.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Saturday, April 21, 2012

TRÀO LƯU LÃNG MẠN Ở PHƯƠNG TÂY VÀ VIỆT NAM (PHẦN 1)

Trước khi tìm hiểu và khẳng định trào lưu lãng mạn ở Việt Nam, thiết tưởng cần phải nhìn lại sự hình thành, phát triển và nội dung cơ bản của trào lưu lãng mạn trong văn học nghệ thuật phương Tây - nguồn suối đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự ra đời của trào lưu lãng mạn ở Việt Nam.

A.TỔNG QUAN VỀ TRÀO LƯU lãng mẠn Ở phương Tây.

Kể từ những năm 30 của thế kỷ XIX, trong sự đảo lộn sâu sắc của xã hội và sự yếu thế của đức tin tôn giáo, chủ nghĩa tư bản bắt đầu phát triển và lên ngôi thống trị ở châu Âu tuy ở mỗi nước thời gian xuất hiện không giống nhau. Ở Pháp, cuộc đại cách mạng 1789 chưa thực hiện được lý tưởng thiết lập một xã hội công bằng “hợp lý” thì cuộc cách mạng 1830 đã phản bội lý tưởng ấy. Ở Đức muộn hơn, phải đến 1848 mới nổ ra cuộc cách mạng tư sản cùng lúc với hoạt động của các phong trào công nhân. Không thể phủ nhận rằng sự phát triển của xã hội đã là tiền đề cho sự phát triển về triết học, các khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Chính những bước tiến đó cho người ta nhận thức đúng đắn hơn về con người – nhân vật trung tâm của nghệ thuật, hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, con người và xã hội. Trong bối cảnh đó đã xuất hiện nhiều khuynh hướng, nhiều trào lưu nghệ thuật, trong đó có chủ nghĩa lãng mạn, có mặt trong lĩnh vực văn chương, hội họa, âm nhạc...

I. Văn chương lãng mạn.

1. Khái quát.

Trong văn chương, chủ nghĩa lãng mạn thể hiện rõ nét nhất ở Pháp, nơi mà nền văn học phát triển rực rỡ, hay nói như  Maxime Gorki là “nền văn học chủ đạo của châu Âu”. Chúng ta biết trong sự phát triển nội tại của văn học có tính kế thừa, mỗi dòng văn học đều có quan hệ nhiều mặt với dòng văn học đi trước nó, có thể nó phát triển tính chất hoặc có thể phản ứng lại với cái đi trước. Chủ nghĩa lãng mạn, chống lại chủ nghĩa cổ điển, ra đời từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, ban đầu là chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực và sau đó là chủ nghĩa lãng mạn tích cực, đã có ảnh hưởng rất to lớn đối với các nhà văn hiện thực sau này nữa. Thậm chí một số nhà văn hiện thực như  Prospée Mérimé và Honoré de Balzac ở thời kỳ sáng tác đầu tiên cũng là những nhà lãng mạn chủ nghĩa. Hoặc là Geoge Sand và Victor Hugo từ chủ nghĩa lãng mạn tích cực cũng tiến gần đến với chủ nghĩa hiện thực phê phán. Điều đó cho thấy, và cả sau này trong sự đấu tranh phức tạp của các trào lưu thế kỷ XIX, chủ nghĩa hiện thực phê phán tuy chống chủ nghĩa lãng mạn vẫn kế thừa những thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn, đặc biệt của chủ nghĩa lãng mạn tích cực.
     
Thật ra chủ nghĩa lãng mạn khởi đi từ Anh và Đức từ khoảng năm 1795, có mặt đồng thời ở hầu hết lĩnh vực nghệ thuật như văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc... Trước đó trong nghệ thuật đã bàng bạc một thế giới cảm tính mới trong một số tác phẩm như Nights - thoughts on life (1742) của Edward Young, ConfessionsRêveries d’un promeneur solitaire (1782) của Jean Jacques Rousseau hay Werther (1774) của Goethe. Đầu thế kỷ XIX ở Pháp, Chateaubriand và Mme de Stael cũng khởi xướng chủ nghĩa lãng mạn, ở người này là do sở thích soi rọi nội tâm, ở người kia là sự ham hiểu biết về nền văn chương Đức non trẻ, nhưng phải đến khoảng năm 1820 thì dòng văn học lãng mạn mới định hình ở Pháp. Từ năm 1827, với V. Hugo và hội tụ quanh ông những Lamartine, A. de Musset, A. de Vigny, Gérard de Nerval và những họa sĩ như Delacroix, chủ nghĩa lãng mạn mới gây ảnh hưởng nổi bật trong đời sống nghệ thuật và tinh thần ở Pháp. Chính chủ nghĩa lãng mạn đã đổi mới hoàn toàn bộ mặt văn học Pháp. Những chủ đề của dòng văn học mới này như thiên nhiên hay sự kỳ quái thì trước đây văn học gần như từ chối. Những nhà lãng mạn trong khi đi tìm sự độc đáo và sự biểu cảm trực tiếp, cũng đã tự mình đưa ra những hình thức nghệ thuật mới, chẳng hạn trong thơ ca đó là thơ xuôi.
     
Thực tế không nghi ngờ gì nữa, chủ nghĩa lãng mạn là một hiện tượng nghệ thuật quan trọng nhất của thế kỷ XIX. Từ năm 1848 với sự sụp đổ của nền quân chủ ở Pháp, các trào lưu có vẻ suy yếu, họa chăng chỉ còn một vài tài năng như V. Hugo, nhưng với Baudelaire, và tiếp đó là những nhà siêu thực, ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn vẫn còn kéo dài cho đến cuối thế kỷ.
      
2. Định nghĩa.

Từ lãng mạn (romanticism, romantisme) xuất phát từ tình ca (romances) của thời trung cổ, để chỉ những bài thơ dài nói về những chàng kỵ sĩ, những anh hùng, về những vùng đất xa xôi và những cuộc tình lỡ làng... hoặc những bài ca mà người hát rong (trabadour) thường sử dụng trong ca diễn của mình. Nó xuất hiện sớm nhất ở Đức. Vậy lãng mạn là gì? Biélinski trong bài Văn học Nga, năm 1841, định nghĩa: “Chủ nghĩa lãng mạn, đó là thế giới nội tâm của con người, thế giới của tâm hồn và trái tim”. Có thể nhìn qua những nét chính thể hiện trong những tác phẩm lãng mạn để nhận ra rằng chủ nghĩa lãng mạn là thứ nghệ thuật ở đó nổi trội chất trữ tình. Đối lập với hiện thực là lãng mạn, đối lập với tự sự là trữ tình. Trữ tình là kết quả của việc biểu hiện cảm xúc, tâm trạng chủ quan của con người, do phản ánh ước mơ và khát vọng của con người nên thường vươn lên trên thực tại. Hai phạm trù nghệ thuật này tuy khác nhau nhưng thường đi đôi với nhau. Trữ tình chính là sự mở rộng chủ nghĩa cá nhân, hệ tại ở những hiện tượng cảm tính như tình cảm, cảm xúc về tình yêu, hi vọng, tuyệt vọng, hận thù, thiện cảm, ưu phiền... Georges Duhamel nhận xét: “Phát xuất từ tâm hồn cá nhân, thơ trữ tình tỏa ra khắp thế giới và làm nó thay hình đổi dạng. Trữ tình không chỉ là đặc tính của một loại thơ, đối với tính nhạy cảm của con người hiện đại, nó là thực chất, là điều kiện cần và đủ của thơ ca”. Nói như V. Hugo, lãng mạn là chủ nghĩa tự do trong văn chương. Chính vì sự đòi hỏi tự do mà phong trào lãng mạn đề cao cá nhân, phá bỏ những ràng buộc, qui luật chặt chẽ trong nghệ thuật, thoát khỏi những khuôn mẫu câu thúc. Bút pháp phóng khoáng, vần điệu đa dạng, từ ngữ được chọn lựa tùy theo mức cảm hứng, hành xử theo con tim dễ nhạy cảm và đam mê với giọng điệu thiết tha, đôi khi đạt đến tính nhân bản sâu sắc...
      
3. Những chủ đề chính.

Dĩ nhiên khó mà thâu tóm tất cả tính chất bao hàm trong các tác phẩm của những nhà lãng mạn. Tuy nhiên về đại thể, chúng ta có thể đúc kết một vài nét đặc thù làm nên những thuộc tính, những chủ đề của chủ nghĩa lãng mạn:

a. Sự khẳng định và thăng hoa cái tôi:

Chủ nghĩa lãng mạn tự khẳng định với những chủ đề mới lạ mà chủ nghĩa cổ điển, vốn thường đặt mình trong khuôn khổ lý trí, không đề cập đến. Đó là trổi vượt của tình cảm, cảm tính và sự tưởng tượng. Những nghệ sĩ thuộc thế hệ lãng mạn nhấn mạnh vai trò cá nhân khi những chuẩn mực cộng đồng vừa mới sụp đổ. Thật vậy, sau những niềm hi vọng mà cuộc cách mạng 1789 khêu gợi trong lòng người dân, sau những năm tháng Napoléon tập trung về cho chính mình ngọn lửa vinh quang, phong trào Phục hưng chỉ dựng lên một chế độ phản động và ti tiện. Sau nhiều thập niên, nước Pháp nằm ở trung tâm của lịch sử, là kẻ tiền phong trong cuộc phiêu lưu của con người, cái xã hội hầu như nhạt nhẽo một cách tuyệt vọng ấy đã được giao phó cho lớp trẻ của những năm 1815-1825. Đó chính là bước ngoặt lịch sử của chủ nghĩa lãng mạn Pháp.
     
