.thongtin img{width:24px;height:18px;margin:5px 5px -5px 0} .thongtin li{margin:10px 0 20px}

Monday, April 23, 2012

LÊ HOÀNG VƯỚNG VÍU THỊ PHI

Đạo diễn Lê Hoàng là một thương hiệu. Cái tên Lê Hoàng đủ sức át vía tất cả những diễn viên có tên tuổi hoặc chưa tuổi tên đang tham gia vào bộ phim của anh. Lê Hoàng làm giám khảo của một cuộc thi giải trí, nhận xét của anh đủ sức đánh bật những dư chấn mà một ngôi sao đương thời muốn mang đến để trấn áp ban giám khảo.

Lê Hoàng viết báo, thôi thì khả năng chuyển tải ngôn ngữ không phải bàn. Anh thuộc hàng ngũ những nhà báo thượng thừa trong việc vận dụng ngôn ngữ.
Rồi đột nhiên sau Tết Nguyên đán, khi bộ phim “Tối nay 8 giờ” - một thể loại phim chiếu rạp vốn là thế mạnh của Lê Hoàng, tạo nên sự thất vọng cho công chúng, thì cái tên Lê Hoàng bắt đầu được mang ra mổ xẻ.
1. Ban đầu, các phóng viên viết văn hóa tỏ ra ý nhị khi nói mấp mé thời của Lê Hoàng đã hết.
Về sau, họ không còn giữ ý nữa, họ viết bài rất thẳng. Đương nhiên, họ nói không phải cái nào cũng sai.
Thậm chí, một nhà báo nêu đại ý, cái thành công nhất của Lê Hoàng là đã thuyết phục được nhà sản xuất chịu bỏ tiền ra để làm một bộ phim không hay đến vậy.
Đúng cái chất của mình, Lê Hoàng đã bật lại. Bật lại không khoan nhượng. Lê Hoàng bảo: “Phim tôi làm có cái cao, cái thấp, cái hay, cái dở nhưng chưa có phim nào ngu”.
Một cây bút đã túm lấy cái ý này, tẩn lại Lê Hoàng. Khi mà các chuyên trang giải trí cho chuyển tải lại bài viết ấy, nhiều bạn đọc đã gửi đến phần bình luận đồng tình với tác giả bài viết, phản ứng với lời của Lê Hoàng.
Tôi đã xem nhiều phim của Lê Hoàng, từ phim dài tập cho đến phim truyền hình.
Phim nào của Lê Hoàng cũng có những góc quay đẹp, diễn viên đẹp, phục trang đẹp và lời thoại đẹp.
Tôi không bàn đến tính logic trong phim Lê Hoàng, bởi đôi khi, Lê Hoàng thấy mình làm vậy là đã logic, còn người xem lại thấy phi thực tế.
Như khi, cô học trò lớp 12 trong phim Lê Hoàng, hỏi bạn rằng: “Nhà nó giàu lắm à. Giàu đến mức mua đươc xe bò bía này không?”.
Là hỏi rất thật, hỏi không mỉa mai.
Nếu Lê Hoàng viết báo đưa vào câu nói ấy, mọi chuyện sẽ khác. Còn đằng này, một nữ sinh học lớp cuối của bậc phổ thông trung học, lại có thể hỏi bạn một câu trớt quớt như vậy, e rằng, nữ sinh ấy có vấn đề về trí não.
Khi người xem nhận ra đó là điều không thực tế, tôi cho rằng, Lê Hoàng cũng nhận biết rõ điều ấy.
Nhưng Lê Hoàng vẫn cố làm, bởi Lê Hoàng là Lê Hoàng. Lê Hoàng chỉ quan tâm đến việc thể hiện tư duy của mình, còn tư duy của mình có chính xác hay không, Lê Hoàng không bận tâm đến.
Như hồi lâu lắm, Lê Hoàng cho nhân vật nhà báo, xông vào nhà vệ sinh nữ của một quán bar để đặt vấn đề với nữ tiếp viên quán bar rằng: “Tôi là nhà báo, tôi có thể phỏng vấn cô không?”.
Hay như khi Lê Hoàng xây dựng nhân vật mưu sinh bằng nghề đấm bóp giác hơi lọt vào mắt xanh của một đại gia giàu có và đồng tính. Đại gia đã làm nhiều cách để có thể sở hữu được người tình của mình.
