bình văn học nếu không bàn trước hết về lý luận văn học – một đứa em út của gia đình văn học Việt Nam. Chữ Hán bỏ, sách giáo khoa dạy tiền nhân cách làm thơ, phú, lục, văn sách, truyện và bình văn…cũng bỏ chúng ta mà đi. Thời tôi còn trẻ, mỗi lần hầu rượu ông nội với bạn đồng môn của người, nghe các cụ bình Kiều, đại loại:
“Kiều nhớ Thúc Sinh thì đến các tinh tú trên trời cũng xếp
thành chữ Tâm, tên của chàng:
Đêm thu gió lọt song đào Một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời. Còn nhớ Từ Hải thì không câu nào được như thế. Kiều gá nghĩa với Từ Hải chỉ để thỏa chí, để thoát khỏi nhục nhã ê chệ, chứ cõi lòng đã như chết rồi, nói gì đến ái ân.” Lớn lên đọc Vân đài loại ngữ, thấy Lê Quý Đôn bảo: Văn thơ là của chung thiên hạ, phân tích thì được chứ chớ nên chê mắng. Đó là tất cả di sản mịt mờ mà thế hệ tôi thừa kế. Vả chăng, tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên từng nhận xét người Việt không giỏi lý luận; còn nhà thơ Phạm Tiến Duật thì hóm hỉnh rằng, người Việt mình rất ghét ní nuận. Lý luận phê bình văn học ở ta đến bây giờ vẫn yếu kém phải chăng có nguyên do từ đó? Xin nói ngay về thời của chúng ta, sau hệ thống lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa được cơi nới với hiện thực huyền ảo Mỹ La tinh rồi khựng lại khi Liên Xô tan rã và không thể nói nó không bị khủng hoảng, nhưng ngay sau đấy đã có nhiều nhà nghiên cứu nhập cảnh lý luận mới: Thi pháp học bởi Trần Đình Sử, Thi pháp tiểu thuyết Dotstoievski bởi Phạm Vĩnh Cư, Lý thuyết tiếp nhận bởi Trương Đăng Dung, Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học bởi Trịnh Bá Đĩnh, Đỗ Lai Thúy thì chuyên chở cái container Freud từ cảng Sài Gòn ra, dùng nó tháo rời các văn bản để cắt nghĩa nói thí dụ cái cầu giải yếm của người Việt thì ra có quan hệ bà con với triết học Pháp…và gần đây nhất là lý thuyết Hiện tượng luận của nhà nghiên cứu trẻ Ngô Hương Giang. Mới có vài mươi năm mà vườn ươm lý luận đã bổ sung bao nhiêu là kỳ hoa dị thảo. Đó là chưa kể, cả một thế hệ nhà văn trẻ đọc thẳng lý luận đương đại, hậu hiện đại bằng ngoại ngữ y như thời văn thi sỹ tiền chiến, một hiện tượng bình thông nhau rất đáng tin tưởng, rất nhiều hứa hẹn. Vậy nhưng, khác với các giống lúa từ IR Philippine mang về, cái vườn ươm lý luận văn học của chúng ta không sao tốt tươi lên được. Nguyên nhân có vấn đề thuộc quá trình di thực, cố nhiên, nhưng vì sao lúa IR64 cấy ở Điện Biên rồi bảo là tám Điện Biên cổ truyền đã không ai phát hiện nổi? Ở đây có hai câu trả lời: 1, Về nông nghiệp, thổ nhưỡng Điện Biên thích hợp với giống lúa được chọn lọc ở Viện lúa IR Philippine và khảo nghiệm kỹ lưỡng ở Việt Nam. 2, Về xã hội học, lợi ích của việc nhập cảnh IR64 là nhãn tiền, đáng tin cậy. Câu trả lời 1 cho phép liên tưởng đến thổ nhưỡng văn đàn, ở đây là tâm lý học sáng tạo. Hệ thống lý luận mới vào văn học Việt Nam khi thế hệ sung sức nhất của nó đã cao niên, những hứa hẹn làm mới, làm hay của chúng không thắng nổi tập quán của họ. Họ vừa không giỏi thích ứng để say mê với cái mới, hệ thống lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa đã “phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ”, bám rất sâu gốc bền rễ. Mặt khác, hiện thực cuộc sống trên tiến trình chuyển cơ chế và công nghiệp hóa đặt ra biết bao vấn đề nóng hổi – cái mà nhà văn thường nói “đây là thời của tiểu thuyết”, họ bèn dùng phương pháp hiện thực và tạm gác vế sau của nó như là cách tiện tay dắt dê. Tuy nhiên, tính sâu gốc bền rễ của hệ thống lý luận hiện thực XHCN sau khi đã phối trộn nhuần nhuyễn với ý thức văn dĩ tải đạo trong thói quen sáng tác đã khiến nhiều tác phẩm của họ thành con quay đẽo hỏng: Người tốt, tốt như thần; kẻ xấu, xấu như quỷ - trở thành sự nối dài của văn học tôi tốt nó xấu, ta thắng địch thua. Xin trở lại với thổ nhưỡng văn học tiền chiến. Cái niêm luật của thơ văn cũ vốn sinh ra bởi hệ thống lý luận chính trị nhằm bảo trì chế độ phong kiến đòi hỏi sự giống nhau và tuân thủ lệ luật ngay từ trong tư tưởng, trong phương pháp luận. Hệ thống ấy sau mấy nghìn năm thắt buộc, cho đến thời bỏ thi chữ Hán, chế độ phong kiến đang long gốc bật rễ thì trở thành tàn tích cũ đối với những Thế Lữ, Xuân Diệu, những Thạch Lam, Khái Hưng…Vâng, khi lý luận về chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực (Pháp và sau đấy là Nga Xô viết) thì thổ nhưỡng khí hậu của văn học Việt có các đặc điểm: - Các nhà văn có tài và họ mới trên dưới đôi mươi; phần lớn tiếp nhận thẳng lý luận tiến bộ nhất của nhân loại từ sách báo Pháp. - Báo chí non trẻ đang rất cần họ để hấp dẫn bạn đọc - Bạn đọc cũng còn rất trẻ, đang bức xúc và khát khao với cái mới nhằm giải phóng cá nhân cùng dân tộc Câu trả lời 2 cho chúng ta liên tưởng đến thời hiện tại về mặt xã hội của sáng tác và tiếp nhận văn học. Khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Âu, vấn đề lý luận lâm vào khủng hoảng rồi sau đấy là trì trệ. Xin nhớ kỹ, lý luận văn học hiện thực XHCN nằm trong kệ thống lý luận Mác xít với tư cách là công cụ của tình yêu xã hội; khi Tố Hữu nói “Thơ là tiếng chim gọi đàn” là nói theo ý nghĩa này. Suy cho cùng, hình dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc các cụ Giê - su, Thích Ca và Các Mác cùng ngồi trò chuyện và rất tâm đắc nhau có ý nghĩa: Xã hội chủ nghĩa là tên gọi khác của Niết Bàn, của Nước Chúa nhưng ở ngay trên thế gian này. Người Trung Quốc đã rất khôn ngoan khi Đông Âu sụp đổ đã nhanh chóng thiết lập khái niệm Chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc. Còn chúng ta thì buông ra, thả nổi cho các nhà nghiên cứu thực hiện các dự án nghiên cứu văn học, văn hóa Việt của các hãng Toyota, Meceder…để họ có thể hiểu rõ không gian tinh thần và con người nơi họ sẽ đầu tư. Chúng ta mặc kệ cho thực trạng khủng hoảng về lý tưởng; bây giờ, mỗi khi nói đến CNXH, không ít người tiếu lâm hỏi “đó là cái gì?” Nếu coi CNXH là lý tưởng, cần định nghĩa lại nó một cách minh bạch và đơn giản (Dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh theo tôi vừa dài lại vừa chưa hẳn là một định nghĩa). Nếu dứt khoát như thế, thì khi Đông Âu sụp đổ, chúng ta sẽ từ bỏ phương thức sản xuất quan liêu bao cấp cũ mà rẽ theo quy luật thị trường để thực thi lý tưởng, thì CNXH vẫn là một khái niệm thiêng, vì đó là một xã hội cùng nhau làm giầu và sống trong phúc âm; ai chống lại nó tức là chống lại con người, là cản trở nhân ái. Do không dứt khoát về lý luận, lại coi CNXH là chân lý có thể dùng hệ thống công cụ (quốc doanh, tập thể, đất đai là sở hữu toàn dân…) để đi đến theo lộ trình chủ quan. Tính chất khư khư dưới danh nghĩa trung thành với chủ nghĩa Mác đã làm mất thiêng tính lý tưởng, khiến lý tưởng bị lẫn trong những bê trễ của hệ thống công cụ vốn chỉ là phương thức sản xuất. Khi lý tưởng chung bị ly tâm, xã hội chỉ còn chạy theo vật chất bằng mọi giá, mà văn hóa đọc thì lại cản trở xu hướng này, xã hội bị suy thoái đạo đức, một bộ phận của nó đang sống thỏa mãn trong công nghệ giải trí để trở thành ô trọc. Khi công cụ của tình yêu xã hội là văn học bị xem nhẹ là bước thứ nhất quay lưng lại lý tưởng XHCN, xin mượn một ý của kinh thánh để sang ngang. Nhân thể cũng nói thêm để thêm minh chứng cho lập luận này: Kinh thánh và kinh Phật có thể phong phú hơn, nhưng thô sơ với rất nhiều mặc khải huyền hoặc so với nền văn học của chúng ta, tuy có phần cứng nhắc thành kiến nhưng nghệ thuật dần trở nên điêu luyện. Vậy tại sao ngày càng có thêm nhiều, rất nhiều người đọc Phúc âm và kinh Phật? Chẳng lẽ hàng tỉ con chiên và phật tử không chịu sức ép của truyền thông và công nghệ giải trí đang tiến như hùm sói vào mọi ngóc ngách của từng căn hộ? Trả lời rốt ráo câu hỏi này đặng tìm kiếm được những giải pháp cần thiết, tôi tin rằng nhất định bạn đọc sẽ quay lại với văn hóa đọc. Như thế, hệ thống lý luận văn học sau đổi mới đã không còn cái may mắn thổ nhưỡng khí hậu thích hợp như thời tiền chiến; nó chưa được xã hội chấp nhận đã đành, ngay đến hệ thống lý luận chính trị cũng chưa sàng lọc để giúp nó hòa vào dòng chảy chung như đã từng đối với hiện thực XHCN. Nó mới chỉ được khảo nghiệm ở các tác giả đơn lẻ, chưa được đưa vào đại trà, thành hẳn một khuynh hướng (trào lưu?) sáng tác như Thơ Mới, văn chương Tự lực văn đoàn và Hiện thực phê phán của văn học ta trước 1945. Lịch sử phê bình văn học non trẻ của chúng ta chỉ ra, các nhà phê bình lớn chỉ xuất hiện khi có trào lưu văn học lớn. Mặc dù chúng ta cố chứng minh rằng, ngay cả một tác phẩm không ra gì vào tay một Bielinski cũng có thể có được một bài phê bình hay nhưng nó ở đâu? Tôi là người sáng tác tự học lý luận và có viết phê bình nhưng tôi cay đắng phải thừa nhận phát kiến của lịch sử phê bình vì nó khách quan. Sáng tác và phê bình văn học có nét tương đồng, các nhà văn lớn ảnh hưởng với các nhà văn trẻ thế nào thì nhà phê bình tài năng cũng có ảnh hưởng tới phê bình văn học trẻ như thế; họ kéo theo mình nhiều người hệt như ngôi sao chổi kéo theo những tinh vân làm lộng lẫy một vệt trời. Khi ngôi sao chổi như thế xuất hiện trong văn học, nó hấp dẫn bạn đọc, trong đó có các nhà phê bình; hệt như mọi người cùng bỏ mọi việc đấy, cùng ra ban công và ngước lên bầu trời vừa chiêm ngưỡng vừa