Cái tôi được các nhà lãng mạn phân tích ở khía cạnh đặc thù, độc đáo với niềm kiêu hãnh riêng trong khi khẳng định những quyền hạn cá nhân cao cả. Sự trổi vượt của cái tôi diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng. Ở Stendhal, sự tôn thờ cái tôi hòa lẫn với sự kiếm tìm hạnh phúc hết mực, trong khi ở Victor Hugo (chẳng hạn trong tác phẩm Ce siècle avait deux ans) cái tôi của nhà thơ xây dựng nên trung tâm của sự sáng tạo thiêng liêng. Đối với Hugo, cũng như đối với Novalis và Holderlin trước đó, nhà thơ là một kẻ tiên tri, một kẻ thấu suốt. Ngôi vị cao cả của cái tôi và sự đối đầu với một xã hội buồn chán một cách tuyệt vọng, nhất là sau tấm gương Napoléon, đã giải thích sự quan trọng của niềm đam mê và sự tỉnh ngộ. Đam mê trước hết chính là đam mê tình yêu vì gặp trở ngại và phải vượt qua. Trong ý nghĩa này, tác phẩm lãng mạn nhất chính là Tristan et Isolde của Wagner. Tuy nhiên nếu tình yêu là chủ đề đầu tiên thì niềm đam mê còn thể hiện dưới nhiều hình thức khác như là sự nổi loạn (chẳng hạn Byron), khát vọng hiểu biết (Faust là một ví dụ khác có ảnh hưởng quan trọng từ bên ngoài, nhất là ở Gérard de Nerval) hoặc sự kiếm tìm Thượng đế...
     
Sau cùng những nhà lãng mạn còn nói đến niềm đam mê không được thỏa mãn, cái chết, sự tỉnh ngộ, nói về căn bệnh thời đại, sự luyến tiếc não nùng, về nỗi buồn, về nỗi bất hạnh, về tự tử như là mốt thời thượng và về tự do. Giờ đây những đề tài như thế ở phương Tây, bên cạnh các đề tài khác, không khác biệt bao nhiêu so với những gì mà dòng văn học lãng mạn viết ra từ hai trăm năm trước.
        
b. Nỗi buồn lãng mạn:

Nỗi buồn này có hoàn cảnh lịch sử của nó, đó là sự bất ổn sâu xa của xã hội do những diễn biến tình hình trong khoảng thời gian từ 1789 đến 1848. Chính trong hoàn cảnh đó tình cảm tỏ ra bất lực, khó mà thay đổi được dòng chảy lịch sử, đó là tình cảm về thời gian qua nhanh một cách khắc nghiệt. (Ở Việt Nam, các nhà thơ cổ điển cũng thường viết bóng câu cửa sổ). Nỗi buồn còn do hoàn cảnh xã hội: những nhà lãng mạn trẻ cảm thấy cô đơn, không thích nghi với hoàn cảnh và sống bên lề xã hội, đôi khi chống lại xã hội, không có sự hỗ trợ nào về tinh thần và đạo đức. Do những đảo lộn xã hội từ năm 1789,  những nhà lãng mạn không có chung tính cách với hai thế hệ đi trước họ.
     
Từ những nguyên nhân trên, họ thường có thái độ bất định, dễ bi quan, tuyệt vọng. Chính Goethe đã từng nói:“Tôi gọi cổ điển là khỏe mạnh, còn lãng mạn là ốm yếu”. Ở họ có nỗi buồn vô cớ, u uất; thích dòng nước mắt; lẩn trốn trong cái tôi, trong giấc mơ, trong thiên nhiên, trong nỗi cô đơn; có cảm giác bị nguyền rủa, bị số phận định đoạt, thỏa mãn với nỗi đau đời; bị mê hoặc bởi sự rùng rợn, kỳ quái, ảo giác; khao khát cái vô cùng, cái đẹp, nghĩa là thường đề cập tình yêu, thiên nhiên, Thượng đế... Họ còn mơ về nơi xa lắm, đó là cuộc viễn du có thật hay tưởng tượng.
       
c. Tình yêu thiên nhiên:   

Đối với những nhà lãng mạn, thiên nhiên là đề tài chủ đạo. Đối với nhiều nhà thơ đầu thế kỷ XIX, thiên nhiên là hiện thân xác thực của Thượng đế. Nhưng đối với phần lớn các nhà lãng mạn, khung cảnh thiên nhiên phơi bày trước hết cho chính con người: mùa thucảnh tà dương từ đó đã là hình ảnh của cuộc đời về chiều, trong khi ngọn gió rềncây sậy biết thở than tượng trưng cho cảm xúc của nhà thơ. Cũng vậy trong âm nhạc, nhất là ở tác phẩm Giao hưởng đồng quê của Beethoven, đó không chỉ là sự miêu tả bức tranh thôn dã mà ở đó ta nghe tiếng vọng của sự thanh thản và nỗi giận dữ của một con người.
     