Lê Hoàng muốn một sự đồng cảm với người đồng tính xung quanh nhân vật đại gia ấy. Tiếc rằng, đôi khi khả năng của một người là có giới hạn.
Và những phim về sau của Lê Hoàng, phim nào cũng để lại trong người xem nhiều thắc mắc.
Nhưng, thắc mắc với Lê Hoàng thì khác nào thắc mắc với Lê Thị Liên Hoan (một bút danh khi viết báo của Lê Hoàng – NNL).
Huề vốn cả.
2. Lê Hoàng có một cá tính mạnh. Hầu như tất cả những người thông minh đều có cá tính mạnh. Cá tính mạnh luôn đi liền với sự cực đoan.
Cực đoan không phải là điều không tốt. Nhưng tất cả bản chất của sự việc đều có hai mặt của nó. Anh không muốn đẽo cày giữa đường, thì rất có thể, anh sẽ đẽo ra một thứ gì khác chứ không phải là một công cụ phục vụ trong nông nghiệp.
Cái chất cực đoan của Lê Hoàng thể hiện rất rõ trong đoạn trả lời phỏng vấn của anh trên một tờ báo mạng lớn.
“Tôi có thể dùng một diễn viên diễn một nghìn lần nếu như người ấy hợp vai bất kể sự la ó của thiên hạ. Và tôi sẽ không dùng một ngôi sao, dù chỉ nửa lần, nếu thấy không đúng.           
Nhân đây cũng nói trong bộ phim Tối nay 8 giờ có nhiều diễn viên diễn tuyệt hay như Miu Lê hoặc Hoàng Phi. Người ta có thể không thích tác phẩm ấy vì mặt này hay mặt kia tùy họ. Nhưng nếu ai phủ nhận tài năng của hai bạn trẻ đó thì tôi coi họ không có chút kiến thức điện ảnh và đừng bao giờ nói chuyện với tôi nữa.
 Vẫn là phim của Lê Hoàng: chẳng giống ai ở cách xây dựng nhân vật, chẳng giống ai về lời thoại và cách kể chuyện. Điều ấy chắc có thể làm một số người bực mình nhưng nếu phải chọn giữa phong cách đám đông và phong cách Lê Hoàng thì tôi xin phép cứ được là Lê Hoàng”.
Không cần xin phép, thì Lê Hoàng vẫn cứ là Lê Hoàng. Lê Hoàng không thể là Lê Không Hoàng hoặc Hoàng Không Lê được. Tên gọi vốn dĩ không thay đổi bản chất của một cá nhân. Điều này được gọi nôm na là Chiếc áo không làm nên thầy tu, hay Giải thưởng không làm nên một diễn viên giỏi. Vương miện hoa hậu không khiến phụ nữ trở nên đoan trang…
Và vẫn là Lê Hoàng:
“Khối anh nhảy xổ vào chê được Lê Hoàng thì sướng rơn, khoái trá! Họ luôn luôn thủ sẵn “búa rìu” dành riêng cho tôi. Thật ra trong thâm tâm đấy là những kẻ yếu đuối, tự ti. Lấy khoái cảm bằng cách rình mò người khác. Tại sao tôi phải sợ “búa rìu dư luận” trong khi bản thân tôi cũng là một thứ “búa rìu””.
Lê Hoàng nói rất đúng vế thứ hai trong câu nói này.
Lê Hoàng là một thứ búa rìu, dẫu vẫn biết, việc viết báo để phê phán một ai đó là việc chẳng đặng đừng. Nhiều khi muốn lờ đi, như thấy con người ấy, vụ việc ấy nó chướng tai gai mắt quá, thế là viết.
Có thể viết đúng hoặc viết sai, có thể là do nhận thức hoặc do khả năng, nhưng đó là những bài viết không có ý tư lợi cá nhân hoặc để hủy hoại một ai cả.