bình phẩm; phê bình văn học bắt đầu từ đây, giữa những người hàng xóm trên ban công. Quan hệ giữa văn học và phê bình văn học là mối quan hệ tương tác, hữu cơ hơn là chúng ta vẫn hình dung, ví dụ, nói như Octavio Paz nhà phê bình từ văn bản của nhà văn đi đến một văn bản khác, của riêng ông ta. Tôi vẫn tin rằng, nếu không có Hoài Thanh thì Thơ Mới vẫn còn nhưng không còn nhiều đến như vậy. Nhưng ngược lại, Thơ Mới đã làm bất hủ Hoài Thanh cho đến nay. Chúng ta cũng có thể nói thêm, khi nền văn học phát triển đa dạng, có cả lãng mạn lẫn tượng trưng, siêu thực; có cả hiện thực phê phán lẫn hiện thực có tính Mác xít như thời tiền chiến; nó sẽ không chỉ sinh ra các tên tuổi phê bình lừng lẫy ngay lập tức như Hải Triều, Phan Khôi, Phan Văn Hùm, Thiếu Sơn,… mà còn tiếp tục sinh ra sau mấy chục năm như, với miền Nam là Nguyễn Tiến Lãng với miền Bắc là Phan Cự Đệ. Đó là các tên tuổi làm sáng danh nền phê bình văn học. Nhưng hình dung ngôi sao chổi của văn học lại nẩy sinh một vấn đề khác, vấn đề tài năng. Đây là việc khó nói, vì là việc của Giời. Hẳn là còn rất lâu nữa, những Thế Lữ, Nguyễn Bính những Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao mới xuất hiện. Đành mượn một thành ngữ Pháp để an ủi rằng, nếu chưa có cái thật đáng yêu thì hãy yêu lấy cái đang có. Và ở điểm này mà nhìn, chúng ta nhận thấy lỗi của các nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp là rõ nhất. Nói chung, chưa kể đến hàn lâm xa vời, ngay cái áp sát đời sống văn học cũng hầu như không thấy bóng họ đâu? Tôi từng có lần do bức xúc quá mà nói, không ai thù ghét văn học bằng những nhà phê bình văn học đương đại. Đây hiển nhiên là nhận xét không chính xác. Nhưng có lẽ nạn phung phí và ghẻ lạnh với tài năng là một sự thực? Mười ba cuốn được giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam không có nổi một bài phê bình cho đến khi có ý kiến thiếu xây dựng được công bố trên mạng; nhiều tác phẩm được Giải thưởng năm 2010 - 11 của Hội cũng không có một bài phê bình tự giác nào, cho đến khi Hội phải mở các cuộc hội thảo và báo Văn nghệ phải đặt bài phê bình. Ở trên tôi có nói đến nạn phung phí tài năng. Khi nói thế tôi nghĩ đến các nhà văn Nhật Tuấn, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Mai Văn Phấn và ngay cả đến Nguyễn Ngọc Tư mà Hội Nhà văn Việt Nam phải vất vả một cách dũng cảm để khẳng định cũng chưa có nổi một bài phê bình đến độ. Nhưng cũng cần công bằng. Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng có mở cuộc hội thảo về thơ Mai Văn Phấn Đồng Đức Bốn. Cuộc hội thảo được đánh giá rất cao về hàm lượng học thuật, được in thành sách kỷ yếu dày gần 600 trang nhưng hình như không nhiều ảnh hưởng đến đời sống văn học và quá trình tiếp nhận của bạn đọc? Cộng gộp các bài phê bình tiểu thuyết của Hồ Anh Thái có lẽ cũng dầy gần như thế, nhưng nó phân tán để rồi bị rơi vãi trên hành trình công nghiệp hóa nền giải trí đang sung? Ở chỗ này thì các nhà phê bình lại trở thành nạn nhân của thói ghẻ lạnh nói chung với văn học. |
VĂN CHINH
No comments:
Post a Comment