Thiên nhiên sau cùng là nơi chốn nghỉ ngơi và tĩnh tâm. Về với thiên nhiên, người ta quên đi bộ mặt xã hội, quên đi những phiền nhiễu của thế gian. Vì vậy hiển nhiên với một tâm hồn lãng mạn như Lamartine, người ta có thể thổ lộ tâm tình dễ dàng với cái hồ như với một người bạn tâm giao. Chính đó là dấu hiệu chứng tỏ những nhà thơ này thích trầm tư, trở về với nội tâm mà thiên nhiên như một tấm gương để anh ta dễ soi rọi.
      
d. Sự hoài niệm quá khứ:

Chúng ta biết rằng các tác giả của thời Phục hưng và thế kỷ cổ điển đặc biệt gắn liền với thời cổ đại Hy Lạp và La Mã. Dựa vào thế giá của ngôn ngữ Latinh mà Bellay đã bảo vệ tiếng Pháp, và dựa vào những Euripide, Eschyle hay Sophocle mà những kịch tác gia của Đại thế kỷ (thế kỷ XVII ở Pháp) khai thác đề tài. Đầu thế kỷ XIX tình hình có vẻ thay đổi. Từ nay trở đi sự qui chiếu vào thời cổ đại đã thoát xác để có thể nối kết với các thế hệ mới. Những nhà lãng mạn cũng thích đưa các nhân vật của mình vào thời quá khứ và có những đam mê mãnh liệt. Tác phẩm Lorenzaccio của Musset hay Cenci của Stendhal đã làm nổi bật cái lôgic của những nhà lãng mạn: sự bê tha, chém giết, cảnh loạn luân, rượu chè trụy lạc..., tất cả đều trong một bối cảnh dường như muốn làm đẹp cái bạo lực. Chắc rằng thời Trung cổ đã tạo nguồn cảm hứng cho những nhà lãng mạn - thời đại khác thường, lạ lẫm, ở đó những cuộc cưỡi ngựa đấu giáo, đấu thương, những nàng công chúa và những kỵ sĩ..., tất cả tạo nên một thế giới ít tôn trọng thực tế lịch sử. Tuy nhiên đôi khi, như ở tác giả Aloysius Bertrand, niềm hứng thú cũng dựa trên sự hiểu biết thật sự về lịch sử. Vả lại chúng ta cũng không quên rằng một trong những sử gia uy tín nhất của thế kỷ XIX - Michelet - cũng được xem như một nhà lãng mạn.
     
Mặt khác cũng nên nhắc đến sự tương đồng giữa sở thích về lịch sử, thường xuất hiện ở những nhà lãng mạn, và nỗi luyến tiếc não nùng, sự hoài niệm mà nhiều người trong số họ - có thể nhắc đến Lamartine, Nerval và ngay cả Baudelaire - đã cảm nhận ngay đối với tuổi thơ của họ. Điều này gợi nhớ, đúng như bản chất của chủ nghĩa lãng mạn, là cần tôn vinh những gì không thể trở lại, cần ưu ái những gì không thể thấu hiểu...
      
e. Thế giới đường xa xứ lạ:

Chủ nghĩa lãng mạn là tư tưởng về một nơi khác, một thế giới khác lạ. Để thoát khỏi thế giới ngày càng tầm thường, quí tộc, ở đó khoa học, tôn giáo không để lại một không gian kỳ diệu nào cho con người, các nhà lãng mạn mơ tưởng đến một nơi chốn thật xa vời với thực tế xã hội mà anh ta đang sống. Vì vậy phần lớn những nhà lãng mạn Pháp đi du lịch nhiều hơn cả so với các nhà văn của các thế kỷ trước. Hầu hết họ đã đến Ý, nhiều nhất là Tây Ban Nha và không hiếm những người, như Nerval hoặc Lamartine, đã dũng cảm đặt chân đến vùng Cận Đông và Trung Đông. Các vùng đất phía nam là nơi đã thu hút, quyến rũ các nhà lãng mạn nhiều nhất. Ở đó họ tìm hiểu phong tục, tập quán mới lạ, ít văn minh hơn. Thật vậy, không chỉ là phong cảnh tuyệt vời đã lôi kéo Hugo hoặc Musset đến Tây Ban Nha, đến Ý hoặc Bắc Phi mà nhất là cái hoang dã không hề hiện diện trong cuộc sống văn minh nơi họ lớn lên. Vả lại không phải vì Madrid hay Rome đã gợi hứng cho các nghệ sĩ Pháp vào đầu thế kỷ XIX mà đó là những phù thủy của Goya, những dòng nước của thành Venise hay đoàn người cưỡi ngựa ở Algérie, nói cách khác là tất cả những gì mang vẻ sơ khai kích thích trí tưởng tượng của các nhà thơ và họa sĩ.
      