Búa hay rìu là thứ để chặt, chém, đốn, chẻ... Không cây bút nào lại muốn ngôn ngữ hay bài viết của mình làm nhiệm vụ ấy. Như một kiếm sĩ, những màn múa may quay cuồng tưởng chừng như sắp ra chiêu chỉ nhằm mục đích duy nhất nhằm khi xuống chiêu là để nhân vật hay vụ việc mình được đề cập nhận thức lại lẫn dư luận bình tĩnh hơn.
Trả lại đúng bản chất của nhân vật, sự việc mà nó vốn xứng đáng thuộc về là điều mà tất cả các cây bút chân chính đều muốn hướng đến.
Lê Hoàng hơi thái quá khi cho rằng: “Khối anh nhảy xổ vào chê được Lê Hoàng thì sướng rơn, khoái trá! Họ luôn luôn thủ sẵn “búa rìu” dành riêng cho tôi. Thật ra trong thâm tâm đấy là những kẻ yếu đuối, tự ti. Lấy khoái cảm bằng cách rình mò người khác”.
Là Lê Hoàng tự nghĩ vậy thôi, không ai lại thủ sẵn hung khí để xem phim của Lê Hoàng. Cũng như, không ai rảnh đến mức lấy sự phê phán nội dung phim của Lê Hoàng làm điều khoái trá.
Sắc thái trong ý nghĩ của Lê Hoàng, ngoài sự tự tin còn có cả sự mặc cảm, như khi người ta giấu gốc tích của mình hoặc tư duy lại quá khứ. Không kẻ yếu đuối nào dám lộ mặt để phê phán Lê Hoàng, đó là điều gần như tôi đoan chắc.
Bởi sự phản công của Lê Hoàng là điều cực kỳ ghê gớm.
Tôi thích câu nói của Lê Hoàng “Lấy khoái cảm bằng cách rình mò người khác”. Khoái cảm là cụm từ cổ, ít người sử dụng. Khi đã sử dụng lại rất thú vị về mặt ngữ nghĩa. Lê Hoàng sử dụng cụm từ này duyên vô cùng.
Thế nhưng, phim Lê Hoàng không phải là phim chiếu trong phòng ngủ để người khác phải đục vách rình mò, anh ạ...
3. Trong một chuyên đề trên ANTG Cuối tháng và Giữa tháng, tôi có yêu cầu Hoàng Thụy Yên – một cộng sự đắc lực của tôi phỏng vấn Lê Hoàng. Bắt buộc phải có được ý kiến của Lê Hoàng để trang chuyên đề thêm sống động.
Hoàng Thụy Yên nghe nói phỏng vấn Lê Hoàng thì hoảng lắm. Hoàng Thụy Yên gọi đi gọi lại, kiểu như, có cần thiết phải phỏng vấn Lê Hoàng không, mình sợ anh Lê Hoàng lắm.
May là, Lê Hoàng đã chịu trả lời phỏng vấn của Hoàng Thụy Yên. Chắc có thể là do Hoàng Thụy Yên đặt câu hỏi tốt. Mà cũng có thể, do tình cảm của Lê Hoàng dành riêng cho tờ ANTG Cuối tháng và ANTG Giữa tháng.
Nhắc chi tiết này để nhớ, trong giới viết lách, rất ngại va chạm với Lê Hoàng.
Ít nhiều tôi nghĩ, Lê Hoàng không thích tôi. Chưa chắc, tôi đã thích Lê Hoàng.
Nhưng, vẫn bảo lưu quan điểm rằng, Lê Hoàng là một tài năng thực thụ chứ không phải là người hoạt ngôn trống rỗng như những bài viết về Lê Hoàng đang hiện hữu.
Trong làng giải trí mà vắng đi một nhân vật như Lê Hoàng sẽ để lại nhiều khoảng trống buồn tẻ. Như cái cách mà người ta thích nghe Đàm Vĩnh Hưng kênh kiệu hơn là nghe hàng tá ca sĩ khác kể lể chuyện tình là vì vậy.
Vấn đề chính là đẳng cấp mang lại sự khác biệt.
Hơn nữa, thị phi chỉ đến với những người có tên tuổi. Không ai lại đi kiếm chuyện thị phi với một người vô danh bao giờ.
Lê Hoàng, chắc hiểu rõ điều này hơn tôiDescription: http://antgct.cand.com.vn/Images/reddot.gif

Ngô Nguyệt Lãng

No comments:

Post a Comment