Dĩ nhiên những nhà lãng mạn không chỉ biết đi du lịch, họ còn khám phá cảnh đường xa xứ lạ trong những cuốn sách hoặc những bức tranh của họ. Điều đó đôi khi cho phép họ dùng những từ ngữ mới (có thể đọc tác phẩm Grenade của Victor Hugo, trong hội họa có thể nghĩ đến Delacroix qua những màu sắc của ông). Nhưng thường hơn cả là sự đam mê nồng nhiệt, cháy bỏng mà sở thích đường xa xứ lạ đem lại (có thể đọc L’enfant, Sara la baigneuse của V.Hugo hoặc Henriquez của Aloysius Bertrand). Như vậy đường xa xứ lạ như một sự bù trừ cho đời sống xã hội, ở đó sự phiêu lưu hoàn toàn vắng mặt. Vì vậy đối với những ai muốn sống nhiệt thành, những miền đất xa xôi, nhất là những vùng hoang dã nhất, đều luôn có sức quyến rũ.

g. Sự hư ảo, quái dị, siêu nhiên:

Vương quốc của lý trí trải dài dọc thế kỷ XVIII: những thành kiến nặng nề hơn, sự mê tín mất tác dụng và ý tưởng về sự hiện hữu của Thượng đế vẫn phải được bàn cãi. Tuy nhiên điều rõ ràng là, mặc dù có sự tiến bộ của tư tưởng thuần lý, sự khao khát về một thế giới siêu nhiên, kỳ dị, khác với những gì mà giác quan con người nhận biết không hề mất đi. Nếu những nhà lãng mạn không có niềm tin vào những điều kỳ dị, vào phép mầu thì họ vẫn còn thích thú điều đó.
     
Sự thật là cuối thế kỷ XVIII, những tiểu thuyết đen của Lewis, Radcliffe và Maturin vẽ ra cảnh tượng những lâu đài bị ma ám, những hồn ma và những lời nguyền rủa của quỉ, do đó đã đưa văn chương đến những vùng đất mới. Những nhà lãng mạn Đức có trực giác về một thế giới khác ẩn giấu đối với nhiều người nhưng chỉ những nhà thơ mới có nhiệm vụ khám phá: Novalis có cảm giác người nghệ sĩ là một kẻ thấu thị, và tư tưởng này phổ biến ở Pháp đến cả Hugo, Nerval và sau này qua Baudelaire đến tận những nhà siêu thực.
     
Ở những nhà lãng mạn Pháp, những hình thức thể hiện sự kỳ dị rất đa dạng. Ở Bertrand, ví dụ tác phẩm Gaspard de la nuit, Ondine hay Scarbo, còn mắc nợ những hình tượng nửa người nửa thánh trong các câu chuyện dân gian; trong khi Nerval, với tác phẩm Chimères, khai thác nguồn cảm hứng bác học, bí hiểm, ở đó những truyền thống thừa hưởng từ thần thoại Hy Lạp hay Ai Cập lẫn lộn với những pháp thuật và những giấc mơ mà nhà thơ lấy ra từ những hoàn cảnh trong cuộc sống riêng. Chúng ta nhớ rằng qua chủ đề này, đối với Nerval, giấc mơ là một cuộc sống khác, cũng có thật, và sự điên cuồng tự thân không thể là sự yếu đuối nhưng là một hình thái nhận thức cho phép nhìn thấy rõ hơn, hiểu rõ hơn những sự kiện của thế giới. Với Hugo, trong À propos de la bouche d’ombre, sự kỳ dị liên kết với sự huyền bí và nhà thơ dùng tính chất siêu nhiên để nâng tầm tác phẩm của mình lên như truyền thuyết. Sau cùng Musset tiếp cận với sự kỳ dị bằng cách hòa hợp với tính chất ảo giác trong VisionNuits.
     
Như vậy ta thấy rằng ở những nhà lãng mạn, sự kỳ dị không phải là một đề tài văn chương có biên giới cố định; trái lại nó len lỏi khắp nơi, điều đó chẳng có gì ngạc nhiên vì nó mở rộng được kinh nghiệm văn chương, cho phép loại đề tài kỳ dị, đối với các nghệ sĩ đầu thế kỷ XIX cũng như ngày nay, trở thành một khuynh hướng của những nhà sáng tạo đích thực.
     
h. Sự siêu phàm:

Những nhà lãng mạn không bao giờ thỏa mãn với thế giới họ đang sống.Vì vậy ta không lấy gì làm ngạc nhiên trước chiều kích tinh thần thường chiếm vị trí quan trọng trong tác phẩm của họ. Niềm tin vào Thượng đế của họ mang dáng dấp mới hơn. Chính vì vậy khi nói về thiên nhiên, về những kinh nghiệm trong mối quan hệ trần gian, tình yêu hay thi hứng chẳng hạn, người nghệ sĩ đều cảm thấy sức mạnh của đấng thiêng liêng. Điều này giải thích những chủ đề tôn giáo trong thơ ca, chẳng hạn trong tác phẩm của Hugo và nhất là của Lamartine.
      
Nhưng đồng thời quỉ Satan cũng là bộ mặt hiện diện trong nghệ thuật lãng mạn ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nếu quỉ sứ thật sự có trong tác phẩm của Bertrand hay Pétrus Borel, nó không còn là hoàng tử khủng khiếp của bóng đêm trong những tiểu thuyết đen và không còn khả năng gây ra sự buồn phiền và tai ác như đã thấy trong thơ của Baudelaire. Trong tác phẩm lãng mạn Pháp, quỉ sứ thường chỉ là một con vật đáng lo ngại và đáng chế giễu.
     
Một nhân vật khác cũng chiếm vị trí quan trọng trong văn chương lãng mạn Pháp, và dù là một con người bằng xương bằng thịt, nhưng với một số nghệ sĩ, cách mô tả của họ đã đưa ông ta đến chỗ siêu phàm, đó là Napoléon - một người không thể quên được, phần lớn những tác giả lãng mạn trẻ đã lớn lên bằng thế giá của ông ta. Thân sinh của Victor Hugo là sĩ quan trong quân đội của Bonaparte. Vị vua trị vì từ thời trẻ đã thành công với lòng dũng cảm và tài năng đã thống trị cả châu Âu. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi thần tượng này, dù cho đã thất bại đi nữa, còn tiếp tục chói sáng, được ca ngợi lâu dài trong văn chương cũng như trong âm nhạc.
      
i. Sự dấn thân:

Những nhà lãng mạn không chỉ có nỗi buồn. Con người dấn thân là bộ mặt thứ hai của con người lãng mạn. Ngoài việc tôn thờ sự đam mê như là một nguồn năng lực, nhà lãng mạn còn nuôi một lý tưởng, đó là lòng nhân ái, lòng yêu nước, tinh thần tôn giáo và khát vọng tự do. Họ vẫn thường chiến đấu trong các phong trào nhân dân chống lại áp bức của giai cấp phong kiến và tư sản. Họ vẫn nghĩ đến một nhiệm vụ lịch sử phải hoàn thành. Nhà thơ cũng phải đi cùng nhân dân. Hugo và Lamartine chẳng hạn rao giảng lý tưởng biết thương yêu những kẻ thấp hèn, những nạn nhân của xã hội, một tình cảm bao la và thân thiện đối với nhân loại.
    
Những nhà lãng mạn Pháp từ lâu đã không nói đến chính trị trong tác phẩm của mình, tưởng như đề tài này không xứng đáng trong nghệ thuật của họ. Sau thất bại của Napoléon, phải nói rằng nội dung lịch sử được đề cập trong phong trào lãng mạn nhưng không mấy rõ nét. Thật vậy, nếu chủ nghĩa lãng mạn ở Ba Lan, Đức, Hungary,Ý gắn kết với những sự kiện chính trị chính vì ở đó những nhà lãng mạn đã đứng trong các phong trào đấu tranh của nhân dân thì ở Pháp, do các nhà lãng mạn xuất thân từ tầng lớp khá giả, họ còn xa cách với các cuộc đấu tranh của thợ thuyền. Tuy vậy, nếu phần lớn các nhà lãng mạn Pháp lãnh đạm với các tranh luận chính trị thì Hugo và Lamartine là ngoại lệ. Hugo quan tâm đến số phận của nước Hy Lạp và Ba Lan, bên cạnh thiện cảm đối với nước Pháp dù vẫn còn luyến tiếc Napoléon. Lamartine đã là thị trưởng Mâcon từ 1812 và cuộc dấn thân về mặt xã hội ngày càng mạnh mẽ kể từ 1837. Và đến 1848, trong một thời kỳ sôi động của lịch sử nước Pháp, ông đã là bộ trưởng ngoại giao thời ấy. Chỉ sau đó những nhà chính trị của đế chế mới không làm ông vừa lòng nên ông xa lánh đại sự. Còn Hugo ngược lại, từ chốn lưu đày ở Jersey, ông khinh bỉ Napoléon III ra mặt.

Như vậy từ sau năm 1848, sự dấn thân chính trị đã trở thành đề tài chủ đạo của chủ nghĩa lãng mạn. Nhất là ở Hugo, mọi quan tâm về xã hội được diễn tả một cách khá nhiệt thành. Những bài thơ như Souvenir de la nuit du quatre và những tuyển tập như Les Châtiments hay L’année terrible được xem như những tác phẩm mạnh mẽ nhất, xứng đáng nhất của cả nền thơ ca Pháp, tìm lại những lý thú muộn màng mà những nhà lãng mạn Pháp, lâu nay vốn mơ mộng, nay đã nhận ra trước dòng chảy lịch sử thế giới. 

k. Đêm tối:

Đêm tối là một trong những chủ đề điển hình nhất của chủ nghĩa lãng mạn. Thật vậy ngay từ giữa thế kỷ XVIII, Edward Young - một trong nhà lãng mạn tiên phong của Anh - đã viết tác phẩm Nights - thoughts on life, ngụ ý rằng bên cạnh ánh sáng của trí tuệ còn có những vẻ đẹp khác, mơ hồ hơn, có thể được khám phá. Quả thật, nếu những nhà lãng mạn thường bị bóng đêm mê hoặc, trước hết chính vì bóng đêm thường có vị trí ưu thế khi diễn tả sự kỳ bí và giấc mơ. Sự câu thúc đối với cộng đồng con người, xã hội và việc làm, mọi xiềng xích trong cuộc sống mà những nhà lãng mạn cho là quá tầm thường, tất cả điều đó tan biến đi dưới bức màn đen nặng nề. Tác phẩm Nuits của Musset, Gaspard de la nuit của Aloysius Bertrand hoàn toàn tiêu biểu trong chủ đề này của chủ nghĩa lãng mạn. Ở những tác giả khác, bóng đêm gần gũi với sự kỳ bí, tượng trưng cho tuổi già, tuổi xế chiều. Từ đó, giống như mùa thu trước mùa xuân, hoàng hôn đi trước đêm tối báo hiệu những đốm lửa cuối cùng của cuộc sống trước khi cái chết bao trùm tất cả. Đó chính là cảnh tượng mà Hugo mô tả trong Soleils couchants; đó cũng chính là cái đẹp rộng lớn đầy hoài niệm mà, dù thuộc thế hệ sau của những nhà lãng mạn, Baudelaire cho ta cảm thấy được trong Recueillement, một trong những thi phẩm đẹp nhất của ông.

Cuối cùng, ta nhớ rằng nếu chủ đề đêm tối thường ít xuất hiện ở những họa sĩ lãng mạn (không có gì ngạc nhiên vì họa sĩ thích màu sắc hơn) thì ngược lại trở thành chủ đề trung tâm của nhiều nhạc sĩ đầu thế kỷ XIX.

II. Hội họa lãng mạn.   

Các họa sĩ lãng mạn đi ngược lại khuynh hướng tân cổ điển là thiên về hình họa, đề cao lý tưởng theo tinh thần Hy Lạp. Hội họa lãng mạn lấy nguồn cảm hứng từ những trường đoạn tiểu thuyết mang nhiều kịch tính với những đường nét linh hoạt hơn, những màu sắc tươi sáng hơn, tạo tính chất động trong tranh nhiều hơn. Ở Pháp, người khởi xướng hội họa lãng mạn là Théodore Géricault. Năm 1819, ông bất ngờ trưng bày bức tranh đồ sộ Chiếc bè Méduse nói về cái chết của hàng trăm con người bị bỏ rơi khi tàu đắm. Bức tranh đã làm thay đổi những qui tắc tạo hình mẫu mực của hội họa chính thống bằng bố cục tự do, màu sắc mãnh liệt. Delacroix kế tục sự nghiệp của Géricault, bỏ qua ảnh hưởng của tân cổ điển trong thời kỳ đầu sáng tác. Bức tranh Chiếc thuyền của Dante của ông lấy cảm hứng từ một đoạn trường ca của Dante nói về sự khủng khiếp của địa ngục đã gây sự xúc động lớn cho người xem. Cũng vậy trong tác phẩm Vụ tàn sát ở Scio, Delacroix đã làm dư luận công phẫn bởi màu sắc được sử dụng cho đề tài này. Bức tranh tiêu biểu của ông là Chiến lũy miêu tả cuộc cách mạng năm 1850 được Victor Hugo nhắc đến. Đúng là những họa sĩ lãng mạn không ngần ngại phô diễn những cảnh tượng dữ dội khả dĩ gây ấn tượng mạnh nơi công chúng. Trong tác phẩm Vụ xử bắn ngày 3-5-1808, họa sĩ Goya đã bi thảm hóa chủ đề bằng cách sử dụng sự tương phản giữa ánh sáng nơi những người nông dân Tây Ban Nha và bóng tối nơi những kẻ áp bức - những binh lính của đội quân Napoléon. Những động tác hình thể ở những người Tây Ban Nha đặc biệt đầy biểu cảm: người thì đưa tay lên trời, kẻ thì hai tay ôm đầu. Những mảng màu (quần vàng, áo trắng, máu đỏ) rõ ràng đã làm nên sức mạnh của bức tranh.

Những nẻo đường nghệ thuật mới cũng được Caspar David Friedrich khai phá.Với tác phẩm Hi vọng đắm chìm, qua hình tượng một chiếc tàu bị tảng băng đè nát, chủ đề cũng khó cho ta nhận ra thông điệp mà tác giả muốn nhắn gửi từ việc va chạm, đổ vỡ này. Còn tác phẩm Người đàn ngồi bên cửa sổ cho ta cảm giác về một cảnh tượng đơn giản, nhưng cái mà người đàn bà lắng nhìn thì chúng ta khó có thể hình dung, đó là cảm giác về sự kỳ diệu toát ra từ tác phẩm.

Hội họa lãng mạn cũng đặt ra những chủ đề mới và đem lại niềm hứng thú cho người nghệ sĩ khi đứng trước thiên nhiên. Chắc chắn rằng chủ nghĩa lãng mạn, trong khi biến nghệ sĩ thành kẻ mơ mộng hão huyền, một người sáng tạo với đầy đủ ý nghĩa của danh từ này, đã mở ra những con đường mới dẫn đến nền nghệ thuật hiện đại.

III. Âm nhạc lãng mạn.

Như nhiều cuộc cách mạng chính trị thiết lập trật tự xã hội mới, các nhạc sĩ lãng mạn cũng đem lại nền tảng âm nhạc mới, trong đó nổi bật chiều sâu tình cảm. Họ xuất hiện sớm từ đầu thế kỷ XVIII như Felix Mendelssohn, Robert Schumann (Đức), Frederic Chopin (Ba Lan), Hector Berlioz (Pháp), Franz Liszt (Hungary)... Đến thế kỷ XIX, chủ nghĩa lãng mạn là dòng chủ đạo trong âm nhạc. Từ năm 1810, Beethoven đã tiếp cận khuynh hướng này nhưng phải từ 1821 trở đi, với tác phẩm Freischutz của Carl Maria von Weber, tiếp đó với những tác phẩm viết cho piano hay cho nhạc thính phòng do Schubert sáng tác mà chủ nghĩa lãng mạn được khẳng định. Sau này những tác phẩm của Giuseppe Verdi, củaWagner đã tạo ra ảnh hưởng nổi bật trong nền  âm nhạc giữa thế kỷ XIX. Những nhạc sĩ lãng mạn cuối cùng ở nửa sau thế kỷ này như Johannes Brahms, Peter Ilyich Tchaikovsky đã sáng tạo những bản giao hưởng, ballet, concerto giàu có và phong phú hơn. Rồi Gustav Mahler Bruckner đã cho phép khuynh hướng này kéo dài đến thế kỷ XX.

Âm nhạc lãng mạn hiển nhiên không phải được nhìn nhận chỉ để làm dịu tâm hồn. Ngược lại, âm nhạc này là để khêu gợi và đảo lộn cảm xúc. Cây đàn piano, thế chỗ cho cây clavecin, từ nay cho phép khai thác sự tương phản mạnh mẽ của những trạng thái tình cảm như Beethoven (trong Hammerklavier) và Chopin (trong phần cuối tác phẩm Révolutionnaire) đã làm. Cũng phương thức ấy, dàn nhạc dần dần trở nên táo bạo và tinh vi đã thật sự rõ ràng hơn trong Giao hưởng số 9 của Beethoven và trong Fantastique của Berlioz. Những âm thanh các nhà lãng mạn sáng tạo đặc biệt có màu sắc hơn, gợi cảm hơn những nhà cổ điển như Haydn hoặc Mozart.

Với những nhà lãng mạn, những hình thức thừa hưởng từ thế kỷ XVIII (nhất là thể loại sonate) rực rỡ hơn lên, tựa như thời kỳ bi kịch trong kịch nghệ. Vấn đề nhất quán của tác phẩm được đặt ra với tầm kịch liệt đặc biệt. Một vài nhạc sĩ, như Schumann trong những tác phẩm viết cho piano (Kinderszenen, KreislerianaCarnaval), còn ưu ái tính chất rực rỡ và từ đó tác phẩm âm nhạc được cấu tạo với nhiều đoạn ít nhiều được phát triển. Ở Wagner thì trái lại, thể loại opera không còn được phân chia thành những con số tương đối ngắn như trường hợp Mozart hoặc Rossini: thay vào đó tác phẩm opera được hình thành từ dòng chảy dài hơi và mạnh mẽ để người nghe cảm nhận được cao trào tình cảm của nhân vật, và chính sự trở về với chủ đề (leitmotiv) mà tác phẩm giữ được sự nhất quán. Cũng cách thức tương tự như thế, Berlioz đã mang đến một giai điệu không ngừng nghỉ, và chính xoay quanh một ý tưởng cố định như thế ông đã viết nên Symphonie Fantastique.

Ở Liszt, những tác phẩm thơ giao hưởng đều dựa trên những truyện kể văn học. Chỉ nhắc đến ba tác phẩm Ce qu’on entend sur la montagneMazeppa của Hugo, cũng như Préludes của Lamartine đã cung cấp cho Liszt chất liệu làm nên những sáng tác qui mô. Những tác phẩm văn học này đã tạo dựng được tên tuổi tuyệt vời trong tương quan âm nhạc và thơ ca mà gần như hầu hết các nhà lãng mạn đều đặc biệt quan tâm.
     
Nếu văn chương lãng mạn đã chiếm một không gian lớn lao trong nửa đầu thế kỷ XIX thì phải nhìn nhận rằng phiên bản âm nhạc của nó có lẽ cũng có một trọng lượng lớn lao như thế.

NGUYỄN PHÚ YÊN

No comments:

Post a Comment